Campuchia sẽ tổ chức bầu cử quốc hội vào tháng Bảy tới. Đây là cuộc tổng tuyển cử nghị viện thứ hai liên tiếp quốc gia Đông Nam Á này loại bỏ đảng đối lập chính, loại bỏ thách thức đáng kể duy nhất đối với đảng cầm quyền của Thủ tướng Hun Sen.
Theo The New York Times, Ủy ban Bầu cử Quốc gia Campuchia hôm thứ Hai (15/5) đã từ chối đăng ký Đảng Ánh Nến (Candlelight Party) tham gia vào cuộc tổng tuyển cử dự kiến sẽ được tổ chức vào tháng Bảy tới đây. Ủy ban Bầu cử cho biết Đảng Ánh Nến đã không nộp giấy tờ theo yêu cầu và do đó không đủ điều kiện tham gia cuộc đua tranh cử.
Các thành viên của Đảng Ánh Nến cho biết Ủy ban Bầu cử đã yêu cầu họ nộp các bản gốc của các giấy tờ chính thức của đảng. Đảng Ánh Nến nói rằng họ đã không còn giữ các giấy tờ gốc đó nữa bởi vì chúng đã bị tịch biên trong một cuộc bố ráp của cảnh sát vào năm 2017.
Đảng Dân nhân Campucia (CPP) của ông Hun Sen hiện tại nắm giữ tất cả 125 ghế trong Quốc hội. CPP đã giành chiến thắng tuyệt đối trong cuộc tổng tuyển cử năm 2018 sau khi các tòa án do chính phủ kiểm soát đã giải tán đảng đối lập chính, Đảng Cứu Quốc Campuchia (CNRP) vào năm 2017. Đảng Ánh Nến với nhiều thành viên từng tham gia CNRP đã thay thế đảng này trở thành đảng đối lập chính tại Campuchia.
Theo hãng tin Aljazeera, Đảng Ánh Nến trước đây là Đảng Sam Rainsy và đã liên minh cùng với Đảng Nhân quyền để thành lập Đảng CNRP vào năm 2012.
Các thành viên của Đảng Ánh Nến cho biết họ sẽ kháng cáo quyết định của Ủy ban Bầu cử. Sau khi CNRP bị giải tán vào năm 2017, ông Hun Sen đã tiếp tục thực hiện nhiều biện pháp để vô hiệu quá đảng đối lập còn lại. Các tòa án do chính phủ kiểm soát đã kết án khoảng 100 chính trị gia đối lập tội phản quốc và các tội danh khác, bỏ tù một số và đẩy nhiều lãnh đạo đảng đối lập phải chạy ra nước ngoài lưu vong.
Chính trị gia đối lập nổi bật nhất vẫn ở lại Campuchia là ông Kem Sokha. Ông này hồi tháng Ba vừa qua đã bị buộc tội phản quốc và bị kết án 27 năm quản thúc tại gia. Hồi tháng Hai, chính phủ Hun Sen đã đóng cửa một tờ báo nổi tiếng – Tiếng nói Dân chủ, tuyên bố rằng tờ báo này đã xuất bản một bản tin sai. Tiếng nói Dân chủ là một trong những hãng tin ít ỏi còn lại đưa tin phê bình chính phủ cầm quyền tại Campuchia.
Ủy ban Nhân quyền Liên Hiệp Quốc khi đó nói rằng “những hành động này gây tổn hại nghiêm trọng đến không gian dân sự và chính trị, trong đó có môi trường cho các cuộc bầu cử tự do và công bằng vào tháng Bảy”. Tháng trước, tổ chức Quan sát Nhân quyền đã cáo buộc chính phủ Campuchia tăng cường các cuộc tấn công miệng từ đó dẫn tới các cuộc tấn công bạo lực vào các thành viên của Đảng Ánh Nến.
Tổ chức Quan sát Nhân quyền, trong tuyên bố phát đi tháng trước, cho hay: “Việc giải tán các đảng đối lập, và loại bỏ, tấn công và bắt giữ các thành viên của các đảng này trước ngày bầu cử có nghĩa rằng sẽ không có bất kỳ một cuộc bầu cử thực sự nào cả”.
Chính phủ Hun Sen đã phủ nhận họ nhắm mục tiêu vào các đối thủ và khẳng định những vụ án pháp lý là thực thi pháp luật.
Sau phán quyết loại bỏ Đảng Ánh Nến, Ủy ban Bầu cử cho biết họ đã phê duyệt đăng ký của hơn 10 đảng khác. Những đảng được duyệt đăng ký tham gia tranh cử này có những đảng liên kết với Đảng Nhân dân Campuchia cầm quyền, và các đảng nhỏ vô danh không đặt ra được thách thức tranh cử đáng kể đối với CPP của Thủ tướng Hun Sen.
Phát ngôn viên của CPP Sok Eysan nói rằng cuộc bầu cử sắp tới sẽ là tự do và công bằng và rằng hơn 10 đảng đã đăng ký tham gia tranh cử.
Ông Hun Sen trước đó đã nói CPP sẽ thống trị nền chính trị Campuchia 100 năm.
Theo nhận định của The New York Times, ông Hun Sen, 70 tuổi, đã cầm quyền tại Campuchia 38 năm. Ông thực hiện loại bỏ đối thủ thông qua tòa án, thông qua thao túng bầu cử, thông qua bạo lực và bắt nạt, và một cuộc đảo chính vào năm 1997. Ông đã chỉ định con trai cả, Chỉ huy quân đội Hun Manet kế nhiệm ông và đã tuyên bố rằng việc chuyển giao quyền lực gia đình sẽ theo sau cuộc bầu cử vào tháng Bảy năm nay.
“Đây là năm rất nguy hiểm cho Hun Sen”, ông Sam Rainsy, một lãnh đạo đối lập nổi bật đang sống lưu vong viết bài bình luận đăng trực tuyến vào tháng này.
“Đây là năm ông ta quyết định thành lập một triều đại chính trị ngay sau bầu cử”, ông Sam Rainsy viết.
Hải Đăng