Montana đã trở thành tiểu bang đầu tiên của Hoa Kỳ áp đặt lệnh cấm hoàn toàn đối với TikTok – nền tảng chia sẻ video của Trung Quốc. TikTok được cả thanh thiếu niên và người trưởng thành ở Mỹ ưa chuộng.
Thứ 4 (17/05), Thống đốc Greg Gianforte của bang Montana đã ký thành luật Dự luật Thượng viện 419 (Senate Bill 419). Lệnh cấm TikTok có hiệu lực từ ngày 01/01/2024 — trừ khi Quốc hội thông qua luật quốc gia có quyền cao hơn, hoặc TikTok cắt đứt quan hệ với Trung Quốc.
Ông Gianforte nói rằng có nhiều bằng chứng cho thấy Đảng Cộng sản Trung Quốc (ĐCSTQ) đang “sử dụng TikTok để theo dõi người Mỹ, vi phạm quyền riêng tư, đồng thời thu thập thông tin cá nhân và thông tin nhạy cảm của họ”.
“Hôm nay, Montana thực hiện một hành động quyết đoán nhất so với bất kỳ tiểu bang nào để bảo vệ dữ liệu riêng tư và thông tin cá nhân nhạy cảm của người Montana sao cho chúng không bị Đảng Cộng sản Trung Quốc thu thập”, ông nói trong một tuyên bố.
TikTok có hơn 150 triệu người dùng Mỹ. Nền tảng trực tuyến này nói rằng “đại đa số” người dùng của họ là trên 18 tuổi. Tuy nhiên, Trung tâm nghiên cứu Pew cho biết 67% thanh thiếu niên Hoa Kỳ từ 13 đến 17 tuổi sử dụng TikTok, 16% trong số đó tiết lộ rằng họ sử dụng ứng dụng này gần như mọi lúc mọi nơi.
Bị phạt 10.000 USD nếu vi phạm
Luật cấm TikTok sẽ trao cho Bộ Tư pháp Montana quyền phạt bất kỳ “thực thể” nào, chẳng hạn như cửa hàng ứng dụng (app store) 10.000 USD/ngày nếu họ bị phát hiện cung cấp cho bất kỳ ai quyền truy cập ứng dụng. Người dùng sẽ không phải đối mặt với bất kỳ hình phạt nào.
Luật cũng cấm các công ty ứng dụng như Apple và Google cung cấp ứng dụng TikTok mà người dùng trong tiểu bang có thể tải xuống.
Chính phủ liên bang Hoa Kỳ đã cấm TikTok trên các thiết bị và hệ thống do chính phủ sở hữu. Gần một nửa số bang của Hoa Kỳ, bao gồm cả Montana, cũng có động thái tương tự.
Thống đốc Gianforte đã cấm ứng dụng này trên các thiết bị của chính quyền bang vào năm 2022, với lý do “lo ngại nghiêm trọng về bảo mật ” và việc sử dụng TikTok trên các thiết bị của bang gây ra “rủi ro to lớn” đối với dữ liệu nhạy cảm của bang.
Lệnh cấm mới nhất của bang Montana mở rộng lệnh cấm trước đó sang các thiết bị cá nhân, có nghĩa là TikTok hoàn toàn không thể hoạt động ở Montana.
Hạ viện Montana vào giữa tháng 4 đã bỏ phiếu với tỷ lệ 54–43 để đưa ra sự chấp thuận cuối cùng cho biện pháp này, sau khi nó được Thượng viện Montana thông qua vào đầu tháng 3 với số phiếu 30–20.
Tổng chưởng lý Montana Austin Knudsen đã viết trên Twitter vào ngày 14/04 rằng lệnh cấm “là một bước quan trọng để đảm bảo chúng ta đang bảo vệ quyền riêng tư của người dân Montana”; ông thừa nhận rằng các cuộc chiến tại tòa án có thể sẽ xảy ra sau khi lệnh được ban hành.
Sắp xảy ra kiện tụng
Vào thời điểm dự luật được cơ quan lập pháp Montana thông qua, bà Brooke Oberwetter, người phát ngôn của TikTok, nói rằng nếu dự luật được ký thành luật, TikTok sẽ thách thức tính hợp hiến của nó.
Vào thứ 4, bà Oberwetter đã đưa ra một tuyên bố khác, nói rằng ông Gianforte đã ký thành luật một dự luật “vi phạm quyền của người dân Montana được nêu trong Tu chính án thứ nhất bằng cách cấm TikTok – một nền tảng đã giúp đỡ hàng trăm nghìn người trên khắp tiểu bang – một cách bất hợp pháp”.
