Gabriël Moens
Trong một bài báo được phát hành mới đây, ông Andrew Thornebrooke tường thuật về “những gián đoạn lớn” mà công nghệ trí tuệ nhân tạo (AI) có thể sẽ gây ra. Một cuộc họp của Tiểu ban Hoa Kỳ về Quyền riêng tư, Công nghệ, và Luật đã nghe rằng “sự bùng nổ của các công cụ AI phổ biến như ChatGPT sẽ ảnh hưởng sâu sắc đến xã hội vào đầu năm tới.”
Tương tự, tại Úc, Ủy viên Nhân quyền Lorraine Finlay cũng đã cảnh báo rằng người ta sẽ ngày càng thấy khó khăn hơn để phân biệt sự thật với điều hư cấu, và để chống lại “mối đe dọa ngày càng tăng của công nghệ deep fake (thuật ngữ nói về công nghệ giả mạo vô cùng tinh vi, đến mức khó phân biệt thật giả) và thông tin giả được tạo ra cũng như được lan truyền bằng cách sử dụng các công cụ tạo nội dung bằng AI.”
Việc sử dụng ngày càng nhiều những robot — còn gọi là “những chatbot” — trong giới xuất bản có thể so sánh với cuộc cách mạng được khởi xướng từ việc phát minh ra máy in vào thế kỷ thứ 15 vốn “được xem là một điềm báo cho một nền văn minh được trao quyền nhiều hơn cũng như tăng cường quyền tự do trên khắp châu Âu.”
Phản ánh về tác động của AI đối với ngành in ấn, ông Sam Altman, nhà phát triển ứng dụng ChatGPT, cũng đã bày tỏ niềm tin của mình rằng AI “có thể là một khoảnh khắc máy in.”
Việc so sánh giữa AI và sự kiện phát minh ra máy in cũng phù hợp với cuộc tranh luận hiện nay về những mối nguy hiểm trên thực tế hoặc đã được nhận thức liên quan đến việc sử dụng các công cụ AI, đặc biệt là trong giới văn học và viết luận văn.
Một cuộc khảo sát mới đây do Hiệp hội các Tác giả Úc (ASA) thực hiện đã củng cố thêm sự tương quan của việc so sánh này. Cuộc khảo sát đã tìm cách xác định quan điểm của các thành viên về tác động của AI đối với công việc của họ.
ASA lưu ý rằng “kết quả khảo sát chứng minh rằng trong khi một nhóm thiểu số tác giả đang sử dụng các công cụ AI như một phần của quá trình viết lách và minh họa của họ, thì vẫn có người lo ngại sâu sắc về mối đe dọa do các công cụ tạo nội dung bằng AI đặt ra đối với công việc viết lách và minh họa vốn đã khá bấp bênh.”
Xóa nhòa ranh giới
Là tác giả của một số tiểu thuyết và dòng sách phi hư cấu, tôi rất muốn biết rằng về mặt công nghệ, liệu có thể viết một cuốn sách với sự trợ giúp của một robot được hướng dẫn kỹ lưỡng (hoặc chatbot) và giả vờ rằng đó hoàn toàn là tác phẩm do con người tạo ra hay không.
Trong những trường hợp như thế này, thật khó để phân biệt giữa một cuốn tiểu thuyết thực sự và một cuốn tiểu thuyết do robot viết ra. Điều này đưa đến một cái nhìn sâu sắc đáng kinh ngạc rằng bản thân tiểu thuyết cũng chỉ là hư cấu.
Tuy nhiên, sự đột phá về công nghệ này là một viễn cảnh đáng sợ vì AI tạo ra một thế giới mà ở đó không có thành tựu nào mà người ta có thể tin là bắt nguồn từ trí tưởng tượng và kỹ năng nghệ thuật của các tác giả.
Liệu một robot có thực sự sở hữu khả năng để viết ra một cuốn tiểu thuyết với lối hành văn hay và giàu xúc cảm hay không?
Ở giai đoạn này, robot vẫn có thể gặp khó khăn trong việc xây dựng một câu chuyện hư cấu qua nhiều chương khác nhau. Để sáng tác một câu chuyện hư cấu, làm tăng dần độ phức tạp của cốt truyện trong mỗi chương mới và mang lại cái nhìn sâu sắc trong tính cách của các nhân vật chính trong cuốn sách thực sự là một nhiệm vụ đầy thách thức.
Hiện tại, một nhà quan sát dày dặn kinh nghiệm và chuyên cần có thể hoài nghi, hoặc thậm chí kết luận rằng, đó là một cuốn sách đã được viết với sự trợ giúp của một robot.
