Quỳnh Lê
Mỗi ngày tôi chọn một niềm vui
Tôi chợt tìm ra một chút ánh sáng cho tâm hồn sau những tháng ngày lạc bước trong con đường hầm u hoài khi nghe bản nhạc “Mỗi ngày tôi chọn một niềm vui” của cố nhạc sĩ Trịnh Công Sơn. Từ lúc bước vào cuộc đời quả phụ, tôi thường không có niềm vui trọn vẹn, nhưng tìm được một niềm vui nho nhỏ trong mỗi ngày không phải là điều quá khó khăn. Và “Con tim đã vui trở lại” khi tôi có dịp gặp lại gia đình và bạn bè thân quen, những người đã làm cho cuộc sống của tôi thêm màu sắc và ấm áp tình người.
Mỗi ngày tôi chọn một niềm vui
Cùng với anh em tìm đến mọi người
Tôi chọn nơi này cùng nhau ca hát
Để thấy tiếng cười rộn rã bay (Trịnh Công Sơn)
Niềm vui bắt đầu khi tôi đến Bắc Cali vào một sáng mùa xuân. Trời Cali chào đón chúng tôi bằng không khí dịu nhẹ cùng với những hạt nắng xuân vàng óng ánh. Thư Thư và Ray đến đón ba người chúng tôi – Mỹ Hoa, Vĩnh và tôi – về nhà trên con đường trải dài trên eo biển mà cảnh vật hai bên là nước biển xanh bao la được ôm ấp bởi những rặng núi xanh chập chùng. Chúng tôi ngồi trên xe mà giống như ngồi trên chiếc du thuyền lướt sóng giữa biển khơi.
Thật cảm động khi gặp lại chị Thành, người chị cả của anh Thảo, gia đình Thư Thư và cháu Trang. Đây là lần đầu tiên tôi đến thăm chị và các cháu ở Mỹ. Tuy vậy gia đình chị tiếp đón tôi rất là nhiệt tình và tràn đầy tình cảm dù bây giờ anh Thảo chỉ còn trong vùng trời ký ức của mọi người. Tâm hồn cô đơn của tôi được sưởi ấm bằng tình thương ấm áp của gia đình và tôi đã bắt đầu mỉm cười nhiều hơn.
Chị Thành đã trải qua 90 xuân xanh của cuộc đời nhưng chị vẫn tươi trẻ, khỏe mạnh, rộng rãi và rất đam mê nghệ thuật nhất là trong lãnh vực khiêu vũ. Điều tôi thích nhất là chị rất chịu chơi. Chị bao cả sàn nhảy ngày thứ năm để các em của chị được vui chơi ca hát và “Dancing all night” trước khi chúng tôi đi qua thành phố khác. Cháu ngoại Christopher thông minh, đẹp trai của chị rất hiếu khách nên dù bận rộn với công việc ở Virginia vẫn hăng hái bay về nhà rạng sáng ngày thứ năm để có mặt ở ‘Hội trùng dương’ dìu bà ngoại, mợ và dì Trang trên sàn nhảy tối hôm đó. Christopher nói tiếng Huế rất giỏi dù cháu sinh ra ở Mỹ.
Thế là vào 5 giờ chiều, nhóm chúng tôi 6 người ‘khăn gói bị gậy’ lái xe trực chỉ đi vũ trường ở San Jose. Thú thật là ngồi trong xe mà tôi như ngồi trên đống lửa vì chị bảo tôi và Vĩnh (em rể chị) hãy hát nhạc sống điệu Tango và Waltz cho chị nhảy. Chị thích hai điệu đó mà rất ít người chịu hát. Tôi và Vĩnh chỉ là những người thích hát karaoke, tên thì chưa có đủ nhưng tuổi thì có quá dư thừa! Bây chừ mà không có ‘kara’ thì tôi không thấy ‘oke’ chút nào cả! Tuy vậy, tôi cũng uống thuốc liều chiều chị chọn hát nhạc Tango, nhưng tôi âm thầm lặng lẽ mang theo một bộ áo dự phòng để lỡ có bị liệng trứng thúi hay cà chua chín trên sân khấu thì còn có thể về nhà sạch sẽ và trong danh dự :)… Trước khi vào sàn nhảy, chị đãi cả nhà ăn bò 7 món Ánh Hồng. Tôi ăn rất ngon miệng để khỏi làm ‘ma đói’ trước khi bị ‘hành hình’ ở dạ vũ sau đó.
