NÚP LÙM

Trần Thị NgH

LTS: Bài này có thể xếp vào nhiều thể loại,  mà thể loại thích hợp nhất là tuỳ tiện bút (chữ của nhà văn Trần Thị NgH)

1.

clip_image002

Năm người phụ nữ trong bức ảnh trên đây là năm chị em cùng xuất thân từ một gia tộc trâm anh thế phiệt. Chỉ có hai bà trẻ nhất được học hành chút đỉnh, ba người chị lớn – giống như hầu hết các quý nương chào đời đầu thế kỷ 20 – biết đọc biết viết đã là giỏi.

Người mặc áo the bông ép lẫm liệt an tọa trên chiếc ghế trắng, qua hôn nhân xếp đặt giữa hai dòng tộc, hai mươi tuổi đã về làm dâu nhà Cai Tổng họ Trầm ruộng đất ê hề cò bay gẫy cánh. Không thấy đại gia phu quân làm gì ngoài làm thơ và đọc sách thánh hiền, chiều chiều sai gia nhân thong dong chèo ghe quanh làng rủ rê tá điền chén anh chén chú.

Tủ sách gia đình chen chúc Nguyễn Duy Cần/Cái Dũng Của Thánh Nhân, Hồ Biểu Chánh/Ngọn Cỏ Gió Đùa, Lão Tử/Đạo Đức Kinh, Trang Tử/Nam Hoa Kinh, George Sand/Cái Đầm Ma, Guy de Maupassant/Một Cuộc Đời, Pearl Sydenstricker Buck/Đất Lành, Victor Hugo/Những Người Khốn Khổ, Hector Malot/Không Gia Đình… Hiền thê nhân lúc rảnh rang mày mò đọc Hồ Biểu Chánh, thêm vài bản Việt dịch tác phẩm của Pearl S. Buck: Đất Lành (The Good Earth), Người Mẹ (The Mother), Gió Đông Gió Tây (The East and West Association), hoặc bất cứ cái chi dễ hiểu và gợi lòng thương cảm.

Làm dâu vất vả, đẻ đái mười một lần, sẩy thai vài trận, có hai con nhỏ chết vì bạo bệnh, ba đứa con tuổi thành niên theo lý tưởng Cộng sản ly khai gia đình tập kết ra Bắc năm 1954. Cuộc đời chìm nổi, mất con đủ kiểu đau xé ruột gan nhưng lúc nào cũng giữ mình tỉnh táo quán xuyến mọi việc trong nhà. Cha mẹ chồng lần lượt qua đời, phu nhân địa chủ tiếp tục thay nhà trí giả cai quản gia sản đất đai đâu ra đó cho đến khi mạt vận sau ngày miền Nam sụp đổ. Dù ở hoàn cảnh nào, người đàn bà này vô hình trung đã khiến hình ảnh người chồng người cha trở nên lu mờ.

Bốn nữ nhân còn lại trong ảnh ai nấy đều hôn nhân đề huề, người nào cũng có máu lãnh đạo róc rách chảy trong huyết quản, xóa nhòa danh phận trụ cột gia đình của các nam nhân. Họ ý thức gì về nữ quyền? Khi đàn ông nằm ềnh ra thì đàn bà phải bật dậy. Chẳng qua bản năng sinh tồn giục họ hành động, cùng tắc biến, biến tắc thông, thông tắc cửu/when the going gets tough, the tough gets going. Ha, té ra tiếng Anh dễ hiểu quá chừng, so với tiếng Tàu.


2.

Khi biết mình mang bầu, chỉ một tháng trước khi được Cộng sản giải phóng, cô Quế Như đã cầu Trời khẩn Phật xin cho đẻ ra một đứa con trai. Lý do hoàn toàn cá nhân và ích kỷ : tâm niệm sẽ nuôi thằng nhỏ lớn khôn khỏe mạnh, sao cho vững vàng bản lĩnh đủ để bảo vệ mẹ nó trước những bất trắc lớn nhỏ của một cuộc sống hứa hẹn nhiều thăng trầm, do đã quá mệt mỏi vì bấy lâu nay vẫn cứ phải tự bươn chải. Chẳng phải trọng nam khinh nữ, nhưng đành thừa nhận trong mỗi người đàn ông đều tiềm tàng một chiến sĩ, nhờ cường tráng cơ bắp, không phải cà giật nghỉ hộ sản, cùng nhiều lợi thế khác về mặt xã hội. Đúng kiểu phân công theo kinh tế tự nhiên của thời nguyên thủy: đàn ông săn bắt, đàn bà hái lượm.

