Thực chất sự có mặt của Medvedev tại Hà Nội là gì?

Lưu Trọng Văn

23-5-2023

TBT Nguyễn Phú Trọng bắt tay Chủ tịch đảng Nước Nga Thống nhất Medvedev tại trụ sở Trung ương Đảng hôm 22-5-2023. Ảnh: TTXVN

Chuyến đi của ông Medvedep đến Việt Nam chỉ được báo chí Việt Nam thông tin sau khi ông Nguyễn Phú Trọng hội đàm với ông Medvedev.

Thông thường một cuộc thăm viếng quan trọng của nhân vật như Medvedev phải được truyền thông trước cùng chương trình hành động của ông ta. Rồi khi ông ta đến Hà Nội phải được đưa tin kèm hình ảnh cùng quan khách Việt Nam nào ra đón. Nhưng tất cả im lìm trước một sự việc có tính nhạy cảm chính trị cao này. Ngay cả khi Tass, cơ quan truyền thông chính thống của Nga, đưa tin Medvedev vừa bay xuống Hà Nội vẫn không có báo Việt và phương Tây nào đưa tin.

Theo một nhà báo tại Anh thì, đọc tin của Nga về chuyến đi của Medvedev thì cũng lộ ra vài chi tiết thú vị như sau:

Theo Cục Hải quan Liên bang Nga, vào tháng 1 năm 2023, khối lượng thương mại song phương giữa hai nước lên tới 304,6 triệu USD, thấp hơn 44,7% so với cùng kỳ năm trước. Xuất khẩu của Nga sang Việt Nam là 45 triệu USD (trừ 71,8%), Nga nhập khẩu từ Việt Nam – 259,6 triệu USD (trừ 33,6%). Do đó, “Medvedev dự kiến ​​sẽ đề cập đến các vấn đề sử dụng đồng tiền quốc gia trong thương mại song phương, khả năng thanh toán hàng hóa và dịch vụ, cũng như rút tiền mặt tại Việt Nam bằng thẻ Mir trong các cuộc đàm phán tại HN hôm nay.

Dự kiến ​​sẽ đặc biệt chú ý đến hợp tác trong lĩnh vực năng lượng, bao gồm các hoạt động của Gazprom PJSC, Zarubezhneft JSC, Novatek PJSC tại Việt Nam và việc xây dựng các cơ sở phát điện. Một nội dung riêng của cuộc hội đàm là các bước đi chung trong dự án xây dựng trung tâm khoa học và công nghệ hạt nhân tại Việt Nam.”

Thông tin này của Tass thật khập khiễng với thông tin chính thống của Việt Nam sau cuộc hội đàm của TBT Nguyễn Phú Trọng. Theo thông báo truyền thông chính thống của Việt Nam thì đây là cuộc gặp gỡ hội đàm giữa TBT đảng CSVN và ông Medvedev trên cương vị chủ tịch đảng Nước Nga Thống nhất theo thoả thuận từ trước của hai đảng.

Nội dung mà hai lãnh đạo đảng trao đổi không hề đề cập đến những nội dung như Tass nêu. Mà, nếu có cuộc gặp của ông Medvedev với lãnh đạo chính phủ VN về vấn đề kinh tế như Tass nêu thì cũng nực cười, vì ông Medvedev là phó chủ tịch Hội đồng An ninh của Nga, những đàm phán kinh tế hoàn toàn không phải việc của ông ta.

Vậy thì, sau cái tay bắt thân tình của thủ tướng Phạm Minh Chính với người anh hùng Ukraine Zelensky liền ngay là cái tay bắt cởi mở của TBT Nguyễn Phú Trọng với Medvedev, ông trùm hiếu chiến của Nga, kẻ luôn mạnh miệng nhất đe doạ bom hạt nhân và huỷ diệt Ukraine, thực chất là gì?

Trong thông tin của báo chí chính thống Việt Nam thông báo về cuộc hội đàm của ông Nguyễn Phú Trọng với ông Medvedev không một dòng đả động đến Ukraine và cuộc chiến Nga – Ukraine đang vào hồi quyết liệt sống còn đối với cả Nga và Ukraine.

Chắc chắn sự hiện diện hai ngày của Mededev ở Hà Nội sẽ được mổ xẻ trên bàn các nhà bình luận quốc tế đồng thời sẽ được các kênh chiến lược an ninh toàn cầu của các cường quốc soi xét.

Nhiều bạn thăm dò nhận định của gã, một kẻ ngoại đạo về chính trường quốc tế, về sự kiện đầy tính nhậy cảm này. Gã xin mạo muội bàn vài nhời như sau:

Nga đã cảm thấy không thể tin Trung Quốc và vai trò trung gian của Trung Quốc trong vấn đề Ukraine vì Trung Quốc thể hiện lợi dụng chiến tranh của Nga để mưu toan giành những địa bàn bị ảnh hưởng của Nga, đồng thời Trung Quốc cũng không được Mỹ và EU tin cẩn. Nga tính đường dây khác. Đó là lý do thủ tướng Phạm Minh Chính nói đến “Việt Nam sẵn sàng tham gia tác động đến tiến trình hoà bình ở Ukraine”. Và đó là lý do chính Medvedev, con diều hâu phải xuất kích đến Hà Nội.

Tổng thống Zelensky cũng như các cường quốc G7 có khả năng cũng tiên đoán được tình huống này như tổng thống Trump đã hẹn gặp chủ tịch Triều Tiên Kim Jong Un tại Hà Nội. Phải chăng vì vậy tổng thống Zelensky vui vẻ bắt tay thủ tướng Phạm Minh Chính tại cuộc gặp G7 lên án Nga xâm lược Ukraine?

Có một thực tế được chứng minh suốt chiều dài lịch sử 70 năm, Nga luôn tin Việt Nam hơn Trung Quốc.

Nếu nhận định của gã là đúng thì không khó giải thích lý do ông trùm an ninh Nga, cựu tổng thống Nga, người thân tín trung thành nhất của Putin xuất hiện tại Hà Nội ở thời điểm mang tính quyết định tổng tấn công toàn lực cả hai bên Nga – Ukraine hay xuống thang hoà đàm này.

Nếu vậy, sau hội đàm công khai giữa ông Nguyễn Phú Trọng và ông Medvedev sẽ là các cuộc họp kín mà chủ đề chính là cuộc hoà đàm tương lai giữa Nga và Ukraine để tháo ngòi nổ cuộc chiến đẫm máu này.

Tất cả chứng tỏ Nga đang vào thế bí tìm mọi cách để thoát trong khả năng chấp nhận được.

Với tư cách công dân đất nước chịu quá nhiều mất mát chiến tranh, gã hy vọng đất nước mình đóng được một vai trò nào đó góp phần ngăn chặn những mất mát tang thương trên đất nước Ukraine hiền hoà tươi đẹp.

Related posts