Peter Dahlin
Theo báo cáo gần đây của Safeguard Defenders, Bắc Kinh đang áp dụng lệnh cấm xuất cảnh một cách ráo riết và trên diện rộng. Động thái này nhắm vào các dân tộc thiểu số, nhà bảo vệ nhân quyền, doanh nhân và công dân nước ngoài.
Safeguard Defenders [một tổ chức nhân quyền phi lợi nhuận có trụ sở tại Madrid (Tây Ban Nha)] cho rằng lệnh cấm xuất cảnh của chính quyền Trung Quốc có bối cảnh phức tạp. Tất nhiên, có những lý do chính đáng để sử dụng lệnh cấm xuất cảnh, chẳng hạn như để đảm bảo rằng những người đang phải đối mặt với tố tụng hình sự, hoặc đang được tại ngoại chờ các thủ tục tư pháp, sẽ không bỏ trốn. Tuy vậy, ở Trung Quốc, lệnh cấm xuất cảnh chủ yếu phục vụ mục đích rất khác. Trên thực tế, các lệnh cấm xuất cảnh khác nhau dường như phục vụ những mục đích khác nhau.
Đàn áp các nhóm thiểu số
Các dân tộc thiểu số, đặc biệt là người Duy Ngô Nhĩ, bị cấm rời đi trừ khi họ được cho phép. Đảng Cộng sản Trung Quốc (ĐCSTQ) lo sợ về những thiệt hại mà cộng đồng người Duy Ngô Nhĩ ở nước ngoài có thể gây ra và đang gây ra đối với Trung Quốc, đặc biệt là đối với nỗ lực xây dựng quyền lực mềm của Đảng. Một tài liệu năm 2019 chỉ ra rằng chỉ cần một người Duy Ngô Nhĩ nào đó xin hộ chiếu, thì đó là lý do hợp lệ để đưa người ấy vào “trại lao động” – những khu trại lao động cưỡng bức đang mọc lên như nấm ở Tân Cương.
Lệnh cấm xuất cảnh cũng được áp dụng đối với người Hồi giáo Trung Quốc (Hui Muslim), chủ yếu là để hạn chế việc đi lại vì lý do tôn giáo. ĐCSTQ sợ rằng các cuộc xuất ngoại như vậy có thể củng cố niềm tin tôn giáo trong cộng đồng người Hồi giáo Trung Quốc, mà điều này sẽ đe dọa đến quyền uy tối cao của ĐCSTQ.
Việc áp dụng trên diện rộng lệnh cấm xuất cảnh đối với người Tây Tạng đã có từ lâu, thậm chí từ nhiều thập kỷ. ĐCSTQ lo ngại về các hoạt động tập trung liên tục mang tính tôn giáo của người Tây Tạng ở miền bắc Ấn Độ, đồng thời lo ngại về sự gần gũi của họ, về bản chất cũng như chính trị, với Đức Đạt Lai Lạt Ma.
Triệt hạ các nhà bảo vệ nhân quyền
Tai tiếng hơn cả là việc Trung Quốc áp dụng lệnh cấm xuất cảnh đối với các nhà hoạt động nhân quyền. Bắc Kinh kết hợp giữa các lệnh cấm xuất cảnh “hợp pháp” với các phương pháp bổ trợ như tịch thu hộ chiếu hay ban hành lệnh cấm xuất cảnh một cách bất hợp pháp – tức là không dựa trên bất kỳ cơ sở hay quy trình pháp lý nào. Kể từ năm 2018 đến nay, các hoạt động như vậy đã đi từ mức độ ít khi được sử dụng đến mức độ thường xuyên được sử dụng. Rất ít nhà hoạt động nhân quyền ở Trung Quốc có thể rời khỏi đất nước. Thứ từng là giải pháp cuối cùng để thoát khỏi sự đàn áp của cảnh sát giờ đã gần như bị phong bế hoàn toàn.
