Tác giả: Nguyễn Hải Hoành
Trong bài “Trung Quốc xôn xao về phát biểu của Macron gọi Nga là ‘chư hầu’”, nhà báo kỳ cựu người Nhật Katsuji Nakazawa đã phân tích lời Tổng thống Pháp nói hôm Chủ nhật 14/5. Hôm ấy, khi trả lời câu hỏi của báo Opinion (Pháp), ông Macron cho rằng nước Nga của Putin trên thực tế đã thua về mặt địa chính trị, để mất lối vào biển Baltic, thúc đẩy Phần Lan và Thuỵ Điển gia nhập khối NATO, và do ngày một lún sâu vào vũng bùn chiến tranh Ukraine, Nga buộc phải ngày càng phụ thuộc vào Trung Quốc, trở thành “chư hầu” (nguyên văn tiếng Anh “vassal”, Trung Quốc dịch là “nước phụ thuộc”) của nước này.
Nhận định “Nga là chư hầu của Trung Quốc” đã đặt Moskva và Bắc Kinh vào tình thế khó xử. Trung Quốc cho rằng đây là chiến thuật của phương Tây nhằm chia rẽ Trung Quốc với Nga, nếu nói nhiều về vấn đề đó thì sẽ mắc mưu họ. Vì thế truyền thông chính thống Trung Quốc tránh nói về phát biểu của Macron. Nhưng dân nước này thì không giấu được niềm tự hào nước mình đã vượt Nga, trở thành cường quốc sánh ngang với Mỹ. Có dân mạng nhắc lại chuyện ngày xưa Nga từng chiếm không ít vùng đất của Trung Quốc.
Thực ra, trước phát biểu hôm 14/5 của Macron, truyền thông phương Tây đã xì xào bàn về nhận xét Moskva đang trở thành “chư hầu” của Bắc Kinh.
Ngày 31/3 năm nay, một trang mạng xã hội Trung Quốc đăng bài “Chúng ta có cần Nga trở thành chư hầu không? Nguyên Đại sứ Nga nói giúp tâm tư của người Trung Quốc”. Bài báo viết, sau khi nổ ra xung đột Nga- Ukraine, hợp tác buôn bán Nga-Trung ngày càng khăng khít, vì thế đã phát sinh dư luận nói Nga đang trở thành chư hầu kinh tế của Trung Quốc. Điều khó hiểu là không ít người Nga cũng nghĩ như vậy. Rõ ràng, Trung-Nga càng gần gũi nhau thì càng có kẻ xúi bẩy gây tâm trạng sợ hãi trong người Nga. Bài báo cho biết, hôm 30/3, Andrei Denisov nguyên Đại sứ Nga tại Trung Quốc thời kỳ 2013-2022, khi trả lời phỏng vấn về sự hợp tác kinh tế Trung-Nga, có nói gần đây dư luận nước ngoài thích bàn về chủ đề “Nga đang dần dần trở thành nước phụ thuộc kinh tế vào Trung Quốc”. Denisov cho rằng điều đó sẽ không xảy ra, bởi lẽ không phải chỉ có Nga dựa dẫm vào Trung Quốc mà là hai nước cùng dựa vào nhau. Thực ra, sau khi bị phương Tây trừng phạt thì Nga mới nhanh chóng chuyển sang phương Đông. Chỉ trong một năm thương mại hai chiều Trung-Nga đã đạt mức gần 200 tỷ USD. Bài viết cho rằng Đại sứ Denisov đã nói lên tiếng nói từ đáy lòng của người Trung Quốc: Chúng ta thực sự không muốn Nga trở thành chư hầu phụ thuộc Trung Quốc. Nếu Nga thực sự thành chư hầu, về kinh tế sẽ dựa dẫm chúng ta, về chính trị sẽ mất tự chủ và độc lập, khi ấy toàn bộ sức ép của phương Tây sẽ chỉ đè lên chúng ta. Hiện nay còn chưa như thế, vì có Nga cùng chúng ta chung sức chống đỡ. Một khi Nga sụp đổ thì lẽ tự nhiên mục tiêu của phương Tây sẽ toàn bộ nhắm vào chúng ta. Bởi thế chúng ta cần một nước Nga độc lập và lớn mạnh. Theo Denisov, điều đáng chú ý là ngay từ 20 năm trước, một số người Nga đã có ý nghĩ lo sợ nước họ sẽ chuyển sang phương Đông, trước nay Nga vẫn thân phương Tây hơn. Họ e ngại việc Trung Quốc đầu tư vào vùng Viễn Đông sẽ đe doạ lợi ích của Nga, làm cho Nga mất quyền kiểm soát vùng này. Nhưng rõ ràng điều đó đã không xảy ra. Vì Trung Quốc hoàn toàn không cần làm thế, và Bắc Kinh sẽ hoạt động bình thường trong khuôn khổ các thoả thuận cần thiết với Nga.
