Đưa Tay Lên Tóc. Truyện ngắn Hoàng Nga

Hoàng Nga

Mấy chị em cô, trừ Tường Vân ra, thì tên người nào cũng có “liên quan” đến thi sĩ Hàn Mặc Tử. Chị kế cô là Mộng Cầm. Cô và cô em út hay lôi nhạc Trần Thiện Thanh ra trêu, “Mộng Cầm hỡi, thôi đừng thương tiếc tủi cho nhau mà chi…”. Còn cô là Phượng Trì. Ba cô bảo đó là cái tên đẹp. “Phượng Trì! Phượng Trì! Phượng Trì! Phượng Trì! Thơ tôi bay suốt một đời chưa thấu”. Khi cô lớn, thấy Phượng Trì vừa kiểu cách vừa chướng tai khó chịu, nên cô chỉ xưng là Phượng. Cô than:

  • Con nhỏ Châu gọi em là Mai Liên, tại nó chê nước da của em đen như… Miên lai!
    Anh nhớ hồi anh đến nhà cô, hai chị em cô còn nhỏ xíu. Cô em út là Cẩm Châu. Cẩm Châu Duyên. Cô nhăn mặt chê với anh, cái tên của Châu nghe cải lương thấy mồ. Nhưng hai chị em cứ chê qua chê lại như vậy, chứ anh thấy hai người coi bộ tâm đắc dữ. Lúc nào cũng khúc khích nói cười với nhau.Nhất là lúc đầy đủ mặt bá quan văn võ, anh và Tường Vân, thì hai cô còn nói năng ăn khớp như đã có dặn dò, bài bản trước vậy.
    Anh bảo anh không tưởng tượng được hai người đã lớn đến ngần ấy. Lớn? Châu la lên, trời ơi tụi em già hết trơn, tụi em ế hết trơn rồi anh ơi. Còn cô thì cười, nhắc lại chuyện ngày xưa cô bị mẹ la vì cái tội vòi tiền lì xì của anh. Anh hỏi cô còn nhớ anh sao. Lúc một mình, cô bắt anh ngoéo tay không được giận, để cô kể cho anh nghe một chuyện. Anh gật đầu đồng ý. Anh ngoéo tay cô. Ngón tay út nhỏ xíu đeo chiếc nhẫn hình trái tim, trông hiền ngoan dễ chịu hết sức, nếu đem so với ngón trỏ trĩu nặng một cái vòng sắt bự tổ chảng trên bàn tay, và cái mặt dây chuyền mang hình đầu lâu người trên cổ của cô em út.
    Cô kể, trước ngày anh sang, cô và Châu nằm nói chuyện với nhau, Châu hỏi cô:
  • Bà nhớ mặt ổng ra sao không?
    Cô thú thật cô đã quên mất anh râu hùm hàm én như thế nào nên đáp bừa:
  • Anh Xiêm có hồi từng đi lính, nên chắc dáng dấp, tướng tá ngon lành.
    Châu nhấp nháy mắt hỏi lại:
  • Bà nhớ ngày xưa ổng đi lính gì không? Không quân? Hải quân? Thủy quân lục chiến? Biệt động hay bộ binh?
    Cô ú ớ lắc đầu. Lát sau cô nói với Châu, cô chỉ nhớ ra anh thường mặc quân phục màu xanh lá, còn cấp bậc thì không biết cỡ nào, lon màu gì, đồng, bạc hay vàng. Châu ba đá bật cười khanh khách:
  • Như vậy tui chắc ổng đi lính địa phương quân!
    Cô không hiểu ý cô em út nên gặng hỏi lại tướng tá của người ta dính dáng gì tới binh chủng, Châu phì cười:
  • Trí nhớ của bà đúng là nên cho đi bảo tàng viện là vừa. Mới mất nước có… mấy mươi năm mà đã quên mất muốn đi lính không quân thì phải có chiều cao, biệt kích phải có sức khỏe và gan dạ, hải quân thì phải vân vân và vân vân…
    Cô gắt lên với em:
  • Mấy chuyện đơn giản ấy sao lại không nhớ! Tao còn nhớ là chỉ có mấy ông “giặc lái” mới cao thôi, chứ lính không quân sửa máy bay thì hàng đống ông kích thước cỡ mét sáu chứ mấy! Nhưng cái điều tao chỉ thắc mắc ở đây là tại sao mày ghép anh Xiêm vô lính địa phương quân kìa?