Đêm nhạc diễn ra thật vui trong không khí thân mật và ấm áp ngoài sức tưởng tượng của tôi. Cháu Trang từ Sacramento lên thăm và hát tặng chúng tôi bài “Hạ trắng” rất hay và thật tình cảm. Vĩnh luôn xuất sắc trong bản nhạc ngoại quốc nhất là bài “The last Waltz.” Các bạn của chị rất dễ thương và tốt bụng. Ai cũng nồng nhiệt, cảm thông và tặng cho tôi những đóa hồng rực rỡ dù có những lúc tôi hát lạc tone hay lạc nhịp. Hát trên sân khấu, tôi rất vui và hãnh diện khi thấy chị nhảy thật đẹp và say sưa như “Cô bé ngày xưa” trong nhịp điệu Tango.
Những ngày trước đó thì Thư Thư chở chúng tôi đi thăm gia đình vị ân nhân của gia đình ở San Jose, viếng mộ anh Thành và cháu Bảo Thịnh, rồi thăm trường đại học mà cháu đang làm việc, California State University, East Bay. Còn cháu Trang thì chở chúng tôi đi cruise Golden Gate Bridge, đi dạo phố, ăn trưa ở Pier 39 và shop vì chúng tôi đều là những người ‘shopaholic’…
Chúng tôi rất vui đã có những kỷ niệm thật khó quên và đầy ân tình trong chuyến đi này. Cảm ơn chị Thành đã cho em những giây phút thoải mái trong tâm hồn và coi em như em ruột của chị. Cảm ơn Mỹ Hoa và Vĩnh đã đi cùng tôi và làm chiếc cầu kết nối tình thân gia đình càng thắm thiết hơn. Cảm ơn cháu Trang, Christopher đã đồng hành với tôi trong từng điệu nhảy. Last but not least, cảm ơn Thư Thư và Ray đã chăm sóc để tôi có những giây phút êm đềm ở thành phố mà khi đến thì phải “be sure to wear some flowers in your hair.”
Nhiều năm không gặp tưởng tình đã cũ…
Mỗi ngày tôi chọn đường mình đi
Đường đến anh em đường đến bạn bè
Tôi đợi em về bàn chân quen quá
Thảm lá me vàng lại bước qua (Trịnh Công Sơn)
Niềm vui của tôi được trải dài theo những trạm dừng chân. Gặp Hồng Phượng trong một thời gian ngắn ngủi nhưng đầy ân tình khó quên ở thành phố “Em đi tìm động hoa vàng.” Tôi có nhiều chuyện muốn chia sẻ, muốn tâm tình với Hồng Phượng nhưng thời gian lại quá eo hẹp nên thôi đành hẹn lại những lần sau…
Phương Trang và anh Vinh đã đến đón nhóm ba người chúng tôi tại phi trường George Bush International. Gặp lại cô bạn thân tốt bụng, rộng rãi và luôn chăm sóc cho bạn bè, tôi vui lắm. Thực sự ở Houston khí hậu rất khắc nghiệt và không có nhiều điểm du lịch thuận tiện so với các thành phố khác nhưng tôi vẫn luôn muốn đến mỗi khi có dịp đến Mỹ. Tình người Houston luôn nồng ấm, nhiệt thành và rộng rãi như tiểu bang Texas ‘đất rộng tình nồng.’ Tuy nhiên điều quan trọng là Houston có những người bạn thân yêu và rất chân tình của tôi.
Ai ơi nhớ lấy câu này
Tình bạn là mối duyên thừa trời cho. (V.D.)
