Đặng Duy Hưng
Nàng cũng như đa số thanh thiếu niên sanh ra trên nước Mỹ hùng cường thực phẩm dư thừa, học hỏi nền giáo dục được toàn thế giới ngưỡng mộ. Chỉ có một điểm chung là giới trẻ đồng trang lứa thường ít quan tâm về địa lý hay muốn tìm hiểu sự khác biệt của mỗi chủng tộc trên mỗi châu lục. Chiều thứ sáu giữa tháng năm thỉnh thoảng có mưa nhẹ, nàng nhanh chân rời trường nhảy tàu điện đến tiệm bánh nổi tiếng ở Brooklyn. Nàng muốn đặt cái bánh kem cho ngày của mẹ và sẽ trở lại lấy vào sáng ngày chủ nhật, và mua vài miếng bánh kem tối nay về ôn bài gần cuối niên khoá. Đang học năm đầu đại học, nàng vẫn còn đang băn khoăn chưa biết chọn ngành học nào cho hợp với tương lai và khả năng của mình.
Người thanh niên Á châu dáng cao ráo khuôn mặt hiền lành đứng xếp hang phía trước thỉnh thoảng quay lại như muốn nói vài tiếng làm quen với nàng. Anh thuộc về lớp con trai còn e thẹn khi giáp mặt người khác phái tuy trái tim đã xao xuyến muốn gắng gượng nói mấy lời nhưng miệng vẫn ngậm tăm. Mãi khi đến phiên anh được mua nhưng nhìn vào tủ gương chỉ còn 4 miếng với 4 loại bánh trái cây. Từ nhỏ anh đã thích nhường nhịn nên thường bị bắt nạt. Ngay cả cô em gái anh lúc nào trông cũng già dặn hơn!
Anh mạnh dạn lịch sự nói với nàng:
“Tôi ăn loại nào cũng được, nhường cho cô chọn 2 loại trước.”
Nàng nhìn sửng sốt, không ngờ anh có thể đọc được ý nghĩ của nàng đang lo nếu anh mua mất loại nàng thích! Hí hửng vui sau khi trả tiền đặt bánh, hai đứa bước dọc lối đi còn ướt sau trận mưa chiều. Nàng lên tiếng trước:
“Người Hoa chúng anh thật lịch sự và biết ga lăng.”
Anh đính chính:
“Xin lỗi tôi không phải Hoa kiều.Tôi là người Việt Nam tỵ nạn đến từ Đông Nam Á. Nước tôi nằm phía nam của Trung Hoa.”
Nàng đỏ mặt:
“Tôi thành thật xin lỗi, kiến thức địa lý và chủng tộc của tôi rất tệ.”
Anh cười thông cảm:
“Không có gì phải xin lỗi. Tôi cũng như bao người Việt Nam thấy người da trắng gọi là Tây tức là Pháp, và chẳng biết Anh, Đức, Hà Lan khác nhau chỗ nào? Ngày xưa, khi chập chững mới tới đây, tôi cứ ngỡ gặp ai ngoài đường da vàng là đồng hương. Hoá ra muốn gặp người nói cùng thứ tiếng khó hơn lên trời. Hoa, Hàn, Nhật, Phi, Thái đủ mọi sắc dân với bao sự khác biệt.”
Hai đứa cùng cười bên nhau thân thiện, tâm hồn càng lúc càng gần gũi dù hai màu da khác biệt. Trao nhau số điện thoại trước khi chia tay xuống tàu điện ngầm mỗi người mỗi ngã. Hai đứa hẹn gặp lại tại tiệm bánh ngày chủ nhật.
********
Nàng cầm cây đàn guitar nhìn xuống lớp học mà đa số sinh viên là từ Á châu đến. Nàng cảm thấy vui nhiều vì có vài mái tóc vàng mắt xanh nhìn lên ngạc nhiên bà giáo dạy môn Á châu học, tóc bạch kim với cái tên Lewis. Nàng hỏi:
“Trong các em bao nhiêu em cha mẹ gốc Việt Nam, còn biết ít nhiều tiếng việt?”
Có độ sáu cánh tay đưa lên. Nàng tiếp tục:
“Tôi sẽ đánh đàn vừa hát một ca khúc tiếng việt vừa dịch cho mọi người cùng hiểu
Màu nắng hay là màu mắt em
Mùa thu mưa bay cho tay mềm
Chiều nghiêng nghiêng bóng nắng qua thềm
Rồi có hôm nào mây bay lên… (Nắng thủy tinh – Trịnh Công Sơn)
Hơn 18 năm trước tôi cũng như các em ngồi nghe người yêu hát bài hát này, tâm hồn như bay bổng lên mây. Lúc đó tôi mù tịt về nền văn hoá phương đông giống như tâm trạng cô gái chập chửng đi vào tình yêu. Tình yêu anh đem tôi đến môn học này và từ môn học này giúp tôi hiểu được nền văn hoá của cha mẹ người chồng tương lai. Và ngày Mother’s Day năm ấy anh dẫn tôi về gặp thân nhân và cũng là kỷ niệm ba năm hai đứa quen nhau. Cả nhà anh sững sờ khi nghe tôi nói tiếng Việt dù giọng nói chưa được chuẩn lắm. Nhưng khi tôi cầm đàn hát xong bài “Lòng Mẹ” của nhạc sĩ Y Vân:
Lòng mẹ bao la như biển Thái Bình rạt rào.
Tình mẹ tha thiết như dòng suối hiền ngọt ngào…
Cả nhà ai cũng rơi nước mắt. Mẹ anh bước đến cầm tay tôi nói: “Cám ơn con.”
Ánh mắt bà nhìn tôi như muốn nói ‘welcome’.”
Rồi nàng kết luận: “Chúng tôi có 2 con nhỏ. Con gái lớn là Loan (tên mẹ chồng), 12 tuổi, con trai là Jack (tên ba tôi) 10 tuổi. Ai trong các em muốn học tiếng Việt có thể ghi danh học kỳ tới khi giáo án và sách bài tập sẵn sàng.”
Một bàn tay giơ lên hỏi: “Sao cô không đổi họ khi lấy chồng?”
Nàng viết chữ Trần trên bảng thật lớn:
“Chồng tôi vẫn giữ truyền thống của người Việt Nam. Người vợ không cần đổi họ cũ sau khi làm hôn thú. Nhưng thành thật mà nói trái tim và tất cả hơi thở trong thân thể này đã mang họ Trần từ ngày anh nhường cho tôi mua trước 2 cái bánh kem.”
Đặng Duy Hưng