Khi cuộc tranh luận về vai trò của trí tuệ nhân tạo trong thế giới kỹ thuật số vẫn tiếp diễn, không lãng phí thời gian, ngành quản lý chuỗi cung ứng cũng đang vận dụng công nghệ này.
Đối với những người trong ngành này, việc tích hợp AI không thể diễn ra sớm được. Một số chuyên gia quản lý chuỗi cung ứng có trụ sở tại Hoa Kỳ cho biết AI sẽ có một tác động thậm chí “sâu sắc” hơn đến ngành này so với [tác động của] Internet.
Trong một phân tích năm 2022 về các công ty quản lý chuỗi cung ứng, nghiên cứu cho thấy mặc dù hiện nay chỉ có 17% trong số các công ty đó đang sử dụng AI trong hoạt động thường nhật của họ, nhưng gần 45% dự trù sẽ tích hợp AI vào năm 2027.
Nghiên cứu này cũng cho thấy gần 50% công ty tin rằng AI có thể phá vỡ chuỗi cung ứng toàn cầu này.
Đối với nhiều người, chỉ đề cập đến các vấn đề về chuỗi cung ứng thôi cũng đủ gây căng thẳng.
Các cảng bị tắc nghẽn và việc vận chuyển mọi thứ từ thực phẩm đến khí đốt bị đình trệ do đại dịch COVID-19 và sau đó là cuộc chiến của Nga ở Ukraine đã tạo ra tình trạng lạm phát và thiếu hụt hàng hóa cho hàng triệu người.
Các sự kiện trọng đại trên toàn cầu đa phần là nguyên nhân gây ra những sự gián đoạn chuỗi cung ứng gần đây, còn những người trong ngành cho biết sự xuống cấp căn bản trong cơ sở hạ tầng đã tạo ra các rắc rối.
Ông Amit Hasak, Tổng giám đốc kiêm người sáng lập của Transship nói với The Epoch Times: “Sự gián đoạn, theo quan điểm của chúng tôi, là một điều tốt. Chuỗi cung ứng cần phải trở nên tốt hơn. Các mô hình kinh doanh lỗi thời cũ kỹ không phải là cách thực hiện điều đó.”
Đối với ông Hasak, hiện đại hóa chuỗi cung ứng là một điều cần thiết.
Công ty quản lý chuỗi cung ứng có trụ sở tại Chicago của ông đã nhận thấy được mức độ cần thiết để nâng cấp nhằm tạo ra các công ty hoạt động hiệu quả hơn và mạng lưới bền vững hơn.
Và ông cho rằng AI có vai trò trọng đại trong việc này.
Khi đưa đại công nghệ vào chuỗi cung ứng này, ông Hasak tin rằng đó sẽ là một hiệu ứng đám đông. “Hiện nay AI rất ‘hấp dẫn’. Điều này sẽ không đợi đến nhiều thập niên mới xảy ra. Chuyện này sẽ xảy ra khá nhanh.”
Tuy nhiên, một số thay đổi nghiêm trọng phải được giải quyết trước. Ông đã lưu ý rằng nhiều nền tảng quản lý chuỗi cung ứng cần được tự động hơn thay vì duy trì các hoạt động thủ công. Sự thay đổi đó cần áp dụng cho mọi ngóc ngách của ngành này, từ hoạt động quản trị vận hành hàng hóa đến vận chuyển và tồn kho.
Khi nói đến công nghệ vốn có ảnh hưởng trọng đại, ông Hasak cho rằng AI có tiềm năng đó “thậm chí còn sâu sắc hơn cả Internet.”
Tạo nên một sự khác biệt
“Một lợi thế độc đáo của AI là khả năng tối ưu hóa lịch trình và tuyến đường vận chuyển trong thời gian thực, giúp giảm chi phí và tăng hiệu quả,” ông Iu Ayala nói với The Epoch Times.
Ông Ayala là một nhà tiên phong công nghệ cao và là Tổng giám đốc của công ty tư vấn AI, Gradient Insight. Ông cho biết các hệ thống do AI vận hành có thể giúp các công ty dự đoán nhu cầu và điều chỉnh mức tồn kho, giảm thiểu rủi ro hết hàng dự trữ hoặc dự trữ quá mức một cách hiệu quả.
“Giống như bất kỳ sự đổi mới nào, chìa khóa để khai triển thành công công nghệ AI nằm ở việc hiểu được các khả năng và hạn chế của nó,” ông nhận định.
Giám đốc công nghệ của Transship, ông Abhishek Iyer, đồng ý với quan điểm này, nói rằng: “Sự hiểu biết này có thể giúp chúng ta đưa ra những quyết định tốt hơn.”
Ông Iyer cho rằng AI giúp ích trong quá trình ra quyết định trước khi đưa ra lựa chọn cuối cùng về dịch vụ và vận chuyển. Công nghệ này có thể dự đoán các tình huống như thị trường và điều kiện lưu thông trong khi thực hiện hoạt động quản trị vận hành hàng hóa trong thời gian thực.
“Đó là về việc quý vị được cung cấp thông tin và đưa AI vào cuộc sống thường nhật của quý vị.”
Ông cho biết thêm việc thu thập dữ liệu quan trọng là một phần then chốt trong chiến lược tích hợp AI cho tất cả các bộ phận của chuỗi cung ứng, trong đó có công ty Transship.
