Phân lô đất công viên đem bán, TGĐ Công ty CP Sông Đà Nha Trang bị tuyên án
Tổng Giám đốc Công ty CP Sông Đà Nha Trang đã tự sửa thiết kế, điều chỉnh 2 lô đất được quy hoạch làm công viên cây xanh để phân thành 5 lô đất làm nhà liền kề và bán cho nhiều người để chiếm đoạt gần 35 tỷ đồng.
Ngày 12/6, TAND tỉnh Khánh Hòa đã tuyên án đối với bị cáo Nguyễn Chí Uy (Tổng giám đốc Công ty CP Sông Đà Nha Trang) và Đào Trung Dũng (kế toán trưởng Công ty CP Sông Đà Nha Trang) cùng về tội Lừa đảo chiếm đoạt tài sản theo khoản 4 Điều 174 Bộ luật Hình sự 2015.
Cáo trạng thể hiện vào tháng 10/2012, UBND tỉnh Khánh Hòa giao dự án khu dân cư Cồn Tân Lập tại phường Xương Huân (TP. Nha Trang) cho chủ đầu tư là liên danh Công ty CP Sông Đà Thăng Long (TP. Hà Nội) – Công ty CP Sông Đà Nha Trang (tỉnh Khánh Hòa).
Trong đó, Công ty CP Sông Đà Nha Trang làm đại diện liên danh. Đây là tiểu dự án trong dự án tổng thể chỉnh trang đô thị, xây dựng kè, đường dọc bờ sông Cái, TP. Nha Trang.
Trong thời gian thực hiện dự án từ năm 2015-2017, ông Nguyễn Chí Uy (Tổng Giám đốc) đã tự sửa thiết kế, điều chỉnh 2 lô đất được quy hoạch làm công viên cây xanh trong dự án để phân thành 5 lô đất có mục đích sử dụng là nhà liền kề, ông Uy trực tiếp gặp khách hàng để thống nhất và thực hiện việc mua bán.
Đào Trung Dũng được ông Uy giao soạn thảo các hợp đồng mua bán dưới hình thức hợp đồng góp vốn đầu tư để lập chứng từ thu tiền của các khách hàng.
Với thủ đoạn trên, từ tháng 11/2016 đến tháng 4/2017, Nguyễn Chí Uy đã ký hợp đồng góp vốn với các khách hàng, thậm chí, có một lô đất mà bán cho 2 người khách khác nhau để chiếm đoạt tiền. Theo chỉ đạo của ông Uy, Đào Trung Dũng đã lập các chứng từ thu tiền với tổng số tiền hơn 27 tỷ đồng của 5 khách hàng.
Theo cáo trạng, hai ông Uy và Dũng đã chiếm đoạt 34,5 tỷ đồng của các khách hàng. Số tiền chiếm đoạt này, ông Uy chỉ đạo ông Dũng chi trả, sử dụng cho cá nhân và các hoạt động khác của Công ty CP Sông Đà Nha Trang.
Tòa xét thấy 2 bị cáo có đủ nhận thức về hành vi nhưng đã dùng thủ đoạn gian dối để chiếm đoạt hơn 34,5 tỷ đồng của khách hàng, hành vi của 2 bị cáo là đặc biệt nghiêm trọng, gây ảnh hưởng đến trật tự trị an xã hội và xâm phạm đến tài sản của người khác, cần phải áp dụng tình tiết tăng nặng phạm tội 2 lần trở lên.
Tuy nhiên, tòa cũng ghi nhận các bị cáo có nhiều tình tiết giảm nhẹ như thành khẩn khai báo, ăn năn hối cải, đã tác động đến Công ty CP Sông Đà Nha Trang bồi thường thiệt hại, khắc phục hậu quả cho các bị hại.
Cuối phiên xét xử, Tòa tuyên phạt bị cáo Nguyễn Chí Uy: 18 năm tù; Đào Trung Dũng: 12 năm tù cùng về tội Lừa đảo chiếm đoạt tài sản.
