Chủ tịch Alibaba: Jack Ma vẫn còn sống và đang giảng dạy tại một trường đại học ở Tokyo
Kể từ khi đế chế kinh doanh của người sáng lập Alibaba Jack Ma bị Đảng Cộng sản Trung Quốc (ĐCSTQ) đàn áp, tung tích của ông luôn thu hút sự chú ý của dư luận. Hôm thứ Năm (15/6), Chủ tịch Alibaba cho biết ông Jack Ma “vẫn còn sống” và đang giảng dạy tại một trường đại học ở Tokyo.
Theo CNBC, “Đầu tiên, Jack Ma vẫn còn sống. Ông ấy khỏe và hạnh phúc”, Chủ tịch Alibaba Michael Evans cho biết hôm thứ Năm (15/6) tại hội nghị công nghệ “Viva Tech” ở Paris.
“Ông ấy giảng dạy tại một trường đại học ở Tokyo và sống chủ yếu ở Trung Quốc”, Evans nói thêm.
Ông Evans cũng cho biết, Jack Ma vẫn là cổ đông lớn nhất của Alibaba, điều này cho thấy cam kết của ông ấy với công ty, và rằng đó là công ty của Jack Ma.
Ông Evans nói thêm rằng mức độ quan tâm của Jack Ma đến công ty hiện nay cũng nhiều như khi ông ấy sáng lập công ty. Điều này sẽ tiếp tục chừng nào Alibaba và Jack Ma còn tồn tại.
Trong thời gian diễn ra hội nghị công nghệ Viva Tech, ông Maurice Levy, Chủ tịch công ty quảng cáo Publicis của Pháp, đã đề cập đến mối quan tâm về Jack Ma, và ông Evans đã trả lời như trên.
Ngày 31/3 theo tờ “Wall Street Journal”, có nguồn tin tiết lộ rằng mặc dù Jack Ma đã thôi giữ chức chủ tịch hội đồng quản trị của Tập đoàn Alibaba vào năm 2019, nhưng ông vẫn là một nhân vật có ảnh hưởng trong tập đoàn và tích cực tham gia trong sự phát triển chiến lược của công ty.
Điều này nhấn mạnh việc ngoại giới vẫn tiếp tục quan tâm đến nơi ở của Jack Ma, sau khi ông và đế chế kinh doanh của mình bị các nhà quản lý Trung Quốc nhắm đến.
Jack Ma không chỉ là người sáng lập Alibaba, mà còn là nhà sáng lập Ant Group. Tháng 10/2020, ông đã công khai chỉ trích hệ thống quản lý và tài chính của ĐCSTQ đã kìm hãm sự đổi mới.
Ngay sau đó, chính quyền ĐCSTQ không chỉ tạm dừng đợt phát hành cổ phiếu lần đầu ra công chúng (IPO) trị giá 37 tỷ USD của Ant Group, mà còn chấn chỉnh, thậm chí bắt đầu thanh trừng đế chế kinh doanh của Jack Ma, như mở cuộc điều tra chống độc quyền đối với Alibaba.
Tháng 4/2021, các nhà quản lý Trung Quốc đã phạt Tập đoàn Alibaba số tiền kỷ lục 18,228 tỷ nhân dân tệ (2,55 tỷ USD).
Sau một loạt các cuộc đàn áp do ĐCSTQ giám sát, Jack Ma đã biến mất khỏi tầm nhìn của công chúng một thời gian, và sau đó thi thoảng được phát hiện ở nước ngoài, như Tây Ban Nha, Hà Lan và Nhật Bản.
Ngày 15/6 mới đây, video Jack Ma ăn tối với ông Vương Hàn, người dẫn chương trình truyền hình vệ tinh Hồ Nam, đã lan truyền tại Trung Quốc Đại Lục. Theo những bức ảnh, một bàn ăn có 11 người ngồi nhưng có tới hơn 50 món ăn, nhiều cư dân mạng đang xôn xao bàn tán, số tiền này hơn một tháng lương của họ. Trong cuộc trò chuyện, nhiều người thành công đã đến chúc mừng Jack Ma.
Trước đó hồi tháng 3, Jack Ma đã bất ngờ đến thăm một trường học ở Hàng Châu. Một ngày trước khi ông xuất hiện, Alibaba vừa tuyên bố sẽ chia doanh nghiệp của mình thành 6 nhóm kinh doanh độc lập, mỗi nhóm sẽ do CEO và ban giám đốc riêng quản lý, đồng thời sẽ huy động vốn hoặc tìm kiếm các đợt chào bán lần đầu ra công chúng trong tương lai. (IPO).
Việc Jack Ma trở lại Trung Quốc trùng với thời điểm nền kinh tế Trung Quốc đang trải qua những chấn thương lớn và phải đối mặt với những thách thức lớn về kinh tế.
