Đường lối ngoại giao hiếu chiến của Bắc Kinh trong những năm gần đây được biết đến dưới cái tên ‘ngoại giao chiến lang’. Tháng trước, một trong những ‘chiến lang’ nổi tiếng của Trung Quốc, ông Lư Sa Dã (Lu Shaye), đã đã đưa ra những phát ngôn ‘giật gân’ khi phủ nhận chủ quyền của các quốc gia hậu Xô Viết. Vậy tính cách ‘chiến lang’ của ông Lư đến từ đâu?
“Chiến lang” (Wolf Warrior) là một bộ phim do nam diễn viên Trung Quốc Ngô Kinh biên kịch kiêm đạo diễn năm 2015. Bộ phim tôn vinh tinh thần dân tộc, ca ngợi những người lính của Đảng Cộng sản Trung Quốc (ĐCSTQ) sẵn sàng hy sinh vì tổ quốc. Thuật ngữ “chiến lang” kể từ đó đã trở thành một từ đồng nghĩa với chủ nghĩa dân tộc cực đoan và cách tiếp cận ngoại giao cứng rắn của Trung Quốc.
Thông thường, các nhà ngoại giao được kỳ vọng là những đại sứ lịch thiệp của đất nước họ và là những nhà kiến tạo hòa bình, những người xoa dịu căng thẳng. Tuy nhiên, tại sao Bộ Ngoại giao Trung Quốc lại sản sinh ra nhiều nhà ngoại giao “chiến lang” trong những năm gần đây như vậy? Tính cách ‘chiến lang’ của nhà ngoại giao Lư Sa Dã đến từ đâu? Câu trả lời bắt nguồn từ thời thơ ấu của ông.
‘Cái nôi sản sinh ra những nhà ngoại giao chiến lang’
Từ tiểu học cho đến đại học, tất cả các trường mà ông Lư theo học đều là một phần của hệ thống giáo dục được thành lập bởi ông Chu Ân Lai, Thủ tướng và Bộ Trưởng Ngoại giao đầu tiên của ĐCSTQ. Các trường này mang sứ mệnh đào tạo ra những nhà ngoại giao ưu tú cho chế độ này.
Ông Lư bắt đầu học tiếng Pháp từ năm lớp 4 và được đào tạo chính quy để theo nghiệp ngoại giao. Có thể nói rằng ông đã được ĐCSTQ nuôi dưỡng bằng “sữa sói” trong suốt thời thơ ấu và tuổi trẻ của mình.
Ông Lư Sa Dã sinh năm 1964 tại thành phố Nam Kinh, miền đông Trung Quốc. Năm 1975, ở tuổi 11, ông đăng ký học lớp 4 tại Trường Ngoại ngữ Nam Kinh (Nanjing Foreign Language School) để học tiếng Pháp. Đây là một trong 8 trường ngoại ngữ đầu tiên được thành lập vào năm 1963 theo đề xuất của ông Chu Ân Lai. Do đó, đây là nơi sàng lọc cẩn trọng từng học sinh từ nhiều trường khác nhau, không chỉ dựa trên thành tích học tập mà còn dựa trên nền tảng gia đình của học sinh.
Năm đó, Trung Quốc vẫn đang chìm trong thời kỳ Cách mạng Văn hóa, và việc sàng lọc về phương diện chính trị đối với gia đình mỗi học sinh là yếu tố đầu tiên trong việc tuyển dụng nhân lực đầu vào cho một trường như Trường Ngoại ngữ Nam Kinh.
Học viện Ngoại giao Trung Quốc, nơi ông Lư theo học, cũng được thành lập theo đề xuất của ông Chu Ân Lai.
Nơi đây được mệnh danh là “cái nôi sản sinh ra các nhà ngoại giao” của Trung Quốc và là cơ sở đào tạo trực thuộc Bộ Ngoại giao của ĐCSTQ.
Học viện Ngoại giao Trung Quốc từng là thỏi nam châm thu hút những thí sinh ấp ủ kỳ vọng “trở thành nhà ngoại giao sau khi tốt nghiệp”. Điểm xét tuyển của trường này đôi khi còn vượt xa điểm xét tuyển của các trường đại học hàng đầu của đất nước như Đại học Bắc Kinh và Thanh Hoa. Tuy nhiên, nhiều cựu sinh viên từng theo học tại trường này đã để lại những đánh giá tiêu cực. Họ phàn nàn rằng trường học quá nhỏ và khép kín, không có bầu không khí nhân văn cốt lõi và phương pháp giảng dạy đã lỗi thời.
