Vậy là SoftBank gần như đã bán hết số cổ phần của mình tại Alibaba. Với sự giúp sức của SoftBank từ thời còn vô danh, Alibaba đã vươn mình trở thành một trong những công ty công nghệ lớn nhất thế giới. Nhưng mọi việc giờ đây đã rất khác.
Gã khổng lồ đầu tư công nghệ Nhật Bản SoftBank Group và gã khổng lồ thương mại điện tử Trung Quốc Alibaba sắp kết thúc mối quan hệ hợp tác lâu dài. Sau khi tập đoàn này công bố kết quả hoạt động vào ngày 11/05, Giám đốc tài chính Yoshimitsu Goto nói với các phóng viên rằng, SoftBank đã bán hoặc quy đổi ra tiền mặt toàn bộ số cổ phần còn lại của mình tại Alibaba.
Đối với phần cổ phần của Alibaba mà SoftBank vẫn nắm giữ trước đây, ông Goto cho biết, công ty đã quy đổi số cổ phần này ra tiền mặt thông qua các công cụ tài chính như “hợp đồng kỳ hạn trả trước” và các phương tiện khác. Điều này có nghĩa là SoftBank đã thực sự bán số cổ phiếu này nhưng có quyền mua lại chúng vào một thời điểm sau đó.
Theo SoftBank, trong hơn 23 năm, khoản đầu tư 7,4 tỷ JPY (yên) của họ vào Alibaba đã biến thành 9,7 nghìn tỷ JPY. Dựa trên tỷ giá hối đoái hiện tại, khoản đầu tư 54,5 triệu USD đã biến thành 71,5 tỷ USD.
Giúp đỡ một công ty vô danh
Sự hỗ trợ của SoftBank dành cho Alibaba trong hơn hai thập kỷ đã tạo ra một kỷ nguyên cho Alibaba và Internet Trung Quốc.
Ông Masayoshi Son, Giám đốc điều hành của SoftBank, ủng hộ Alibaba ngay từ năm 2000 khi SoftBank Group đầu tư 20 triệu USD vào công ty này khi nó còn là một công ty nhỏ, vô danh chưa đầy một năm tuổi.
Có tin đồn rằng ông Son đã đưa ra quyết định trong vòng vài phút sau khi gặp ông Jack Ma, người sáng lập Alibaba.
Năm 2004, SoftBank đầu tư thêm vào Alibaba. Sau nhiều vòng điều chỉnh, nó nắm giữ tới 34,4% cổ phần của Alibaba. Với sự hỗ trợ lâu năm của SoftBank, Alibaba không chỉ trở thành công ty thương mại điện tử hàng đầu Trung Quốc mà còn là một trong những công ty công nghệ lớn nhất thế giới.
Alibaba được niêm yết trên Sở giao dịch chứng khoán New York vào ngày 19/09/2014, với giá mở cửa là 92,7 USD. Vào thời kỳ đỉnh cao vào năm 2020, cổ phiếu của Alibaba đạt mức cao nhất mọi thời đại là 317 USD một cổ phiếu và cổ phần của SoftBank được định giá hơn 200 tỷ USD.
Bán tháo
Do cuộc đàn áp của Đảng Cộng sản Trung Quốc (ĐCSTQ) đối với các công ty công nghệ Trung Quốc trong những năm gần đây, cổ phiếu công nghệ đã rơi vào thị trường giảm điểm. Giá cổ phiếu của Alibaba đã trượt dốc kể từ cuối năm 2020 sau khi kế hoạch niêm yết của công ty liên kết Ant Group bị các cơ quan quản lý của ĐCSTQ tạm dừng.
Vào giữa tháng 4, một hồ sơ của Ủy ban Chứng khoán và Giao dịch Mỹ cho thấy cổ phần còn lại của SoftBank trong Alibaba chỉ là 3,8%. SoftBank đã bán bớt cổ phần của mình tại Alibaba theo kiểu gần như thanh lý. Các tài liệu được cung cấp cho The Financial Times bởi The Washington Service, một nhà cung cấp dữ liệu, cho thấy trong 14 tháng qua, SoftBank đã thu về trung bình 92 USD/cổ phiếu từ việc bán có kỳ hạn 389 triệu cổ phiếu Alibaba.