    Nhỏ Châu cười hi hí nói tại cô chỉ nhớ anh đi lính, mà không nhớ chi tiết đặc biệt nào khác ngoại trừ màu xanh lá của quân trang quân phục, thì nếu không phải là địa phương quân chứ là lính gì (!). Cô bảo sau đó con nhỏ còn chêm vô, cũng may cô nói anh mặc đồ màu lá, chứ không con nhỏ đã tưởng ngày xưa anh là nhân dân tự vệ! Nghe đến đấy anh có phần hơi nhột nhạt và hơi quê, nhưng đã lỡ ngoéo tay không giận nên đành ngồi im. Còn cô, chắc cũng đã yên chí mình có ký hợp đồng trước, do đó vẫn tiếp tục cái giọng hí hửng, chộn rộn lạ lùng mà anh chưa gặp ở ai khác bao giờ. Cô bảo nhỏ Châu nhận xét, (không biết có thật là nhỏ Châu không, anh tự hỏi), như thế thì chắc chắn “nhan sắc” anh chỉ đẹp xấu tùy người đối diện, không có gì “gợi cảm” đặc sắc, để gây ấn tượng khiến cho người ta nhớ đến suốt đời!
    Lần này thì anh quê thiệt, không dám ngước lên ngó mặt cô, xem cô thành thật đến cỡ nào, cũng không dám quan sát “người đối diện” có cảm tưởng ra sao về “nhan sắc” của mình. Cô tiếp:
  • Nhưng mà báo cho anh biết là gặp anh rồi, con nhỏ Châu khen là anh đẹp trai, dễ thương. Anh làm thinh. Ai chứ Châu mà khen chắc anh phải coi lại. Ngay tối hôm đầu tiên tao ngộ, cô nhỏ đã ngó anh rồi cười cười, giọng tinh nghịch:
  • Cái tên của anh Xiêm nghe ngồ ngộ.
    Anh hỏi ngộ sao. Châu nhe răng:
  • Anh là Xiêm y là lượt hay sinh tố mãng cầu Xiêm?
    Anh muốn la trời. Châu:
  • Tên Sim nghe hay hơn. Có vẻ con trai hơn.
    Và cô cười khúc khích, hát, những đồi hoa sim ôi những đồi hoa sim tím chiều hoang biền biệt…

Ở nhà cô được mấy ngày, anh nhận ra “niềm vui” của mấy chị em cô khi ngồi lại với nhau là kể chuyện… đời xưa. Châu hay có những câu đố như ăn cái gì ở chợ Đầm Nha Trang là ngon nhất, chè đường nào ở Sài Gòn là hấp dẫn nhất, hoặc đi lên tới bậc thang thứ mấy, thì có thể thấy được ngọn lá dâu tây la đà ngoài cửa sổ nhà cô ngày trước, hay đạp xe về đến đâu thì có thể chiêm ngưỡng được anh hàng xóm vẫn có thói quen xách cây đàn ra trước hành lang nhà từng tưng mấy bài… dở chưa từng thấy trên đời. Tường Vân chắc bị quê, bèn “nẹt” cô nhỏ:

  • Xạo đi. Hồi đó nhà mi còn nhỏ xíu, làm sao mà biết được thằng hàng xóm đàn hay hay dở?
    Cô nhỏ cười hì hì:
  • Xời, bà mới mười hai tuổi đã có người gửi thơ tình tới nhà, bị ba la quá xá cỡ mà dám nói hồi đó tui không biết tới thằng hàng xóm của mình!
    Tường Vân đỏ mặt. “Nhân chứng” có vẻ như đang hiện diện sờ sờ trước mặt ba chị em cô. Anh hỏi đỡ cho Tường Vân:
  • Lúc đó em bao nhiêu tuổi.
    Châu anh dũng trả lời:
  • Mười ba. Tuổi của nàng “tui” nhớ chỉ mười ba!