Họ cũng cho rằng trường học đầy rẫy sự quan liêu, giảng viên thiếu kiên nhẫn và khép kín, đồng thời nhấn mạnh rằng vào ngày đầu tiên đi học, giảng viên sẽ khuyên học viên rằng: “Cái không nên đọc thì đừng đọc, cái không nên nói thì đừng nói, cái không nên hỏi thì đừng hỏi”.
Trường học này đã sản sinh ra một số nhà ngoại giao “chiến lang” như ông Cảnh Sảng (Geng Shuang), ông Vương Văn Bân (Wang Wenbin), bà Mao Ninh (Mao Ning), và những người khác. Ngoài ra còn có nhà báo “chiến lang” khét tiếng – ông Nhuệ Thành Cương (Rui Chenggang). Ông Nhuệ từng là ngôi sao dẫn chương trình của Đài Truyền hình Trung ương Trung Quốc (CCTV). Tuy nhiên, ông bị bắt giam vào tháng 7/2014 trong một cuộc điều tra tham nhũng.
Ông Nhuệ Thành Cương trở nên nổi tiếng nhờ lập trường dân tộc chủ nghĩa mạnh mẽ.
Theo truyền thông Đài Loan và truyền thông Hoa ngữ ở hải ngoại, ông Nhuệ được biết đến như một “người tình của công chúng” do có quan hệ tình cảm với phu nhân của nhiều lãnh đạo hàng đầu ĐCSTQ.
Kể từ khi bị bắt, tung tích của ông Nhuệ đã trở thành một ẩn số.
Sự nghiệp ngoại giao 36 năm của ‘chiến lang’ Lư Sa Dã
Sau khi tốt nghiệp Học viện Ngoại giao Trung Quốc năm 1987, ông Lư Sa Dã trực tiếp gia nhập Bộ Ngoại giao của ĐCSTQ và được cử đến Guinea ở Châu Phi.
Trong hai thập kỷ tiếp theo, ông đã thăng tiến nhanh chóng trong hàng ngũ của Vụ Châu Phi thuộc Bộ Ngoại giao Trung Quốc.
Năm 2009, ông được bổ nhiệm làm Vụ trưởng Vụ Châu Phi thuộc Bộ Ngoại giao Trung Quốc. Tháng 7/2015, ông giữ chức Giám đốc Phòng Nghiên cứu Chính sách thuộc Văn phòng Nhóm Lãnh đạo Đối ngoại Trung ương.
Từ tháng 2/2017 đến tháng 6/2019, ông đảm nhiệm chức vụ Đại sứ của ĐCSTQ tại Canada. Vào tháng 7/2019, ông Lư Sa Dã được bổ nhiệm làm Đại sứ tại Pháp và Monaco.
Phong cách chiến lang của ông Lư bắt đầu gây chú ý sau khi ông trở thành Đại sứ tại Canada. Năm 2018, năm thứ hai trong nhiệm kỳ Đại sứ, ông liên tục lên án chính phủ Canada về vụ bắt giữ Giám đốc tài chính (CFO) của Tập đoàn Công nghệ Huawei – bà Mạnh Vãn Châu.
Ông Lư cũng cáo buộc Canada về “quyền lực tối cao của người da trắng” và “tiêu chuẩn kép” khi nước này kêu gọi trả tự do cho hai công dân Canada bị giam giữ ở Trung Quốc sau vụ Canada bắt giữ bà Mạnh. Đáp lại, Bộ Ngoại giao của ĐCSTQ đã hết lời ca ngợi lời nói và việc làm của ông. Đại sứ Trung Quốc Lư Sa Dã gặp gỡ giới truyền thông tại Đại sứ quán Cộng hòa Nhân dân Trung Hoa ở Ottawa, Canada, vào ngày 17/1/2019. (Ảnh: Sean Kilpatrick/The Canadian Press)
Sau đó, ông đã nhiều lần kích động sự phẫn nộ nghiêm trọng hơn ở Pháp.
Sau khi đại dịch COVID-19 bùng phát, ông Lư Sa Dã đã cáo buộc các nhân viên viện dưỡng lão của Pháp “vô trách nhiệm” khi để các bệnh nhân chết vì đói và bệnh tật. Động thái này được cho là nhằm bảo vệ cái gọi là “thắng lợi lớn mang tính quyết định trong phòng chống đại dịch COVID-19” của ĐCSTQ.
