Các doanh nghiệp nhỏ ở Trung Quốc đang sa thải công nhân để trả nợ. Họ không yên tâm về tương lai và khả năng sinh tồn đã trở thành vấn đề lớn nhất. Tờ Wall Street Journalcho rằng hoàn cảnh khó khăn của các doanh nghiệp nhỏ đã vẽ nên một bức tranh ảm đạm về sự phục hồi kinh tế yếu kém của Trung Quốc.
Các doanh nghiệp vừa và nhỏ rất quan trọng đối với nền kinh tế Trung Quốc. Họ đã tuyển dụng khoảng 233 triệu người vào cuối năm 2018, theo số liệu thống kê mới nhất hiện có.
Tờ Wall Street Journal đưa tin, theo dữ liệu của chính phủ, gần đây từ những người cho vay và các cuộc phỏng vấn với chủ doanh nghiệp nhỏ cho thấy, nhiều công ty đang gặp khó khăn.
Vấn đề lớn nhất mà các doanh nghiệp nhỏ phải đối mặt là khả năng sinh tồn
Ông Quý Thiếu Phong (Ji Shaofeng), người sáng lập một hiệp hội thương mại cho vay nhỏ ở Giang Tô, nói với Wall Street Journal: “Vấn đề lớn nhất đối với các doanh nghiệp nhỏ và siêu nhỏ là khả năng sinh tồn.”
Khi Chính phủ Trung Quốc dỡ bỏ chính sách zero-COVID vào tháng 12/2022, nhiều nhà kinh tế đã kỳ vọng vào sự phục hồi kinh tế mạnh mẽ của Trung Quốc, nhưng điều đó đã không xảy ra. Dữ liệu về chi tiêu của người tiêu dùng, đơn đặt hàng của nhà máy và xuất khẩu cho thấy sự phục hồi đang mất đà.
Scott Yang, một người bán rượu và trà ở Ôn Châu, Chiết Giang, cho biết nhiều chủ doanh nghiệp địa phương mà ông biết đang sa thải nhân viên, và cố gắng cắt giảm chi phí để đáp ứng các đơn đặt hàng đang giảm của nhà máy.
Hoàng Nghĩa Văn (Huang Yiwen), người bán đồ nội thất trực tuyến ở Phật Sơn, tỉnh Quảng Đông, cho biết công việc kinh doanh của ông cũng bị ảnh hưởng bởi thị trường bất động sản suy yếu. Vì những người mua nhà mới là nguồn cung đáng tin cậy cho nhu cầu đồ nội thất.
Doanh số bán nhà hàng năm trong lĩnh vực bất động sản của Trung Quốc vào năm 2022 đã giảm xuống mức thấp nhất trong 6 năm qua. Lĩnh vực này suy thoái cũng sẽ dẫn đến việc một số nhà phát triển lớn không trả được nợ.
“Khó bán lắm!” ông Hoàng Nghĩa Văn nói về việc bán đồ nội thất.
Theo khảo sát mới nhất đối với 3.000 doanh nghiệp vừa và nhỏ ở Trung Quốc của Hiệp hội Doanh nghiệp vừa và nhỏ Trung Quốc, chưa đến 40% trong số này đang hoạt động hết công suất.
Tại Canton Fair (Hội chợ Quảng Châu), hội chợ thương mại lớn nhất của Trung Quốc, được tổ chức vào tháng Tư, các nhà xuất khẩu Trung Quốc trưng bày sản phẩm cho biết, nhu cầu nước ngoài yếu đã buộc nhiều công ty phải đóng băng đầu tư và cắt giảm chi phí lao động.
Sự vùng vẫy của các doanh nghiệp nhỏ có thể gây thêm áp lực lên nền kinh tế Trung Quốc
Theo Wall Street Journal, nhiều nhà kinh tế cảnh báo rằng các vấn đề mà các doanh nghiệp nhỏ phải đối mặt không thể tách rời khỏi nền kinh tế rộng lớn hơn. Vì các doanh nghiệp nhỏ là nguồn tạo việc làm chính, đặc biệt là ở các thành phố lớn, nên những khó khăn của họ cũng phản ánh, và có thể làm trầm trọng thêm áp lực kinh tế trên diện rộng.
“Nếu các doanh nghiệp vừa và nhỏ không phục hồi, các khu vực đô thị sẽ phải vật lộn để tạo đủ việc làm và thu nhập. Điều này sẽ ảnh hưởng lớn đến các hộ gia đình có thu nhập thấp và trung bình”, ông Vương Đan, nhà kinh tế trưởng tại Ngân hàng Hang Seng (Hằng Sinh) Trung Quốc cho biết.