Bị cáo Uy và Dũng phải liên đới bồi thường cho các bị hại hơn 78 triệu đồng. Trong đó, bị cáo Uy bồi thường số tiền 50 triệu đồng, bị cáo Dũng bồi thường số tiền hơn 28 triệu đồng.
Về trách nhiệm dân sự, Công ty cổ phần Sông Đà Nha Trang nhận trách nhiệm bồi thường, hoàn trả cho các bị hại hơn 25 tỷ đồng.
Tòa cũng kiến nghị các cơ quan có thẩm quyền tiếp tục điều tra, xem xét hành vi của các bị cáo đối với 2 lô đất biệt thự và liền kề liên quan đến vụ án. Xem xét vi phạm của các cơ quan chức năng tỉnh Khánh Hòa trong việc triển khai dự án Khu dân cư Cồn Tân Lập để tiến hành xử lý, nếu có căn cứ.
Trong cáo trạng xác định những thành viên khác của Công ty CP Sông Đà Nha Trang do không biết, không tham gia bàn bạc, thỏa thuận với hai bị cáo Uy, Dũng nên không có căn cứ để xử lý hình sự.
Trước đây, TAND tỉnh Khánh Hòa đã mở phiên tòa xét xử sơ thẩm vụ án. Tuy nhiên, do các bị hại, người có quyền lợi nghĩa vụ liên quan và người làm chứng vắng mặt nên phiên tòa này đã bị hoãn nhiều lần.
Thạch Lam
Hà Nội: Nhóm người chuyên mua bán trẻ em qua Facebook
Không nghề nghiệp, các bị cáo thường xuyên vào hội nhóm cho và nhận con nuôi trên mạng Facebook để tìm kiếm, liên hệ với những người cho con để xin con của họ rồi bán kiếm tiền tiêu xài.
Ngày 12/6, TAND TP. Hà Nội mở phiên tòa xét xử 4 bị cáo về tội “Mua bán người dưới 16 tuổi” và “Làm giả con dấu, tài liệu của cơ quan, tổ chức”.
Các bị cáo gồm: Phạm Thị Thu Uyên (SN 1997, trú tại huyện Bảo Thắng, tỉnh Lào Cai); Đỗ Thị Thư Trang (SN 1993, trú tại quận Nam Từ Liêm, TP. Hà Nội); Lê Diên Dũng (SN 1993, trú tại huyện Chợ Đồn, tỉnh Bắc Kạn) và Nguyễn Phương Thảo (SN 2001, ở huyện Quỳnh Lưu, tỉnh Nghệ An).
Hồ sơ vụ án thể hiện các bị cáo Uyên, Dũng và Trang không có nghề nghiệp ổn định. Nhóm này thường xuyên lên Facebook, tham gia hội nhóm “Hội cho và nhận con nuôi 3 miền” để tìm và liên hệ với những người không có khả năng nuôi con để xin con của họ rồi bán kiếm tiền.
Bị cáo Thảo là người giúp việc cho Trang, tham gia cùng Trang mua bán người dưới 16 tuổi. Lúc này, Thảo đang là sinh viên một trường cao đẳng ở Hà Nội.
Theo đó, từ tháng 7/2021 đến tháng 12/2021, Uyên, Dũng và Trang cùng lên Facebook kết bạn, làm quen để giao dịch tìm mua con của người đang mang thai, người mới sinh con, sau đó đem bán để hưởng lợi. Thảo được Trang chỉ đạo giúp sức trong việc mua bán người dưới 16 tuổi.
Trong thời điểm trên, 2 bị cáo Uyên và Dũng đã mua bán 2 trẻ, hưởng lợi bất chính 29,5 triệu đồng. Bị cáo Trang đã mua bán 2 trẻ, hưởng lợi bất chính 45 triệu đồng.
Bị cáo Trang còn làm giả các giấy tờ như giấy ủy quyền nuôi dưỡng trẻ, giấy giao nhận tiền tình nguyện của một công ty luật, rồi giao cho chị Hoàng Thị Th. (SN 1981, quê Thái Nguyên, người hiếm muộn muốn xin con nuôi) để chị này tin tưởng rằng cháu bé bán cho chị là con của Thảo.
