Một quan chức Bộ Ngoại giao Nga cho biết thỏa thuận triển khai vũ khí hạt nhân của Moscow trên lãnh thổ Belarus không bao hàm khung thời gian, đồng thời nhấn mạnh rằng Mỹ nên rút hết vũ khí hạt nhân về lãnh thổ nếu muốn yêu cầu Nga ra quyết định tương tự.
“Đối với khung thời gian cho sự hiện diện của vũ khí hạt nhân chiến thuật của Nga trên lãnh thổ Belarus, các thỏa thuận của hai bên không bao hàm bất kỳ hạn chế nào về vấn đề này”, ông Alexey Polishchuk, Vụ trưởng Vụ Cộng đồng các quốc gia độc lập (SNG) thuộc Bộ Ngoại giao Nga, nói với hãng tin TASS.
“Trong bối cảnh địa chính trị hiện nay, các điều kiện chính để Moscow xem xét thu hồi các vũ khí hạt nhân chiến lược có thể là việc Mỹ và các nước thuộc Tổ chức Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương (NATO) cam kết không phá hoại an ninh và chủ quyền của Nga và Belarus”.
“Tất nhiên, một bước đi như vậy của chúng tôi nên được thực hiện trước bằng việc Mỹ rút hoàn toàn tất cả vũ khí hạt nhân Mỹ về lãnh thổ Mỹ, cùng với việc loại bỏ cơ sở hạ tầng tương ứng ở châu Âu”, ông Polishchuk tuyên bố.
Theo nhà ngoại giao này, việc triển khai vũ khí hạt nhân chiến thuật của Nga trên lãnh thổ Belarus “phần lớn là hành động bắt buộc nhằm đáp trả chính sách hiếu chiến” của liên minh quân sự xuyên Đại Tây Dương.
“Điều này đã tính đến thực tiễn phá hoại trong nhiều năm của” các sứ mệnh hạt nhân chung “của các nước NATO. Sự ủng hộ công khai của người phương Tây đối với chính quyền Kyiv và việc không sẵn sàng tính đến các yêu cầu chính đáng của đất nước chúng tôi trong lĩnh vực an ninh là kích hoạt cho một bước đối ứng như vậy của Moscow và Minsk”, nhà ngoại giao nói.
Ông Polishchuk nhấn mạnh rằng các hành động của Moscow “không mâu thuẫn với các nghĩa vụ pháp lý quốc tế của nước này, bao gồm các nghĩa vụ theo Hiệp ước không phổ biến vũ khí hạt nhân (NPT), vì quyền kiểm soát vũ khí hạt nhân vẫn thuộc về Nga”.
“Không giống như các đầu đạn của Mỹ ở các nước châu Âu, loại đạn đặc biệt của chúng tôi sẽ được đặt gần Nga, trên lãnh thổ của Nhà nước Liên minh, hình thành nên không gian phòng thủ duy nhất”, nhà ngoại giao Nga nói.
Giới chức Mỹ và NATO chưa bình luận về tuyên bố của quan chức Nga.
Ngày 25/3, Tổng thống Vladimir Putin cho biết Nga sẽ bố trí vũ khí hạt nhân chiến thuật của nước này tại Belarus theo yêu cầu riêng của Minsk, đúng như cách mà Mỹ lâu nay vẫn làm trên lãnh thổ của các đồng minh. Theo người đứng đầu nhà nước Nga, việc xây dựng một cơ sở lưu trữ các đầu đạn hạt nhân chiến thuật ở Belarus dự kiến sẽ hoàn thành vào ngày 1/7.
Moscow đã bàn giao cho Minsk hệ thống tên lửa Iskander có khả năng mang đầu đạn hạt nhân và hỗ trợ trang bị lại cho các máy bay của Belarus để chúng có thể mang và phóng đầu đạn hạt nhân.
Trong cuộc gặp với người đồng cấp Belarus Lukashenko hôm 9/6, Tổng thống Nga cho biết việc triển khai vũ khí hạt nhân của Nga ở Belarus sẽ bắt đầu ngay sau khi các cơ sở lưu trữ được hoàn tất vào ngày 7/7 đến ngày 8/7.
“Mọi thứ đang diễn ra theo đúng kế hoạch”, Tổng thống Nga Putin nói trong cuộc gặp với người đồng cấp Lukashenko tại khu nghỉ dưỡng Bocharov Ruchey của ông ở Sochi trên bờ Biển Đen của Nga.
“Việc chuẩn bị các cơ sở liên quan sẽ được hoàn tất vào ngày 7/7 hoặc 8/7 và chúng tôi sẽ ngay lập tức bắt đầu các hoạt động liên quan đến việc triển khai các loại vũ khí tương ứng trên lãnh thổ Belarus”, ông tiếp tục, theo một bản ghi của Điện Kremlin.
Nếu mọi việc diễn ra theo đúng kế hoạch thì đây sẽ là lần đầu tiên vũ khí hạt nhân chiến thuật của Nga được triển khai bên ngoài nước Nga kể từ khi Liên Xô tan rã vào những năm 1990.
Nhà lãnh đạo Nga đưa ra tuyên bố trên chỉ vài tháng sau khi ông công bố kế hoạch chuyển vũ khí hạt nhân chiến thuật tới Belarus hồi tháng 3/2023, với lý do Mỹ cũng triển khai vũ khí tương tự tại các căn cứ của Tổ chức Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương (NATO) ở một số nước châu Âu trong nhiều thập kỷ.
Tháng trước, ông Lukashenko đã hứa cung cấp vũ khí hạt nhân chiến thuật cho bất kỳ quốc gia nào muốn gia nhập Nhà nước Liên minh Nga và Belarus, một thỏa thuận siêu quốc gia được hai nước cộng hòa thuộc Liên Xô cũ ký kết vào năm 1999 nhằm tăng cường quan hệ kinh tế và quốc phòng giữa hai nước láng giềng.
Trong một cuộc phỏng vấn trên truyền hình nhà nước Nga vào hôm 29/5, ông Lukashenko cho hay: “Rất đơn giản: gia nhập Nhà nước Liên minh Belarus và Nga sẽ có vũ khí hạt nhân cho tất cả mọi người”. Trong cuộc phỏng vấn, ông Lukashenko nhấn mạnh rằng đây là quan điểm của cá nhân ông chứ không phải của ông Putin.
Hôm 26/5, Tổng thống Mỹ Joe Biden nói rằng ông có phản ứng “cực kỳ tiêu cực” trước các thông tin rằng Nga đã xúc tiến kế hoạch triển khai vũ khí hạt nhân chiến thuật ở Belarus. Bộ Ngoại giao Mỹ cũng đã chỉ trích kế hoạch triển khai hạt nhân của Nga.
Đáp lại, Đại sứ quán Nga tại Mỹ hồi tháng 5 đã gọi những lời chỉ trích của Washington về kế hoạch triển khai vũ khí hạt nhân của Moscow là “đạo đức giả”, nói rằng “trước khi đổ lỗi cho người khác, Washington nên nhìn lại chính mình”.
“Mỹ đã duy trì một kho vũ khí hạt nhân lớn trong nhiều thập kỷ ở châu Âu. Cùng với các đồng minh NATO, Mỹ tham gia vào các thỏa thuận chia sẻ hạt nhân và diễn tập cho các kịch bản sử dụng vũ khí hạt nhân chống lại chúng tôi”, tuyên bố của Đại sứ quán Nga tại Mỹ nhấn mạnh.
Lam Giang tổng hợp