Mới đây, một bài đăng phản chiến, trong đó có ngôn từ chỉ trích Bắc Kinh, đã lan truyền mạnh mẽ trên các nền tảng truyền thông xã hội Trung Quốc, gây được tiếng vang lớn trong lòng người dân.
Năm nay, Đảng Cộng sản Trung Quốc (ĐCSTQ) đã nhiều lần đe dọa sáp nhập Đài Loan bằng vũ lực, kèm theo đó là các cuộc xâm nhập quân sự thường xuyên hơn vào các vùng lãnh thổ trên biển và trên không của quốc đảo.h
Trong bối cảnh đó, một bài đăng phản chiến đã thu hút sự chú ý của cư dân mạng Trung Quốc. Bài đăng viết: “Nếu chiến tranh nổ ra, tôi sẽ không tham chiến và tôi sẽ không để các con tôi tham chiến. Tôi là một người sống dưới đáy xã hội. Không ai nhớ đến chúng tôi trong thời bình. Chỉ những lúc khó khăn, họ mới bắt đầu nghĩ đến chúng tôi. Họ nói rằng khi đất nước gặp khó khăn, mọi người cần phải làm tròn bổn phận của mình. Nhưng họ không đối xử với chúng tôi như vậy khi họ nhận được lợi ích hay khi họ hưởng các đặc quyền quốc gia. Ai muốn tham chiến thì cứ việc đi. Dù thế nào tôi cũng sẽ không đi và tôi sẽ không để các con tôi đi”. Các học viên trong Quân đội Giải phóng Nhân dân (PLA) tập luyện tại Học viện Kỹ thuật Lực lượng Thiết giáp của PLA ở Bắc Kinh, Trung Quốc, ngày 22/07/2014. (Ảnh: Greg Baker/AFP/Getty Images)
Bài đăng phản chiến này đã được đăng lại trên nhiều nền tảng trực tuyến khác nhau ở Trung Quốc đại lục. Vô số cư dân mạng đã chia sẻ quan điểm tương tự bằng cách để lại bình luận.
Một cư dân mạng viết: “Con cái và vợ của các quan chức cấp cao đều đã chuyển đến Mỹ. Tại sao chúng ta, những người dân thường, phải liều mạng [chiến đấu vì họ]?”.
Một người khác viết: “Hãy đưa tôi vũ khí và xem tôi sẽ bắn vào ai. Tôi chắc chắn sẽ nhắm mục tiêu vào những người buộc tôi phải ra chiến trường. Tôi không có ác cảm với bất kỳ ai khác”.
Một cư dân mạng tên là “Le Si” đã đăng trên nền tảng trực tuyến Zhihu (một nền tảng giống như Quora) như sau: “Những người nhận được nhiều lợi ích hơn từ đất nước nên tích cực hơn trong việc tham gia cuộc chiến”.
Một số cư dân mạng khác thì cho rằng nên đưa các quan chức tham nhũng ra chiến trường: “Hãy để cán bộ quản lý đô thị và quản lý nông nghiệp đi đầu!”.
Trong một bài đăng khác trên Zhihu, một cư dân mạng có tên “Thinking Slowly about the World” (Suy nghĩ chậm về thế giới) đã chia sẻ quan điểm của mình về lý do tại sao “không sẵn sàng chiến đấu vì đất nước”. Chia sẻ này đã được rất nhiều người Trung Quốc đồng tình.
“Thứ nhất, việc lạm dụng quyền lực, ngược đãi người dân mà giới quản lý nông nghiệp, quản lý đô thị, thậm chí cả cảnh sát giao thông đang thực hiện đã gây ra tác động tiêu cực to lớn. Đặc biệt là cán bộ quản lý nông nghiệp, những người này đã xúc phạm đến ít nhất 60% công chúng”.
Lý do thứ hai là sự chênh lệch giàu nghèo quá lớn trong xã hội Trung Quốc, “chẳng hạn như việc các công ty sản xuất sản phẩm xét nghiệm PCR COVID-19 đã lợi dụng đại dịch để kiếm hàng chục tỷ đô-la”.
Lý do thứ ba là các quan chức cộng sản tham nhũng trên diện rộng. “Họ sử dụng quyền lực để làm lợi cho những người thân cận với họ, điều đó thật kinh tởm. Đây là lý do tại sao một số cư dân mạng hỏi: ‘Chúng ta sẽ bảo vệ ai đây? Bảo vệ ‘thiếu gia’ Zhou hay bảo vệ ‘cá da trơn Bắc cực’ với số tiền tiết kiệm 9 con số?’”.
