Jeffrey A. Tucker
Chính quyền Biden làm ra vẻ vụ JPMorgan Chase mua lại Ngân hàng First Republic là một thương vụ mua bán và sáp nhập bình thường. Tuy nhiên, đây thực chất lại là một gói cứu trợ trá hình.
Cuối tuần vừa qua mang đến cho chúng ta tin tức rằng JPMorgan Chase đã mua lại ngân hàng First Republic vốn đang sụp đổ. Đi cùng với nó là những con số thực sự đáng kinh ngạc và chúng càng củng cố thêm vị thế siêu ngân hàng của JPMorgan. Đối với nhiều độc giả, đây là một thương vụ khổng lồ cao siêu và không có gì đáng để chúng ta suy nghĩ, đặc biệt là vì những con số về cơ bản là không thể nắm bắt được đối với người bình thường.
Các độc giả có thể nghĩ rằng, miễn là toàn bộ hệ thống ngân hàng Mỹ vẫn hoạt động ổn định, thì tất cả đều ổn. Và đó chính xác là thông điệp mà chính quyền Biden muốn rêu rao. Không có vấn đề gì ở đây đâu. Mọi người hãy tiếp tục cuộc sống bình thường vì mọi thứ đều ổn. Tổng thống Mỹ Joe Biden được Giám đốc điều hành Jill Scarbro của công ty Dịch vụ Học tập Tương lai Tươi sáng giới thiệu trong một sự kiện đánh dấu Tuần lễ Doanh nghiệp Nhỏ Quốc gia tại Vườn Hồng tại Tòa Bạch Ốc vào ngày 01/05/2023 ở Washington, DC, Mỹ.
Cứu trợ trá hình
Trên thực tế, đây không phải là một vụ sáp nhập ngân hàng bình thường. Đây là một gói cứu trợ dưới chiêu bài sáp nhập. Nó mang lại lợi ích khổng lồ cho nhóm lợi ích tư nhân giàu có trong khi công chúng phải gánh chịu thiệt hại.
Bị chôn vùi trong những câu chuyện được bàn luận là hai thông tin quan trọng.
Đầu tiên, FDIC tài trợ 50 tỷ USD cho toàn bộ thỏa thuận. Nếu không có khoản tiền đó, liệu thương vụ có thành công? Tôi rất nghi ngờ điều đó. Ai đó sẽ mua tài sản của First Republic nhưng với mức chiết khấu sâu và có khả năng đó không phải là JPMorgan.
Thứ hai, FDIC (một quỹ công) đã đồng ý chịu trách nhiệm cho các khoản lỗ cho các khoản cho vay xấu nhất của First Republic, đó là các khoản thế chấp của một hộ gia đình.
Tôi rất muốn thấy một kịch bản khác trong đó First Republic được bán mà không có khoản trợ cấp khổng lồ từ chính phủ và không có việc bảo lãnh cho các khoản nợ xấu. Giá sẽ là bao nhiêu? Người mua sẽ trả bao nhiêu? 70 xu cho 1 USD? 20 xu cho 1 USD? Ít hơn? Chúng ta sẽ không bao giờ biết.
Đây không được gọi là gói cứu trợ vì thuật ngữ đó gợi lại những ký ức về năm 2008. Thay vào đó, các cơ quan quản lý liên bang đã làm điều y hệt ngoại trừ việc đổi tên gọi theo hướng chủ nghĩa tư bản. Họ làm ra vẻ rằng, đây chỉ đơn thuần là một vụ mua lại bình thường trong chủ nghĩa tư bản! Thực tế đây không phải là chủ nghĩa tư bản. Đây là một thỏa thuận thân hữu giúp xã hội hóa chi phí và tư nhân hóa lợi nhuận.
Có một nhà bình luận đã hiểu được điều này một cách chính xác và ngay lập tức. Đó chính là ông Robert F. Kennedy, Jr., [người đã tuyên bố ra tranh cử Tổng thống Mỹ] người đã tweet phân tích này:
[Các gói cứu trợ tạo ra những động cơ tai hại cho các ngân hàng thực hiện những động thái tham vọng liều lĩnh bằng tiền của người gửi tiền, biết rằng họ sẽ bỏ túi những món hời lớn khi họ thành công và rằng người đóng thuế sẽ bảo lãnh cho họ khi họ thất bại].
Đây là những quan sát cực kỳ sắc sảo và thật thú vị khi ông Kennedy là một trong số ít người được công chúng biết đến đủ thông minh để hiểu điều gì đang thực sự xảy ra với thương vụ tài chính cao cấp này.
Tài chính hóa nền kinh tế
Ông Kennedy cũng đi vào vấn đề cốt lõi: tài chính hóa quá mức nền kinh tế. Điều này là do chính Cục Dự trữ Liên bang Mỹ gây ra với chính sách lãi suất bằng 0 cực kỳ điên rồ và nguy hiểm bắt đầu vào năm 2008. Chúng ta đã trải qua 15 năm ngớ ngẩn và nó đã tạo ra những biến dạng lớn trong cơ cấu sản xuất và hệ thống tài chính nói chung. Và giờ đây, Fed đang cố gắng che đậy một vấn đề do chính họ tạo ra.
Giữa “cuộc vui” lãi suất thấp, First Republic đã kiếm được nhiều tiền bằng cách cho những người giàu vay để mua những tòa nhà gỗ dán đắt tiền với lãi suất cực kỳ thấp. Mọi thứ diễn ra tốt đẹp cho đến khi Fed nhận ra (dù quá muộn màng) rằng, họ đã gây ra một đợt lạm phát khủng khiếp và họ phải kiểm soát nó. Vì vậy, họ đã bắt đầu một chiến dịch để nâng lãi suất lên trên 0. Điều này đòi hỏi một nỗ lực to lớn và nhanh chóng để đi từ sự phi lý sang hiện thực.