Ngày 17/4, trong phát biểu trên chương trình “Đây là Trung Quốc”, Giáo sư Trương Duy Vi, Giám đốc Viện Nghiên cứu Trung Quốc thuộc Đại học Phục Đán, có nhắc lại chuyện truyền thông chính thống phương Tây khi đưa tin về chuyến thăm Nga của chủ tịch Tập Cận Bình hồi tháng 3 năm nay đã đưa ra quan điểm khiến mọi người cảm thấy họ đang khiêu khích Nga và Trung Quốc — họ nói hiện nay nước Nga dưới sự lãnh đạo của Putin càng ngày càng biến thành “chư hầu của Trung Quốc”. Thực ra chúng ta đã rất chú ý vấn đề này. Trước sau như một, Trung Quốc đều cho rằng Nga có một nền văn minh vĩ đại, là một quốc gia vĩ đại; chưa bao giờ chúng ta nghi ngờ điều đó. Cho nên khi phương Tây khiêu khích thì chúng ta cần cảnh giác. Bởi lẽ khi tiếng nói khiêu khích ấy truyền tới đối phương thì sẽ ảnh hưởng đến tình cảm hai dân tộc, điều đó có thể xảy ra. Nhưng GS Trương Duy Vi cảm thấy về tổng thể, chúng ta đã nhiều lần nhấn mạnh mối quan hệ đối tác chiến lược Trung-Nga là phương hướng mà lãnh đạo cấp cao hai nước đều nắm vững – điều này vô cùng quan trọng, nhờ đó xu thế lớn không thể thay đổi.
Ngày 16/5, mạng NetEase ở Trung Quốc đăng bài bình luận, phát ngôn thay cho người Nga đang ở vào tình thế khó nói. Bài báo viết: chính trị phương Tây chỉ có khái niệm “chính quốc” và “nước phụ thuộc”, “chủ” và “tớ”, điều đó được quyết định bởi lịch sử thực dân cá lớn nuốt cá bé của phương Tây. Hai cuộc Thế chiến chỉ vẽ lại bản đồ thế lực mà không làm thay đổi quan niệm của họ. Tổng thống Macron nói xằng bậy rằng Nga là “chư hầu của Trung Quốc” chính là theo con mắt địa chính trị của phương Tây.
Ngày 15/5, Peskov, Thư ký báo chí điện Kremlin, nói dĩ nhiên Moskva “tuyệt đối không đồng ý” với cách Macron nhận xét Nga đang trở thành chư hầu của Trung Quốc. “Mối quan hệ giữa chúng tôi với Trung Quốc có tính chất quan hệ bè bạn đặc biệt, quan hệ chiến lược; hoàn toàn không liên quan tới bất cứ sự ỷ lại nào”. Mối quan hệ đó dựa trên “lợi ích chung, cùng có lợi và quan điểm chung nhìn nhận thế giới”. Peskov nói, Moskva cho rằng nhận xét của Macron “tuyệt đối không đúng”, và chứng tỏ ông hoàn toàn hiểu sai tình hình thực tế. Tháng Hai năm nay, các quan chức Trung Quốc diễn tả mối quan hệ Trung-Nga “vững như bàn thạch”, còn các quan chức Nga nói mối quan hệ ấy ở vào “mức độ cao nhất trong lịch sử”. Tổng thống Putin bác bỏ quan điểm cho rằng Nga trở nên quá ỷ lại Bắc Kinh, ông nói kẻ có quan điểm đó là kẻ “ghen tỵ”, thực ra kinh tế châu Âu phụ thuộc vào Bắc Kinh còn nhiều hơn Nga. Khi châu Âu dựa vào năng lượng của Nga thì Mỹ lên án châu Âu ỷ lại Nga, nhưng khi Trung Quốc dựa vào năng lượng Nga thì các nước phương Tây lại nói ngược là Nga trở thành chư hầu của Trung Quốc.
