Hãy xem thói đạo đức giả của Bắc Kinh qua việc phát triển hệ thống phòng thủ tên lửa

Peter Brookes

Tổng thống Pháp Emmanuel Macron duyệt đội danh dự cùng nhà lãnh đạo Trung Quốc Tập Cận Bình, trong lễ đón tiếp ngày 06/04/2023 bên ngoài Đại lễ đường Nhân dân ở Bắc Kinh, Trung Quốc. (Ảnh: Ng Han Guan/Pool/Getty Images)

Thật buồn cười là giờ đây quý vị không còn nghe thấy Bắc Kinh phản đối việc Mỹ triển khai các hệ thống phòng thủ tên lửa, bởi vì chính Trung Quốc cũng đang triển khai các hệ thống này.

Trong nhiều năm, Trung Quốc đã luôn phàn nàn về việc Hoa Kỳ phát triển các hệ thống phòng thủ tên lửa – điều mà Bắc Kinh từng không thể làm được. Theo lời Trung Quốc thì các hệ thống phòng thủ tên lửa của Mỹ đe dọa đến ổn định và an ninh ở châu Á.

Tại đây hãy bàn về thói đạo đức giả của Bắc Kinh.

Đầu tháng này, Bộ Quốc phòng Trung Quốc báo cáo rằng một trong những hệ thống phòng thủ tên lửa của nước này đã tiến hành “cuộc thử nghiệm đánh chặn tên lửa đang bay ở giai đoạn giữa từ mặt đất” và đã đạt được mục tiêu mong muốn.

Đương nhiên, người Trung Quốc tuyên bố rằng cuộc thử nghiệm “chỉ mang tính phòng thủ và không nhằm vào bất kỳ quốc gia nào”. Nhưng xét đến mối quan hệ căng thẳng với Hoa Kỳ, cuộc thử nghiệm này chắc chắn nhằm vào Washington.

Tuy nhiên, thật kỳ lạ là Bộ Quốc phòng Trung Quốc không đề cập đến việc hệ thống phòng thủ tên lửa của nước này có khả năng phá hoại ổn định và an ninh ở châu Á như thế nào – như hệ thống của Mỹ được cho là sẽ làm.

Thật ra, điều này không kỳ lạ chút nào.

Như quý vị biết, hệ thống đánh chặn tên lửa đang bay ở giai đoạn giữa được thiết kế để tiêu diệt tên lửa đạn đạo xuyên lục địa tầm trung và tầm xa khi chúng bay trong không gian tới mục tiêu trên mặt đất.

Để đánh chặn một tên lửa tốc độ cao đang bay bên ngoài Trái đất (bên ngoài bầu khí quyển) là một thách thức về mặt công nghệ.

Hoa Kỳ có hệ thống đánh chặn tên lửa đang bay ở giai đoạn giữa của riêng họ bao gồm (i) các cảm biến trên không gian, trên đất liền và trên biển được kết nối với nhau để theo dõi và tiêu diệt các mục tiêu và (ii) các loại vũ khí hit-to-kill (tiêu diệt ngay khi va chạm) trên biển và trên đất liền như tên lửa SM-3 và tên lửa đánh chặn bố trí trên mặt đất Ground-Based Interceptor.

Hệ thống phòng thủ tên lửa của Mỹ hiện có khả năng phòng thủ trước một vụ phóng bất ngờ hoặc một cuộc tấn công hạn chế – chẳng hạn như cuộc tấn công từ Triều Tiên, nhưng không có khả năng đối phó với một cuộc tấn công tên lửa quy mô lớn hơn đến từ lực lượng hạt nhân của Trung Quốc hoặc Nga.

Bên cạnh các hệ thống phòng không S-300 và S-400 mua từ Nga, Trung Quốc đã phát triển hệ thống phòng thủ tên lửa đối với tên lửa tầm ngắn và tầm trung trong các hệ thống HQ-9 và HQ-19. Không rõ liệu cuộc thử nghiệm gần đây nhất mà Trung Quốc thực hiện là của một hệ thống hiện có hay là của một hệ thống hoàn toàn mới với các khả năng nổi trội hơn.

Giống như Hoa Kỳ, Trung Quốc có vẻ như đang phát triển hệ thống phòng thủ tên lửa nhiều lớp có thể xử lý một loạt các mối đe dọa. Tất nhiên, nỗ lực này đứng sau ưu tiên của Trung Quốc là gia tăng ở quy mô lớn kho vũ khí hạt nhân.

Mặc dù Mỹ hiện có nhiều tên lửa đạn đạo liên lục địa và đầu đạn hạt nhân hơn Trung Quốc, nhưng Bắc Kinh lại có nhiều bệ phóng cố định và di động trên đất liền hơn Washington, theo thông tin từ Bộ Tư lệnh Chiến lược Hoa Kỳ.

Hoa Kỳ hiện có 450 kho chứa tên lửa trên đất liền.

Rất có khả năng theo thời gian, Bắc Kinh sẽ lấp đầy các bệ phóng cố định và di động của họ bằng tên lửa đạn đạo liên lục địa mang đầu đạn hạt nhân, từ đó đạt được sự cân bằng hạt nhân hoặc thậm chí là ưu thế hạt nhân so với Washington.

Thật vậy, Lầu Năm Góc ước tính rằng Trung Quốc có thể có 1.500 đầu đạn hạt nhân được triển khai vào năm 2035, gần bằng với 1.550 đầu đạn mà Hoa Kỳ hiện đang triển khai theo Hiệp ước Cắt giảm Vũ khí Chiến lược Mới với Nga.

Trên tất cả, việc thành công trong phát triển và mở rộng các lực lượng hạt nhân trên biển (tức là tàu ngầm) và trên không (tức là máy bay ném bom) của Trung Quốc — cùng với hệ thống phòng thủ tên lửa ngày càng mạnh của nước này — sẽ chỉ làm phức tạp thêm vô số thách thức an ninh liên quan.

Với việc Bắc Kinh không muốn thảo luận cùng Washington về các chương trình tấn công và phòng thủ chiến lược của họ, con đường duy nhất dành cho Mỹ là tăng cường khả năng răn đe chiến lược, khả năng tấn công hạt nhân và hệ thống phòng thủ tên lửa của họ trước mối đe dọa ngày càng tăng từ phía Trung Quốc.

Việc không hành động để giải quyết các vấn đề tấn công và phòng thủ chiến lược cấp bách này ngay vào thời điểm này chắc chắn sẽ gây ra những hậu quả khó chịu cho các lợi ích toàn cầu của Hoa Kỳ, bởi Trung Quốc đang ngày càng hung hăng.

Xuân Hoa biên dịch

Related posts