    Tường Vân nhìn cô em út bằng cặp mắt nghi ngờ:
  • Thôi đừng có xạo!
    Đang ngồi cặm cụi nơi góc phòng làm gì đó, cô quay lại, gật đầu:
  • Nó nói đúng sự thật. Em xin xác nhận… tình trạng quân dịch của con nhỏ này lúc đó. Em mười lăm, nó mười ba là phải rồi.
    Châu được dịp, hí hửng kể lể:
  • Lúc đó bà Phượng được đọc báo Tuổi Ngọc, còn tui thì bị cả nhà bắt đọc báo Tuổi Hoa muốn chết luôn.
    Cô có nói với anh, nhỏ Châu ba trợn, với ai cũng xưng “tui”. Cô lườm em:
  • Nhưng mày đâu có chừa cái thứ gì, đọc láng hết chứ bộ.
    Cô em út phì cười:
  • Đọc lén muốn cận thị nè, bà không thấy sao!
    Và rồi Châu lên giọng, tự… biểu dương thành tích:
  • Biết sao không, bà Phượng mua tờ báo về, đem cất vô trong tủ, khóa lại, chỉ khi nào bà Cầm hỏi tới, mới đưa chìa khóa cho. Mấy bả đâu có dè buổi sáng mấy bả đi học hết, ở nhà một mình, tui lấy miếng thép đập dập, ngoáy ngoáy mấy cái là cánh cửa tủ mở bung. Hì hì. Một mình một cõi, tui đâu có thèm đọc báo Tuổi Ngọc không thôi, mà còn đọc cả tác phẩm của bà Phượng!
    Bị cô em út lôi cái “cõi văn chương” bí mật của mình ra tố trước công chúng, cô có vẻ mắc cỡ, nên nạt em sau một cái lườm bén ngót:
  • Mày thiệt tình! Tác phẩm cái quái gì không biết nữa!
    Châu không thèm tỏ ra chút sợ hãi nào cho bà chị đỡ ngượng, mà cứ cười hi hí tiếp:
  • Cũng được lắm chớ bộ! Truyện của bả viết sao tui không nhớ, nhưng có mấy câu tâm sự đời… bả, đọc lên nghe cũng xuôi tai ra phết đó chớ. Nhập tâm, tới giờ này mà tui còn nhớ nè bà Phượng.
    Rồi không kịp lấy hơi, cô nhỏ đọc một mạch:
  • Đưa tay lên tóc ngậm ngùi. Ôi bao nhiêu lệ đã vùi xuống đây. Đời không còn thấy ngày mai. Đưa tay lên tóc thêm dài buồn đau…. Hì hì, thấy chưa, cũng… thi sĩ lắm chứ chơi đâu!
    Cả anh lẫn Tường Vân đều quay lại nhìn cô một lượt, anh không dám có phản ứng gì khác, nhưng Tường Vân thì kêu lên một tiếng ai oán, đứt ruột:
  • Cái gì, lúc đó con nhỏ này mới mười lăm, mười sáu mà lại dám làm mấy câu thơ thảm não dữ vậy hả? Nè, nói thiệt đi, có chép của ai không đó?
    Ngay lập tức, trời như chuyển giông, và cô chuyển giọng chanh chua, đanh đá của cô em út:
  • Thơ tui làm tui đọc chớ bộ để hù ai mà chép với cóp pi hả bà?
    Tường Vân chép miệng:
    -Thơ vậy hèn gì tới tuổi biết mở mắt ra để yêu thì thấy ngay mấy ông giải phóng quân! Người ta nói thơ nó vận vô người đó nha nhỏ! Thơ buồn thì phận rủi.
    Cô la lên:
  • Cái gì mà tới tuổi mở mắt? Bà làm như tui… cẩu xực xí quách không bằng!