Một trường hợp nữa là vào khoảng tháng 12/2021, chị Trần Thị Thu U. (SN 1993, trú Vĩnh Phúc) đang mang thai sắp sinh nhưng hoàn cảnh khó khăn, không thể nuôi con nên chị đăng lên nhóm Facebook để cho con.
Biết được thông tin, bị cáo Uyên nhắn tin xin con và được chị U. đồng ý. Khi chị U. đến ngày sinh thì Uyên đến nhận em bé và đưa cho chị U. 5 triệu đồng.
Bé này được Uyên đem bán cho Trang giá 25 triệu đồng. Trang tiếp tục bán cháu bé cho một người tên T. với giá 60 triệu đồng.
Trong 5 vụ mua bán người dưới 16 tuổi, 2 bị cáo Uyên và Dũng không xác định được nhân thân, lai lịch của người cho con và của người mua con nên chưa có đủ cơ sở kết luận. Do đó, cơ quan điều tra đã quyết định tách vụ án hình sự liên quan đến hành vi này của 2 bị cáo này để tiếp tục điều tra, xử lý sau.
Đối với trường hợp của chị Hoàng Thị Th., cơ quan chức năng xác định chị này mua bé về nuôi dưỡng, không có hành vi mua bán trẻ nên không xử lý. Trường hợp của chị Trần Thị Thu U. là do không có khả năng nuôi con nên đã đưa bé cho bị cáo Uyên và được Uyên cho 5 triệu đồng bồi dưỡng sau sinh. Hành vi này không cấu thành tội phạm nên cơ quan điều tra cũng không xử lý.
Tại tòa, các bị cáo đã thừa nhận hành vi phạm tội.
HĐXX tuyên phạt các bị cáo gồm: Phạm Thị Thu Uyên: 13 năm tù; Lê Diên Dũng: 10 năm 6 tháng tù; Nguyễn Phương Thảo: 3 năm tù cùng về tội “Mua bán người dưới 16 tuổi”.
Bị cáo Đỗ Thị Thư Trang bị tuyên phạt 13 năm tù về tội “Mua bán người dưới 16 tuổi”, 3 năm tù tội “Làm giả con dấu, tài liệu của cơ quan tổ chức”. Tổng hợp hình phạt là 16 năm tù.
Thạch Lam
Đồng Nai: Xuất hiện đàn voi rừng 10 con tiến sát rẫy của dân để tìm thức ăn
Một người dân quay lại clip một đàn voi khoảng 10-12 con, xuất hiện ở đồi Đá Trắng (Đồng Nai), chúng tiến sát vào hàng rào lưới điện mà phía bên đây là khu vực rẫy của người dân.
Chiều ngày 11/6, tại đồi Đá Trắng, xã Thanh Sơn, huyện Định Quán (tỉnh Đồng Nai), một đàn voi rừng tiến vào sát khu vực rẫy của người dân nhưng bị hàng rào lưới điện chặn lại.
May mắn, hoa màu của người dân nơi đây không bị voi phá nát cũng như tính mạng của người dân không gặp nguy hiểm.
Sự việc này đã được ông Mai Tiến Dũng (ngụ TP. Biên Hòa) quay clip khi ông này lên thăm rẫy ở đây. Đây không phải lần đầu người dân quay được clip đàn voi rừng ở Đồng Nai.
Hình ảnh trong clip cho thấy khoảng 10-12 con voi rừng, trong đàn có một số voi con, chúng tiến đến sát hàng rào lưới điện để tìm kiếm nguồn thức ăn. Bên đây hàng rào điện là khu vực rẫy của người dân. Phát hiện con người, một con voi rống lên rồi cả đàn dần di chuyển ra xa hàng rào đi về phía rừng sâu.
