Câu chuyện về Ấn Độ thay thế Trung Quốc về kinh tế đang bị cường điệu hóa. Với những lợi thế và thách thức của riêng mình, đối thủ của Ấn Độ hiện nay là Nhật Bản, Hàn Quốc, Úc, Indonesia và Việt Nam.
Trong bối cảnh sự hung hăng ngày càng gia tăng của Trung Quốc đang đe dọa trật tự toàn cầu hiện có, Ấn Độ là một quốc gia dân chủ được nhiều người coi là một cường quốc mới nổi và là một thế lực trong cán cân chống lại Trung Quốc. Nền kinh tế vững chắc của Ấn Độ đã tạo ra hy vọng. Với việc các công ty sản xuất đang tìm kiếm cơ sở sản xuất bên ngoài Trung Quốc, có rất nhiều tin đồn trên các phương tiện truyền thông toàn cầu về việc Ấn Độ sẽ thay thế Trung Quốc.
Các chuyên gia đã nói với The Epoch Times rằng câu chuyện về Ấn Độ thay thế Trung Quốc đã bị cường điệu hóa, và thực tế có sự khác biệt đôi chút. Họ nói rằng Ấn Độ đang đi trên quỹ đạo tăng trưởng của riêng mình, và nước này nên xác định các thế mạnh của chính mình và nên phát triển con đường của riêng mình để có thể trở nên nổi bật trên thế giới. Cách Ấn Độ thực hiện điều này sẽ phản ánh những đóng góp của nước này đối với trật tự thế giới đang thay đổi và do đó thể hiện vai trò lãnh đạo toàn cầu của nước này.
Ông Kaush Arha, thành viên cấp cao tại Viện Krach về Ngoại giao Công nghệ tại Purdue và thành viên cấp cao tại Hội đồng Đại Tây Dương, nói với The Epoch Times: “Ấn Độ cung cấp một lựa chọn rất rõ ràng và khác biệt về kinh tế, an ninh và chính trị khi so sánh với Trung Quốc”.
Thủ tướng Ấn Độ Narendra Modi dự kiến sẽ thăm Mỹ vào giữa tháng này và phát biểu tại một phiên họp chung của Quốc hội. Ông Arha nói rằng, ông Modi và Bộ trưởng ngoại giao của ông, Tiến sĩ S Jaishankar, có thể đưa ra lập luận một cách “đáng tin cậy” rằng 10 năm qua là khoảng thời gian Ấn Độ thể hiện vai trò “có liên quan, tích cực” nhất trong lịch sử.
Ông Arha nói: “Nó nên tiếp tục như vậy”, và nói thêm rằng sự tương phản rõ rệt giữa Ấn Độ và Trung Quốc có thể được thấy rõ trong các bài phát biểu của các nhà lãnh đạo của họ, ông Modi và ông Tập Cận Bình.
“Các bài phát biểu của ông Tập chứa đầy sự thù hằn, tiêu cực và oán giận. Các bài phát biểu của Modi rất lạc quan và không hề có ý chỉnh đốn lại những vấn đề từ ngày hôm qua”, ông Arha nói.
Khi nhắc đến sự oán giận của Trung Quốc, ông Arha muốn nói đến “cuộc đấu tranh dân tộc” của Đảng Cộng sản Trung Quốc (ĐCSTQ) nhằm trả thù cho “sự sỉ nhục” mà Trung Quốc phải đối mặt. Ông Tập Cận Bình đã nhiều lần sử dụng thuật ngữ “cuộc đấu tranh dân tộc” trong bài phát biểu nhân lễ kỷ niệm 100 năm thành lập ĐCSTQ vào ngày 01/07/2021.
Đề cập đến thời kỳ sau Chiến tranh nha phiến năm 1840, ông Tập nói trong bài phát biểu của mình: “Đất nước chịu đựng sự sỉ nhục mạnh mẽ, người dân chịu nhiều đau đớn và nền văn minh Trung Quốc chìm trong bóng tối. Kể từ đó, phục hưng quốc gia là giấc mơ lớn nhất của người dân Trung Quốc và đất nước Trung Quốc”.
