Hôm 31/5, Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình đã kêu gọi các quan chức an ninh cấp cao nước này chuẩn bị cho ‘kịch bản xấu nhất’ và thậm chí là ‘bão biển’ trong bối cảnh Bắc Kinh đang đối mặt tình hình an ninh ‘phức tạp và nghiêm trọng’.
Ông Tập đã đưa ra phát biểu trên tại cuộc họp của Ủy ban An ninh Quốc gia của Ủy ban Trung ương Đảng Cộng sản Trung Quốc (ĐCSTQ) khóa 20, theo hãng tin Tân Hoa Xã.
Với tư cách là chủ tịch Ủy ban An ninh Quốc gia, ông Tập cho biết các quan chức an ninh Trung Quốc phải hiểu sâu sắc “sự phức tạp và khó khăn của các vấn đề an ninh quốc gia mà chúng ta hiện đang phải đối mặt đã tăng lên đáng kể”.
Ông Tập cũng kêu gọi các quan chức ĐCSTQ phải phát huy “tinh thần đấu tranh” và “tuân thủ suy nghĩ mấu chốt và cân nhắc đến các tình huống xấu nhất, đồng thời sẵn sàng đương đầu với những cơn gió lớn, sóng dữ và thậm chí là bão biển”.
Việc ông Tập Cận Bình sử dụng cụm từ “suy nghĩ mấu chốt và cân nhắc đến các tình huống xấu nhất” đã thu hút sự chú ý của giới quan sát.
Ông Vương Hách (Wang He), nhà bình luận các vấn đề Trung Quốc và là người phụ trách chuyên mục của The Epoch Times, nhận định: “Đây có thể là lần đầu tiên trong một cuộc họp chính trị cấp cao của ĐCSTQ, hai thuật ngữ này được sử dụng cùng nhau. Sự kết hợp của hai thuật ngữ này cho thấy giọng điệu của cuộc họp của Ủy ban An ninh Quốc gia thực sự mang tính hiếu chiến”.
“Khi ĐCSTQ đối mặt với thời điểm nguy hiểm nhất, họ sẽ hành động một cách tàn ác nhất. Điều này cũng có nghĩa là ĐCSTQ đang ở điểm yếu nhất và sử dụng những hành vi tàn ác để che đậy điểm yếu bên trong”.
Tình hình ‘phức tạp và nghiêm trọng’
Đối mặt với tình hình “phức tạp và nghiêm trọng”, ông Tập Cận Bình đã kêu gọi Trung Quốc đẩy nhanh quá trình hiện đại hóa hệ thống an ninh quốc gia và năng lực để phát huy hiệu quả “trong thực chiến và giải quyết các vấn đề thực tiễn”.
Theo nhà phân tích các vấn đề Trung Quốc Trung Nguyên (Zhong Yuan), đánh giá gần đây của ông Tập về tình hình tại cuộc họp giống như thừa nhận rằng sau Đại hội Đảng lần thứ 20 của ĐCSTQ vào năm ngoái, các quan chức an ninh quốc gia cấp cao đã tích cực hoạt động nhưng không cải thiện được tình hình.
“Ngược lại, các vấn đề an ninh quốc gia đối với ĐCSTQ đã xấu đi đáng kể”, ông Trung Nguyên nhận xét.
“Đây là một đánh giá bất thường, vì lẽ ra tình hình đã được cải thiện kể từ khi Ủy ban An ninh Quốc gia mới lên nắm quyền. Tuy nhiên, cuối cùng họ cũng thừa nhận thực tế của tình hình thực tế, chứng tỏ rằng các quan chức cấp cao của ĐCSTQ đang lo lắng nhiều hơn”, ông nói thêm.
Kể từ năm ngoái, Hoa Kỳ đã thực hiện một loạt các biện pháp nhằm hạn chế sự bành trướng và xâm nhập toàn cầu của ĐCSTQ, bao gồm việc ngăn chặn ĐCSTQ trong lĩnh vực công nghệ cao; bắt giữ các gián điệp Trung Quốc; đóng cửa các đồn cảnh sát bí mật ở hải ngoại của Trung Quốc và áp đặt các biện pháp trừng phạt đối với các quan chức nước này. Các quốc gia khác cũng đang thực hiện những bước đi tương tự.
“Giới lãnh đạo cao nhất của ĐCSTQ rõ ràng đã cảm thấy được rằng áp lực từ cộng đồng quốc tế đang gia tăng”, ông Trung Nguyên nhận xét.
“Bây giờ ĐCSTQ không dám công khai ủng hộ chiến tranh, mà thay vào đó họ tuyên bố ‘chủ động định hình môi trường an ninh bên ngoài có lợi cho chúng ta’. Chắc hẳn họ rất sợ bị phản công và bị đánh bại”.
Trong cuộc họp, ông Tập cũng kêu gọi thiết lập hệ thống giám sát và cảnh báo sớm rủi ro an ninh quốc gia, tăng cường công tác giáo dục về an ninh quốc gia và cải thiện việc quản lý bảo mật dữ liệu và trí tuệ nhân tạo (AI).
Ông Trung Nguyên nói: “ĐCSTQ không chỉ sợ áp lực bên ngoài mà họ còn lo sợ các vấn đề nội bộ, vì vậy ông Tập đã yêu cầu duy trì an ninh chính trị và cải thiện việc quản lý dữ liệu cũng như bảo mật trí tuệ nhân tạo”.
‘Khủng hoảng hiện sinh’
Ông Vương cũng nhấn mạnh rằng trong cuộc họp, “an ninh chính trị” được ưu tiên hơn các khía cạnh khác trong “công tác an ninh quốc gia” của ĐCSTQ.
“Điều đó cho thấy cuộc khủng hoảng hiện sinh của ĐCSTQ đang đẩy chính phủ đến tình trạng ‘ăn không ngon, ngủ không yên’”, ông lập luận.
Nhà bình luận các vấn đề thời sự tại Hoa Kỳ Lý Lâm Nhất nói với The Epoch Times rằng việc ĐCSTQ luôn nhắc lại mục tiêu đảm bảo “an ninh chính trị” phản ánh sự tôn kính của ĐCSTQ.
“Kể từ khi thành lập Ủy ban An ninh Quốc gia, các vấn đề an ninh không hề thuyên giảm mà dường như đang lan rộng sang các lĩnh vực khác. Có thể nói đây là một trong những biểu hiện của việc ĐCSTQ đang đối mặt với sự sự sụp đổ”.
Theo The Epoch Times
Huyền Anh biên dịch