Thanh Hóa: Dùng sổ đỏ giả, nữ phát thanh viên chiếm đoạt 10 tỷ đồng
Đặt làm giả hàng chục sổ đỏ, nữ phát thanh viên Đài Truyền thanh – Truyền hình huyện Ngọc Lặc (tỉnh Thanh Hóa) đã dùng những giấy tờ này để lừa đảo, chiếm đoạt 10 tỷ đồng.
Ngày 26/5, Công an tỉnh Thanh Hóa cho biết Công an huyện Ngọc Lặc vừa bắt giữ nghi phạm Trịnh Thị Huệ (SN 1982, trú tại phố Lê Hoàn, thị trấn Ngọc Lặc, huyện Ngọc Lặc) để điều tra hành vi “Lừa đảo chiếm đoạt tài sản”.
Nghi phạm Huệ là phát thanh viên Đài Truyền thanh – Truyền hình huyện Ngọc Lặc.
Theo kết quả điều tra ban đầu, mặc dù đang là cán bộ viên chức, Trịnh Thị Huệ đã mang nhiều Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất giả đi thế chấp tại một số hộ dân tại các huyện Lang Chánh, Ngọc Lặc để vay tiền.
Khi đến hạn trả nợ, do không có tiền nên Huệ đã dùng số Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất giả để làm thủ tục gạt nợ và bị người dân phát hiện, tố giác đến cơ quan công an.
Khám xét khẩn cấp chỗ ở và nơi làm việc của nghi phạm Huệ, công an đã thu giữ nhiều giấy tờ, tài liệu liên quan đến hành vi làm giả con dấu, tài liệu của cơ quan, tổ chức.
Ngoài ra, Công an huyện Ngọc Lặc đã tạm giữ 10 Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất mà Trịnh Thị Huệ đã làm giả và đem đi thế chấp để vay tiền.
Tại cơ quan điều tra, Trịnh Thị Huệ khai nhận do cần tiền để trả nợ nên từ cuối năm 2022 đến khi bị phát hiện, bắt giữ, Huệ đã sử dụng mạng xã hội để liên hệ và làm hàng chục Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất giả mang tên mình.
Sau đó, nghi phạm Huệ mang số Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất giả đến nhà một số người dân tại huyện Lang Chánh và Ngọc Lặc để vay khoảng 10 tỷ đồng.
Vụ việc đang tiếp tục được điều tra.
Bảo Khánh
Bộ Tài chính Việt Nam có 1330 công chức, viên chức nghỉ việc trong 3 năm
Chỉ trong vòng 3 năm, có 1330 công chức thuộc Bộ Tài chính nghỉ việc. Nguyên nhân được cho là do vấn đề đãi ngộ và chính sách thu hút nhân lực của Nhà nước chưa hấp dẫn.
Truyền thông Nhà nước ngày 26/5 đưa tin Bộ Tài chính có công văn gửi Bộ Nội vụ về tình hình công chức, viên chức nghỉ việc.
Theo thông Bộ Tài chính, tính từ năm 2020 đến gần đây, Bộ Tài chính đã có hơn 1330 công chức, viên chức xin nghỉ việc, trong đó công chức, hợp đồng nghỉ việc đến gần 1100 người. Trong các đơn vị, Tổng cục Thuế có số lượng công chức, viên chức xin thôi việc cao nhất, gần 750 người.
Nếu tính từ ngày 1/7/2022 đến ngày 30/4/2023, số lượng công chức xin nghỉ việc đã gần 430 người.
Cũng theo Bộ Tài chính, khi nghỉ việc, công chức, viên chức đều nêu lý do về hoàn cảnh gia đình, năng lực, trình độ, sức khỏe không đáp ứng yêu cầu công việc. Đối với viên chức trong khối giáo dục – đào tạo – bồi dưỡng, còn có lý do yêu cầu trình độ học vị tiến sĩ.
Một số viên chức là giảng viên nhận thấy khó hoàn thành chương trình nghiên cứu sinh dẫn đến khả năng thăng tiến bị hạn chế nên tìm cơ hội khác. Chính sách thu hút nhân lực của lĩnh vực giáo dục trong ngành tài chính chưa hấp dẫn, chưa tạo được động lực cho các cán bộ, giảng viên trẻ có trình độ cao.
