Nền kinh tế Trung Quốc đang trên bờ vực mắc vào “bẫy niềm tin” trong lúc quá trình phục hồi sau đại dịch của nước này bắt đầu chậm lại. Chính quyền Trung Quốc đang nỗ lực nâng cao niềm tin của nền kinh tế, trong khi các doanh nghiệp nước ngoài tỏ ra thận trọng trước môi trường kinh doanh tại đây.
Các chuyên gia kinh tế của Citigroup cảnh báo, niềm tin thấp kết hợp với suy giảm kinh tế khiến Đảng Cộng sản Trung Quốc (ĐCSTQ) khó kích thích nền kinh tế bằng các phương pháp điển hình, chẳng hạn như cắt giảm lãi suất và đẩy mạnh chi tiêu cho cơ sở hạ tầng.
Trung Quốc đã chứng kiến sự bùng nổ ban đầu trong hoạt động kinh doanh và tiêu dùng vào đầu năm nay trước khi nền kinh tế của nước này bắt đầu đình trệ trở lại. Các nhà kinh tế của Citigroup mô tả quốc gia này đang nằm “trên bờ vực của một cái bẫy niềm tin”, Bloomberg đưa tin.
“Có vẻ như người tiêu dùng, người mua nhà, doanh nghiệp và nhà đầu tư đang mất niềm tin một cách dai dẳng. Những kỳ vọng yếu kém có thể củng cố lẫn nhau và trở nên vững chắc và tự củng cố chính mình”, Citibank cho biết.
Sau khi Bắc Kinh mở cửa trở lại nền kinh tế sáu tháng trước, hầu hết các nhà đầu tư đều kỳ vọng nền kinh tế lớn thứ hai thế giới sẽ tăng trưởng mạnh mẽ vào năm 2023 sau gần ba năm phong tỏa khắc nghiệt vì COVID-19.
Các nhà phân tích tin rằng mức thặng dư 997 tỷ USD của Trung Quốc, được tích lũy trong ba năm qua, sẽ thúc đẩy mức tiêu dùng lên mức trước đại dịch là 8% và giúp nước này đạt mức tăng trưởng GDP là 5% vào năm 2023.
Những lo ngại
Tuy nhiên, dữ liệu chính thức vào ngày 16/05 cho thấy niềm tin của doanh nghiệp và người tiêu dùng bắt đầu giảm trong tháng 4.
Kết quả kinh tế kém trong tuần này và những lo ngại về nửa cuối năm đã gây áp lực lên đồng CNY (nhân dân tệ) của Trung Quốc. Đồng tiền này đã trượt xuống mức 7 CNY đổi 1 USD vào ngày 17/05.
Các công ty tư nhân ở Trung Quốc, đặc biệt là trong lĩnh vực công nghệ, hầu như không đổ tiền vào đầu tư khi nền kinh tế mất đà và người tiêu dùng giảm chi tiêu cho hàng hóa lâu bền [xe cộ, tivi, nội thất…] vào tháng trước.
Người ta lo ngại rằng nền kinh tế Trung Quốc sẽ rơi vào một chu kỳ hỗn loạn khi các công ty và hộ gia đình cắt giảm chi tiêu, khiến quá trình phục hồi chậm lại và làm suy yếu niềm tin hơn nữa.
Niềm tin yếu kém khiến các chính sách kích thích trước đây của ĐCSTQ, như việc đẩy mạnh chi tiêu cho cơ sở hạ tầng do nhà nước dẫn dắt và việc thúc đẩy cho vay ngân hàng, trở nên kém hiệu quả. Nhà lãnh đạo Trung Quốc
Những lo ngại về nhập khẩu yếu, lạm phát thấp và sản xuất chậm lại đã khiến các nhà đầu tư nước ngoài lo lắng.
Tuy nhiên, đầu tư tư nhân vào lĩnh vực sản xuất vẫn được duy trì tốt hơn so với sự suy giảm trong lĩnh vực bất động sản.
Sản xuất công nghiệp đã tăng lên 5,6% hàng năm vào tháng 4 nhưng thấp hơn mức ước tính dự kiến là 10,9%.
