Hôm Chủ Nhật (18/06), Ngoại trưởng Hoa Kỳ Antony Blinken đã đến Bắc Kinh sau nhiều tháng chính phủ Tổng thống (TT) Biden thúc giục Đảng Cộng sản Trung Quốc (ĐCSTQ) thiết lập lại liên lạc bình thường giữa song phương.
Ông Blinken là quan chức cấp cao nhất của Mỹ đặt chân đến Trung Quốc kể từ khi Tổng thống Joe Biden nhậm chức hồi năm 2021, và là ngoại trưởng đầu tiên đến thăm kể từ năm 2018, năm mà người tiền nhiệm Mike Pompeo của ông đã đến thăm Trung Quốc trong vòng một ngày.
Sự xuất hiện của ông Blinken khởi động hai ngày gặp gỡ với các quan chức cao cấp của Trung Quốc để thảo luận về việc kiềm chế căng thẳng Hoa Kỳ-Trung Quốc. Trong một tuyên bố hôm 14/06, Bộ Ngoại giao Hoa Kỳ cho biết ông Blinken “sẽ thảo luận về tầm quan trọng của việc duy trì các đường dây liên lạc cởi mở để quản lý một cách có trách nhiệm mối bang giao Hoa Kỳ-CHND Trung Hoa.”
“Ông ấy cũng sẽ nêu ra các vấn đề song phương đáng quan tâm, các vấn đề toàn cầu và khu vực, cùng khả năng hợp tác trong những thách thức chung xuyên quốc gia.”
Chuyến đi của ông Blinken trước đó đã được dự định sẽ diễn ra vào tháng Hai nhưng đã bị hoãn lại sau khi Hoa Thịnh Đốn bắn hạ một khinh khí cầu giám sát của Trung Quốc bay qua không phận Hoa Kỳ hôm 04/02. Kể từ đó, hiếm khi có những liên lạc cấp cao.
Trung Quốc đã từ chối liên lạc quân sự thường xuyên mặc dù các quan chức Hoa Kỳ đã nhiều lần cố gắng giao tiếp.
Trước khi lên chuyên cơ Không Lực Một (Air Force One) tại Căn cứ Liên hợp Andrews ở Maryland sáng hôm thứ Bảy (17/06), TT Biden đã nói với các phóng viên rằng ông tin là “Trung Quốc có một số khó khăn chính đáng không liên quan đến Hoa Kỳ.”
“Một trong những điều mà quả khinh khí cầu đó gây ra là, vấn đề không nằm nhiều ở chỗ nó bị bắn hạ, mà là tôi không nghĩ giới lãnh đạo [Trung Quốc] biết nó ở đâu và biết có gì trong đó và biết chuyện gì đang xảy ra,” tổng thống nói.
“Tôi nghĩ vụ việc đó gây mất thể diện hơn là do cố ý,” ông nói thêm, có thể là đang nói tới tình trạng không bằng lòng đang diễn ra trong hàng ngũ của ĐCSTQ giữa các phe phái có tranh giành lâu năm trong đảng.
“Và vì vậy, tôi hy vọng rằng, trong vài tháng tới, tôi sẽ gặp lại ông Tập và nói về những khác biệt chính đáng mà chúng ta có nhưng cũng có những lĩnh vực chúng ta có thể hòa hợp ra sao.”
Trong hai ngày 18-19/06, ông Blinken dự kiến sẽ gặp Ngoại trưởng Trung Quốc Tần Cương, nhà ngoại giao cao cấp nhất của Trung Quốc Vương Nghị, và có thể cả lãnh đạo Trung Quốc Tập Cận Bình, các quan chức Hoa Kỳ cho biết.
3 mục tiêu chính
Nói tại một cuộc họp báo hôm thứ Sáu trước khi khởi hành đến Bắc Kinh, ông Blinken cho biết chuyến đi này có ba mục tiêu chính: Thiết lập các phương pháp quản lý khủng hoảng, thúc đẩy lợi ích của Hoa Kỳ và các đồng minh, đồng thời nói trực tiếp về các mối quan tâm liên quan, và tìm kiếm các lĩnh vực hợp tác tiềm năng.