Theo Bộ Tài chính, dù chế độ lương đã được cải thiện nhưng vẫn chưa tương xứng với khối lượng công việc, trách nhiệm của công chức, viên chức, chưa giải quyết được cuộc sống. Trong khi đó, các doanh nghiệp khu vực ngoài Nhà nước sẵn sàng có mức đãi ngộ cao hơn cho những người có trình độ, làm việc hiệu quả.
Đây là tình hình chung khi nhân sự trong một số lĩnh vực chuyên môn cao đang được các doanh nghiệp thu hút với các mức lương, thưởng, đãi ngộ tốt hơn khu vực hành chính Nhà nước.
Mặt khác, theo Bộ Tài chính, dù tiêu chí đánh giá, phân loại công chức, viên chức đã có thay đổi nhưng chủ yếu là “định tính”, dẫn đến việc đánh giá có nơi, có lúc chưa công bằng, thiếu khách quan.
Nhà nước chưa có cơ chế, chính sách động viên kịp thời cho công chức, viên chức có cống hiến, đóng góp nhiều cho đơn vị.
Những điều này là nguyên nhân mà Bộ Tài chính đưa ra để lý giải về tình trạng công chức, viên chức nghỉ việc cao.
Khánh Vy
Cựu Cảnh sát kinh tế buôn lậu bị đề nghị từ 14-16 năm tù
Từ tháng 9/2019 đến ngày 24/5/2021, bị cáo Hoàng Duy Tiến và đồng phạm đã thực hiện hành vi nhập lậu một số lượng đặc biệt lớn máy móc, thiết bị đã qua sử dụng từ nước ngoài về Việt Nam.
Sáng ngày 26/5, đại diện VKSND TP.HCM đã luận tội và đề nghị mức án đối với bị cáo Hoàng Duy Tiến (SN 1985, cựu cán bộ Đội chống buôn lậu, Phòng Cảnh sát kinh tế – Đội 7 Phòng Cảnh sát điều tra tội phạm về tham nhũng, kinh tế, buôn lậu (PC03 Công an TP.HCM) và 25 bị cáo đồng phạm buôn lậu.
Theo đó, VKS cho rằng có đủ cơ sở xác định từ khoảng tháng 9/2019 đến ngày 24/5/2021, bị cáo Hoàng Duy Tiến đã sử dụng tư cách pháp nhân của 45 công ty do bị cáo này thành lập, để mở 1.153 bộ tờ khai hải quan, nhập lậu trót lọt về Việt Nam 1.287 container hàng, với tổng trị giá tài sản hàng hóa nhập lậu hơn 217 tỷ đồng.
Trong đó, ngày 24/5/2021, trong khi nhập khẩu 7 container hàng máy móc, thiết bị cũ với tổng trị giá hơn 6 tỷ đồng đã bị Phòng Cảnh sát kinh tế Công an TP.HCM phối hợp Chi cục Hải quan Cảng Sài Gòn khu vực I kiểm tra, thu giữ.
Theo VKS, bị cáo Tiến đã lợi dụng cương vị là cán bộ thuộc Đội chống buôn lậu, PC03 Công an TP.HCM, nên biết rõ các quy định về việc nhập khẩu hàng hóa, am hiểu các quy định về hải quan và biết được Quyết định số 18 ngày 19/4/2019 của Thủ tướng Chính phủ chấp thuận cho nhập khẩu máy móc, thiết bị cũ phục vụ sản xuất của chính doanh nghiệp, nên bị cáo đã cùng đồng phạm hợp thức hóa các thủ tục để thực hiện hành vi phạm tội.
Đại diện VKS nhấn mạnh hành vi của các bị cáo không những xâm phạm đến trật tự quản lý kinh tế, gây hậu quả nghiêm trọng, gây mất trật tự trị an xã hội mà còn gây mất niềm tin của người dân khi chính cán bộ cảnh sát chống buôn lậu lại thực hiện hành vi buôn lậu.
Do đó, đại diện VKS đã đề nghị bị cáo Hoàng Duy Tiến mức án cao nhất trong các bị cáo, từ 14 – 16 năm tù.
Bị cáo Võ Văn Đông (cựu trung tá PC03) bị đề nghị từ 8 – 10 năm tù.
24 bị cáo còn lại bị đề nghị từ 7 năm – 14 năm tù.
Về trách nhiệm dân sự, bị cáo Hoàng Duy Tiến phải nộp lại 5 tỷ đồng. Quá trình điều tra, bị cáo Hoàng Duy Tiến đã nộp lại 3,5 tỷ đồng.