Fed có thể kiểm soát lãi suất cho vay ngắn hạn đối với các ngân hàng khác (quỹ liên bang) nhưng không thể kiểm soát toàn bộ đường cong lợi tức. Vấn đề đó tùy thuộc vào thị trường nhưng các hành động của Fed ảnh hưởng sâu sắc đến cung và cầu đối với các khoản cho vay. Toàn bộ cấu trúc lợi tức được định giá lại và nó bao gồm cả lãi suất trái phiếu 30 năm.
Điều này có nghĩa là trên thực tế, một lượng lớn nợ của ngân hàng – 60% danh mục đầu tư – đang ngày càng mất giá theo thời gian. Không ai muốn mua một trái phiếu trả 1% lợi tức khi những người bán dạo ngoài kia có các sản phẩm có cùng kỳ hạn trả 6%. Trong lúc danh mục đầu tư của ngân hàng bị giảm giá trị, những người gửi tiền khác cũng đồng thời chuyển tiền gửi của họ vào các thị trường tiền tệ.
Kết quả dành cho First Republic là một báo cáo tài chính thảm hại trông rất giống với Ngân hàng Thung lũng Silicon (SVB) khi SVB sụp đổ chỉ một tháng trước đó. Lần này, FDIC đã hành động nhanh chóng hơn và chiếm quyền kiểm soát First Republic trước khi các quân cờ domino tiếp tục sụp đổ. Họ chào bán tài sản và nhận được một số đề nghị. JPMorgan đưa ra thỏa thuận tốt nhất, chỉ tiêu tốn của FDIC 13 tỷ USD bảo hiểm, hoặc đó là những gì họ nói.
Hãy để các ngân hàng sụp đổ như bình thường
Nhưng thông tin bị chôn vùi là 50 tỷ USD chi phí tài chính cộng với việc FDIC chịu trách nhiệm cho phần lớn nợ xấu của First Republic. Nói cách khác, JPMorgan rất vui khi bước lên để thể hiện một màn diễn tuyệt vời. Một vụ cứu trợ bằng tiền thuế được ngụy trang bằng một thương vụ mua bán và sáp nhập thông thường.
JPMorgan được gì? Nó có được 104 tỷ USD tiền gửi và 229 tỷ USD tài sản, cộng với 50 tỷ USD khác từ chính phủ để biến tất cả thành có thể, ngay cả khi FDIC đã chịu phần lớn trách nhiệm (80%) đối với các khoản nợ xấu chôn vùi trong danh mục đầu tư của First Republic.
Tờ Wall Street Journal đã viết rất hay về điều này: “Chưa từng có thỏa thuận tài chính nào đơn phương hơn kể từ khi người Hà Lan mua Manhattan từ người da đỏ Lenape”. [Người Hà Lan được cho là đã mua Manhattan từ người da đỏ Lenape với giá cực kỳ thấp – 24 USD].
Tòa Bạch Ốc tô vẽ cho thỏa thuận, liên tục đảm bảo với công chúng rằng vấn đề hiện đã được kiểm soát. Điều đó có lẽ là không đúng. Vấn đề cốt lõi của việc nắm giữ nợ lãi suất thấp trong bối cảnh lãi suất tăng ảnh hưởng đến mọi ngân hàng lớn và nhỏ. Chúng ta chưa thể nắm rõ hết phạm vi của vấn đề. Như The Wall Street Journal đã viết, “ai biết được điều gì khác đang ẩn nấp trong mớ bòng bong tài chính?”
Chúng ta thực sự cần phải bỏ qua ý nghĩ rằng, sự sụp đổ của ngân hàng là một điều khủng khiếp và phải được ngăn chặn bằng bất cứ giá nào. Các ngân hàng nên hoạt động như các doanh nghiệp bình thường. Khả năng sinh lời và tính bền vững của chúng phải được xác định theo các tiêu chuẩn lãi lỗ thông thường, và không bị làm thiên lệch bởi các khoản bảo lãnh và trợ cấp.
Thật vậy, bảo hiểm tiền gửi được tài trợ bởi chính phủ luôn là một sai lầm. Đó cũng là một sai lầm khi chính phủ đứng ra dàn xếp những thỏa thuận béo bở như thế này với những người chơi lớn nhất, thứ chỉ dẫn đến việc tập trung hóa và rủi ro đạo đức.
Hiện tại, chính quyền Biden đang từ chối để lực lượng thị trường tự hoạt động, và áp dụng thao túng tài chính theo kiểu phát xít. Không có ngân hàng nào nên được coi là “quá lớn để có thể sụp đổ”. Và khi các ngân hàng gặp chuyện, tài sản nên được đưa ra bán nguyên trạng ở thị trường, giống như một ngôi nhà bị tịch thu để thế nợ. Bất cứ biện pháp nào khác cũng đều là một khoản trợ cấp từ thuế dành cho những người giàu nhất.
Tác giả Jeffrey A. Tucker là nhà sáng lập và Chủ tịch của Viện Brownstone, đồng thời là tác giả của hàng nghìn bài báo trên các tờ báo học thuật và phổ thông, cũng như tác giả của 10 cuốn sách viết bằng 5 thứ tiếng với cuốn sách gần đây nhất là “Liberty or Lockdown”. Ông cũng là biên tập viên của The Best of Mises. Ông viết các bài bình luận về kinh tế cho The Epoch Times và nói chuyện về nhiều chủ đề như kinh tế, công nghệ, triết học xã hội và văn hóa.