Mặc dù AI có nhiều tiềm năng và ngành quản lý chuỗi cung ứng đều háo hức, nhưng ông Ayala cho biết những người dùng nên chuẩn bị sẵn sàng để giải quyết những thách thức tiềm ẩn của AI.
Ông nói: “Điều quan trọng là phải nhận thức được những lo ngại về bảo mật tiềm ẩn xảy ra khi sử dụng AI trong chuỗi cung ứng toàn cầu.”
Những rủi ro về bảo mật
Không thiếu các vi phạm về bảo mật bắt nguồn từ AI trong những năm gần đây. Đây là nguồn gốc của mọi thứ, từ “deepfake” (kỹ thuật tổng hợp hình ảnh dựa trên trí tuệ nhân tạo) trên mạng xã hội cho đến những vụ xâm nhập dữ liệu, và các trò lừa đảo (phishing) tinh vi hơn.
Ngày càng có nhiều nhà tiên phong về công nghệ, nhà phát triển, chủ doanh nghiệp, và nhà hoạch định chính sách đều lo ngại rằng AI sẽ trở thành một thứ gì đó không chỉ là một công cụ để tổ chức các ngành nghề tốt hơn.
Trong những tuần vừa qua, cuộc thảo luận này xoay quanh khả năng của AI có thể đe dọa quyền tự chủ của nhân loại trong một tương lai không xa.
Tuy nhiên, trong việc quản lý chuỗi cung ứng, thì những rủi ro trước mắt có liên quan đến việc bảo vệ dữ liệu.
Hai trong số các vụ xâm nhập dữ liệu lớn nhất chưa từng có đã xảy ra vào năm 2019, cả hai đều liên quan đến AI. Sự kiện này bao gồm việc tiết lộ 885 triệu hồ sơ tài chính của tập đoàn First American trên các máy chủ công cộng.
Ông Ayala cho biết: “Một rủi ro tiềm ẩn là khả năng xảy ra các cuộc tấn công mạng vào các hệ thống do AI vận hành, vốn có thể làm gián đoạn chuỗi cung ứng và dẫn đến những tổn thất tài chính đáng kể.”
“Để giải quyết những lo ngại này, các công ty nên ưu tiên đầu tư vào các biện pháp bảo mật mạnh mẽ và đào tạo nhân viên của họ về các phương pháp hay nhất để quản lý dữ liệu.”
Nêu lên thách thức này, một số công ty đã nhận ra những rủi ro bảo mật của AI và đang đương đầu giải quyết những thách thức đó.
Ông Neil D’Souza là Tổng giám đốc kiêm người sáng lập Makersite, một công ty sử dụng AI để đưa ra các quyết định về chuỗi cung ứng nhanh hơn và hiệu quả hơn, theo trang web của họ, là nhanh hơn gấp năm mươi lần.
Ông D’Souza nói với The Epoch Times: “Trên thực tế, AI có khả năng phá vỡ chuỗi cung ứng, sản xuất, và nhiều chức năng kinh doanh khác.”
Mặc dù công ty của ông trợ giúp tính minh bạch và khả năng phục hồi của chuỗi cung ứng, nhưng họ cũng giải quyết vấn đề bảo mật và khắc phục sự cố.
Ông nói: “Các giải pháp AI như các sản phẩm của Makersite thực sự thúc đẩy các chức năng bảo mật, trong đó có việc quản lý rủi ro và ngăn ngừa tổn thất.”
Tuy nhiên, ngoài việc bảo vệ dữ liệu, ông Iyer nói rằng con người vẫn phải tham gia vào quá trình đưa ra quyết định khi việc sử dụng AI tiếp tục phát triển và tiến hóa.
“Miễn là con người còn có quyền lựa chọn, thì mọi thứ sẽ ổn,” ông Iyer nói thêm. “Nếu AI đang giúp quý vị đưa ra quyết định tốt hơn, tức là công nghệ này đang được khai triển và sử dụng đúng cách.”
Đối với nhiều người, những lợi ích này vượt trội hơn những lo ngại về an ninh, vốn là điều mà những người ủng hộ AI cho là một phần của những khó khăn ngày càng tăng của bất kỳ bước nhảy vọt công nghệ mới nào.
Ông Ayala cho biết: “Bằng cách tận dụng sức mạnh của AI, các công ty có thể đạt được hiệu quả cao hơn [và] tối ưu hóa hoạt động của họ.”
Ông D’Souza lưu ý rằng AI tạo ra sự minh bạch trong “các tầng sâu” của chuỗi cung ứng. Điều này cho phép các công ty ứng phó nhanh hơn trước những thách thức đột ngột như các cuộc chiến tranh, thiên tai, và đại dịch.
Tuy nhiên, trong khi nhiều người còn đang suy xét tỷ lệ chi phí-lợi ích của việc sử dụng AI, thì cơ hội đã trôi qua.
Các kế hoạch để AI mở rộng trong việc quản lý chuỗi cung ứng là rất lạc quan, nhưng ông Hasak nói rằng vẫn còn rất nhiều việc hiện đại hóa cần được thực hiện trước tiên.
Khi được hỏi liệu ông có nghĩ rằng ngành này có thể đạt tỷ lệ tích hợp AI 45% vào năm 2027 hay không, ông tỏ ra hoài nghi. “Tôi thấy không có nhiều cơ sở hạ tầng để làm điều đó.”
Autumn Spredemann
Nhật Thăng biên dịch