‘Thiếu gia’ Zhou là chỉ Zhou Jie, con trai của một quan chức ĐCSTQ ở tỉnh Giang Tây, người từng phô trương sự giàu có của mình trên mạng xã hội. Anh này nói rằng loại trà mà anh ta uống có giá 200.000 nhân dân tệ/cân (1 cân Trung Quốc bằng 596,8 gam).
“Cá da trơn Bắc cực” là tên mà cư dân mạng Trung Quốc gọi cháu gái của một quan chức thành phố Thâm Quyến đã nghỉ hưu; hiện cô này đang du học tại Úc. Cô từng khoe trên mạng xã hội rằng gia đình cô có khoản tiết kiệm 9 con số và rằng tất cả đều do người dân Trung Quốc chu cấp; điều này đã khiến dư luận phẫn nộ.
Đây không phải là lần đầu tiên công chúng Trung Quốc bày tỏ thái độ phản chiến trước các nỗ lực thúc đẩy chiến tranh và các chiến dịch tuyên truyền chiến tranh của ĐCSTQ.
Vào tháng 2, truyền thông Trung Quốc đại lục đã đăng một bài báo trực tuyến có tiêu đề: “Nếu tổ quốc cần, bạn có ra tiền tuyến không?”. Bài báo tuyên bố rằng 94% những người được phỏng vấn nói rằng họ “sẵn sàng lên đường”.
Tuy nhiên, các bài đăng trong phần bình luận của bài báo lại cho thấy phản ứng hoàn toàn ngược lại. Cư dân mạng Trung Quốc, người này nối tiếp người khác, viết rằng: “Hãy để các quan chức đi [ra tiền tuyến] trước”.
“Nếu tôi phải nhập ngũ, thì tôi sẽ nổi loạn vì tôi có súng trong tay”. Các binh sĩ Quân Giải phóng Nhân dân Trung Quốc (PLA) trong một đợt huấn luyện quân sự tại Dãy núi Pamir ở Kashgar, Tân Cương (phía tây bắc Trung Quốc), ngày 04/01/2021. (Ảnh: STR/AFP qua Getty Images)
ĐCSTQ đã thực hiện một loạt hành động để chuẩn bị cho chiến tranh, với mục đích xâm lược Đài Loan và đẩy lùi Mỹ cùng Nhật Bản – những nước sẽ đến viện trợ Đài Loan.
Từ ngày 01/03, ĐCSTQ đã thực thi Luật Quân nhân Dự bị mới. Luật mới quy định độ tuổi phục vụ tối đa đối với sĩ quan quản lý chỉ huy dự bị và sĩ quan kỹ thuật chuyên nghiệp là 60 tuổi, thay thế các giới hạn tuổi theo bậc trong luật cũ là 60, 55 và 50 tuổi.
Ngày 24/02, chính quyền Trung Quốc cũng đã thông qua một nghị quyết để điều chỉnh việc áp dụng một số điều khoản của Luật Tố tụng Hình sự đối với quân đội trong thời chiến, có hiệu lực từ ngày 25/02. Những điều chỉnh mới nhằm vào “các tội có tính chất quân sự” mà có thể gây ra mối đe dọa cho ĐCSTQ, chẳng hạn như “đào tẩu và đào ngũ” trong quân đội trong thời chiến.
Nghị quyết cũng vạch ra cơ sở pháp lý để ĐCSTQ tuyên bố thiết quân luật nếu cần để kiểm soát tình hình trong nước.
Ông Li Dayu, nhà bình luận về các vấn đề Trung Quốc, đã nói về bài đăng phản chiến trong một chương trình của đài truyền hình NTD vào ngày 29/04 như sau: “Nếu những gì chính quyền làm thực sự đại diện cho ý chí của người dân, và nếu quyền cai trị của họ thực sự được người dân công nhận, thì người dân sẽ không nói về họ như thế này”.
“Phát động một cuộc chiến tranh bất chính, những gì họ sẽ nhận được là sự thờ ơ của mọi người, và người dân thậm chí sẽ giúp đỡ phía bên kia”.
Xuân Hoa biên dịch