    Châu tiếp lời cô:
  • Thơ nào mà không buồn hả bà Vân? Chẳng thất tình cũng nhớ nhung sướt mướt. Thơ mà vui thì chắc chỉ có thơ của mấy ông già làm tặng đám cưới. “Muôn hồng nghìn tía đua chen. Phượng loan hòa hiệp, tơ duyên vui vầy”…
    Anh phì cười. Châu tiếp tục léo nhéo:
  • Nhưng mà nói vậy chớ tui với bà, hay bà Cầm, đâu có làm thơ làm thẩn gì mà cái “phận” cũng rủi có khác gì bả? Cũng bị đuổi nhà, cũng ăn bo bo dài cổ, rồi cũng trầm trầy trầm trật mới qua được tới đây chứ bộ may mắn hơn sao!
    Tường Vân làm thinh. Chắc có lẽ không đủ “trình độ” để cãi lại lý lẽ sắc như dao và và chữ nghĩa trơn như mỡ của cô em út. Trông mặt Tường Vân có vẻ không vui. Anh coi bộ tình hình sắp sửa nghiêm trọng, nên vội hỏi qua chuyện khác:
  • Ủa, Mộng Cầm đâu mà mấy hôm nay anh không thấy nhỉ?
    Ba người con gái cùng im một lượt. Lát sau cô nói:
  • Chỉ lấy chồng ở cách xa tụi em mấy trăm cây số.
    Đến tối, lúc Tường Vân có chuyện phải đi ra ngoài, anh lân la đến giúp cô sửa cái máy rửa chén, cô kể cho anh nghe chuyện Mộng Cầm:
  • Chị Mộng Cầm phải lòng một anh chàng trời ơi đất hỡi, ở ngoài đường chỉ giải quyết mọi sự bằng vũ lực, còn ở nhà thì có cái miệng của một loài mang tên hến, có cái hồn như linh hồn tượng đá. Một anh chàng chẳng thơ chẳng phú, cũng chẳng học hành tới nơi tới chốn gì cả. Mười điểm, chắc bị trừ hết chín. Em với con nhỏ Châu chỉ chấm cho ổng được một điểm là chăm chút, hùng hục đi làm, và thương chị Cầm mà thôi. Nhưng chị Vân thì ghét anh chàng này như kẻ đại thù, nhất định không cho hai người làm đám cưới. Thế là chị Cầm ào ào cãi lại đại tỷ, bị đại tỷ tuyên cho cái án đoạn tuyệt, bèn nổi máu anh hùng cách mạng, bắt chước Lê Văn Tám xách hai cái va ly như xách hai thùng dầu tẩm mình đốt đồn giặc, hùng dũng bỏ nhà ra đi khi gà chưa gọi sáng. Mấy năm nay chỉ có mình em và con nhỏ Châu liên lạc với chị Cầm chứ đại tỷ thì đừng hòng. Đại tỷ không thèm đá động, không thèm hỏi han một tiếng. Em với nhỏ Châu hay nói với nhau, chắc chị Vân không biết con chị Cầm con trai hay con gái!
    Anh trố mắt ngạc nhiên ngó cô. Cô cười:
  • Anh biết không, con nhỏ Châu bảo, anh em như thể tay chân, còn chị em như chó với mèo, như Tào Tháo với Lưu Bị, như cộng sản với quốc gia, trời thì bắt buộc dầu muốn hay không cũng phải đội chung, chứ mùng tiền ai nấy mua, nhà, tiền ai nấy mướn, nên nhất quyết không thể che mưa che nắng, chống muỗi chống ruồi dưới cùng một nóc được! Từ khi lệnh trục suất được ban hành, em và nhỏ Châu cứ phải tránh nhắc đến cái tên của chị Cầm trước mặt đại tỷ đó anh.
    Anh rụt vai, vờ làm một cử chỉ sợ hãi. Cô kết luận:
  • Quyền huynh thế phụ, còn quyền tỷ thì thế mẫu. Tụi em thấy chị Vân la chị Cầm cũng đúng. Nhưng có điều ở bên này mà cứng ngắc quá, đâm ra mất hòa khí hết trơn.
    Anh cười cười:
  • Bộ Tường Vân khó tính lắm hả?
    Cô quan sát anh một hồi rồi chép miệng:
  • Lúc sau này chị Vân hay đàn lắm anh ơi!
    Anh ngạc nhiên:
  • Ủa Vân biết đàn sao? Sao anh không biết hén?