Buổi họp mặt được tổ chức vào ngày hôm sau ở nhà bạn hiền Phương Trang. Tôi rất vui và cảm động khi gặp lại cô Mai Lan, Thiên Thùy, Phương Anh, chị Chiêu, và các chị cấp trên cùng chung mái trường nữ trung học tổng hợp Sương Nguyệt Anh (SNA), Sài Gòn. Vừa nhìn thấy nhau là bỗng chốc những năm tháng học trò ngây ngô vội ùa về, những lần họp mặt đại hội SNA ở các địa điểm trên thế giới tràn đầy kỷ niệm, cứ thế vấn vương nhiều thứ cảm xúc thầm kín không tên. Chúng tôi hết nói, hết ăn thì lại hát, hát mệt thì lại ăn, và cứ như thế cho đến khi “Trăng tàn trên hè phố” nên “Em vẫn không đổi thay. Em vẫn như cũ như trong cuộc đời anh…” và không bao giờ xuống cân. 🙂 Tôi ôm bụng cười khi Thiên Thùy dùng ChatGPT để làm thơ tiếng Việt tặng cho tôi trong chuyến viếng thăm này. 🙂
Sáng hôm sau chúng tôi dậy sớm để đi chợ Việt Nam ở khu phố Bellaire vì ai cũng có “tâm hồn ăn uống.” Thiên Thùy mua 12 lbs clawfish (đặc sản của Texas) đãi khách và dạy cho tôi cách ăn. Clawfish ăn giống như lobster nhưng thịt rất ngon và ngọt hơn. Hình như ăn vẫn chưa đã thèm nên hôm sau anh Vinh dẫn chúng tôi đi ăn buffet ở nhà hàng Kim Sơn sau gần 1 giờ đồng hồ xếp hàng. Khi vào bàn, cô hầu bàn đem 2 đĩa clawfish thật to đến bàn chúng tôi. Lần này thì tôi ăn muốn bội thực nên đêm về mơ ác mộng thấy cả ngàn con clawfish rượt mình chạy… mất dép. Từ đó tôi không còn dám tơ tưởng chi đến clawfish nữa. 🙂
Điều làm tôi vui nhất là sau những tháng năm dài xa cách, cả không gian lẫn thời gian nhưng tình cảm mọi người dành cho tôi vẫn trọn vẹn thân thương, đôi khi còn nồng ấm hơn cả xưa kia. Thiên Thùy và anh Việt đã lái xe đường dài hơn 3 tiếng đồng hồ đến thăm tôi. Thương nhất là hai vc Thùy ‘mình rồng’ nhưng sẵn sàng nằm ‘long sàng’ nền gạch ngủ qua đêm để chúng tôi có thể “đêm chong đèn ngồi nhớ lại từng câu chuyện” của “Những ngày xưa thân ái.” Điều đặc biệt trong buổi họp mặt này là tôi có cơ hội gặp vc anh Trứ và Trâm để được học hỏi thêm về cách sống lạc quan và thế giới tâm linh sau những mất mát trong cuộc đời.
Mộng viễn du
Ngày nay trong đám ham vui ấy
Có kẻ theo bạn mải cuộc chơi (họa thơ Hàn Mặc Tử)
Cuộc chơi của chúng tôi bắt đầu khi đến San Antonio để đi River Walk (Paseo del Rio), hệ sinh thái đô thị lớn nhất của Mỹ, ẩn mình yên tĩnh bên dưới mặt đường và chỉ cách Alamo vài bước chân. Đi dạo trên bờ sông này đã mang lại một cho tôi cảm giác thanh bình, dễ chịu và làm tôi nhớ đến con sông thầm lặng Tamar ở tiếu bang Tasmania, Úc Châu để rồi âm thầm giấu giọt lệ nhớ thương anh Tamar Le, người chồng quá cố yêu quý của tôi…
Ngày hôm sau thì chúng tôi lên đường đi Corpus Christi, thành phố biển ở phía nam tiểu bang Texas, nơi có các gazebos tráng lệ dọc bờ biển, có Music Walk of Fame để vinh danh các nghệ sĩ âm nhạc Nam Texas như Selena, George Strait và Kris Kristofferson, etc., truóc khi đi Las Vegas.