Buổi giao thời bát nháo, toàn dân ăn gạo mốc trộn với bo bo lẫn bông cỏ, khẩu phần thịt cá chia theo đầu người, mở mắt dậy là lo đi xếp hàng mua nhu yếu phẩm, còn thì giờ hay nhu cầu gì khác mà phải đi siêu âm để biết con trai hay con gái? Sống cho ra con người đã đủ truân chuyên rồi; giữa mớ nhiễu nhương, đực cái gì cũng vậy thôi. Nhưng lúc sắm sanh áo quần cho đứa nhỏ trước ngày vượt cạn, bà mẹ đơn thân vô thức chọn màu xanh lơ; trong tưởng tượng vẫn thấy nó đá cầu, bắn bi, tạt lon với bọn cu Tý cu Tèo lôm côm trong xóm. Bà ngoại hớn hở đặt tên Đạo, đơn giản vì cha nó tên Nhân, dẫu gì.

– Thằng Đạo chòi đạp chưa con? Thằng này chui ra cho ôm ngay cái sổ gạo đi xếp hàng, lớn lên chút cho bán vé số hoặc bong bóng kiếm sống, có khi nuôi cả nhà, khỏi lo mất trinh mất tiết.

Trớ trêu là đứa nhỏ chỉ nặng 2 ký rưỡi, thò đầu ra đã thấy tóc dài quấn cổ, chim chóc đầy đủ. Cô Quế Như hỡi ôi tự nhủ:

– Tàn đời hái lượm nghe con!

Rồi ỉa chảy, còi xương, sưng phổi, suyễn, sốt xuất huyết cùng vô số bệnh vặt. Đi ra đi vô nhà thương như cơm bữa. Gọi là nhà thương chứ ở đó có thấy ai thương xót ai đâu. Bác sĩ, y tá, y công ở ngoải tràn vô thế chỗ cho khung nhân sự bất thình lình trống hoác: người bỏ việc đi làm nông, kẻ liều mạng vượt biển. Mỗi lần xuất viện lại mang về một thứ bệnh khác. Mẹ con bà cháu cứ lây lất sinh tồn, không hề nghĩ đến cái ngày con nhỏ sẽ phải vất vả kinh nguyệt, mặc áo nịt ngực, thay quần lót sau mỗi lần tắm rửa để giữ gìn vệ sinh cá nhân, mai mốt rồi cũng sẽ lấy chồng đẻ con của chính nó.

Có thêm đứa bé gái, coi như có thêm một phụ nữ nhỏ trong nhà. Muốn nuôi con chó cho nó có bạn, lớ ngớ mua trúng một con cái. Nhiêu khê hết biết. Ngó thì tưởng mẫu quyền mẫu hệ lên ngôi: bà ngoại quán xuyến bếp núc đánh Nam dẹp Bắc dương Đông kích Tây; mẹ chạy vòng ngoài có gì bán nấy miễn sao có tiền mua gạo, trong đầu hiếm khi lởn vởn hình ảnh thịt nạc cá tươi, chỉ có rau củ mắm muối; cựu-địa-chủ, tức đại gia ông ngoại, hết tiền uống rượu bất đắc chí bỏ lên cao nguyên ngồi chồm hổm trông coi vườn cà phê cho nhà giàu mới, thi thoảng có dịp cưỡi ngựa loanh quanh đồn điền giám sát nhân công, lâu lâu tức ngực ói ra thơ thay vì chui vô lùm bụi làm chuyện bậy bạ tục tĩu: sầu nghiêng vai, nắng chia đời / mùa theo gió thổi, ngày đưa chân ngày / chợt nhìn xuân rụng đầy tay / dấu xưa mòn mỏi ngựa gầy vóc xương / buồn thôi xô lệch chiếu giường…; canh nhà đã có chó cái cột dính ở cửa, lâu lâu vài anh cẩu đực mò đến ve vãn, banh háng khí thế sừng sững đứng trước thềm nhà rưới nước hoa thể hiện chủ quyền, thế nhưng nàng vẫn nguầy nguậy kén cá chọn canh.

