Trong buổi gặp mặt Giáo hoàng Francis hôm Thứ Bảy (13/5), Tổng thống Ukraine đã từ chối đề nghị hòa đàm, và kiến nghị người đứng đầu Vatican đứng về phía Kyiv trong các cáo buộc Nga bắt cóc trẻ em Ukraine. Theo ông Zelensky, chiến tranh Ukraine chỉ nên kết thúc theo các điều khoản “hòa bình” của ông chứ không phải theo kiến nghị hòa giải của nước ngoài.
Từ chối vai trò trung gian hòa giải của Vatican
“Với tất cả sự tôn trọng dành cho Giáo hoàng, chúng tôi không cần những người hòa giải, chúng tôi cần một nền hòa bình,” Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelensky nói với người dẫn chương trình trò chuyện người Ý Bruno Vespa vào 13/5, sau cuộc gặp Giáo hoàng Francis ở Vatican, RT đưa tin.
“Thật vinh dự cho tôi khi được gặp Giáo hoàng, nhưng hãy biết lập trường của tôi, chiến tranh đang diễn ra ở Ukraine và kế hoạch [hòa bình] phải là của Ukraine,” ông Zelensky khẳng định. “Bạn không thể hòa giải với [Tổng thống Nga Vladimir] Putin .”
Ông Zelensky đã gặp mặt Giáo hoàng trong khoảng 40 phút, trong chuyến công du các đồng minh phương Tây tham gia vận động đầu tư quân sự cho chiến tranh. Đây là lần đầu tiên ông Zelensky tới thăm Vatican kể từ khi chiến tranh Ukraine nổ ra vào tháng 2/2022.
Mới cuối tháng trước, Giáo hoàng tuyên bố rằng Vatican đang có một sứ mệnh “không công khai” để gìn giữ hòa bình, mục đích là chấm dứt “xung đột giữa Nga và Ukraine”. Người đứng đầu giáo hội Công giáo La Mã cũng từng ca ngợi những nỗ lực hòa giải của Thổ Nhĩ Kỳ vào năm ngoái.
Các cuộc đàm phán do Thổ Nhĩ Kỳ làm trung gian đã sụp đổ vào tháng 4/2022 khi phái đoàn Ukraine rút lui sau chuyến thăm bất ngờ tới Kyiv của Thủ tướng Anh Boris Johnson, người đã thúc giục ông Zelensky tiếp tục chiến đấu. Các quan chức ở Moskva và Ankara đều tuyên bố rằng Mỹ và các đồng minh không muốn Ukraine ký bất kỳ thỏa thuận hòa bình nào với Nga.
Kể từ đó, ông Zelensky đã ban hành sắc lệnh cấm mọi liên hệ giữa các quan chức của ông và Điện Kremlin. Kyiv, Washington, và Brussels đều bác bỏ một kế hoạch hòa bình rộng rãi do Trung Quốc công bố vào đầu năm nay.
Với việc Hoa Kỳ và EU cam kết cung cấp vũ khí cho ông Zelensky “as long as it takes” (“đến cùng” hoặc “chừng nào còn cần thiết”, tùy cách hiểu), ông Zelensky nhiều lần khẳng định rằng kế hoạch hòa bình duy nhất mà Ukraine sẽ tuân thủ là kế hoạch mà ông đưa ra.
Nga hiểu rằng bất kỳ cuộc đàm phán hòa bình nào sẽ không được tổ chức “với Zelensky, một con rối trong bàn tay phương Tây, mà trực tiếp với chủ nhân của ông ta,” Ngoại trưởng Nga Sergey Lavrov cho biết hồi đầu tháng.
Đề nghị Giáo hoàng tập trung vào hoạt động nhân đạo
CNA đưa tin dẫn nguồn Vatican, ông Zelensky và Giáo hoàng đã nói chuyện về “hoạt động nhân đạo” mà nguồn tin Vatican giải thích rằng đó là nói về việc hồi hương của trẻ em Ukraine.
“Chúng tôi phải nỗ lực hết sức để đưa bọn trẻ trở về nhà,” ông Zelensky nói trong một tweet sau đó, kể về việc ông đã thảo luận với Giáo hoàng.
Chính quyền Kyiv cáo buộc Nga đã bắt cóc 19.500 trẻ em của họ, và gọi đó là tội ác chiến tranh. Nga nói rằng họ đưa những trẻ em từ các vùng chiến sự đến nơi an toàn và tổ chức giao cho các gia đình Nga tự nguyện nhận nuôi, và gọi đó là hoạt động nhân đạo. Nga cũng tuyên bố họ sẵn sàng đưa trẻ về đoàn tụ cùng gia đình nếu có yêu cầu của thân nhân.
Tòa án quốc tế ICC ở La Haye đã ra trát bắt Tổng thống Nga Vladimir Putin cùng người đứng đầu chương trình trẻ em của ông vì tội bắt cóc trẻ em. Tuy nhiên lệnh này trước mắt rất khó thực hiện vì cả Nga và Hoa Kỳ đều không nằm trong các quốc gia thừa nhận hiệu lực của lệnh. Nhưng công bố của ICC đánh dấu một bước quan trọng trong ngoại giao của phương tây nhằm cô lập Nga.
Cũng theo CNA, cùng ngày Thứ Bảy ngay trước thời điểm gặp Giáo hoàng, ông Zelensky đã gặp Thủ tướng Ý Giorgia Meloni, người đã hứa hỗ trợ đầy đủ về quân sự và tài chính cho Ukraine và nhắc lại hứa hẹn ủng hộ đối với nỗ lực trở thành thành viên EU của Ukraine.
Nhật Tân