Điều làm tôi ngạc nhiên và khâm phục dân Mỹ ở tiểu bang Neveda là sự hoành tráng, muôn màu, muôn sắc và kiến trúc xây dụng thật tráng lệ như The Venetian Resort, Palazzo hay Bellagio, etc., của thành phố “tội lỗi” (The Sin city) Las Vegas giữa lòng sa mạc, rất xứng đáng là thủ đô giải trí hàng đầu của thế giới. Vegas không hẳn là nơi để đánh bạc mà còn là nơi để ăn chơi, hưởng thụ và giải trí. Tôi đặc biệt rất ấn tượng với Show KA – Cirque du Soleil ở MCG Grand theatre, rất công phu, nghệ thuật và rất hay.
Đến “thành phố tội lỗi” thì mình phải thử thời vận một chút nên sau khi ăn tối xong, chúng tôi xuống sòng bạc kéo máy; biết đâu sớm mai thức dậy, thế giới này sẽ có thêm một người làm tỷ phú… Nghĩ thế nên chúng tôi góp mỗi người US$10 lần lượt nạp vào máy và thay nhau kéo. Tôi há hốc mồm kinh ngạc khi thấy Phương Trang, cô bạn hiền lành thường ngày của tôi, thật ‘cool’ luôn nóng máu hăng hái đặt cược thật lớn (maximum bit). Tôi hỏi thì cô bạn trả lời thật dễ thương “cược lớn để về phòng ngủ cho sớm” bởi vì “đường vào bài bạc có trăm lần thua, chỉ có một lần huề!” 🙂
Bạn tôi nói quá đúng, chúng tôi thua hết tiền chỉ sau 5 phút. Tuy thua nhưng tôi lại thấy vui vui vì người ta thường nói “đen bạc thì đỏ tình”, tình bạn càng đỏ, càng thắm thiết yêu thương nhau, thì tiền bạc đâu có nghĩa lý gì! Cảm ơn cô và các chị, các người bạn đáng yêu ở Texas, đặc biệt là Phương Trang và anh Vinh đã chăm sóc cho tôi trên từng cây số, làm cho thời gian tôi ở Houston và Las Vegas tràn đầy hạnh phúc và nắng ấm.
Bản Tango cuối cùng ở Los Angeles
Khi nào trái đất còn quay
Trái tim còn đập vẫn là bạn nhau. (V.D)
Trái tim của chúng tôi càng đập mạnh và đập nhanh khi thở nhịp sống của Nam Cali. Khi chúng tôi check in ở một Airbnb, hai bạn Mỹ Loan và Quỳnh Hoa đã chở một xe van đầy đồ ăn, thức uống, mắm muối và trái cây chất đầy tủ lạnh của nhà nghỉ, giống như đang tiếp tế cho trại tỵ nạn vậy. Tối đến thì vc Tuyết Mai và anh Đạo mang thật nhiều bánh ngọt đến đãi chúng tôi nữa, rồi sau đó có Bạch Yến, anh Vinh (rể SNA), Vy, Hồng Ân (em gái và con gái của Quỳnh Hoa) đến thăm. Rất cảm động vì tình bạn bao la mà các bạn đã dành cho chúng tôi nhưng làm sao tôi ăn hết được. Tình cảm mà các bạn dành cho thì bao nhiêu tôi cũng nhận hết nhưng ăn hết đồ ăn này thì tôi sẽ chết vì … no.