Trước đây, tại huyện Vĩnh Cửu cũng như tại khu vực đất rừng huyện Định Quán, voi thường xuyên xuất hiện phá hoại hoa màu, chòi rẫy, tấn công người dân. Tại ấp 3, xã Thanh Sơn, con voi quật bị thương một con bò, tấn công anh L.T.L trọng thương, phải đi bệnh viện cấp cứu.
Để hạn chế voi vào rẫy, phá hoại hoa màu và tính mạng người dân, từ năm 2017 đến nay, tỉnh Đồng Nai đã chi 99 tỷ đồng để làm 75km hàng rào nối từ ấp 5, xã Thanh Sơn (huyện Định Quán) đến ấp 4, xã Tà Lài và xã Đắc Lua (huyện Tân Phú).
Trước đó, vào tháng 3/2023, đàn voi xuất hiện 8 lần ở khu vực rừng tự nhiên, di chuyển qua lại giữa Khu bảo tồn và Vườn Quốc gia Cát Tiên, ăn hết chuối quanh trạm kiểm lâm.
Do vậy, các đơn vị bảo tồn thiên thiên cùng phối hợp trồng 20.000m2 các loại mít, chôm chôm rừng, xoài rừng, sấu, tạo sinh cảnh và làm thức ăn cho voi.
Đàn voi ở Đồng Nai theo thống kê có khoảng 20 con, trong đó có 4-5 voi con, chủ yếu chúng sống ở Vườn Quốc Gia Cát Tiên (huyện Tân Phú), Khu Bảo tồn thiên nhiên – văn hóa Đồng Nai (huyện Vĩnh Cửu) và khu vực đất rừng do Công ty TNHH MTV Lâm nghiệp La Ngà (huyện Định Quán) quản lý.
Một cán bộ kiểm lâm nhận định có thể không gian sống của voi bị thu hẹp, thiếu thốn nguồn thức ăn nên đàn voi tiếp cận nương rẫy của người dân để tìm kiếm thức ăn.
Việt Nam còn nhiều nhất là 239 con voi, rừng nguyên sinh còn nguyên vẹn chỉ chiếm 0,25%
Theo báo Tài Nguyên và Môi Trường ngày 12/8/2022, trong khoảng gần hơn 30 năm trở lại đây, số lượng voi ở Việt Nam suy giảm nhanh chóng. Hiện chỉ còn khoảng 124 đến 148 cá thể voi hoang dã, 91 voi nuôi; tức Việt Nam còn nhiều nhất là 239 cá thể voi trên toàn quốc.
Tại hội thảo do Tổ chức bảo tồn động thực vật hoang dã Quốc tế (FFI) phối hợp với Vườn quốc gia Pù Mát tổ chức vào ngày 26/4, FFI cho hay những năm 1990, Việt Nam ước tính có 2.000 cá thể voi nhưng đến năm 2013, con số này chỉ còn khoảng 130 cá thể, phân bố ở 8 tỉnh gồm Sơn La, Nghệ An, Hà Tĩnh, Quảng Nam, Đăk Lăk, Lâm Đồng, Đồng Nai và Bình Phước.
Nếu lấy mốc từ năm 1990 đến năm 2013, trung bình mỗi năm đàn voi của Việt Nam mất tới 81 con.
Điều này cho thấy số lượng tổng đàn voi của Việt Nam – nhiều nhất 239 con – là con số “mong manh” khi suy xét đến những nguyên nhân khiến đàn voi bị suy giảm.
Theo báo Tài Nguyên và Môi Trường, nguyên nhân chủ yếu của tình trạng đàn voi suy giảm là do môi trường sống của voi ngày càng bị thu hẹp, khi rừng tự nhiên bị tàn phá và sông bị chặn đứng làm các đập thuỷ điện.
Giới chức Việt Nam và tổ chức quốc tế nhận định diện tích rừng phòng hộ là rừng tự nhiên tại Việt Nam bị giảm đáng kể, những khu rừng nguyên sinh còn nguyên vẹn chiếm tỷ lệ quá thấp, chỉ 0,25%.
Ngọc Mai