Liên Thành
Nhà bình luận chính trị người Mỹ Stu Cvrk đã đăng một bài viết hôm 9/6, trong đó nói rằng tội ác của chính phủ Trung Quốc nhiều đến mức không thể tin được nữa.
Bài viết đã liệt kê các tội ác của cựu lãnh đạo Mao Trạch Đông gây tổn thất cho xã hội và người dân Trung Quốc. Ngoài ra, tác giả nói rằng Tổng bí thư ĐCSTQ Tập Cận Bình đang tìm cách trở thành bá chủ thế giới, và muốn những người khác phải phục tùng, bất chấp hậu quả.
Nhà bình luận Cvrk giải thích rằng, lý do là vì ĐCSTQ tin rằng họ có quyền năng vô hạn, và phải duy trì quyền lực và kiểm soát người dân Trung Quốc, để đạt được các mục tiêu chính trị của họ.
Tác giả liệt kê vắn tắt tội ác của ĐCSTQ trong quá khứ như sau:
Thứ nhất:Tội ác trong Đại Nhảy vọt (1958-1960)
Đó là chính sách đặc trưng của cựu Tổng bí thư ĐCSTQ Mao Trạch Đông nhằm giảm bớt các vấn đề an ninh lương thực lâu đời, thông qua việc thành lập các hợp tác xã nông thôn quy mô lớn, và xây dựng các ngành công nghiệp thâm dụng lao động, nhấn mạnh sức người hơn máy móc, tự động hóa và vốn liên quan cần thiết để phát triển năng lực sản xuất hiện đại, do đó tổ chức lại hoàn toàn xã hội Trung Quốc.
Phong trào chống chủ nghĩa tư bản này đã giết chết ít nhất 45 triệu người trong Nạn Đói lớn mà nó gây ra, đồng thời làm chậm quá trình hiện đại hóa công nghiệp của Trung Quốc trong nhiều năm.
Đại Nhảy Vọt kết thúc đột ngột khi chủ nghĩa tư bản lặng lẽ du nhập vào nông thôn, thúc đẩy sản xuất nông nghiệp. Cả ông Mao Trạch Đông và chân tay của ông đều không thừa nhận sai lầm khi gây ra thảm họa này cho người dân Trung Quốc.
Tội ác trong Đại cách mạng văn hóa (1966-1976)
Theo nhà bình luận Stu Cvrk, rõ ràng là ông Mao tin rằng cuộc cách mạng theo chủ nghĩa Mác của Trung Quốc đã mất động lực, ít nhất một phần là do nạn tham nhũng. Do đó, ông khuyến khích thanh niên cấp tiến Trung Quốc thanh trừng xã hội Trung Quốc khỏi những phần tử ô uế, và làm sống lại chủ nghĩa Mác.
Điều này dẫn đến việc thành lập tổ chức bán quân sự được gọi là Hồng Vệ binh. Họ tấn công người già và trí thức ở Trung Quốc, và dẫn đến sự sùng bái cá nhân Mao Trạch Đông.
Sự cố này vẫn ám ảnh người dân Trung Quốc ngày nay. Kết quả là ước tính có khoảng 1,5 triệu người chết và 20 triệu người khác bị lưu đày.
ĐCSTQ chưa bao giờ thừa nhận những tội ác khủng khiếp mà họ đã gây ra trong Cách mạng Văn hóa, vì bất kỳ tuyên bố chính thức thừa nhận sai lầm của chế độ này sẽ làm mất tính hợp pháp của tuyên bố lịch sử về quyền lực chính trị của họ.
Tội ác của Trung Nam Hải trong các trại cải tạo lao động (1950-nay)
Sau khi ĐCSTQ lên nắm quyền vào năm 1949, những người bị đảng này coi là kẻ thù đã bị ‘xử lý’ trong các trại tập trung trên khắp đất nước. Chúng được ví như phiên bản trại tập trung Gulag của Liên Xô.