Ông cũng đã từ chối các cuộc hẹn đối ngoại với Bộ Ngoại giao Pháp với lý do ông “không rảnh”. Ông thậm chí còn gán cho một học giả nổi tiếng người Pháp là “tên côn đồ nhỏ tuổi” vì đã bảo vệ chuyến thăm dự kiến của một nhà lập pháp nước này tới Đài Loan.
Chưa dừng lại ở đó, ông Lư còn công khai tuyên bố rằng ĐCSTQ sẽ “cải tạo” người dân Đài Loan sau khi hòn đảo này nằm dưới sự kiểm soát của ĐCSTQ.
Bình luận gây tranh cãi về vấn đề Ukraine
Trong một cuộc phỏng vấn với đài TF1 của Pháp phát sóng ngày 21/4, ông Lư Sa Dã đã nêu quan điểm của mình đối với việc Crimea có phải là một phần của Ukraine hay không.
Ông Lư nói: “Vấn đề này còn tùy thuộc vào cách quý vị nhìn nhận vấn đề”.
Khi bị nhà báo Darius Rochebin của đài TF1 hối thúc, ông Lư nói: “Chuyện không đơn giản như vậy” và tuyên bố rằng Crimea “ngay từ đầu đã thuộc về Nga”.
Hơn nữa, ông Lư Sa Dã cũng phủ nhận chủ quyền của các quốc gia hậu Xô Viết.
“Theo luật pháp quốc tế, các quốc gia thuộc Liên Xô cũ này không có địa vị thực tế trong luật pháp quốc tế vì không có thỏa thuận quốc tế nào cụ thể hóa tình trạng chủ quyền của họ”, ông Lư nói trong cuộc phỏng vấn.
Nhận xét của ông Lư đã vấp phải sự phản đối mạnh mẽ từ các nhà lãnh đạo châu Âu. Gần 80 nhà lập pháp châu Âu đã yêu cầu tuyên bố ông là “nhân vật không được hoan nghênh”.
Việc ông Lư không ngừng thăng tiến lên vị trí Đại sứ dưới chính quyền ĐCSTQ cho thấy lập trường chính trị của ông này không bị đánh giá là sai trái. Nói cách khác, việc ông vẫn bình an vô sự sau mỗi phát ngôn “gây chấn động chính trường” là minh chứng cho thấy ông Lư là một con sói “xảo quyệt và có chiến thuật”.
Theo hãng tin Pháp RFI, trước thời Ngoại trưởng Trung Quốc Lý Triệu Tinh, các nhà ngoại giao Trung Quốc cực kỳ chú trọng đến các nghi thức ngoại giao và rất khéo léo trong việc sử dụng ngôn ngữ ngoại giao. Tuy nhiên, sau khi ông Tập Cận Bình đắc cử, “ngôn ngữ ngoại giao” của Trung Quốc ngày càng trở nên hiếu chiến.
Nhiều người trong cuộc tiết lộ rằng ông Lư sẽ nghỉ hưu vào tháng 7 năm nay. Nếu ông tiếp tục tại vị hoặc được thăng chức thì điều kiện tiên quyết là ông Lư phải giành được sự tín nhiệm và đánh giá cao hơn từ ông Tập. Người dân đứng trước bức ảnh của nhà lãnh đạo Trung Quốc Tập Cận Bình tại Bảo tàng ĐCSTQ ở Bắc Kinh, Trung Quốc, hôm 4/9/2022. (Ảnh: Noel Celis/AFP/Getty Images)
Bởi lẽ ông Tập thường xuyên ủng hộ “dũng cảm chiến đấu và nâng cao năng lực chiến đấu” trong việc đối phó với phương Tây, nên không có gì ngạc nhiên khi các biểu hiện “dũng mãnh, hiếu chiến và tàn nhẫn” của ông Lư là chủ đề chính trong chính sách ngoại giao “nước lớn” của ông Tập. Điều này dựa trên đánh giá của Bắc Kinh rằng “phương Đông đang trỗi dậy trong khi phương Tây đang suy tàn”.
Ông Chu Ân Lai đã từng ví ngoại giao đoàn như một đội quân “dân sự”, tức là đội quân không mặc quân phục, và “lập trường kiên định” là tiêu chí số một của ông khi tuyển dụng các nhà ngoại giao.
Không có sự khác biệt cơ bản về lý thuyết ngoại giao giữa ông Chu và ông Tập. Tất cả các nhà ngoại giao của ĐCSTQ đều phải là “chiến lang”, nhưng cách tiếp cận của ông Chu khoa trương hơn, bởi các nhà ngoại giao lúc này sẽ hóa trang thành “sói đội lốt cừu”. Ngược lại, các nhà ngoại giao dưới chính quyền ông Tập, tiêu biểu là ông Lư Sa Dã, là những con sói thực thụ và không cố che giấu danh tính của mình.