Ấn Độ cũng phải đối mặt với hai thế kỷ thuộc địa. Nhưng ông Arha lưu ý rằng, Ấn Độ không nói chuyện với thế giới theo cách mà Trung Quốc làm. Ông cho rằng thái độ của Ấn Độ được đặc trưng bởi sự kiên cường trái ngược với sự oán giận của Trung Quốc.
Bà Aparna Pande, nhà nghiên cứu tại Viện Hudson có trụ sở tại Washington D.C., nói với The Epoch Times rằng Ấn Độ đang được hầu hết mọi quốc gia trên thế giới ve vãn.
“Năm 2023 được coi là Năm của Ấn Độ. Chúng ta vẫn chưa biết liệu Ấn Độ có biến điều đó thành thành quả tăng trưởng kinh tế hay không”, bà Pande nói.
Ông Arha cho biết, thế giới đang hướng đến Ấn Độ thay vì Trung Quốc vì sự kiên cường của Ấn Độ hấp dẫn hơn sự oán giận của Trung Quốc. Các lệnh phong tỏa COVID tùy tiện của ĐCSTQ đã gây ra làn sóng chấn động trong toàn bộ chuỗi cung ứng và thương mại toàn cầu.
“Ấn Độ hiện tại không đủ tư cách là đối thủ cạnh tranh kinh tế ngang hàng với Trung Quốc, mà là một nền kinh tế thay thế lớn hấp dẫn trong một danh mục đầu tư đa dạng. Ấn Độ đang cạnh tranh với các nền kinh tế thân thiện khác để thu hút doanh nghiệp rời xa Trung Quốc – chẳng hạn như Việt Nam”, ông nói.
Bà Pande tin rằng, Ấn Độ có thể thay thế Trung Quốc. Nhưng để điều đó xảy ra, sẽ còn rất nhiều việc cần phải làm.
Bà nói: “Ấn Độ biết mình cần phải làm gì, các nhà kinh tế và hoạch định chính sách biết phải làm gì”. “Cải cách là cần thiết và nếu không có chúng, Ấn Độ không thể phát triển nhanh như vậy. Ấn Độ không thể bắt chước các nước khác – nó sẽ phải đi con đường của riêng mình”.
Lợi thế và thách thức của Ấn Độ
Các chuyên gia vẫn đang tranh luận xem liệu Ấn Độ có thể thay thế hoặc cạnh tranh với Trung Quốc về mặt kinh tế hay không. Trong khi các cuộc tranh luận về chủ đề này chủ yếu được dẫn dắt bởi câu chuyện địa chính trị, truyền thông nhà nước Trung Quốc cũng đã nhảy vào nói rằng Ấn Độ đang ở phía sau.
Các nhà phân tích đã nói với The Epoch Times rằng, mỗi khi một quốc gia vươn lên tầm toàn cầu, quốc gia đó sẽ đạt được điều đó dựa trên những thế mạnh độc đáo của riêng mình trong bối cảnh lịch sử và đương đại.
“Việc Ấn Độ cạnh tranh với Trung Quốc về kinh tế là phóng đại. Hiện tại, Ấn Độ không phải là đối thủ của Trung Quốc nhưng đang tự đặt mình là một lựa chọn thay thế hấp dẫn. Ấn Độ có các đối thủ khác như Nhật Bản, Hàn Quốc, Việt Nam, Úc (đối với các khoáng sản quan trọng) và Indonesia”, ông Arha nói, đồng thời cho biết thêm rằng Ấn Độ có một số lợi thế so với Trung Quốc và các đối thủ cạnh tranh khác.
Một lợi thế, theo ông, là các yếu tố địa chính trị đi kèm với các xu hướng kinh tế.