Phạm Toàn
4 Bộ trưởng sắp trả lời chất vấn trước Quốc hội
Bộ trưởng Lao động, Thương binh và Xã hội; Bộ trưởng, Chủ nhiệm Ủy ban Dân tộc; Bộ trưởng Bộ Khoa học và Công nghệ và Bộ trưởng Bộ Giao thông vận tải sẽ trả lời chất vấn trước Quốc hội.
Theo chương trình tại kỳ họp thứ 5 Quốc hội khóa XV, phiên chất vấn và trả lời chất vấn sẽ diễn ra từ ngày 6 đến 8/6, được truyền hình và phát thanh trực tiếp.
Bốn Bộ trưởng sẽ tham gia trả lời chất vấn. Bộ trưởng Lao động, Thương binh và Xã hội Đào Ngọc Dung đăng đàn vào ngày 6/6.
Ông Dung sẽ trả lời về giải pháp phát triển nguồn nhân lực, nhất là nhân lực chất lượng cao đáp ứng yêu cầu phát triển của các ngành, lĩnh vực; công tác quy hoạch, sắp xếp, tổ chức, cơ cấu lại và nâng cao chất lượng đào tạo của các cơ sở giáo dục nghề nghiệp.
Thực trạng việc làm cho người lao động và giải pháp tháo gỡ khó khăn, vướng mắc trong tạo việc làm cho người lao động trong giai đoạn hiện nay; giải pháp khắc phục bất cập, hạn chế trong lĩnh vực BHXH; công tác quản lý Quỹ BHXH; giải pháp khắc phục tình trạng người lao động rút BHXH một lần có xu hướng gia tăng…
Phó Thủ tướng Trần Hồng Hà và Bộ trưởng các Bộ: Tài chính, Kế hoạch và Đầu tư, Giáo dục và Đào tạo, Nội vụ… sẽ cùng giải trình về những vấn đề liên quan.
Chủ nhiệm Ủy ban Dân tộc Hầu A Lềnh sẽ trả lời về nhóm vấn đề thứ hai thuộc lĩnh vực dân tộc.
Ông Lềnh sẽ trả lời về chính sách thu hút nguồn lực hỗ trợ đầu tư phát triển vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi, vùng có điều kiện kinh tế – xã hội khó khăn và đặc biệt khó khăn giải pháp tháo gỡ khó khăn, vướng mắc trong chính sách dân tộc liên quan đến phân định các xã, thôn vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi.
Trong nhóm vấn đề này còn có nội dung giải quyết khó khăn về đất ở, đất sản xuất cho đồng bào dân tộc, khắc phục tình trạng du cư, du canh tự phát, chặt phá rừng.
Phó Thủ tướng Trần Lưu Quang và các bộ trưởng liên quan sẽ cùng giải trình các vấn đề liên quan.
Bộ trưởng Khoa học và Công nghệ Huỳnh Thành Đạt sẽ trả lời về chiến lược phát triển khoa học và công nghệ quốc gia; giải pháp đẩy mạnh ứng dụng và triển khai những thành tựu, sản phẩm khoa học, công nghệ tiên tiến vào cuộc sống.
Phó Thủ tướng Trần Hồng Hà cùng một số ngành khác sẽ cùng tham gia trả lời chất vấn liên quan nhóm vấn đề này.
Bộ trưởng Giao thông vận tải Nguyễn Văn Thắng sẽ trả lời về giải pháp hoàn thiện hệ thống kết cấu hạ tầng giao thông, hạn chế tai nạn giao thông trong cả nước, giảm ùn tắc giao thông tại các thành phố lớn.
Ông Thắng cũng trả lời về trách nhiệm quản lý Nhà nước trong hoạt động kiểm định; giải pháp tháo gỡ khó khăn, nâng cao chất lượng công tác kiểm định phương tiện cơ giới đường bộ, đường thủy nội địa.
Ngoài ra, còn nội dung về công tác đào tạo, sát hạch, cấp, thu hồi và quản lý giấy phép điều khiển phương tiện giao thông đường bộ, đường thủy nội địa…
Phó Thủ tướng Trần Hồng Hà và Bộ trưởng các Bộ: Kế hoạch và Đầu tư, Tài chính, Xây dựng, Khoa học và Công nghệ, Công an, Quốc phòng cùng tham gia trả lời.
Minh Long