Hơn nữa, tỷ lệ thất nghiệp của lao động trẻ tăng lên mức 20,4% là một dấu hiệu đáng lo ngại cho thấy nền kinh tế hậu đại dịch của Trung Quốc không thể hấp thụ hàng triệu lao động mới tham gia thị trường lao động.
Nỗ lực nâng cao niềm tin
Các nhà kinh tế của Citigroup cho rằng mức độ niềm tin thấp là do hậu quả của các biện pháp đại dịch hà khắc của ĐCSTQ và chính sách zero-COVID, thứ được chấm dứt vào cuối năm ngoái.
Sự can thiệp mạnh tay của Bắc Kinh được cho là có ảnh hưởng tiêu cực đến các lĩnh vực – chẳng hạn như thị trường bất động sản, công nghệ và giáo dục – do những thay đổi quy định quá mức.
Tại cuộc họp của Bộ Chính trị vào tháng 4, ĐCSTQ tuyên bố sẽ hỗ trợ phục hồi kinh tế, vì niềm tin thấp đang đe dọa sự phát triển, theo Tân Hoa Xã.
Nhà lãnh đạo Trung Quốc Tập Cận Bình và các quan chức hàng đầu của ĐCSTQ đã tuyên bố ủng hộ các doanh nghiệp tư nhân tại cuộc họp và hứa sẽ nâng cao tốc độ tăng trưởng thu nhập hộ gia đình. Nhưng cho đến nay, hầu hết các động thái nhằm nâng cao niềm tin của người tiêu dùng đều dừng ở cấp địa phương.
Chính quyền khu vực đã thực hiện một số thỏa thuận được công bố rộng rãi với các công ty ngoài quốc doanh, chẳng hạn như quan hệ đối tác giữa thành phố Hàng Châu và Tập đoàn Alibaba có trụ sở tại địa phương này, theo phương tiện truyền thông Trung Quốc Chiết Giang Daily.
Thủ tướng mới của ĐCSTQ, ông Lý Cường, đã đi thăm một số công ty sản xuất ở tỉnh Sơn Đông ở phía đông Trung Quốc và tuyên bố rằng chìa khóa để đảm bảo phục hồi kinh tế bền vững là “nâng cao niềm tin vào sự phát triển”, Tân Hoa Xã đưa tin.
Các doanh nghiệp nước ngoài thận trọng trước Trung Quốc
Các công ty nước ngoài bắt đầu cảm thấy kém tự tin hơn về các khoản đầu tư của họ ở Trung Quốc, gần đây nhất là do các cuộc điều tra của ĐCSTQ đối với Bain & Co. và Tập đoàn Mintz.
Một cuộc khảo sát của Phòng Thương mại Mỹ (AmCham) tại Trung Quốc từ ngày 27/04 cho thấy sự bi quan ngày càng gia tăng đối với quan hệ Mỹ – Trung Quốc khi căng thẳng về vấn đề Đài Loan và sự cạnh tranh gay gắt trong lĩnh vực công nghệ giữa hai cường quốc ngày càng nóng lên.
Ông Lester Ross, Chủ tịch Ủy ban Chính sách của AmCham Trung Quốc cho biết: “Mối quan hệ song phương giữa Mỹ và Trung Quốc đã xấu đi đáng kể”.
“Thật khó để biết khi nào chúng sẽ bắt đầu cải thiện vào thời điểm này – và điều này, tất nhiên, ảnh hưởng đến khả năng vận hành kinh doanh xuyên biên giới của doanh nghiệp”.
Một cuộc khảo sát gần đây do Phòng Thương mại Liên minh Châu Âu tại Trung Quốc công bố cho biết, động thái trở nên tự chủ trong lĩnh vực công nghệ của ĐCSTQ đã khiến nhiều công ty công nghệ châu Âu phải suy nghĩ lại về kế hoạch nghiên cứu và phát triển của họ tại quốc gia này.
Trong khi đó, các cơ quan kiểm duyệt Internet của ĐCSTQ đã bắt đầu đàn áp những chỉ trích trực tuyến đang gia tăng trong nước về cách xử lý của Bắc Kinh đối với khu vực tư nhân vào tháng trước, giữa lúc môi trường kinh doanh trở nên tồi tệ.
Theo The Epoch Times
Bảo Nguyên biên dịch