Không có ý niệm gì về nữ quyền nhưng để sống còn, tất cả các thành viên giống cái trong nhà đều đã vùng vẫy mỗi người một cách.

Người đàn bà nhỏ này, mai kia trưởng thành, không như bà và mẹ, và cả con chó cái – vốn vô niệm về nữ quyền, hành động theo bản năng – liệu nàng sẽ chấp nhận quan điểm bươn chải-quán xuyến-phục tùng-làm công cụ giải trí tình dục nơi người phụ nữ là thuộc tính bất khả vãn hồi trong ý thức sống của người đàn ông. Và, giương oai diễu võ-ăn chơi nhậu nhẹt-dâm tà nơi người đàn ông là thuộc tính bất khả vãn hồi trong ý thức sống của người đàn bà. Phải chăng hai số phận đã được mặc định?


3.

HẢI DƯƠNG – Trần Văn Luân bị cáo buộc nhiều lần hành hạ như thời trung cổ khiến người vợ đang mang bầu 7 tháng phải chịu hơn 200 vết bỏng, xước, tổn hại sức khỏe 29%.

Ngày 24/5, Luân, 37 tuổi, bị Công an huyện Kim Thành khởi tố, tạm giam để điều tra về tội Cố ý gây thương tích và Hành hạ vợ.

Theo kết quả điều tra, do mâu thuẫn sinh hoạt, Luân nhiều lần đánh vợ bằng thắt lưng da, lược. Luân còn bị tình nghi đã đốt móc quần áo bằng kim loại dí vào mặt và người chị Giao. Việc này diễn ra thời gian dài.

Kết quả giám định cho thấy chị Giao chịu hơn 200 vết bỏng, xước, trong đó vùng mặt có 32 vết bỏng, dài nhất 7 cm; 45 vết xước ở lưng, vùng thắt lưng; 70 vết xước bầm tím vùng mông, đùi, chân, vết dài nhất 12 cm. Tỷ lệ tổn thương cơ thể 29%.

clip_image004

TÂY NINHÔng Nguyễn Văn Trác, 44 tuổi, Hiệu phó trường THCS Long Khánh, bị bắt với cáo buộc dâm ô nữ sinh tại phòng làm việc.

Ngày 6/7, ông Trác bị Công an huyện Bến Cầu bắt tạm giam về hành vi Dâm ô đối với người dưới 16 tuổi theo Điều 146 Bộ luật Hình sự.

Theo điều tra, hồi đầu tháng 5, sau khi thi học kỳ, ông Trác đã gọi nữ sinh lớp 9 đến phòng làm việc và có các hành vi như ôm, ghì chặt vào người, sờ soạng thân thể, hôn má… Gia đình nữ sinh đã tố cáo sự việc với công an.

Trong bản giải trình, ông Trác chỉ thừa nhận “vô tình đụng vào người” nữ sinh khi bé đứng lên và “sờ vào nốt ruồi trên mặt em” chứ không dâm ô hay sàm sỡ.

Tuy nhiên, Công an huyện Bến Cầu xác định ông Trác có hành vi như tố cáo

NHỮNG VỤ ÁN ẤU DÂM GÂY NHỨC NHỐI

(PLO) – Chuyện cụ ông 80 tuổi rủ bé gái vào chòi hoang, chuyện hàng loạt học sinh nữ bị gã bảo vệ nhà trường xâm hại, hay câu chuyện Minh Béo không chỉ là nỗi đau thể xác và tinh thần của nạn nhân mà còn là sự nhức nhối của xã hội mà những ‘con bệnh’ ấu dâm đã gây ra.

XÂM HẠI TRẺ EM CÓ CẢ NGƯỜI HỌC THỨC CAO, ĐỊA VỊ XÃ HỘI

Nhiều trẻ ở TP HCM bị xâm hại bởi những người có học thức, địa vị xã hội; địa điểm không còn khu vực vắng vẻ mà ở nơi công cộng của chung cư, trường học, công viên.

Từ năm 2021 đến tháng 4/2023, thành phố ghi nhận 326 trẻ bị xâm hại. Số vụ có giảm nhưng tính chất nghiêm trọng, diễn biến phức tạp; hình thức xâm hại gồm bạo hành, đánh đập và tình dục. Nạn nhân ở độ tuổi 10-16, phần lớn là bé gái. Người xâm hại trẻ em không chỉ là lao động phổ thông, trình độ thấp mà còn cả những người nghề nghiệp ổn định, trình độ cao, địa vị xã hội.

