Tổng thống Nga Vladimir Putin hôm thứ Bảy (17/6) đã tuyên bố với các lãnh đạo châu Phi đang nỗ lực hòa giải chiến tranh Ukraine lý do tại sao ông tin nhiều điểm trong đề xuất của họ là sai lầm. Trước đó một ngày, Tổng thống Ukraine Zelensky cũng gần như đã cự tuyệt kế hoạch hòa bình của các lãnh đạo châu Phi.
Phái đoàn các nguyên thủ của các quốc gia châu Phi gồm Senegal, Ai Cập, Zambia, Uganda, Cộng hòa Congo, Comoros và Nam Phi đang có chuyến công du Ukraine và Nga để nỗ lực làm trung gian hòa giải kết thúc cuộc chiến tranh tại Ukraine đã kéo dài gần 16 tháng. Họ theo đuổi một thỏa thuận về hàng loạt “các biện pháp xây dựng lòng tin” sau khi Kyiv đã bắt đầu chiến dịch phản công từ tuần trước để đẩy lùi lực lượng quân sự Nga ra khỏi các vùng đất miền nam và miền đông Ukraine mà Moscow đang chiếm đóng.
Theo Reuters, mục tiêu của kế hoạch hòa bình Ukraine của các lãnh đạo châu Phi là thúc đẩy hòa bình và khuyến khích các bên đồng ý một tiến trình hòa giải bằng ngoại giao. Những biện pháp hòa bình có thể bao gồm: Nga rút quân đội; loại bỏ vũ khí hạt nhân chiến thuật khỏi Belarus; đình chỉ lệnh truy nã ông Putin của Tòa án Hình sự Quốc tế (ICC); nới lỏng các chế tài của phương Tây áp lên Nga. Sau đó, các bên cần ký thỏa thuận đình chiến và cũng sẽ cần có các cuộc đàm phán giữa Nga với phương Tây.
Tổng thống Nam Phi Cyril Ramaphosa trong bài phát biểu tại Ukraine hôm 16/6 đã trình bày kế hoạch hòa bình Ukraine 10 điểm như sau:
- Cuộc chiến tranh tại Ukraine nên kết thúc hòa bình thông qua đàm phán;
- Cuộc chiến tranh tại Ukraine nên kết thúc ngay khi có thể;
- Cả hai bên đều cần phải giảm leo thang.
- Tôn trọng chủ quyền các quốc gia theo Hiến chương Liên Hiệp Quốc;
- Phải đảm bảo an ninh cho tất cả các quốc gia;
- Thỏa thuận ngũ cốc nên được tất cả các bên giám sát;
- Viện trợ nhân đạo nên được cung cấp tới những nơi có nhu cầu.
- Các bên cần trao đổi tất cả tù binh chiến tranh; đồng thời trẻ em Ukraine nên được trở về nhà;
- Tái thiết Ukraine hậu chiến tranh;
- Hợp tác mạnh mẽ giữa Ukraine và châu Phi.
Tổng thống Putin trong bài phát biểu khai mạc các cuộc đối thoại với phái đoàn châu Phi tại một cung điện ở St Petersburg đã nhấn mạnh đến cam kết của Nga với lục địa đen.
Tuy nhiên, sau phần trình bày của các tổng thống Comoran, Senegal và Nam Phi, ông Putin đã xen ngang vào diễn đàn để phản đối một phần kế hoạch hòa bình Ukraine của phái đoàn châu Phi trước khi các nguyên thủ khác có thể tiếp tục trình bày.
Ông Putin tái khẳng định lập trường của ông rằng Ukraine và các đồng minh phương Tây của họ đã bắt đầu cuộc xung đột vũ trang này từ lâu trước khi Nga điều động quân đội vượt qua biên giới vào cuối tháng Hai năm ngoái. Luận điệu này của ông Putin đã bị Ukraine và phương Tây nhiều lần bác bỏ.
Theo Reuters, điểm chính của kế hoạch hòa bình của châu Phi mà ông Putin bác bỏ là kế hoạch này căn cứ vào những đường biên giới quốc gia được quốc tế chấp nhận.
Ông Putin cũng nói chính phương Tây chứ không phải Nga phải chịu trách nhiệm về giá lương thực toàn cầu tăng đột ngột vào năm ngoái và đã gây tổn hại đặc biệt cho châu Phi.
Ông Putin cho biết Nga chưa bao giờ từ chối đàm phán với phía Ukraine và chính Kyiv mới là bên cản trở đối thoại hòa bình. Tuy nhiên, phía Nga nhiều lần nói rằng bất kỳ giải pháp hòa bình nào cũng phải cộng nhận “những thực tế mới”, tức là công nhận 4 lãnh thổ của Ukraine mà Nga đã sáp nhập từ sau khi phát động chiến tranh xâm lược cuối tháng Hai năm ngoái. Yêu sách đó của Nga là lằn ranh đỏ đối với Ukraine.
Cũng theo Reuters, Ngoại trưởng Nga Sergei Lavrov nói trên truyền hình nhà nước rằng Moscow chia sẻ “những cách tiếp cận chính” trong kế hoạch hòa bình của châu Phi nhưng phát ngôn viên Điện Kremlin Dmitry Peskov được các hãng truyền thông Nga dẫn lời nói rằng kế hoạch hòa bình đó “khó thành hiện thực”.
Ông Peskov nói ông Putin quan tâm đến kế hoạch 10 điểm do Tổng thống Nam Phi Cyril Ramaphosa trình bày, và Nga sẽ tiếp tục đối thoại với các quốc gia châu Phi.
Ông Putin nói rằng Nga “để mở với đối thoại mang tính xây dựng với bất kỳ bên nào muốn thiết lập hòa bình dựa trên các nguyên tắc công bằng và thừa nhận lợi ích hợp pháp của các bên”.
Trong khi đó, Tổng thống Ukraine Zelensky sau cuộc họp với phái đoàn các nguyên thủ châu Phi tại Kyiv hôm 16/6 đã nói rằng các cuộc đàm phán hòa bình sẽ đòi hỏi Nga phải rút quân đội khỏi lãnh thổ Ukraine mà họ đang chiếm đóng. Nga nhiều lần khẳng định quan điểm đó của Ukraine là không thể đàm phán.
“Để cho phép bắt đầu bất kỳ cuộc đàm phán nào với Nga, thì luôn bây giờ kẻ chiếm cứ đang ở trên đất chúng tôi phải đóng băng cuộc chiến tranh này, phải đóng băng mọi thứ: nỗi đau và tổn thương”, ông Zelensky nói trong cuộc họp báo chung với phái đoàn các nguyên thủ châu Phi, theo Reuters.
“Chúng tôi cần hòa bình thực sự, và theo đó [cần có] một cuộc rút quân thực sự của quân đội Nga ra khỏi toàn bộ đất đai độc lập của chúng tôi”, ông Zelensky khẳng định.
Ông Zelensky cũng như các lãnh đạo dưới trướng ông trước nay luôn nhấn mạnh rằng đề xướng hòa bình của Kyiv trong đó có yêu cầu then chốt Nga phải rút quân khỏi lãnh thổ Ukraine phải được lấy làm cơ sở cho bất kỳ giải pháp nào cho việc kết thúc chiến tranh.
Hải Đăng