Ông nói: “Một động lực thúc đẩy tăng trưởng của Ấn Độ là mối lo ngại của các doanh nghiệp hàng đầu rằng họ có thể gặp khó khăn nếu quá phụ thuộc vào Trung Quốc”. Những lo ngại về Trung Quốc còn được gia tăng bởi các yếu tố như ép buộc chuyển giao công nghệ và phong tỏa tùy tiện của ĐCSTQ.
Ông nói, thế giới đã trở nên e ngại Trung Quốc vì các cách tiếp cận nền kinh tế toàn cầu mà ĐCSTQ đã thể hiện trong đại dịch COVID. Ông đồng thời cho biết thêm rằng mặt khác, Ấn Độ có quy mô và một số lợi thế vốn có khi cung cấp một nền tảng sản xuất thay thế.
Ông nói: “Ấn Độ có “các ngành công nghiệp công nghệ hàng đầu được hỗ trợ bởi lực lượng lao động công nghệ lớn thông thạo tiếng Anh”, “và đó là một nền dân chủ được thúc đẩy bởi dân số trẻ hòa điệu hơn và ít tùy tiện hơn”.
Bà Pande nêu bật những thách thức mà Ấn Độ đang phải đối mặt trong quá trình thu hút các công ty sản xuất.
“Lực lượng lao động của Ấn Độ không có kỹ năng hoặc trình độ học vấn cao như của Đông Nam Á, và do đó, ngành sản xuất cấp thấp hơn đang đến; không phải là cấp cao hơn”. Bà nói, điện thoại Apple đang được lắp ráp chứ không phải sản xuất, và chỉ 10% lực lượng lao động của Ấn Độ được đào tạo so với 60% ở hầu hết các nước.
Thứ hai, theo bà Pande, cần có nhiều phụ nữ hơn trong lực lượng lao động của Ấn Độ.
Bà nói: “Đây là một trong những quốc gia có tỷ lệ phụ nữ tham gia lực lượng lao động thấp nhất và nhiều công ty sản xuất toàn cầu muốn có lao động nữ”. “Phần lớn công nhân dệt may ở bất cứ đâu trên thế giới đều là phụ nữ. Tỷ lệ phụ nữ trong lực lượng lao động của Ấn Độ đã giảm từ 40% trong những năm 1990 xuống còn khoảng 20% hiện nay”.
Ông Arha cho biết hiện tại, hệ thống giáo dục của Ấn Độ “kiểu như không liên kết” với các ngành công nghiệp đang phát triển và cần phải điều chỉnh giáo dục, đặc biệt là giáo dục trung học và dạy nghề, để chúng phục vụ ngành công nghiệp.
Vấn đề nâng cao tay nghề cho lực lượng lao động đông đảo của Ấn Độ sẽ liên quan đến các khu vực nông thôn. Bất chấp quá trình đô thị hóa ngày càng gia tăng, đây vẫn tiếp tục là nơi sinh sống của đa số người Ấn Độ. Điều này có nghĩa là sự nổi lên về kinh tế của Ấn Độ sẽ tiếp tục thúc đẩy quá trình đô thị hóa đối với khu vực nông thôn lớn nhất thế giới.
Theo ông Arha, điều này sẽ cần một cách tiếp cận toàn diện đối với sự phát triển cơ sở hạ tầng của Ấn Độ, nghĩa là cùng với cơ sở hạ tầng vật chất không thể thiếu, Ấn Độ cũng cần phát triển cơ sở hạ tầng xã hội và kỹ thuật số.
Bà Pande nói rằng, Ấn Độ cần các cuộc cải cách kinh tế vi mô “thế hệ thứ hai”. Chúng sẽ làm tăng hiệu quả và sức mạnh cạnh tranh của các thể chế và cơ sở hạ tầng hiện có của Ấn Độ.
Bà Pande nói: “Tất cả những điều này có nghĩa là Ấn Độ cần thực hiện các cải cách để tạo điều kiện thuận lợi cho các công ty trong và ngoài nước hoạt động, đầu tư và kiếm tiền”.