Nói đến ăn uống thì thực phẩm ở Mỹ thì rất đa dạng và phong phú nhất là mít rất rẻ nhiều so với Úc. Giá một lb mít chỉ có 79 cents so với Úc là US$12. Điều nghịch lý là mít thì rẻ nhưng hột mít do có nhiều lợi ích cho sức khỏe lại rất đắt, đến US$10 một lb. Ngày nào tụi tôi cũng ăn mít cho đã thèm nhưng hột mít thì không dám ăn vì tụi tôi không muốn bị FBI hỏi thăm do dám cả gan mang ‘bom sinh học’ trong người khi lên máy bay để khủng bố hành khách. 🙂
Ngày hôm sau chúng tôi đi hiking ở beautiful Laguna Beach và Dana Point trong khi chờ đợi Kim Duyên và anh Phúc bay từ Virginia đến gia nhập nhóm. Dẫn đầu nhóm là Captain Mỹ Loan, lái xe van 8 chỗ chở chúng tôi đi. Bên cạnh là “back seat driver” Quỳnh Hoa luôn lái xe bằng miệng và dùng chưởng “nhất dương chỉ.” Quỳnh Hoa có bằng lái xe từ 10 năm trước, thi lần đầu là đậu liền nhưng từ hồi có bằng lái đến nay thì chưa tự lái xe được lần nào. 🙂 Quỳnh Hoa là ‘human GPS’ cho Mỹ Loan trên những con đường trong phố, nhưng khi ra freeway thì Mỹ Loan là anh hùng xa lộ. 🙂
Tôi rất vui khi gặp lại Kim Duyên và anh Phúc đã không quản đường xa bay đến thăm tôi. Đã bao năm rồi gặp lại, Kim Duyên nhìn vẫn như xưa, vẫn nhiệt tình, rộng rãi và vẫn hay “nũng nịu đòi ô mai, mắt nai vẫn còn ngơ ngác” bên anh Phúc hiền lành và tốt bụng.
Thế rồi cả nhóm rủ nhau đi Universal Studio vì nơi đây là cái nôi sản xuất rất nhiều phim ảnh nổi tiếng cho cả thế giới. Chúng tôi chia nhau đi hai xe, phụ nữ ngồi một xe do Mỹ Loan lái, đàn ông thì ngồi một xe do anh Phúc lái. Mỹ Loan là dân địa phương nên “võng nàng” lái xe dẫn đường đi trước còn anh Phúc “võng chàng” lái xe theo sau.
Mỹ Loan lái xe rất điệu nghệ và cứng tay lái, xứng đáng là con cháu của nữ tướng anh hùng Việt Nam Triệu… Ẩu. Khi ra freeway thì cô nàng như rồng gặp mây, phóng xe như sao xẹt, thay đổi lane nhanh và liên tục để tránh những làn xe bị kẹt. Anh Phúc, anh Vinh và anh Vĩnh căng thẳng toát cả mồ hôi bám theo sau, đôi khi suýt bị đụng xe, vì sợ mất dấu. Đúng là “sau lưng một người đàn bà đua xe, là bóng dáng của ba chàng ngự lâm chạy hụt hơi...” Còn tôi và các bạn trong xe Mỹ Loan thì luôn miệng khấn “Lạy trời cho con được bình yên.“
Cuối cùng thì chúng tôi cũng thở phào đến được Universal Studio được trọn vẹn và sớm như dự định. Tôi rất thích đi Studio Tour ở đây vì tôi học hỏi được rất nhiều điều về nghệ thuật dàn dựng phim, cũng như về âm thanh và ánh sáng. Đi Panda ride thấy nhẹ nhàng thoải mái nên chúng tôi thừa thắng xông lên đi các rides khác. Trong nhóm có người phải dùng xe lăn tạm thời nên chúng tôi rất vui được ưu tiên vào trước vì “một người làm quan, cả họ được nhờ” mà. Tuy nhiên sau khi đi “The Mummy” ride thì tôi mới nhận ra rằng mình không còn trẻ nữa, ngày xưa thì hét ra lửa, còn bây giờ thì hét ra… đàm, đau nhức cả người nên thu dọn để về sớm. Mỹ Loan thấy tội nghiệp tụi tôi nên nhẹ nhàng an ủi: “Mấy bà đừng lo, khi về tui sẽ lái chậm, chạy đúng 65 miles/h thui!” Huhu
Các ngày còn lại thì chúng đi chỉ đi chơi gần gần, ban ngày thì dạo phố Hollywood, Walk of Fame, Rodeo Drive, Huntington beach; đói thì ăn trưa ở Beverly Hills, Little Saigon, China town hay bất cứ trạm dừng chân nào; tối về thì ngồi tám và karaoke đến lúc hết hơi thì mới thôi. Cảm động lắm khi gặp lại Minh Tâm và Thu Thảo đã không ngại đường xa đến thăm.