Sau khi nổ ra cuộc chiến Ukraine, Mỹ và châu Âu đã trừng phạt toàn diện Nga, phong toả không phận, gạt Nga ra khỏi hệ thống Ngân hàng SWIFT, cấm Nga bán dầu khí cho châu Âu, nhằm mục đích làm suy yếu bộ máy chiến tranh của Nga. Moskva chẳng còn cách nào, may sao có anh hàng xóm tốt bụng là Trung Quốc, một nước bạn bè, khi Nga cần giúp đỡ thì Trung Quốc sẽ giúp. Trung Quốc mua được từ Nga rất nhiều dầu mỏ giá rẻ và hai nước thanh toán với nhau bằng đồng Nhân dân tệ và đồng Rup, vứt bỏ đồng Dollar Mỹ và đồng Euro. Nga mua từ Trung Quốc nhiều hàng công nghiệp. Ngoài ra Nga còn buôn bán với Ấn Độ và các nước đang phát triển. Không thể phủ nhận, việc phương Tây trừng phạt Nga đã khiến Nga nhìn về phía Đông. Nhưng điều đó không liên quan gì đến “nước chư hầu” cả.
Nói “Nga là chư hầu của Trung Quốc” thật quá ngây ngô. Hai nước này đều là nước lớn hạt nhân, là thành viên trong 5 quốc gia thường trực Hội đồng Bảo an Liên Hợp quốc và đều không trở thành nước chư hầu của bất cứ ai. Trung Quốc cũng không tìm cách làm cho nước khác trở thành chư hầu của mình. Phát biểu của Macron chỉ là để gây chia rẽ. Phương Tây biết rằng họ đang kéo Nga và Trung Quốc lại gần nhau, vì thế họ ra sức tạo ra ngăn cách giữa hai nước đó.
Cuối cùng, bài báo trên mạng NetEase Trung Quốc viết: Châu Âu mới là chư hầu của Mỹ, hoàn toàn ỷ lại vào sự bảo vệ quân sự của Mỹ. Nước chư hầu bao giờ cũng nghĩ rằng tất cả mọi người trên thế giới đều là chư hầu cả — họ nghĩ như thế là để giảm bớt nội tâm oán hận mình là chư hầu. Macron muốn ly gián mối quan hệ Trung-Nga, mưu đồ ấy chắc chắn sẽ hoàn toàn thất bại.
Cho dù Bắc Kinh và Moskva đều cố hạ thấp tác dụng của quan điểm nói Nga là chư hầu của Trung Quốc, nhưng vì quan điểm ấy là của nhà lãnh đạo cao nhất một quốc gia lớn ở châu Âu và là một trong 5 nước thường trực của Hội đồng Bảo an Liên Hiệp Quốc, cho nên nó vẫn gây ra phản ứng ở Trung Quốc. Quan điểm chính thống dĩ nhiên bênh vực Nga – như trang mạng NetEase đã viết. Dân mạng Trung Quốc thì khoái chí xì xào nhắc lại chuyện ngày xưa Nga cậy mạnh chiếm nhiều “lãnh thổ của Trung Quốc” như vùng Ngoại Mông Cổ, vùng Nam Siberia v.v…; bây giờ lại muốn chiếm đất của Ukraine nhưng xem ra không xong, muốn nhờ Trung Quốc giúp. Katsuji Nakazawa cho rằng “Trung Quốc đã từng cảnh giác với Liên Xô, coi nước này là bá quyền. Giờ đây, Putin – hoài niệm về thời kỳ Xô Viết và hy vọng khôi phục phạm vi ảnh hưởng của Nga – đã hành động như một bá quyền bằng cách xâm lược Ukraine”. Suy ra, Bắc Kinh sẽ cảnh giác với Putin!