ĐCSTQ cách đây không lâu đã cho thấy sự tàn bạo của họ khi chặn ông Quách Phi Hùng (Guo Feixiong) ở sân bay, cấm ông rời khỏi đất nước, mặc dù lý do ông đi là để thăm người vợ đang nằm viện và hấp hối. Ông Quách, vợ ông và những người khác đã kêu gọi Bắc Kinh cho phép ông rời đi. Diễn biến vụ việc sau đó trở thành câu chuyện thời sự nóng bỏng. Hai ngày sau khi vợ ông qua đời, ông Quách bị cảnh sát bắt giữ, bị buộc tội kích động lật đổ chính quyền. Một trường hợp tương tự là ông Đường Cát Điền (Tang Jitian), người cần đến Nhật Bản để gặp con gái đang trong tình trạng hôn mê. Một lần nữa, diễn biến vụ việc trở thành câu chuyện thời sự quốc tế. Ông Đường mất tích không lâu sau đó.
Rõ ràng, lý do chính khiến ông Quách bị bắt và ông Đường mất tích là do ĐCSTQ đã sử dụng công cụ đàn áp mới của họ. ĐCSTQ dùng lệnh cấm xuất cảnh để nhắm vào những người bảo vệ nhân quyền.
Các lệnh cấm xuất cảnh gián tiếp cũng được áp dụng lên một bộ phận lớn công chức và viên chức nhà nước Trung Quốc. Một số bộ phận thuộc lực lượng cảnh sát, sĩ quan tình báo, và gần đây là thậm chí cả giáo viên, bị cấm rời khỏi Trung Quốc, trừ khi họ được chấp thuận. Trong một số trường hợp, chính quyền lo sợ rằng những người này có thể trở thành mục tiêu của các hoạt động gián điệp nước ngoài; trong những trường hợp khác, chính quyền lo sợ rằng việc trải nghiệm cuộc sống ở nước ngoài sẽ làm xói mòn niềm tin của những người này đối với ĐCSTQ.
Không có con số chính xác về xu hướng mạnh mẽ mà Trung Quốc cấm công dân của họ rời khỏi đất nước, giống như Liên Xô trước đây. Tất nhiên, có một vài con số. Thông qua việc phân tích các quyết định tư pháp trong cơ sở dữ liệu Wenshu của Tòa án Tối cao Trung Quốc, chúng ta có thể thấy rằng số lượng các trường hợp đề cập đến lệnh cấm xuất cảnh đã tăng gấp 8 lần kể từ năm 2016. Điều này có nghĩa là việc sử dụng lệnh này, vào thời điểm này, đã lên tới hàng chục nghìn lần mỗi năm và ngày càng tăng nhanh.
Tuy nhiên, những con số đó chỉ là về những trường hợp được tải lên cơ sở dữ liệu, còn rất nhiều trường hợp khác không được tải lên. Tất nhiên, cơ sở dữ liệu công khai cũng không đề cập đến việc sử dụng lệnh cấm xuất cảnh một cách bất hợp pháp đối với các nhà hoạt động nhân quyền. Nó cũng không bao gồm trường hợp của hàng triệu người bị cấm xuất cảnh vì lý do sắc tộc, chẳng hạn như người Duy Ngô Nhĩ. Và nó cũng không bao gồm hàng triệu giáo viên, cảnh sát và công chức bị cấm xuất cảnh gián tiếp. Do đó, con số thực tế là hàng triệu trường hợp — nếu không muốn nói là còn nhiều hơn nhiều.
Gần đây, khi Trung Quốc mở rộng phạm vi ảnh hưởng toàn cầu của họ — đặc biệt là với việc cưỡng bức những người đang sống ở nước ngoài phải trở về Trung Quốc (trái với ý muốn của những người đó) bằng cách nhắm mục tiêu vào gia đình họ đang sống ở Trung Quốc, các lệnh cấm xuất cảnh đã được sử dụng để đe dọa các thành viên trong gia đình; nếu cá nhân ở nước ngoài – người bị ĐCSTQ nhắm mục tiêu – không tự nguyện trở về Trung Quốc, thì các thành viên gia đình của họ sẽ mãi mắc kẹt trong nước.