Đến nay, sự hỗ trợ của Bắc Kinh dành cho các doanh nghiệp nhỏ của Trung Quốc chủ yếu là giúp họ tiếp cận vốn dễ dàng hơn. Nhưng biện pháp này chỉ có tác dụng hạn chế. Nhiều chủ doanh nghiệp nhỏ không muốn nhận được nguồn tài chính mới, trừ khi chúng giúp họ trả hết nợ trước đó.
Ông Dương, một người bán rượu, nói rằng mặc dù nguồn vay tương đối dễ kiếm, nhưng hầu hết các doanh nghiệp địa phương mà ông biết chỉ vay mượn để duy trì hoạt động, chứ không phải để mở rộng kinh doanh.
Nhiều tiểu thương đang lâm vào cảnh chật vật trả nợ. Ông Quách Kiệt Quần (Jay Guo), cựu nhân viên ngân hàng và Viện Đổi mới chuỗi cung ứng Ninh Ba, cho biết các ngân hàng Trung Quốc đã cho phép một số doanh nghiệp nhỏ gia hạn các khoản vay của họ. Nhưng nếu những doanh nghiệp nhỏ này không thể trả nợ trong tương lai, cuối cùng họ vẫn sẽ bị liệt vào danh sách nợ xấu.
Gia hạn khoản vay có nghĩa là bên cho vay hoãn việc trả khoản vay sau khi đã xin vay từ ngân hàng và được sự chấp thuận.
Ông Quách Kiệt Quần tin rằng việc cho vay tái tục chỉ có ý nghĩa khi nền kinh tế phục hồi, và các doanh nghiệp vừa và nhỏ có thể bán được hàng.
Ông Dư Hướng Vinh, nhà kinh tế trưởng Trung Quốc tại Citigroup, cho biết các doanh nghiệp nhỏ đang trở thành nạn nhân của một vòng luẩn quẩn ảnh hưởng đến nền kinh tế rộng lớn hơn.
Ông nói, hoạt động kém hiệu quả của một số công ty tư nhân dẫn đến việc mất lòng tin, và niềm tin thấp sẽ khiến các công ty này khó hoạt động tốt hơn.
“Thiếu niềm tin vừa là triệu chứng vừa là gốc rễ của vấn đề”, ông nói.
Ngoài các doanh nghiệp nhỏ, ngày càng có nhiều người Trung Quốc bình thường dường như mất niềm tin vào nền kinh tế.
Các sinh viên đại học sắp tốt nghiệp vào mùa hè này đang tìm việc trong một thị trường việc làm yếu kém cũng bày tỏ sự thất vọng của họ trên mạng Internet, bằng cách đăng ảnh họ ném bằng cấp vào thùng rác, hoặc nằm úp mặt xuống đất.
Chính quyền Trung Quốc công bố số liệu cho thấy gần 20% thanh niên (16 – 24 tuổi) ở nước này thất nghiệp trong tháng Ba. Đây là “dấu hiệu đáng lo ngại” cho sự phục hồi kinh tế nói chung.
Tuy nhiên, cư dân mạng đăng bằng chứng chỉ ra nhiều trường cao đẳng và đại học buộc sinh viên phải khai báo có việc làm mới được cấp chứng chỉ tốt nghiệp, làm sai lệch dữ liệu việc làm thực tế. Có học giả cho rằng số thanh niên thất nghiệp thực tế có thể cao hơn con số 20%.
CNA đưa tin ông Chiêm Chí Hoằng, Phó chủ tịch kiêm Phát ngôn viên của Hội đồng các vấn đề Đại Lục của Đài Loan, đã phát biểu tại một cuộc họp báo vào ngày 1/6, rằng Trung Quốc Đại Lục đang nỗ lực để phục hồi nền kinh tế của mình, “nhưng họ đã gặp phải một số vấn đề rất lớn, rất lớn, những khó khăn và thách thức rất nghiêm trọng.”
Một số nhà phân tích cho rằng nếu không khôi phục được niềm tin, nền kinh tế Trung Quốc có thể rơi vào vòng xoáy đi xuống. Trong trường hợp đó, việc nới lỏng hơn nữa chính sách tiền tệ và các biện pháp kích thích khác có thể không hiệu quả.
Bình Minh