Trở thành nhân vật được ông Tập ưa thích
Con đường quan lộ của ông Lư Sa Dã bắt đầu “đơm hoa kết trái” sau khi ông Tập lên nắm quyền vào năm 2012. Vào năm 2014, ông Lư rời châu Phi và trở thành nhân vật đứng đầu Văn phòng Nghiên cứu Chính sách Đối ngoại của ĐCSTQ vào năm 2015. Hai năm sau, ông thăng tiến nhanh hơn nữa trong hệ thống ngoại giao của ĐCSTQ và trở thành Đại sứ Trung Quốc tại Canada.
Nhiều người tin rằng những thành tựu ngoại giao của ông Lư ở Châu Phi đã khiến ông Tập Cận Bình tán thưởng và ghi nhận. Năm 2013, theo đề xuất của nhà lãnh đạo ĐCSTQ rằng sáng kiến “Vành Đai và Con Đường” sẽ trở thành nền tảng trong chính sách đối ngoại của ĐCSTQ, chế độ này bắt đầu tăng cường thâm nhập và bành trướng ra bên ngoài, đồng thời hạn chế sự thống trị trong khu vực của các quốc gia phương Tây, chẳng hạn như Hoa Kỳ.
Ông Lư bắt đầu sự nghiệp ngoại giao của mình ở Châu Phi từ đầu năm 1987 và trở thành người đứng đầu các nỗ lực đối ngoại của ĐCSTQ ở khắp Châu Phi từ năm 2009 đến 2014. Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình và Tổng thống Pháp Emmanuel Macron thăm khu vườn dinh thự của Tỉnh trưởng Quảng Đông, Trung Quốc, hôm 7/4/2023. (Ảnh: Jacques WittI/Pool/AFP/Getty Images)
Gần đây nhất, ông Lư đã tạo điều kiện thuận lợi cho chuyến thăm Trung Quốc của Tổng thống Pháp Emmanuel Macron (mặc dù ông chỉ đứng sau hậu trường). Điều này đã góp phần vào chiến lược chiến thắng của ĐCSTQ ở châu Âu và chống lại Hoa Kỳ.
Theo quan điểm của ông Tập Cận Bình, đây sẽ là một thành công to lớn.
Tuân thủ triết lý đấu tranh của ông Tập Cận Bình
Các học thuyết trọng tâm của ĐCSTQ là đấu tranh giai cấp, cách mạng vũ trang và chế độ độc tài của giai cấp vô sản. “Đấu tranh giai cấp”, “đấu tranh đường lối” và “đấu tranh tư tưởng” cả bên trong và bên ngoài là nền tảng cho sự cai trị của ĐCSTQ.
Mao Trạch Đông, một trong những người sáng lập ĐCSTQ – từng ngang nhiên thách thức và tuyên bố: “Đấu với trời là niềm vui vô tận, đấu với đất là niềm vui vô tận, và đấu tranh với nhân loại là niềm vui vô tận”.
Vào ngày 6/3 năm nay, ông Tập đã công khai chỉ trích Hoa Kỳ, nói rằng: “Các nước phương Tây, dẫn đầu là Hoa Kỳ, đã cố gắng kìm hãm, bao vây và chèn ép Trung Quốc trên mọi phương diện, đặt ra những thách thức nghiêm trọng chưa từng có đối với quá trình phát triển của đất nước chúng ta”.
Vào tháng 11 năm ngoái, Ngoại trưởng Trung Quốc khi đó là Vương Nghị đã viết trên tờ Nhân dân Nhật báo rằng “chính sách ngoại giao bá quyền đặc sắc Trung Quốc được dẫn dắt bởi tư tưởng ngoại giao của ông Tập Cận Bình… chúng ta phải giỏi đấu tranh và dám đấu tranh”.
Kể từ đầu năm nay, truyền thông nhà nước Trung Quốc liên tục rao giảng rằng các đảng viên ĐCSTQ phải khắc cốt ghi tâm lời nói của ông Tập về “đấu tranh” vào tháng 1/2022: “Chúng ta phải dám đấu tranh, giỏi đấu tranh, phát huy tinh thần đấu tranh và nâng cao kỹ năng đấu tranh”.
Theo The Epoch Times
Lam Giang biên dịch