Nhắm vào người nước ngoài
Các lệnh cấm xuất cảnh cũng thu hút sự chú ý của giới truyền thông một phần là vì chúng được sử dụng để chống lại công dân nước ngoài, từ các nhà báo nước ngoài bị chặn xuất cảnh (thường là trong ngắn hạn) cho đến các thành viên gia đình bị giữ lại ở Trung Quốc (có thể trong nhiều năm). Tương tự như vậy, các doanh nhân nước ngoài – vốn đã gặp nhiều bất lợi bởi hệ thống pháp luật suy đồi, khi vướng vào tranh chấp với các đối tác Trung Quốc, thường bị cấm xuất cảnh, đôi khi trong nhiều năm liền.
Một số chính phủ, dẫn đầu là Hoa Kỳ, đã bắt đầu phản ứng với động thái này của Bắc Kinh bằng cách đưa ra các cảnh báo về hoạt động di chuyển đến Trung Quốc. Họ đặc biệt nhấn mạnh rằng công dân của họ có thể bị mắc kẹt, bị giữ lại trong thời gian dài, đôi khi trở thành một con bài thương lượng cho một cuộc xung đột mà không phải do chính họ tạo ra.
Cùng với sự gia tăng mạnh mẽ trong việc sử dụng các lệnh cấm xuất cảnh, Trung Quốc cũng áp dụng một loạt cải cách pháp lý. Có ít nhất 14 luật và quy định cho phép cơ quan chức năng ban hành lệnh cấm xuất cảnh; và đến ngày 01/07, luật Chống Gián điệp sửa đổi (bản sửa đổi thứ 15) sẽ có hiệu lực. Một số cơ quan, bao gồm các cơ quan phi hành pháp và phi tư pháp, hiện có thể ban hành lệnh cấm xuất cảnh; họ có thể làm như vậy mà không cần bất kỳ quy trình tư pháp nào, cũng không cần các cá nhân bị nhắm mục tiêu phải đối mặt với bất kỳ hình thức tố tụng tư pháp nào. Trên thực tế, một số luật cho phép ban hành lệnh cấm xuất cảnh chỉ vì cơ quan chức năng cho rằng người rời đi có thể đe dọa an ninh quốc gia hoặc có tác động tiêu cực đến “lợi ích quốc gia” của Trung Quốc.
Nhà lãnh đạo Trung Quốc Tập Cận Bình giờ đây có thể đội thêm một chiếc vương miện nữa lên cái đầu vốn đã nhiều vương miện của mình; ông ấy đã khiến Trung Quốc chỉ đứng sau Bắc Triều Tiên trong hoạt động “nhốt” công dân vào một cái lồng. Chắc chắn đó là một cái lồng lớn, nhưng dù sao vẫn là một cái lồng.
Theo The Epoch Times
Xuân Hoa biên dịch
Tác giả Peter Dahlin là người sáng lập tổ chức phi chính phủ Safeguard Defenders và là người đồng sáng lập tổ chức phi chính phủ China Action có trụ sở tại Bắc Kinh (2007–2016). Ông là tác giả của cuốn sách “Trial By Media” và là người đóng góp cho cuốn sách “The People’s Republic of the Disappeared”. Ông Dahlin sống ở Bắc Kinh từ năm 2007, cho đến khi bị giam giữ và đưa vào một nhà tù bí mật vào năm 2016; sau đó ông bị trục xuất và cấm nhập cảnh. Trước khi sống ở Trung Quốc, ông từng làm việc cho chính phủ Thụy Điển về các vấn đề bình đẳng giới. Hiện ông đang sống ở Madrid, Tây Ban Nha.