“Chúng tôi muốn trấn an người dân Montana rằng họ có thể tiếp tục sử dụng TikTok để thể hiện bản thân, kiếm sống và tìm kiếm cộng đồng; chúng tôi tiếp tục làm việc để bảo vệ quyền của người dùng trong và ngoài Montana”.
Liên minh Tự do Dân sự Hoa Kỳ cũng cho biết họ có ý định khởi kiện với lý do chính quyền tiểu bang đã vi phạm quyền tự do ngôn luận.
“Với lệnh cấm này, dưới danh nghĩa chống Trung Quốc, Thống đốc Gianforte và cơ quan lập pháp Montana đã chà đạp lên quyền tự do ngôn luận của hàng trăm nghìn người Montana – những người sử dụng ứng dụng này để thể hiện bản thân, thu thập thông tin và điều hành doanh nghiệp nhỏ của họ”, đại diện của Liên minh Tự do Dân sự Hoa Kỳ cho biết trong một tuyên bố.
TikTok đang thực hiện một sáng kiến có tên “Project Texas”. Dự án này sẽ tạo ra một thực thể riêng biệt để lưu trữ dữ liệu người dùng Hoa Kỳ trên các máy chủ của Hoa Kỳ do Oracle, một công ty công nghệ có trụ sở tại Texas, vận hành.
Lo ngại về an ninh quốc gia
TikTok được sở hữu và điều hành bởi ByteDance – công ty Trung Quốc có trụ sở tại Bắc Kinh. Năm 2020, TikTok đã chuyển trụ sở chính sang Singapore.
Năm 2022, FBI và Ủy ban Truyền thông Liên bang Mỹ đã cảnh báo về các mối đe dọa mà TikTok có thể gây ra đối với an ninh quốc gia Hoa Kỳ, trong đó có cảnh báo về việc dữ liệu người dùng mà ứng dụng này nắm trong tay — chẳng hạn như lịch sử duyệt web và vị trí người dùng — có thể được chia sẻ với chính quyền Trung Quốc. Đến cuối năm 2022, mối lo ngại càng tăng cao khi các phương tiện truyền thông đưa tin rằng nhân viên của ByteDance đã sử dụng quyền truy cập dữ liệu người dùng TikTok để theo dõi bất hợp pháp các nhà báo Mỹ.
TikTok từng nói rằng tất cả dữ liệu người dùng ở Hoa Kỳ được lưu trữ ở Hoa Kỳ, nhưng sau đó công ty đã thừa nhận rằng điều này không đúng. Trong một phiên điều trần trước quốc hội Mỹ vào tháng 09/2022, các giám đốc điều hành của TikTok đã từ chối cam kết chặn luồng dữ liệu của Hoa Kỳ đến Trung Quốc.
TikTok đã trở nên phổ biến ở Hoa Kỳ vào năm 2017 sau khi ByteDance mua lại Musical.ly – công ty truyền thông xã hội thuộc sở hữu của Trung Quốc – và ghép văn phòng ở Santa Monica của ByteDance với TikTok. Vào thời điểm đó, TikTok không thông báo cho giới chức Hoa Kỳ về vụ sáp nhập Musical.ly–TikTok, mặc dù cả hai công ty đều có mối quan hệ với chính quyền Trung Quốc, nhà báo điều tra độc lập Geoffrey Cain đã tiết lộ như vậy trong chương trình “American Thought Leaders” của EpochTV.
Cựu Tổng thống Mỹ Donald Trump từng cố gắng cấm các lượt tải mới ứng dụng TikTok và WeChat thông qua một lệnh của Bộ Thương mại vào năm 2020, nhưng nó đã bị nhiều tòa án chặn lại. Lệnh cấm của ông không bao giờ có hiệu lực.
Ngoài những lo ngại về an ninh quốc gia, nhiều người đã bày tỏ lo ngại về nội dung trên TikTok và tác hại tiềm tàng của nó đối với sức khỏe tâm thần thanh thiếu niên. Tháng 12/2022, bang Indiana đã đệ trình 2 vụ kiện cáo buộc TikTok gửi dữ liệu người dùng cho ĐCSTQ và TikTok tuyên bố sai sự thật rằng sản phẩm của họ an toàn đối với trẻ em.
Theo The Epoch Times
Xuân Hoa biên dịch