Ban đầu, hệ thống nhắm mục tiêu vào giới trí thức, Quốc dân Đảng và những người ủng hộ đảng này. Ngoài ra còn có những người theo chủ nghĩa tư bản.
Sau đó, các trại cưỡng bức lao động đã được biến đổi và sử dụng cho cuộc diệt chủng người Tây Tạng, người Duy Ngô Nhĩ, cuộc bức hại những người theo học môn tu luyện Phật gia Pháp Luân Công, cùng các nhóm người dân tộc thiểu số và các tôn giáo, tín ngưỡng khác.
Nói đến cuộc đàn áp Pháp Luân Công là nhắc đến tội ác của cựu Tổng bí thư Giang Trạch Dân, một cựu lãnh đạo vì lòng đố kỵ đã ra lệnh ‘tiêu diệt’ môn tu luyện dạy con người làm người tốt theo nguyên lý Chân – Thiện – Nhẫn.
Nhằm cưỡng bức người học từ bỏ tín ngưỡng của mình, các cơ quan của chính phủ Trung Quốc đã cho bắt bớ phi pháp, bắt cóc và mổ cướp nội tạng trên cơ thể người còn đang sống, tra tấn trong các trại lao động đến tàn phế hoặc đến chết.
Trong nhiều năm, các trại cải tạo lao động là nơi xử lý những kẻ thù chính trị và ý thức hệ của ĐCSTQ. Từ khoảng năm 1950 đến nay, hơn 50 triệu người đã sống trong những trại cải tạo này.
Những trại cải tạo lao động này vẫn còn hoạt động cho đến ngày nay.
Theo nhà bình luận Stu Cvrk, ĐCSTQ đã coi rẻ mạng sống và cướp đi quyền tự do của những người dân Trung Quốc vô tội để đạt được mục đích của mình.
Đại dịch covid-19
Tác giả cũng tố cáo giới lãnh đạo ĐCSTQ lạm dụng quyền lực, bất chấp tính mạng người dân Trung Quốc, điển hình là chính sách Zero Covid. Theo tác giả, chính sách này lặp lại thảm họa do Mao Trạch Đông gây ra.
Ca nhiễm Covid-19 đầu tiên được phát hiện ở Vũ Hán vào mùa thu năm 2019 và nhanh chóng bị chính quyền Bắc Kinh che đậy. Tiếp theo, truyền thông nhà nước Trung Quốc bắt tay vào một chiến dịch không ngừng nhằm thúc đẩy luận điệu của ĐCSTQ về đại dịch, bao gồm: những lợi ích của chính sách Zero Covid của ông Tập Cận Bình đối với Trung Quốc và thế giới; vấn đề vật tư y tế và vắc-xin; sự phản công truyền thông nước ngoài vì tiết lộ sự thật về nguồn gốc của vi-rút, và sự không khoan nhượng của Bắc Kinh trong việc chia sẻ thông tin quan trọng liên quan đến đại dịch với các cộng đồng khoa học và y tế toàn cầu.
Chính sách Zero Covid cực đoan và hà khắc tương đương với gần 3 năm đàn áp phong trào cá nhân ở Trung Quốc. Điều này đã làm suy yếu nền kinh tế của Trung Quốc và số người chết không thể xác định được.
Nhà bình luận Stu Cvrk cho rằng, giống như Mao Trạch Đông, ông Tập đã đảo ngược hướng đi mà không thừa nhận thất bại hay ăn năn về những thiệt hại mà chính sách Zero Covid đã gây ra cho xã hội Trung Quốc.
Tác giả cho rằng tốt hơn là thế giới không nên tin vào những luận điệu của ĐCSTQ.
Nhà bình luận Stu Cvrk cũng đặt ra câu hỏi rằng, trước những tội ác trong quá khứ và tội ác diệt chủng người Duy Ngô Nhĩ hay đàn áp Pháp Luân Công vẫn đang tiếp diễn đến tận ngày nay của ĐCSTQ, tại sao vẫn còn nhiều người bị chế độ này lừa dối, tin và đi theo?