Chính quyền Trung Quốc đang mong muốn lĩnh vực công nghệ tái thúc đẩy tăng trưởng kinh tế và khôi phục niềm tin của nhà đầu tư sau ba năm thực hiện chính sách zero-COVID hà khắc.
Bình Minh (t/h)
Bill Gates mang theo khoản tài trợ 50 triệu USD đến gặp ông Tập
Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình hôm thứ 6 (16/06) đã gặp Bill Gates – người đồng sáng lập Microsoft Corp. – tại Bắc Kinh. Cuộc gặp diễn ra trước chuyến thăm Trung Quốc của Ngoại trưởng Hoa Kỳ Antony Blinken vào thời điểm mà hai cường quốc leo thang căng thẳng.
Đài truyền hình nhà nước Trung Quốc CCTV chiếu cảnh ông Tập nói rằng ông rất vui khi gặp lại ông Gates, người mà ông Tập gọi là “bạn cũ”, sau 3 năm không gặp bởi đại dịch bùng phát.
“Tôi tin rằng nền tảng của quan hệ Trung – Mỹ nằm ở người dân”, ông Tập nói với ông Gates. “Trong tình hình thế giới hiện nay, chúng ta có thể thực hiện nhiều hoạt động khác nhau mang lại lợi ích cho hai nước, cho người dân hai nước và toàn thể nhân loại”.
Ông Tập không đưa ra chi tiết nhưng nhấn mạnh vào những lợi ích tiềm năng của sự hợp tác – điều mà đang bị cản trở bởi các bất đồng giữa hai quốc gia về nhân quyền, vấn đề Đài Loan, an ninh và công nghệ. Ông Gates nói với nhà lãnh đạo Trung Quốc rằng ông “rất vinh dự” được gặp ông Tập.
Những chuyến thăm Trung Quốc của các doanh nhân nước ngoài hàng đầu đã diễn ra cùng lúc với việc Đảng Cộng sản Trung Quốc đang nỗ lực khôi phục sự quan tâm của giới đầu tư đối với nền kinh tế đang phát triển chậm lại của Trung Quốc. Giám đốc điều hành Apple Tim Cook đã đến thăm Trung Quốc hồi tháng 3.
Vào tháng 3, ông Tập đã cáo buộc Washington kìm hãm sự phát triển của Trung Quốc bằng cách áp đặt nhiều hạn chế đối với việc Trung Quốc tiếp cận vi mạch và các loại công nghệ khác của Hoa Kỳ.
Căng thẳng Mỹ – Trung đã leo thang trong những năm qua, nhưng gần đây, hai bên đã tổ chức một số cuộc đàm phán về thương mại và các vấn đề khác. Ngoại trưởng Mỹ Antony Blinken dự kiến sẽ đến Trung Quốc vào Chủ nhật trong chuyến thăm 2 ngày.
Ông Blinken sẽ là ngoại trưởng đầu tiên đến thăm Trung Quốc kể từ năm 2018 và dự kiến sẽ gặp Ngoại trưởng Tần Cương và có thể gặp cả ông Tập, theo thông tin từ giới chức Mỹ.
Hôm thứ 5, Quỹ Gates đã cam kết tài trợ 50 triệu USD để tăng cường khả năng phát triển các loại thuốc chống các bệnh như sốt rét và lao tại Viện Khám phá Thuốc Y tế Toàn cầu. Viện được đồng sáng lập bởi Quỹ Gates, Đại học Thanh Hoa và chính quyền thành phố Bắc Kinh.
Chuyến đi Trung Quốc gần đây nhất của ông Gates là vào năm 2019, nơi ông gặp phu nhân của nhà lãnh đạo Tập Cận Bình là bà Bành Lệ Viện. Hai bên đã thảo luận về những nỗ lực của Quỹ Gates trong phòng chống HIV/AIDS.
Theo The Associated Press
Xuân Hoa biên dịch
Bộ trưởng An ninh Anh phá quy ước để gặp Bộ trưởng Đài Loan
Bộ trưởng An ninh Anh Tom Tugendhat, đã gặp Bộ trưởng Kỹ thuật số của Đài Loan vào ngày thứ Tư (14/6). Nguồn tin quen thuộc với cuộc đàm phán nhận định với Reuters, cuộc gặp gỡ như vậy đã phá vỡ chính sách đối ngoại thông thường của Anh và có nguy cơ khiến chính quyền Trung Quốc tức giận.
Anh chính thức công nhận Đài Loan là một phần của Trung Quốc và không duy trì quan hệ ngoại giao chính thức với đảo quốc này kể từ năm 1972.
Mặc dù các bộ trưởng cấp dưới của Anh có thể hội đàm với những người đồng cấp Đài Loan, tuy nhiên theo quy ước, các bộ trưởng cấp cao của Anh không thể gặp các quan chức Đài Loan.
