Tạ Linh
Trong thời gian diễn ra kỳ thi tuyển sinh đại học ở Trung Quốc, một thương gia gần một trường cấp hai ở thành phố Bảo Định, tỉnh Hà Bắc, đã treo một biểu ngữ có nội dung chúc các thí sinh thi tốt ở lối vào cửa hàng để cổ vũ thí sinh, nhưng biểu ngữ bị ban quản lý đô thị cưỡng chế dỡ bỏ, gây tranh cãi trong dư luận.
Theo các phương tiện truyền thông Trung Quốc, cửa hàng này tên là “Bán buôn kem Bách Trượng (Baizhang)”. Chủ cửa hàng thấy rằng bình thường nhờ có học sinh nên việc kinh doanh của mình mới tốt hơn nên muốn tặng nước miễn phí cho phụ huynh và thí sinh, và treo một biểu ngữ chúc phúc trên cửa sổ của cửa hàng, có nội dung: “Cố gắng thi đại học thật tốt! Chúc tất cả các thí sinh có tên trên bảng vàng”.
Không ngờ, bốn nhân viên quản lý đô thị đã xuất hiện và cưỡng chế xé bỏ tấm biểu ngữ, họ cho rằng “biểu ngữ ảnh hưởng đến diện mạo của thành phố và bị nghi ngờ có liên quan đến quảng cáo, chỉ cần chúc phúc và cổ vũ trong lòng là được rồi!”
Chủ cửa hàng không phục, nói rằng trên băng rôn không có tên cửa hàng, cũng không có giới thiệu sản phẩm, chỉ là một câu chào hỏi đơn giản, làm sao có thể phán định đây là quảng cáo? Trong lúc tức giận ông chủ đã đăng sự việc lên Internet.
Sau khi sự việc gây tranh cãi trong dư luận, bộ phận liên quan đã phản hồi: Sở dĩ gỡ băng rôn là vì quy định yêu cầu treo quảng cáo ngoài trời cần phải được báo cáo trước!
Cư dân mạng đã bình luận về điều này, một số người nói: “Thực sự không cần thiết phải làm như vậy. Mấy ngày này mọi người cùng nhau tạo bầu không khí tốt cho kỳ thi có vấn đề gì sao? Đây đều là do thương nhân tự phát! Thôn chúng tôi cũng treo lời chúc này trên cột điện thoại. Lẽ nào nó cũng là làm quảng cáo?”Có người đặt câu hỏi: “Cho dù là làm quảng cáo thì có vấn đề gì? Ở cửa hàng không dán được thì được dán ở đâu đây?”, “Vậy nộp phạt có thể nộp ở trong lòng được không?” “Tôi thực sự không hiểu bây giờ là thời đại nào nữa”.
Một số người nói về trải nghiệm của bản thân: “Tôi đã dán một thông báo tuyển dụng trên kính trong cửa hàng của mình và bị phạt 5.000 NDT”.
Một số cư dân mạng cho rằng lý do khiến các quan chức lo lắng là vì họ sợ “biểu ngữ”. Điều này gợi nhớ đến năm ngoái, vào đêm trước Đại hội toàn quốc lần thứ 20 của Đảng Cộng sản Trung Quốc, một người đàn ông đã giăng một biểu ngữ lớn trên cầu Tứ Thông (Sitong) ở Bắc Kinh để phản đối Tập Cận Bình và ĐCSTQ. Vụ việc gây chú ý trong và ngoài nước. Vì lý do này, các quan chức ĐCSTQ cảm giác như đối mặt với kẻ thù lớn, và ngay lập tức cho tuyển người canh gác các cây cầu vượt khác nhau ở Bắc Kinh, thậm chí còn phát triển công nghệ để giám sát những người giăng biểu ngữ.
Một báo cáo gần đây từ IPVM, một công ty nghiên cứu giám sát của Mỹ, cho biết rằng Công ty TNHH Công nghệ Dahua Chiết Giang (zhejiang) đang cung cấp cho chính phủ Trung Quốc một công nghệ sử dụng camera trí tuệ nhân tạo để thu thập các đặc điểm khuôn mặt của người biểu tình và theo dõi thời gian và địa điểm xuất hiện biểu ngữ phản đối.