Thu nhập trung bình trên mỗi cổ phiếu không chỉ thấp hơn nhiều so với mức cao nhất mọi thời đại của giá cổ phiếu Alibaba mà còn thấp hơn giá mở cửa vào ngày phát hành cổ phiếu lần đầu ra công chúng vào năm 2014. Nói cách khác, lợi tức đầu tư của SoftBank vào Alibaba hơn tám năm gần bằng không.
SoftBank cho biết, các giao dịch liên quan tới Alibaba phản ánh việc SoftBank chuyển sang “chế độ phòng thủ” để đối phó với một môi trường kinh doanh không chắc chắn hơn.
“Chúng tôi đang củng cố sự ổn định tài chính của mình bằng cách tăng tính thanh khoản trong tay bằng cách huy động tiền mặt”.
Việc SoftBank bán tháo diễn ra vào thời điểm quan trọng đối với tập đoàn của Nhật Bản. Họ đang lên kế hoạch niêm yết một khoản đầu tư khác của mình, Arm, một công ty thiết kế chip của Anh.
Trong khi đó, SoftBank đã báo cáo khoản lỗ đầu tư hàng năm kỷ lục 5,3 nghìn tỷ JPY (39 tỷ USD) trong Quỹ Tầm nhìn của mình vào ngày 11/05.
Alibaba đã thay đổi
Alibaba của ngày hôm nay rất khác so với Alibaba của thời Jack Ma. Ngày 28/03, Alibaba thông báo kế hoạch tách thành 6 nhóm kinh doanh, mỗi nhóm sẽ hoạt động độc lập và có thể niêm yết cổ phiếu.
Mỗi nhóm kinh doanh sẽ có CEO và hội đồng quản trị riêng, thực hiện hệ thống trách nhiệm của CEO dưới sự lãnh đạo của một hội đồng quản trị.
Tập đoàn Alibaba sẽ trở thành công ty mẹ do ông Trương Dũng (Zhang Yong) phụ trách. Động thái này đánh dấu sự tan rã cuối cùng của một đế chế kinh doanh mà ông Jack Ma đã dành hơn hai thập kỷ để xây dựng.
Sai lầm lớn nhất
Ông Jack Ma, khi đó là Giám đốc điều hành của gã khổng lồ thương mại điện tử Trung Quốc Alibaba, phát biểu trong chuyến thăm của ông tại hội chợ đổi mới và khởi nghiệp Vivatech ở Paris, Pháp, vào ngày 16/05/2019. (Ảnh: Philippe Lopez/AFP qua Getty Images)
Ông Ma từng hình dung về một “nền kinh tế Alibaba”, trong đó các công ty con và công ty liên kết hợp tác chặt chẽ với nhau. Tuy nhiên, kể từ khi Ant Group bị tạm dừng niêm yết, khái niệm này hầu như không được đề cập đến trong công ty.
Ông Ma thôi giữ chức chủ tịch Alibaba vào năm 2019 và tiếp tục là thành viên hội đồng quản trị. Một năm sau, ông ấy thậm chí không còn là một giám đốc của tập đoàn.
Trong vài năm diễn ra việc ĐCSTQ đàn áp các công ty Internet của Trung Quốc, ông Ma phần lớn giữ kín tiếng, dành phần đa thời gian ở nước ngoài.
Trong báo cáo thường niên gần đây nhất của Tập đoàn Alibaba phát hành vào tháng 07/2022, ông Ma chỉ được liệt kê là cộng sự của Alibaba.
Ông Ma từng nói rằng thành lập Alibaba là sai lầm lớn nhất mà ông từng mắc phải.
“Sai lầm lớn nhất của tôi là đã tạo ra Alibaba. Tôi chưa bao giờ nghĩ điều này sẽ thay đổi cuộc đời mình”, ông Ma, khi đó là CEO của Alibaba, cho biết tại Diễn đàn Kinh tế Quốc tế ở St. Petersburg, Nga, vào tháng 06/2016.
“Tôi chỉ đang cố gắng điều hành một doanh nghiệp nhỏ, nhưng nó đã phát triển quá lớn và kéo theo quá nhiều trách nhiệm cũng như quá nhiều rắc rối”.
Theo The Epoch Times
Bảo Nguyên biên dịch