Internet lan truyền nhiều video với nội dung về quan chức địa phương Trung Quốc học lời của ông Tập Cận Bình – Tổng Bí thư Đảng Cộng sản Trung Quốc (ĐCSTQ). Mỗi sáng là kênh video ngắn của CCTV Trung Quốc lại phát một video kèm theo “Lời vàng ý ngọc của Tổng Bí thư Tập Cận Bình”. Có phân tích chỉ ra, biểu hiện của quan trường Trung Quốc hiện không khác gì thời Cách mạng Văn hóa của Mao Trạch Đông.
Có đoạn video “Buổi sáng lắng nghe lời vàng Tổng Bí thư Tập Cận Bình” (Sớm đọc: Tập Cận Bình trọng yếu đàm thoại) được lan truyền trên mạng xã hội Trung Quốc. Nội dung cho thấy các cán bộ trong một cơ quan nào đó đã tổ chức cho hàng chục nhân viên trước giờ làm việc vào buổi sáng, mỗi người cầm một xấp giấy để thực hành đọc thuộc lời Tổng Bí thư Tập Cận Bình, có ghi “Tổng bí thư Tập Cận Bình tham gia thảo luận cùng đoàn đại biểu Trùng Khánh tại Kỳ họp thứ nhất Quốc hội khóa 13, ông nhấn mạnh cán bộ lãnh đạo phải nói và làm đạo đức chính trị…”.
Trong vòng kết nối WeChat, ai đó đã đùa rằng: “Cứ sáng sớm phải đọc!”. Có người khác chia sẻ, “Đây không phải là đọc buổi sáng, giống lớp học buổi sáng hơn”.
Trong chuyên mục “Học bằng giọng nói” của Mạng Tin tức ĐCSTQ (cpcnews.cn) cũng có thể tìm thấy những đoạn âm thanh phát biểu của ông Tập Cận Bình ngày hôm đó, “Xây dựng chủ nghĩa xã hội đặc sắc Trung Quốc cần 4 xà 8 trụ để chống đỡ…”.
Buổi sáng cùng xem “Lời vàng ý ngọc của Tổng Bí thư Tập”
Một trang web cổng thông tin của Trung Quốc là Tencent cũng đã phát triển một nền tảng học tập, theo đó kênh video ngắn của CCTV (v.cctv.com) hàng ngày công bố chương trình “Chào buổi sáng Trung Quốc”, kể qua về vẻ đẹp của nước Trung Quốc và đọc “Lời vàng ý ngọc của Tổng Bí thư Tập Cận Bình”.
Được biết mỗi video dài khoảng 40 giây, nói về vẻ đẹp của Trung Quốc kèm theo câu nói hay của Tổng Bí thư Tập Cận Bình, chẳng hạn như khi đi bộ vào Phong Khai – Quảng Đông và trích dẫn một câu nói cổ được ông Tập Cận Bình dẫn trong bài phát biểu tại Trụ sở Liên Hợp Quốc ở Geneva năm 2017.
Tái hiện Cách mạng Văn hóa?
Về vấn đề này, nhà bình luận thời sự Lu Nan cho biết trên RFA rằng ông Tập Cận Bình hết lòng mong muốn quay trở lại thời Cách mạng Văn hóa để thiết lập quyền lực cá nhân, bao gồm cả việc quay trở lại con đường sở hữu công cộng. Ông nói: “Dù là CCTV hay các phương tiện truyền thông khác của nhà nước Trung Quốc, họ phải thấm nhuần tư tưởng của Chủ tịch Tập Cận Bình hàng ngày, để mọi người coi Chủ tịch Tập Cận Bình như Chủ tịch Mao Trạch Đông huyền thoại trong quá khứ, để họ có thể gột rửa đầu óc và nhất nhất tin vào những gì Chính phủ Trung Quốc đang làm”.
Tương tự, cựu giáo sư Chu Hiếu Chính (Zhou Xiaozheng) tại Đại học Nhân dân Trung Quốc đã chỉ ra trong một cuộc phỏng vấn với đài RFA: “Bây giờ Tập Cận Bình đang thúc đẩy quay trở lại toàn diện, đang thực hiện cái gọi là Cách mạng Văn hóa lần thứ hai”. Ông nhắc lại, thời ông Ôn Gia Bảo làm Thủ tướng Trung Quốc đã nói trong cuộc họp báo cuối nhiệm kỳ rằng nếu Trung Quốc không cải cách hệ thống chính trị thì thành quả cải cách hệ thống kinh tế có được cũng có lúc tan tành, vì Cách mạng Văn hóa vẫn có thể xuất hiện. “Ông ấy (Tập) không phải là cánh tả cũng không phải cánh hữu. Ông ấy là một kẻ phản động. Ông ấy muốn khôi phục lại Cách mạng Văn hóa một cách toàn diện. Ông ấy muốn học hỏi từ Mao Trạch Đông”.
Tái diễn “sáng thỉnh ý, chiều báo cáo”
Tác giả Lei Yi của cuốn “Tiến thoái của lịch sử” đã viết rằng trong thời kỳ Cách mạng Văn hóa khi chính trị muốn đi vào mọi mặt của cuộc sống hàng ngày thì đã có khoảng thời gian tình hình “sáng thỉnh ý, chiều báo cáo”, đó là một hoạt động nghi thức chính trị mà mỗi ngày đều phải thực hiện. Việc đầu tiên mỗi ngày thức dậy hoặc trước khi làm việc, học tập là “Xin chỉ thị của Mao Chủ tịch vĩ đại”; kết thúc công việc cuối ngày hoặc trước khi đi ngủ phải “báo cáo công việc và học tập trong ngày trước lãnh tụ Mao Chủ tịch vĩ đại”.
Theo học giả Lu Nan người Hoa ở Mỹ đã trải qua “Cách mạng Văn hóa” của Trung Quốc cho hay, trong thời kỳ “Cách mạng Văn hóa”, chính quyền ĐCSTQ khi đó đã biên soạn những lời của Mao Trạch Đông thành “Danh ngôn Mao Trạch Đông” (Mao chủ tịch ngữ lục), khi đó được coi là sách thiêng liêng và được xem là công cụ hướng dẫn tư tưởng cho người dân hành động. Vào thời điểm đó, tất cả những câu nói của Mao Trạch Đông đều được thu thập và đóng thành một cuốn sách nhỏ màu đỏ, theo đó mỗi người Trung Quốc đều có một bản “Mao chủ tịch ngữ lục”: “Sáng nào tôi cũng phải hỏi ý kiến và báo cáo với Mao Chủ tịch, trưa và tối lại phải báo cáo suy nghĩ của mình. Đọc sách của Mao Chủ tịch quan trọng hơn Kinh thánh, không phải chỉ chờ đến Chủ nhật đi lễ mà là sáng nào cũng đọc Mao chủ tịch ngữ lục để tinh thần cảm nhận hăng hái hơn, ‘sáng thỉnh ý, chiều báo cáo’”…
Cựu giáo sư Chu Hiếu Chính cũng than thở hiện nay mỗi ngày WeChat cá nhân của ông nhận được hàng ngàn tin nhắn không hài lòng với hành vi của ông Tập Cận Bình. Internet Trung Quốc ngày nay được quản lý chặt chẽ nên các bài đăng trên WeChat cá nhân của họ sẽ bị xóa ngay khi họ bày tỏ quan điểm bất đồng, tuy nhiên những tiếng nói này vẫn dũng cảm mà không sợ hãi. Điều này cho chúng ta thấy rằng tâm trạng bất mãn của người dân Trung Quốc đã khá cao.
Theo Hoàng Xuân Mai, RFA