Hôm 27/5, Bộ Quốc phòng Đài Loan cho biết ba tàu thuộc hạm đội Sơn Đông của Đảng Cộng sản Trung Quốc (ĐCSTQ) đã băng qua Eo biển Đài Loan vào buổi trưa và đi về hướng tây bắc dọc theo đường trung tuyến. Theo phân tích của các học giả chiến lược, việc tàu chiến Sơn Đông phô diễn khả năng răn đe ở Eo biển Đài Loan có tác dụng răn đe chiến lược chính trị, đồng thời cũng cho thấy đây là một phần của chiến lược ‘xung đột vùng xám’ (hung hăng dưới ngưỡng để tránh bị trả đũa quân sự) của ĐCSTQ.
Khu vực từ vùng biển và vùng trời phía tây nam của Đài Loan đến Eo biển Ba Sĩ đã trở thành chiến trường của các chiến lược gia quân sự.
Eo biển Ba Sĩ (Bashi Channel) là Eo biển nằm giữa đảo Đài Loan và quần đảo Batan, Philippines, đồng thời nối liền biển Philippines và biển Đông. Là tuyến đường thuỷ quốc tế trọng yếu thông suốt biển Đông và Thái Bình Dương, tàu thuyền qua lại Eo biển này rất thường xuyên. Bên cạnh đó, hải quân và không quân Trung Quốc cũng tiến vào Thái Bình Dương thông qua Eo biển Ba Sĩ và Eo biển Miyako, lúc cá biệt đi qua Eo biển Tokara hoặc Eo biển Osumi.
“Nhóm tàu thuộc Hải quân Quân Giải phóng Nhân dân Trung Quốc (PLAN) gồm ba chiếc, dẫn đầu bởi tàu sân bay Sơn Đông, di chuyển qua Eo biển Đài Loan vào trưa nay”, cơ quan phòng vệ Đài Loan ngày 27/5 thông báo.
Theo Bộ Quốc phòng Đài Loan, trong giai đoạn này, quân đội Đài Loan đã cử máy bay, tàu chiến và các hệ thống trên bờ theo dõi chặt chẽ, nắm bắt hiệu quả động tĩnh của các khu vực xung quanh Eo biển Đài Loan để có những điều chỉnh phù hợp.
Ngoài ra, tính đến 6 giờ ngày 27/5, Cơ quan phòng vệ Đài Loan phát hiện 33 máy bay quân sự của ĐCSTQ tiếp cận hòn đảo (trong đó có 12 máy bay băng qua tâm Eo biển và kéo dài đi vào vùng trời Tây Nam và Đông Nam) và 10 tàu chiến áp sát Eo biển Đài Loan.
Lực lượng phòng vệ Đài Loan cho biết họ đã triển khai máy bay tuần tra, tàu chiến và tên lửa chống hạm vào vị trí để ứng phó. Đài Bắc “đang theo dõi sát sao hoạt động” của nhóm tàu PLAN và sẵn sàng phản ứng phù hợp.
Theo nhiều nguồn tin, tại Diễn đàn Chiến lược An ninh Hàng hải do Đại học Đạm Giang tổ chức vào hôm 27/5, Tiến sĩ Dương Thái Nguyên (Yang Taiyuan), cựu trợ lý giáo sư của Viện Các vấn đề Quân sự Trung Quốc tại Đại học Quốc phòng Đài Loan, cho biết: Ngay sau khi Đài Loan nhận được tên lửa phòng không vác vai từ Hoa Kỳ, ĐCSTQ đã huy động máy bay chiến đấu và tàu chiến với số lượng lớn vây quanh Đài Loan để bày tỏ sự bất bình.
Ông Ông Minh Hiền (Weng Mingxian), Giám đốc Viện nghiên cứu Chiến lược và Các vấn đề Quốc tế của Đại học Đạm Giang, cũng tin rằng, việc tàu Sơn Đông của ĐCSTQ đi về phía tây bắc dọc theo đường trung tuyến của Eo biển Đài Loan có thể là một sự trùng hợp ngẫu nhiên, nhưng đó cũng có thể là cách ĐCSTQ lợi dụng các cuộc diễn tập quân sự để “bày tỏ bất bình” trước sự hợp tác quân sự giữa Đài Loan và Hoa Kỳ.
Về việc liệu tàu sân bay Sơn Đông đi về phía bắc qua Eo biển Đài Loan có phải là một hoạt động ‘xung đột vùng xám’ hay không, ông Minh Hiền nhận định rằng hành động “đi ngang qua mà không báo trước” với máy bay và các tàu khác của ĐCSTQ thực sự là một phần của khái niệm “xung đột vùng xám”.
Ông lập luận rằng, việc tàu chiến thường xuyên xuất hiện ở vùng biển và vùng trời tây nam Đài Loan có thể là để chống lại tác động của các cuộc tập trận quân sự trước đây giữa Mỹ và Philippines. Xét cho cùng, vùng biển, vùng trời tây nam Đài Loan và Eo biển Ba Sĩ vốn luôn là lĩnh vực gây tranh cãi cho các chiến lược gia quân sự.
Ông Minh Hiền phát hiện ra rằng tàu Sơn Đông và Liêu Ninh trước đó thường xuyên thực hiện các cuộc tập trận và huấn luyện kết hợp trên biển, tuy nhiên các chuyến đi kéo dài do việc di chuyển quy mô lớn của tàu Sơn Đông qua Eo biển Đài Loan là động thái “khá bất thường”. Ở mức độ này, trong tương lai, ĐCSTQ sẽ tiến hành các cuộc tập trận quân sự, bao gồm cả “bao vây hòn đảo”, để chinh phục Đài Loan.
