Hôm 21/5, Trung Quốc đã triệu tập Đại sứ Nhật Bản để phản đối điều mà họ coi là “bôi nhọ” và “tấn công” nước này tại hội nghị các nhà lãnh đạo Nhóm G7 ở Hiroshima (Nhật Bản), nhưng vị đặc phái viên này đã lên tiếng bảo vệ các hành động của G7.
Thứ trưởng Bộ Ngoại giao Trung Quốc Tôn Vệ Đông (Sun Weidong) nói rằng Nhật Bản đã phối hợp với các nước khác “trong các hoạt động và tuyên bố chung… nhằm bôi nhọ và tấn công Trung Quốc, can thiệp thô bạo vào công việc nội bộ của Trung Quốc, vi phạm các nguyên tắc cơ bản của luật quốc tế và tinh thần của 4 văn kiện chính trị giữa Trung Quốc và Nhật Bản (Tuyên bố chung Trung – Nhật năm 1972)”.
Ông Tôn cảnh báo Nhật Bản không nên can thiệp vào vấn đề Đài Loan. Ông còn cho biết rằng các vấn đề ở Tân Cương, Tây Tạng và Hong Kong là công việc nội bộ của Trung Quốc và không nên để các thế lực bên ngoài can thiệp.
Theo ông Tôn, những hành động của Nhật Bản gây tổn hại cho chủ quyền, an ninh và các lợi ích phát triển của Nhật, vì thế Trung Quốc “rất không hài lòng và kiên quyết phản đối”.
“Nhật Bản nên điều chỉnh cách hiểu về Trung Quốc, giữ quyền tự chủ chiến lược, tuân thủ các nguyên tắc trong 4 văn kiện chính trị giữa Trung Quốc và Nhật Bản, và thực sự thúc đẩy sự phát triển ổn định của quan hệ song phương với thái độ xây dựng”, ông Tôn nói.
Đáp lại, Đại sứ Nhật Bản Hideo Tarumi đã bảo vệ thông cáo chung của G7, nói rằng G7 sẽ tiếp tục bày tỏ mối quan ngại chung của họ về Trung Quốc trừ khi Đảng Cộng sản Trung Quốc (ĐCSTQ) thay đổi hành vi của mình.
Ông Tarumi nhấn mạnh rằng G7 đưa ra quan điểm của mình dựa trên những cân nhắc kỹ lưỡng.
“Nếu Trung Quốc yêu cầu không đề cập đến những lo ngại này, thì trước tiên họ nên có các biện pháp đối phó tích cực”, ông nói trong một tuyên bố, thúc giục Trung Quốc xử lý mối quan hệ với Nhật Bản một cách “đúng đắn”.
Bất chấp thực tế rằng Đài Loan là một nền dân chủ tự trị, Bắc Kinh vẫn đặt mục tiêu giành quyền kiểm soát hòn đảo này bằng mọi giá.
Trong khi đó, Đại sứ quán Trung Quốc tại Vương quốc Anh cũng cáo buộc London vu khống Trung Quốc sau khi Thủ tướng Anh Rishi Sunak tuyên bố Bắc Kinh là mối đe dọa lớn nhất đối với an ninh và thịnh vượng toàn cầu.
Thông cáo chính của các nhà lãnh đạo G7 đã đề cập đến Trung Quốc 20 lần. Đây là số lần cao nhất trong những năm gần đây và tăng từ 14 lần vào năm 2022
Trong tuyên bố chung, các nhà lãnh đạo cũng nhắc lại tầm quan trọng của hòa bình và ổn định trên eo biển Đài Loan là “điều không thể thiếu đối với an ninh và thịnh vượng của cộng đồng quốc tế”, đồng thời kêu gọi một giải pháp hòa bình giữa Trung Quốc và Đài Loan.
Các nhà lãnh đạo G7 cũng chỉ trích Trung Quốc vì “các hoạt động quân sự hóa” ở Biển Đông đang tranh chấp cũng như vi phạm nhân quyền ở Tây Tạng và Tân Cương, nơi lao động cưỡng bức là mối quan ngại to lớn đối với cộng đồng quốc tế.
“Chúng tôi sẵn sàng xây dựng mối quan hệ mang tính xây dựng và ổn định với Trung Quốc, thừa nhận tầm quan trọng của việc tham gia thẳng thắn và trực tiếp bày tỏ mối quan ngại của chúng tôi với Trung Quốc”, theo tuyên bố.
Thông cáo chung của G7 được đưa ra sau hội nghị thượng đỉnh G7 tại Nhật Bản với sự góp mặt của đại diện các nước: Hoa Kỳ, Nhật Bản, Đức, Vương quốc Anh, Pháp, Ý và Canada. Tổng thống Mỹ Joe Biden cũng tham dự sự kiện này.
‘G7 đoàn kết hơn bao giờ hết’
Tại hội nghị thượng đỉnh G7, Tổng thống Biden nói với một phóng viên rằng hầu hết các đồng minh của Hoa Kỳ đều “rõ ràng” rằng nếu Trung Quốc cố gắng xâm chiếm Đài Loan thì Hoa Kỳ “sẽ có phản ứng đáp trả”.
Ông Biden cũng khẳng định rằng, trước các hành động gây bất ổn của Trung Quốc, “chúng ta ở khu vực Thái Bình Dương đoàn kết hơn bao giờ hết để duy trì ổn định và duy trì cảm giác an toàn”.
Ông chủ Nhà Trắng cũng nhấn mạnh rằng mối quan hệ của Hoa Kỳ với Nhật Bản “chưa bao giờ mạnh mẽ hơn bao giờ hết trong lịch sử Hoa Kỳ” và rằng Nhật Bản đang chứng kiến “sự khởi đầu của việc nối lại mối quan hệ hợp tác với Hàn Quốc”.
Năm ngoái, Nhật Bản đã thông qua 3 văn kiện quân sự quan trọng, trong đó có Chiến lược An ninh Quốc gia. Chiến lược này đề cập đến Trung Quốc là “thách thức lớn nhất” của Nhật Bản. Nước này đã tìm cách trả đũa những thách thức trên, một động thái được coi là đi ngược lại hiến pháp thời hậu chiến của “đất nước mặt trời mọc”.
Ngoại trưởng Nhật Bản Yoshimasa Hayashi trước đó đã bày tỏ quan ngại với Bắc Kinh về “việc Trung Quốc tăng cường các hoạt động quân sự xung quanh Nhật Bản” – đặc biệt là gần quần đảo Senkaku do Nhật Bản kiểm soát cũng như sự hợp tác giữa Trung Quốc và Nga. Chính quyền Trung Quốc cũng tuyên bố chủ quyền đối với quần đảo này.
Huyền Anh biên dịch