Cù Tuấn, biên dịch
7-6-2023
MATXCƠVA, ngày 6 tháng 6 (Reuters) – Một con đập khổng lồ có từ thời Liên Xô trên sông Dnipro ngăn chia quân Nga và quân Ukraine ở miền nam Ukraine đã bị vỡ hôm thứ Ba 6/6, gây lũ lụt khắp vùng chiến sự.
Ukraine khẳng định Nga đã phá hủy nó, trong khi Nga cho rằng Ukraine đã phá hoại nó để cắt nguồn cung cấp nước cho Crưm và đánh lạc hướng sự chú ý khỏi một cuộc phản công “đang chùn bước” của Ukraine.
Con đập này có lịch sử gì, chuyện gì đã xảy ra – và chúng ta còn chưa rõ điều gì?
ĐẬP NÀY Ở ĐÂU?
Con đập này nằm ở thành phố Nova Kakhovka ở Kherson, hiện đang nằm dưới sự chiếm đóng của Nga. Là một phần của nhà máy thủy điện Kakhovka, nó cao 30 mét (98 feet) và dài 3,2 km (2 dặm). Việc xây dựng đập này được bắt đầu dưới thời lãnh đạo Liên Xô Josef Stalin và hoàn thành dưới thời Nikita Khrushchev.
Con đập này bắc cầu qua sông Dnipro, tạo thành ranh giới tiền tuyến giữa quân Nga và quân Ukraine ở miền nam Ukraine.
Việc tạo ra hồ chứa Kakhovka rộng 2.155 km vuông (832 dặm vuông) vào thời Xô viết đã buộc khoảng 37.000 người phải rời bỏ nhà cửa của họ.
Hồ chứa nước của đập có thể tích 18 kilômét khối (4,3 dặm khối) – một thể tích tương đương với Hồ Muối Lớn ở bang Utah của Hoa Kỳ.
Hồ chứa này cũng cung cấp nước cho bán đảo Crưm, nơi Nga sáp nhập vào năm 2014 và cho nhà máy hạt nhân Zaporizhzhia, cũng nằm dưới sự kiểm soát của Nga.
ĐIỀU GÌ ĐÃ XẢY RA VÀ TẠI SAO CON ĐẬP BỊ VỠ?
Ukraine, quốc gia bình luận đầu tiên, cho biết Nga phải chịu trách nhiệm về vụ việc.
Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelenskiy cáo buộc cquân Nga đã cho nổ tung Nhà máy thủy điện Kakhovka từ bên trong cơ sở và nói rằng Nga phải chịu trách nhiệm về một “cuộc tấn công khủng bố”.
“Vào lúc 02:50, những kẻ khủng bố Nga đã thực hiện một vụ nổ bên trong các công trình của Nhà máy điện thủy điện Kakhovskaya. Khoảng 80 khu định cư nằm trong vùng lũ lụt”, ông Zelenskiy cho biết sau cuộc họp khẩn cấp của các quan chức cấp cao Ukraine.
Người phát ngôn quân đội Ukraine cho biết mục đích của Nga là ngăn chặn quân đội Ukraine vượt sông Dnipro để tấn công quân chiếm đóng của Nga.
Phía Nga cho biết Ukraine đã phá hoại con đập để cắt nguồn cung cấp nước cho Crưm và đánh lạc hướng sự chú ý khỏi cuộc phản công đang chùn bước của nước này.
Người phát ngôn Điện Kremlin Peskov nói với các phóng viên: “Chúng tôi có thể khẳng định rõ ràng rằng chúng tôi đang nói về hành vi phá hoại có chủ ý của phía Ukraine”.
Trước đó, một số quan chức do Nga dựng lên cho biết không có cuộc tấn công nào xảy ra. Vladimir Rogov, một quan chức được bổ nhiệm của Nga tại Zaporizhzhia, cho biết con đập bị sập do hư hại trước đó và do áp lực lớn của nước. Hãng thông tấn nhà nước TASS của Nga cũng đưa tin tương tự.
VIỆC VỠ ĐẬP SẼ TÁC ĐỘNG ĐẾN KHU VỰC NHƯ THẾ NÀO?
Với mực nước dâng cao hơn, nhiều nghìn người có khả năng bị ảnh hưởng. Các cuộc sơ tán dân thường bắt đầu ở cả hai bên chiến tuyến.
Giới chức Nga cho biết khoảng 22.000 người sống tại 14 khu định cư ở vùng Kherson, miền nam Ukraine có nguy cơ bị ngập lụt. Các quan chức yêu cầu mọi người sẵn sàng sơ tán.
Thủ tướng Ukraine Denys Shmyhal cho biết có tới 80 khu định cư có nguy cơ bị lũ lụt.
CUNG CẤP NƯỚC CHO CRƯM
Việc phá hủy con đập có nguy cơ làm giảm mực nước của Kênh đào Bắc Crưm thời Liên Xô, nơi có truyền thống cung cấp cho Crưm 85% nhu cầu về nước.
Hầu hết lượng nước đó được sử dụng cho nông nghiệp, một số cho các ngành công nghiệp của bán đảo Biển Đen và khoảng 1/5 cho nước uống và các nhu cầu công cộng khác.
NHÀ MÁY ĐIỆN HẠT NHÂN ZAPORIZHZHIA
Nhà máy điện hạt nhân Zaporizhzhia, lớn nhất châu Âu, lấy nước làm mát từ hồ chứa này. Nhà máy nằm ở phía nam, hiện nằm dưới sự kiểm soát của Nga.
“Đánh giá hiện tại của chúng tôi là không có rủi ro tức thời nào đối với sự an toàn của nhà máy”, Giám đốc Cơ quan Năng lượng Nguyên tử Quốc tế, ông Rafael Grossi, cho biết.
Ông cho biết điều cần thiết là một hồ làm mát phải được giữ nguyên vẹn vì nó cung cấp nước để làm mát các lò phản ứng đã ngừng hoạt động.
“Cần giữ nguyên tính toàn vẹn của con đập,” Grossi nói.