Không có điều đó, Ấn Độ không thể phát triển theo cách mà họ dự kiến.
Cường quốc số
Ông Arha tin rằng, sự trỗi dậy về kinh tế của Ấn Độ sẽ được thúc đẩy bởi quá trình số hóa nhanh chóng của một nền kinh tế được tích hợp vào nền kinh tế kỹ thuật số toàn cầu mà không bị cản trở bởi bức tường lửa như của ĐCSTQ.
“Ấn Độ có thể trở thành một cường quốc khu vực và toàn cầu về dữ liệu. Các nền kinh tế sẽ lấy dữ liệu làm trung tâm. AI (trí tuệ nhân tạo) sẽ có tính chuyển đổi hơn so với mạng 5G”, ông Arha nói, đồng thời lưu ý các cơ hội để Ấn Độ trở thành trung tâm Ấn Độ Dương – Thái Bình Dương cho các luồng dữ liệu đáng tin cậy.
Ông cho biết, đây sẽ là một ví dụ về việc Ấn Độ phát huy thế mạnh của mình và là cơ hội để đóng một vai trò rất quan trọng trong việc dẫn dắt thế giới mới nổi.
“Một cuộc cách mạng điện toán biên dựa trên dữ liệu: đó là lợi thế của Ấn Độ so với Trung Quốc và thậm chí cả phần còn lại của thế giới. Từ kinh nghiệm của Ukraine, các công dân được trao quyền kỹ thuật số cũng có thể có tác động đáng kể đến quốc phòng và an ninh quốc gia”, ông nói thêm.
Bà Sahar Tahvili là một nhà nghiên cứu AI có bằng tiến sĩ về công nghệ phần mềm và là tác giả của cuốn sách “Các phương pháp tối ưu hóa quy trình kiểm thử phần mềm bằng trí tuệ nhân tạo”. Bà Tahvili nói rằng, “điện toán biên là công nghệ tiên tiến tận dụng dữ liệu và việc phân tích ở biên mạng”.
“Thay vì gửi dữ liệu đến cơ sở hạ tầng đám mây tập trung để xử lý, điện toán biên cho phép dữ liệu được xử lý và phân tích gần hơn với nơi dữ liệu được tạo ra hoặc tiêu thụ. Cách tiếp cận này nắm giữ tiềm năng to lớn để cách mạng hóa kiến thức bằng cách tạo điều kiện cho việc xử lý hiệu quả khối lượng dữ liệu lớn hơn”, bà nói, đồng thời cho biết thêm rằng điện toán biên có thể thúc đẩy những thay đổi mang tính chuyển đổi trong các lĩnh vực khác nhau của nền kinh tế.
Bằng cách khai thác sức mạnh của điện toán biên, các tổ chức có thể trải nghiệm hiệu quả, sự linh hoạt và khả năng cạnh tranh nâng cao vì công nghệ này có thể giúp các doanh nghiệp có được những hiểu biết có giá trị từ dữ liệu trong thời gian thực, dẫn đến việc ra quyết định sáng suốt hơn và khả năng thích ứng nhanh chóng với các tình huống thay đổi, theo bà Tahvili.
Bà nói: “Khi điện toán biên tiếp tục phát triển, tác động của nó sẽ được cảm nhận trong các ngành như sản xuất, giao thông vận tải, chăm sóc sức khỏe và thành phố thông minh”. “Các khả năng là rất lớn, từ giám sát và phân tích hiệu suất máy móc theo thời gian thực cho đến việc tạo điều kiện cho các phương tiện tự hành và cung cấp năng lượng cho cơ sở hạ tầng thông minh”.
Công nghệ này có khả năng biến đổi các lĩnh vực khác nhau của nền kinh tế, cách mạng hóa tri thức và thúc đẩy những đổi mới có sức ảnh hưởng và biến Ấn Độ trở thành siêu trung tâm dữ liệu và phân tích dữ liệu, bà Tahvili nói thêm.
Theo The Epoch Times
Bảo Nguyên biên dịch