Các nhà quan sát có thể làm được điều này bằng cách khám phá xu hướng sử dụng các tính từ và trạng từ tương tự nhau của chatbot, chẳng hạn như “làm việc không mệt mỏi,” thay vì sử dụng bộ từ điển các từ vựng khác nhau của từ ngữ để đem đến cái nhìn sâu sắc hơn về thế giới thú vị của các nhân vật chính trong cuốn sách đó.
Diễn biến của các câu chuyện cũng có thể tuân theo một khuôn mẫu máy móc và có thể dự đoán trước. Tuy nhiên, giới xuất bản lưu ý rằng có một sự thay đổi mang tính kiến tạo đang diễn ra với hành vi viết lách của các tác giả.
Một mối lo ngại không kém là việc sử dụng AI trong các trường học và trường đại học.
Các giáo viên và giáo sư đại học sẽ gặp khó khăn lớn trong việc xác định liệu một bài luận có thực sự là phần công việc do chính các sinh viên thực hiện hay không. Thậm chí ngày nay, có những cơ quan chuyên môn có thể cung cấp cho sinh viên một bài luận về một loạt các chủ đề đáng kinh ngạc.
May mắn thay, các quy định về đạo văn và mưu đồ gian lận vẫn đang là rào cản bất khả xâm phạm đối với việc sinh viên sử dụng các dịch vụ này, nhưng điều này sẽ khó khăn hơn, thậm chí là không thể nếu con người có thể ra lệnh cho một chatbot soạn cho họ một bài luận văn.
Có thể kỳ vọng rằng việc quay lại cách đánh giá theo kiểu kiểm tra truyền thống có thể sẽ được thực hiện trở lại, nơi có thể giám sát các sinh viên khi họ viết bài luận trong một môi trường được kiểm soát.
Ngoài ra, nếu việc viết bài luận độc lập vẫn được duy trì như một cách để đánh giá kỹ năng văn chương và khả năng giao tiếp của học sinh, thì các câu hỏi của bài luận sẽ cần phải được soạn thảo một cách đặc biệt phức tạp và phức tạp đến mức một robot khó có thể tạo ra một đáp án đủ hay cho các câu hỏi này.
Vậy đâu là điều cần thực hiện?
AI có mang lại lợi ích cho nhân loại hay không còn phụ thuộc vào chính nhân loại. Bất kỳ tiến bộ công nghệ nào cũng có thể được sử dụng để gây hại hoặc mang lại những lợi ích không thể tưởng tượng nổi đối với xã hội. Tuy nhiên, chắc chắn rằng công nghệ này cần được kiểm soát để bảo đảm rằng nền văn học và hệ thống giáo dục của quốc gia không bị tổn hại nghiêm trọng và nền văn minh của chúng ta vẫn vẹn nguyên.
Thật vậy, một khi AI hấp thụ được sức tưởng tượng và sáng tạo của các tác giả và sinh viên, thì công chúng nói chung sẽ cảm thấy chắc chắn về nguồn gốc và nội dung của thông tin liên lạc mà họ nhận được, sách họ đọc hoặc thậm chí bài giảng họ nghe sẽ trở thành vấn đề.
Một khi không chắc chắn về chiến thắng, thì nền văn minh của chúng ta đang trượt dốc không phanh.
Trong hoàn cảnh như vậy, thật dễ dàng để đồng ý với đánh giá của nhà soạn nhạc Alexander Voltz:
“Mặc dù chúng ta có thể nói rằng nghệ thuật do AI tạo ra nhất thiết phải dựa trên tri thức, nhưng điều đó là vô đạo đức và do đó không thể hiện trung thực về trải nghiệm của con người. Công nghệ này cũng không trung thực trong việc tạo ra nghệ thuật, mà chỉ đơn thuần là thao túng một thư viện kỹ thuật số được lập trình sẵn gồm các thành phần và ý tưởng do con người xây dựng.”
Các thành viên của ASA tham gia cuộc khảo sát được đề cập ở trên ủng hộ — không lấy gì làm ngạc nhiên — quan điểm cho rằng tất cả các tác phẩm do AI tạo ra nên được nhận định theo cách này. Nói cách khác, cần có sự minh bạch.
Thật vậy, không có gì khác ngoài tính minh bạch hoàn toàn mới có thể hạn chế, hoặc thậm chí loại bỏ, bước tiến không thể lay chuyển của AI và những thiệt hại có thể gây ra cho nghệ thuật viết lách.
Doanh Doanh biên dịch