    Cô làm thinh. Anh tò mò:
  • Vân học đàn hồi nào vậy?
    Cô ngước lên ngó anh, gịong ậm ờ:
  • Cần gì học. Năng khiếu tự nhiên!
    Anh tròn mắt:
  • Thật à?
    Đến đấy thì cô phì cười :
  • Thật! Mà chỉ có điều chị Vân nhà em chơi cung “la” không hà. Chuyện gì cũng la nghe muốn điếc con ráy luôn.
    Anh bật cười theo cô, nhận ra cái cách nói năng của cô lẫn cô em út khác hẳn với Tường Vân một trời một vực. Cô chị càng thục nữ bao nhiêu thì hai cô lại càng cà tửng bấy nhiêu. Có điều cô ít bặm trợn hơn Châu thôi. Cũng ngay tối hôm ấy, cô lại kể cho anh nghe một chuyện làm anh giật nẩy người:
    – Lúc mới có được địa chỉ của anh, em với con nhỏ Châu xúi chị Tường Vân uống nửa lon coke, ăn nửa trái nho mà đi tìm anh, nhưng chị Vân nói người ta có gia đình rồi, gặp chi cho thêm rắc rối, thêm buồn.
    Anh la lên:
  • Anh có gia đình hồi nào?
    Cô nhăn mày ngó anh, rồi rùn vai:
  • Ai mà biết bà Vân lượm được tin tức khí tượng cho tàu chạy ven biển đó ở đâu! Ờ, vậy mà em với con nhỏ Châu tưởng đời sắp có thêm một chuyện tình người trinh nữ tên Vân đó chớ!
    Và cô tiếp, giọng chắc nịch:
    -Chắc anh không biết chớ bà Vân nhà em xưa nay không yêu ai khác nữa đó nghe anh.
    Anh bàng hoàng nín lặng. Ngày xưa anh chơi thân với ông anh họ của cô. Sáng sáng anh hay đứng trước hành lang ngắm nghía cái dáng hiền lành của Tường Vân, áo dài lụa trắng nội hóa, nón bài thơ mỏng mảnh, tóc xõa lưng mềm. Tường Vân đi học bằng xe đạp. Cái cặp da cột trên yên sau bằng một sợi dây thun lớn. Hai mí áo dài nhét vô sợi dây thun. Lúc chiếc xe đạp vượt qua nhà anh, vạt áo dài đàng sau lộng gió, bùng lên như một cái bong bóng. Dạo ấy anh chỉ thích hình ảnh tà áo dài “lộng gió”, mấy sợi tóc mun đen vờn bay…

Anh không dám tin Tường Vân yêu anh. Càng không dám tin từ ngày ấy đến giờ, người con gái chẳng còn yêu ai khác nữa. Bởi vì thật ra, đâu đã có ai yêu ai, đâu đã có ai hò hẹn gì ai câu nào! Anh muốn nói với cô, giữa anh và Tường Vân “chưa có gì”, nhưng anh sợ bị hố. Cái kiểu “cà tửng” của cô lẫn Châu, làm anh không biết khi nào hai cô đùa, khi nào hai cô nói thật. Anh ngồi im rất lâu, cuối cùng mới khe khẽ bảo:

  • Em nói chuyện giỡn chơi!
    Cô ngước lên ngó anh, hai hàng chân mày tỉa nhổ cẩn thận đâu lại vào với nhau:
  • Em nói thiệt!
    Anh lại im. Cô gắt khẽ:
  • Không tin, anh thử hỏi chị Vân cho coi.
    Tưởng tượng, cô thách anh ra hành lang, nhảy đại xuống xem lá gan của anh to đến cỡ nào, có lẽ anh còn dám thử một phen, chứ khi không mà đi hỏi Tường Vân, bộ ngày xưa em yêu anh và sau đó không còn yêu ai khác, thà anh chịu mang tiếng…. hèn cho rồi. Chứ nhỡ như Tường Vân hỏi lại, anh điên hả, thì chắc anh chỉ còn có nước… đào địa đạo mà về!