Theo báo cáo, phần lớn những người xâm hại trẻ em là nam giới. Hầu hết trẻ bị xâm hại bởi người quen biết như hàng xóm, họ hàng, bạn của gia đình… Thủ đoạn của những người này là lợi dụng sự tin tưởng hay sức ảnh hưởng của mình, dùng “lòng tốt” nhằm dụ dỗ, đe dọa để thực hiện hành vi.

Nếu như lúc trước hành động xâm hại trẻ em thường xảy ra ở những địa điểm vắng vẻ, khu vực ngoại thành, thì gần đây việc này diễn ra nơi công cộng thuộc các chung cư, trường học, công viên.

Trẻ ở nhà trọ, nông thôn, chung cư cao cấp, sống cùng cha dượng hoặc các gia đình xảy ra tình trạng bạo hành vợ chồng, ly hôn, thất nghiệp, lạm dụng chất kích thích… có nguy cơ bị xâm hại cao.

TP HCM hiện có khoảng 1,8 triệu trẻ em, chiếm gần 19% dân số. Trong đó, hơn 10.000 trẻ có hoàn cảnh đặc biệt, khoảng 19.500 trẻ có nguy cơ rơi vào hoàn cảnh đặc biệt đang sống tại cộng đồng.


4
.

Vì sao vợ phải có nghĩa vụ đi mua rượu về cho chồng nhậu, vay tiền tứ phía hàng trăm triệu cho chồng đánh bạc? Nằm ngửa cho nó đè ra rồi lặc lè bụng chửa đẻ con cho nó có người nối dõi, ì ạch nuôi con như heo nái, chó cái, trong khi con đực mây mưa ở một nơi khác. Bắt quả tang đang hành lạc hoặc bại hoại luân thường đạo lý thì nó đánh đập phủ đầu, có khi diệt khẩu bằng cách đoạt mạng cho đỡ vướng. Là họa sĩ, nó tự cho mình cái quyền rung động trước cái đẹp, dang tay ủ ấm cho em bé quê vì không thể nào từ khước ham muốn được ôm nó vào lòng, sưởi ấm một linh hồn mong manh. […] Giống như con gà con tìm được đôi cánh của mẹ, nó vui sướng ẩn nấp trong cánh tay người đàn ông xa lạ. Rồi trong cơn mưa của trời đất có một cơn mưa khác ấm áp hơn và nồng nhiệt hơn đã rơi xuống trên cánh đồng ngô, rơi xuống trong tử cung của cô bé (Nguyễn Viện).

Những người đàn ông này họ bị gì vậy? Vì sao nhu cầu tình dục của họ cần phải được giải quyết cấp kỳ, bất kể giờ giấc nơi chốn tuổi tác đối tượng? Họ núp lùm trong công viên, phòng trọ, bụi bờ, đồng bắp, ven đê, hẻm vắng – những góc kín có bóng tối thuận lợi cho việc phát huy giống đực. Để thi vị hóa hành vi, họ nhân danh nghệ sĩ, nhà văn, nhà thơ, nhà này nhà nọ. Thay vì hiếp dâm chữ nghĩa hoặc tự sướng để giải tỏa các loại ức chế tình cảm/tình dục/chính trị/sự nghiệp, họ giải phóng hạ bộ vì….tính công cụ của phụ nữ trong sự giải trí tính dục là một thuộc tính bất khả vãn hồi trong ý thức sống của đàn ông và vì trong mỗi người đàn bà đều tiềm tàng một con đĩ (Nguyễn Viện). Qua các tác phẩm của Nguyễn Viện phụ nữ bị mô tả như người trục lợi, thực dụng, đĩ thoã nên đàn ông có quyền đối xử như phương tiện giải trí, công cụ tình dục, thậm chí hiếp dâm, và có quyền khinh miệt phỉ báng họ (Đặng Thơ Thơ, Nữ quyền – điểm mù trong văn chương Nguyễn Viện).

Trên tinh thần này, có thể suy ra trong mỗi người đàn ông đều tiềm tàng một con cu. Hai con này, đĩ và cu, nhịp nhàng hòa quyện sinh sôi nẩy nở trong một xã hội nhờ văn chương mà hóa ra thơ mộng.

Trần Thị NgH, tháng 5.2023

Related posts