“Nếu chúng ta muốn bảo đảm, như chúng ta thực sự muốn bảo đảm, rằng sự cạnh tranh mà chúng ta có với Trung Quốc không dẫn đến xung đột. Thì nơi quý vị bắt đầu là giao tiếp,” ông Blinken nói. Ông cho biết ông cũng sẽ nêu ra vấn đề công dân Hoa Kỳ bị giam giữ tại Trung Quốc theo các cáo buộc mà Hoa Thịnh Đốn xem là có động cơ chính trị.
Triển vọng cho bất kỳ bước đột phá lớn nào đều mờ mịt khi mối bang giao giữa hai nước trong những năm gần đây đã ngày càng trở nên căng thẳng về một loạt các vấn đề vì ĐCSTQ công khai theo đuổi thế giới quan xã hội chủ nghĩa của mình.
Nhưng có sự kỳ vọng là chuyến thăm của ông Blinken sẽ mở đường cho nhiều cuộc gặp song phương hơn trong những tháng tới, bao gồm cả các chuyến công du có thể có của Bộ trưởng Ngân khố Hoa Kỳ Janet Yellen và Bộ trưởng Thương mại Gina Raimondo. Chuyến thăm lần này cũng có thể tạo tiền đề cho các cuộc gặp giữa ông Tập và ông Biden tại các hội nghị thượng đỉnh đa phương cuối năm nay.
Thêm nhiều người lo ngại rằng mối bang giao của Hoa Kỳ và Trung Quốc có thể biến thành một cuộc chiến tranh giao chiến bằng vũ khí thực chất.
Bất kỳ sự leo thang nào giữa hai nền kinh tế lớn nhất thế giới này đều có thể ảnh hưởng lớn đến an ninh và sự ổn định toàn cầu trên nhiều phương diện, từ thị trường tài chính, đến các tuyến đường và thông lệ thương mại, cho đến chuỗi cung ứng toàn cầu.
ĐCSTQ đã và đang chuẩn bị quân đội và người dân cho xung đột. Hai lần trong tháng qua, ông Tập đã cảnh báo người dân Trung Quốc rằng họ phải chuẩn bị cho “những hoàn cảnh khắc nghiệt.” Tương tự như vậy, chế độ cộng sản này đang cố gắng xây dựng cơ sở kinh tế và công nghiệp trong nước để bảo đảm vận hành liên tục trong trường hợp xảy ra chiến tranh.
Giữa bối cảnh bất ổn xã hội trong nước, ông Tập đã ra lệnh cho cánh quân sự của chính quyền này sẵn sàng xâm chiếm Đài Loan vào năm 2027, mặc dù không rõ liệu chính quyền này có cam kết thực sự tiến hành một cuộc xâm lược như vậy hay không. Kể từ khi bắt đầu nhiệm kỳ tổng thống của mình, ông Biden đã nhiều lần nói rằng Hoa Kỳ sẽ bảo vệ Đài Loan trong trường hợp có xâm lược từ Trung Quốc.
TT Biden và lãnh đạo Trung Quốc Tập Cận Bình đã gặp mặt trực tiếp lần đầu tiên hồi tháng 11/2022 bên lề hội nghị thượng đỉnh G-20 ở Indonesia. Cuộc gặp của họ đã báo hiệu một đoạn thời gian ngắn quan hệ song phương tích cực.
Hoa Kỳ và Trung Quốc hiện cũng đang bất đồng về một loạt các vấn đề, từ thương mại và những nỗ lực của Hoa Kỳ nhằm kìm hãm ngành công nghiệp bán dẫn của Trung Quốc, đến các vi phạm nhân quyền của ĐCSTQ, hành động gây hấn quân sự của chính quyền này ở Biển Đông, dòng tiền chất fentanyl từ Trung Quốc chảy vào Hoa Kỳ, và người Mỹ bị giam giữ ở Trung Quốc.
ĐCSTQ đang phát triển các năng lực quân sự được thiết kế đặc biệt để vượt qua và tiêu diệt các hệ thống của Hoa Kỳ ở khu vực Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương. Các năng lực này bao gồm các hàng không mẫu hạm mới, các năng lực không gian và phòng thủ không gian, và sự mở rộng hạt nhân lớn nhất kể từ Chiến Tranh Lạnh.
Bộ Ngoại giao Hoa Kỳ cho biết, sau chuyến thăm Trung Quốc, ông Blinken sẽ tới London từ ngày 16 đến ngày 21/06 để tham dự Hội nghị Phục hồi Ukraine nhằm khích lệ sự viện trợ của quốc tế giữa các khu vực công và tư nhân để trợ giúp Ukraine chống lại Nga.