Qua hôm sau ba chị em đưa anh xuống phố mua sắm. Lẩn quẩn một lát, cô và Châu biến mất tiêu. Mãi chiều tối hai chị em mới tay xách nách mang, kiệu về một mớ áo quần mới. Bị Tường Vân la, Châu cười cười:

  • Tụi tui “tế nhị” mà cũng không chịu nữa à.
    Còn cô thì nheo nheo mắt nói khơi khơi:
  • Ngày mai anh Xiêm về rồi, “người ơi”, xin đừng để ấn tượng xấu trong lòng “kẻ lạ”.
    Châu làm bộ hỏi ủa, ngày mai anh “Sim” về rồi hả, xong ư ử hát:
  • Lên xe tiễn “ai” đi, chưa bao giờ buồn thế…
    Tường Vân đỏ mặt, la thêm hai cô mấy câu. Anh cũng quê một cục, ngồi im. Ba chị em chen chân vào bếp lục đục một hồi rồi mời anh xuống ăn cơm. Cô khoe món canh chua là “tác phẩm hàng đầu” của cô. Cái món canh chua, trời ơi, không những chua hơn dấm mà còn cay xé họng! Như chỉ có me và ớt. Ăn một miếng muốn ê cả hai hàm răng. Anh sặc sụa mấy lần. Châu an ủi anh:
  • Anh chỉ nên gắng một lần này cho đỡ mích lòng bà Phượng thôi. Mai mốt thành họ hàng bà con rồi, nếu ăn không nổi, thì cứ dũng cảm và cương quyết từ chối. Như em nè, nãy giờ em đâu có dám đụng tới cái món này!
    Miếng cơm nghẹn cứng ngang cổ anh. Anh không nghe được câu trả lời của cô, nhưng nghe hai chị em cười dòn còn Tường Vân thì đỏ mặt, lí nhí la hai cô cái gì đó. Ăn chưa xong bữa, có điện thoại, cô lật đật chạy đi. Châu nghiêng đầu lắng tai nghe, xong cười:
  • Rồi, bà Phượng sắp sửa đi làm bà Tùng Long gỡ rối tơ lòng!
    Tường Vân giải thích thêm:
  • Phượng Trì có cô bạn, hễ gặp rắc rối buồn phiền gì là lôi nó ra tâm sự, kể lể.
    Châu nói:
  • Coi chừng lát nữa bả khăn gói ra đi cho coi.
    Quả nhiên, chừng mưòi phút sau, cô vào bếp nói với Tường Vân:
  • Em xuống nhà Christine ngủ lại.
    Châu và Tường Vân ríu rít hỏi thăm về cô bạn của cô. Anh “out of service”, ngồi im. Ba chị em đối đáp như mưa rào. Lát sau cô tiến tới bắt tay anh:
  • Ngày mai em sẽ từ nhà con nhỏ bạn đi làm luôn. Nên có lẽ là không gặp được anh trước khi anh về. Chắc bây giờ thì phải chào từ giã anh ở đây vậy.
    Anh chưng hửng. Châu nghịch ngợm:
  • Có ai cần khăn mùi xoa hay dầu khuynh diệp gì không, tui đi lấy cho!
    Cô cười:
  • Chúc anh về bình yên.
    Và rồi cô nheo mắt:
  • Nhưng chắc thế nào anh em mình cũng còn dịp gặp nhau mà, phải không?
    Anh chưa kịp đáp, Châu đã chen vào:
  • Chắc chứ sao không!
    Và Châu lao xao hát. “Người ơi người ở đừng về, người về thì em nhớ…”. Xong cả hai cùng quay sang nhìn anh và Tường Vân, rồi bật cười dòn dã. Anh ú ớ không biết trả lời thế nào, chỉ bối rối đưa tay vuốt tóc. Bỗng dưng anh chợt nhớ đến mấy câu thơ của cô hôm nọ nghe Châu đọc, đưa tay lên tóc ngậm ngùi…, mà mặt anh bỗng trở nên nóng ran, khó chịu.
    Vậy mà anh cứ tưởng ngày mai ra phi trường, thế nào anh cũng lựa được dịp để nói với cô, rằng anh và Tường Vân đâu đã có gì với nhau
  • HOÀNG NGA
    (Trích “Bay đi cánh chim biển”)

Related posts