Đối với khái niệm “đường trung tuyến của Eo biển Đài Loan”, ĐCSTQ đã công khai tuyên bố vào tháng 8 năm ngoái rằng “không có đường trung tuyến”.Vì vậy đối với ĐCSTQ mà nói, đây không phải là “lằn ranh đỏ”, mà chỉ là tuyến đường mà quân đội của ĐCSTQ phải vượt qua.
Ông Minh Hiền suy đoán rằng tàu Liêu Ninh, Sơn Đông hay Phúc Kiến trong tương lai có thể không đưa vào Eo biển Đài Loan vì Eo biển Đài Loan quá hẹp. Chiều rộng trung bình của Eo biển Đài Loan rơi vào khoảng 108 hải lý (khoảng 200 km), không phù hợp để làm khu vực tác chiến của tàu sân bay. Vì vậy, ở một mức độ nào đó, ĐCSTQ chỉ đang phô trương sức mạnh chiến đấu và thể hiện sự răn đe mà thôi.
Ông Minh Hiền chỉ ra rằng trên thực tế, hệ thống tên lửa bờ biển hoặc tên lửa phòng không tầm ngắn của Đài Loan có thể đánh trúng máy bay và tàu chiến của ĐCSTQ. Vì vậy, ở một mức độ nào đó, việc hàng không mẫu hạm của ĐCSTQ băng qua Eo biển Đài Loan có tác động răn đe chính trị và chiến lược nhất định.
Ông Minh Hiền phân tích thêm rằng cuộc bầu cử tổng thống Đài Loan vào năm tới đang cận kề. Trong tương lai, ĐCSTQ sẽ triển khai tàu Sơn Đông và nhóm tấn công ở phía tây nếu một chiếc Liêu Ninh và các tàu khác được triển khai ở phía đông. Đây được coi là chiến thuật “tàu sân bay kép” nhằm hạn chế tác dụng chiến lược của Đài Loan. Ở một mức độ nào đó, điều này có thể ảnh hưởng đến tinh thần của người dân Đài Loan.
Cuộc diễn tập Hán Quang số 39 của quân đội Trung Hoa Dân Quốc lần lượt triển khai trò chơi mô phỏng chiến tranh trên hệ thống máy tính từ ngày 15/5 đến ngày 19/5 (diễn tập với Trung tâm Chỉ huy được hỗ trợ bằng máy tính) và sẽ triển khai “Diễn tập thực binh” từ ngày 24/7 đến 28/7.
Có tin đồn cho rằng cuộc tập trận Hán Quang 39 mở màn cho cuộc diễn tập tác chiến phòng thủ trước kịch bản hai hàng không mẫu hạm của ĐCSTQ bao vây Đài Loan và phong tỏa Eo biển Đài Loan.
Về vấn đề này, ông Minh Hiền cho hay, từ cuộc tập trận bao vây Đài Loan vào tháng 8 năm ngoái, có thể thấy Trung Quốc không chỉ muốn phong tỏa Đài Loan bằng tên lửa trên không và trên biển, mà còn muốn phong tỏa Đài Loan bằng tàu sân bay hoặc tàu lớn. Suy cho cùng, mục tiêu của ĐCSTQ là “chối bỏ” sự can thiệp của quân đội nước ngoài (chiến lược A2/AD).
Chiến lược A2/AD của Trung Quốc nhằm mục đích “ngăn chặn, răn đe và nếu cần thiết sẽ đánh bại sự can thiệp của bên thứ 3 chống lại chiến dịch rộng lớn của Quân giải phóng nhân dân Trung Quốc (PLA)” trong khu vực.
Thông tấn xã Trung ương (CNA) đưa tin, ông Zhan Xiangwei, một nhà phân tích chính sách tại Học viện Quốc phòng, nhận định rằng, động thái của ĐCSTQ nhằm tạo ra bầu không khí chính trị trên thế giới rằng Đài Loan thuộc về Trung Quốc, cũng như để răn đe nội bộ ở Đài Loan.
Ông cho rằng sự việc ĐCSTQ phát triển quân sự không chỉ có tác động đến Eo biển Đài Loan mà còn lợi dụng sự không chắc chắn của luật pháp quốc tế để tiến hành cải tạo đất ở các vùng biển tranh chấp. Ít nhất 28 rạn san hô, chẳng hạn như Gạc Ma và đảo Hoàng Nham, đã hình thành nên một khu vực rộng 3.200 mẫu Anh (khoảng 13 km2).
Bãi cạn Scaborough hay còn gọi là đảo Hoàng Nham nằm cách bờ tây đảo lớn của Philippines 230 km và cách Trung Quốc hơn 800 km về phía bắc.
Ông Zhan Xiangwei tin rằng để đối phó với sự bành trướng của ĐCSTQ, các quốc gia này, bao gồm cả Philippines và Hoa Kỳ, cần đưa ra các phản ứng chiến lược, bao gồm cả Nỗ lực này không chỉ có thể định hình dư luận quốc tế mà còn tăng cường khả năng tác chiến đổ bộ của Philippines đối với các vùng biển và vùng hải đảo.
Huyền Anh tổng hợp