Một phó giáo sư ở Đại học Tứ Xuyên Trung Quốc thì nói: Phát biểu của Macron làm dư luận kinh ngạc, nhất là ông tuyên bố Nga đã cắt đứt quan hệ với phương Tây, hoàn toàn trở thành “chư hầu của Trung Quốc”. Nói như vậy, rõ ràng Macron có dụng ý riêng nào đó. Trong chuyến thăm Trung Quốc vào tháng trước, ông ta phấn khởi trước việc Pháp và Trung Quốc ký nhiều hiệp định hợp tác, Trung Quốc tiếp tục đầu tư tại Pháp. Đồng thời Bắc Kinh đã cử đại biểu đi thăm châu Âu bàn về khủng hoảng Ukraine – tất cả đều chứng tỏ Trung Quốc đã tích cực hưởng ứng lời kêu gọi của Macron. Thế mà sau đó chẳng bao lâu sau Macron lại nói “Nga là chư hầu của Trung Quốc”. Rõ ràng câu nói ấy đã phủ bóng đen lên mối quan hệ Trung-Nga. Ông ta có mục đích gì vậy? Cần nhận rõ: tuy Macron kêu gọi chấm dứt xung đột Nga – Ukraine bằng phương thức hoà bình, nhưng chớ quên rằng ông ta từng nói, ngừng chiến phải có một tiền đề quan trọng là Nga không được thắng trong cuộc chiến này. Tiền đề ấy hiện chưa thay đổi. Châu Âu không muốn quan hệ Trung – Nga quá thân mật, nói cho cùng là muốn Nga thua trận, xoá bỏ sự đe doạ của Nga đối với châu Âu. Hiện nay châu Âu cho rằng trên ý nghĩa nào đó Nga được Trung Quốc ủng hộ, trong ngắn hạn thì Nga chưa đổ, lẽ tự nhiên châu Âu có lo ngại. Macron bình luận như trên nhằm tạo ra rạn nứt trong mối quan hệ Trung – Nga. Phương Tây luôn khiêu khích mối quan hệ giữa các nước, nhất là giữa Trung Quốc với Nga, nhưng họ chưa bao giờ thành công. Trung Quốc căn bản chẳng cần Nga trở thành chư hầu của mình, chúng ta cần cả hai nước đều thắng. Quý I năm nay, buôn bán giữa hai nước tăng nhanh. Do thanh toán bằng đồng Nhân dân tệ nên việc Nga bán cho Trung Quốc những mặt hàng khối lượng lớn (như dầu, khí) mang lại cho Nga rất nhiều Nhân dân tệ. Dù Nga đã mua nhiều hàng Trung Quốc nhưng vẫn còn rất nhiều tiền Trung Quốc. Vì thế họ quyết định sử dụng đồng Nhân dân tệ trong buôn bán với các nước khác, việc này được các nước đang phát triển, nhất là nước trong khối BRICS, tích cực hưởng ứng.
Gần đây Hải quan Trung Quốc tuyên bố đồng ý dùng cảng Vladivostok [Владивосток, Trung Quốc quen gọi là Hải Sâm Uy 海参崴] của Nga làm cửa khẩu trung chuyển quá cảnh cho hàng nội địa Trung Quốc. Hai tỉnh Hắc Long Giang và Cát Lâm không có cảng biển nhưng lại cần xuất đi nhiều mặt hàng khối lượng lớn như lương thực, gỗ, khoáng sản. Trước đây số hàng này đều phải chở bằng đường sắt, tốn sức, tốn thời gian, giá thành cao. Chở bằng đường biển là cách chuyên chở có giá thành thấp nhất. Giờ đây hàng khối lượng lớn hàng hóa của 2 tỉnh nói trên đều chuyển sang cảng Vladivostok rồi chất lên tàu biển chở đi các vùng duyên hải Đông Nam Trung Quốc, giảm được đáng kể giá thành và thời gian vận tải.
Việc Nga mở cửa cảng Vladivostok đã giúp Trung Quốc có thêm nhiều cơ hội buôn bán và hợp tác, thu hút đầu tư, tăng lượng hàng xuất khẩu. Vladivostok là cảng biển lớn nhất của Nga trên bờ Thái Bình Dương, ở vào vị trí địa lý ưu việt trên tuyến giao thương giữa châu Á với châu Âu. Bao năm nay kinh tế Đông Bắc Trung Quốc chưa phát triển tốt là do không có đường ra biển. Việc mở cửa cảng Vladivostok cũng góp phần tăng cường liên hệ văn hoá và tình hữu nghị Trung-Nga. Truyền thông Trung Quốc cho biết, năm 1860, nước Nga Sa Hoàng ép Trung Quốc ký Hiệp ước Bắc Kinh, quy định khoảng 0,4 triệu ki-lô mét vuông lãnh thổ Trung Quốc, trong đó có Hải Sâm Uy, trở thành lãnh thổ của Nga. Năm 1862 Hải Sâm Uy được đổi tên là Vladivostok. Ngày nay, sau 163 năm, cảng biển này mới mở cửa cho hàng hoá Trung Quốc thông qua.
Tóm lại Trung Quốc cho rằng mối quan hệ Trung-Nga là do hai nước này quyết định, tuyệt nhiên không vì những phát biểu của Macron mà thay đổi. Lời bình phẩm của Tổng thống Pháp đã lộ rõ mục đích thực sự của châu Âu là chia rẽ Nga với Trung Quốc, và cũng phủ bóng đen lên tiến trình đàm phán giải quyết cuộc khủng hoảng Ukraine đang mới bắt đầu, trong đó Bắc Kinh muốn đóng một vai trò xứng đáng với vị thế quốc tế của họ.