Theo nguồn tin, cuộc gặp của ông Tom Tugendhat với bộ trưởng Đài Loan Audrey Tang là vì lợi ích an ninh chung.
Trung Quốc vẫn luôn coi Đài Loan là một phần lãnh thổ của mình và phản đối quyết liệt việc nước ngoài can thiệp vào đảo quốc này.
Ông Tugendhat, người đã bị Trung Quốc trừng phạt hai năm trước vì lên tiếng về các cáo buộc vi phạm nhân quyền ở Tân Cương, không phải là bộ trưởng chính thức trong nội các nhưng vẫn tham dự các cuộc họp nội các với vai trò là bộ trưởng an ninh, chịu trách nhiệm chống khủng bố, các mối đe dọa từ nhà nước trong nước và tội phạm kinh tế.
Ông Luke de Pulford, giám đốc điều hành của Liên minh Nghị viện về Trung Quốc, một nhóm gồm các nhà lập pháp từ các quốc gia dân chủ lo ngại về hành vi của Bắc Kinh, cho hay đây là lần đầu tiên một bộ trưởng Anh tham dự nội các gặp một người Đài Loan.
“Điều này cực kỳ đáng hoan nghênh và phát đi đúng thông điệp,” ông bày tỏ. “Bộ trưởng an ninh nên được hoan nghênh vì đã dám đối mặt với áp lực từ các bộ khác và thiết lập một tiền lệ mới, mà tất cả các bộ trưởng hiện có thể làm theo.”
Bộ trưởng Đài Loan gần đây nhất đến thăm Anh là nhà đàm phán thương mại hàng đầu của Đài Loan, ông John Deng, vào tháng 6 năm ngoái.
Tháng 11 năm ngoái, Bộ trưởng Thương mại lúc bấy giờ của Anh là ông Greg Hands cũng đến Đài Loan và gặp Tổng thống Thái Anh Văn. Trung Quốc đã cực lực lên án chuyến công du, cũng như với tất cả các tương tác như vậy.
Minh Ngọc (Theo Reuters)
NATO lần đầu tiên bất đồng về kế hoạch phòng thủ kể từ Chiến tranh Lạnh
Các bộ trưởng quốc phòng của Tổ chức Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương (NATO) hôm thứ Sáu (16/6) đã không đạt được thỏa thuận về kế hoạch phản ứng nếu xảy ra kịch bản bùng phát xung đột với Nga.
Tổng thư ký NATO Jens Stoltenberg cho hay, các bộ trưởng đã duyệt xét các kế hoạch – lần đầu tiên kể từ khi kết thúc Chiến tranh Lạnh và được thúc đẩy bởi cuộc xâm lược của Nga – tại một cuộc họp kéo dài hai ngày ở Brussels và đang tiến gần hơn đến việc nhất trí.
Nhưng một nhà ngoại giao lại cho biết, Thổ Nhĩ Kỳ đã phản đối kế hoạch, vì khúc mắc liên quan đến vấn đề ngôn ngữ diễn đạt các vị trí địa lý, bao gồm cả liên quan đến Síp. Dù vậy, vẫn còn cơ hội để tìm ra giải pháp trước hội nghị thượng đỉnh NATO vào giữa tháng 7 tại Vilnius, nhà ngoại giao này nói thêm.
Cái gọi là kế hoạch khu vực bao gồm hàng nghìn trang kế hoạch quân sự bí mật sẽ trình bày chi tiết cách liên minh NATO phản ứng trước một cuộc tấn công của Nga.
Việc soạn thảo các tài liệu này biểu thị một sự thay đổi cơ bản. NATO từng thấy không cần thiết phải có các kế hoạch phòng thủ quy mô lớn trong nhiều thập niên, khi tổ chức này tham gia các cuộc chiến nhỏ hơn ở Afghanistan và Iraq, đồng thời cảm thấy một số nước Nga thời hậu Xô Viết không còn là mối đe dọa hiện hữu nữa.
Nhưng với cuộc chiến đẫm máu nhất của châu Âu kể từ năm 1945 đang hoành hành ngay bên ngoài biên giới của họ ở Ukraine, liên minh này hiện đang cảnh báo rằng họ phải chuẩn bị sẵn mọi kế hoạch trước khi một cuộc xung đột với một đối thủ ngang hàng như Moscow có thể nổ ra.
NATO cũng sẽ hướng dẫn các quốc gia về cách nâng cấp lực lượng và hậu cần.
Một quan chức cấp cao của Hoa Kỳ nói với Reuters: “Mặc dù các kế hoạch khu vực chưa được chính thức thông qua ngày hôm nay, nhưng chúng tôi dự đoán các kế hoạch này sẽ là một phần của một loạt các sản phẩm có thể chuyển giao cho Hội nghị thượng đỉnh Vilnius vào tháng 7.”
Nhật Minh (Theo Reuters)