Đêm cuối cùng ở Mỹ, tôi rất ngạc nhiên nhưng rất vui khi có dịp gặp lại Tấn Long, người bạn học cùng lớp khi tôi chuyển qua học trường Nguyễn An Ninh năm cuối. Ngày xưa tuy học chung lớp nhưng chúng tôi chưa bao giờ nói chuyện với nhau cả vì hàng rào cản giữa ‘girl germs’ và ‘boy germs.’ Bây giờ gặp lại Tấn Long,, thấy bạn vui vẻ, có cuộc sống ổn định và gia đình hạnh phúc, dù bạn mới qua Mỹ, tôi rất mừng cho bạn.
Trước khi ra sân bay vào 11pm ngày hôm sau để về Úc, Hồng Ân, con gái dễ thương của Quỳnh Hoa đã cho tôi ‘the last treat’ chở đi thăm thành phố Santa Ana, Anaheim, và nhà thờ kiếng trước khi anh Vinh chở tôi ra phi trường quốc tế LAX.
Vậy đó, bạn bè mỗi lần gặp là mỗi lần có dịp nhắc nhở nhau về những năm tháng của tuổi thanh xuân, về một thời ngây ngô và đầy ước mơ. Những kỷ niệm đó cùng niềm vui và nỗi buồn chính là thứ đã gắn kết chúng tôi lại với nhau. Không gì thoải mái bằng gặp lại những người bạn tốt. Ngày hôm nay, có người đã thành đạt trong cuộc sống, cũng có người mãi loay hoay tìm ra lối đi cho mình, nhưng xin cảm ơn các bạn thân thương vì đã luôn mỉm cười với tôi và luôn ân cần chăm sóc hay an ủi mỗi khi tôi buồn. Đặc biệt cảm ơn gia đình Mỹ Loan, và gia đình Quỳnh Hoa đã tiếp đãi và chăm sóc chúng tôi thật nồng hậu ở Nam Cali.
Man mác chiều thu ngày trở về
Những ngày vui nắng ấm trôi qua thật mau! Ngày tôi về, Melbourne đang vào giữa trời thu ảm đạm, ngập tràn lá vàng, mưa lạnh miên man. Tim tôi chợt thắt lại khi thắp nén nhang trên bàn thờ chồng tôi lúc vào nhà. Tôi lại nhớ anh rồi…
Cơn mưa chiều nay sao vô tình đến thế!
Ướt lối em về nước mắt khẽ tuôn rơi. (V.D)
Vẫn còn rất nhiều người thân gia đình và bạn bè mà tôi vẫn chưa gặp được lần này, một phần vì thời gian quá ít ỏi, một phần vì vết thương lòng vẫn chưa lành hẳn. Đường đời vẫn còn dài nên chắc chắn trong những hành trình tương lai tôi sẽ có dịp:
Cùng nhau ta sẽ đi
Sẽ thăm bao nơi xưa
Xuôi một thuở lênh đênh
Ta sẽ thăm từng người
Sẽ đi thăm từng đường
Sẽ vô thăm từng nhà… (Trịnh Lâm Ngân)
Thanks to anh Trứ, tôi học hỏi được rất nhiều từ chuyến đi này. Bây giờ niềm vui của tôi là mỗi sớm mai thức dậy, thấy mình còn được sống trên đời, được hít thở không khí trong lành của đất trời, được ngắm cảnh thiên nhiên tươi đẹp, được thấy mọi người yêu thương và đùm bọc cho nhau. Và hạnh phúc của tôi là có được những kỷ niệm đẹp trong đời với anh Thảo, với gia đình và với bạn bè để ôm ấp và “thương hoài ngàn năm.”
Quỳnh Lê
Melbourne 2023