Venus Upadhayaya
Ngày 21/6, Thủ tướng Ấn Độ Narendra Modi bắt đầu chuyến thăm cấp nhà nước tới Mỹ kể từ khi nhậm chức năm 2014. Chuyến thăm được kỳ vọng sẽ góp phần thúc đẩy hợp tác quốc phòng, thương mại và công nghệ song phương khi ông Modi đặt mục tiêu củng cố vị trí của Ấn Độ trong bảng xếp hạng hàng đầu thế giới.
Sự kiện này cũng gây chú ý ở Trung Quốc, nơi các quan chức và phương tiện truyền thông Bắc Kinh từ lâu đã hạ thấp quan hệ Mỹ – Ấn, và hiện đang cáo buộc Mỹ kích động thêm mối bất hoà giữa Ấn Độ và Trung Quốc. Tuy nhiên, trong một cuộc phỏng vấn với tờ The Wall Street Journal trước khi khởi hành tới Hoa Kỳ, ông Modi tuyên bố rằng bất kỳ tiến triển nào trong quan hệ Trung – Ấn sẽ phụ thuộc chủ yếu vào tình hình biên giới chung – và đang có tranh chấp gay gắt – trên dãy Himalaya.
Điểm nổi bật trong hai ngày đầu tiên của chuyến thăm cấp nhà nước của ông Modi bao gồm một loạt các cuộc gặp với các nhà lãnh đạo tư tưởng Hoa Kỳ, các tổ chức tư vấn, các thành viên của cộng đồng người Ấn Độ ở Hoa Kỳ, các nhà lãnh đạo ngành công nghiệp Hoa Kỳ và các Giám đốc điều hành (CEO) – bao gồm cả CEO của Micron Technology Sanjay Mehrotra và ông Elon Musk, CEO của Tesla và Twitter .
Hôm thứ Tư (21/6), Thủ tướng Ấn Độ đã gặp nam diễn viên Richard Gere tại một sự kiện yoga tại trụ sở Liên Hợp Quốc ở New York. Ông Gere đã bị cấm đến Trung Quốc và thậm chí còn bị cấm tham dự Lễ trao giải Oscar ở Hollywood trong 20 năm vào năm 1993 vì ông đã lên tiếng chống lại những vi phạm nhân quyền khủng khiếp của Đảng Cộng sản Trung Quốc (ĐCSTQ) ở Tây Tạng.
Hôm 21/6, Tổng thống Mỹ Joe Biden và Đệ Nhất phu nhân Jill Biden đã tổ chức quốc yến để chào đón Thủ tướng Ấn Độ Narendra Modi đến Nhà Trắng. Các khách mời khác bao gồm Cố vấn An ninh Quốc gia Hoa Kỳ Jake Sullivan và người đồng cấp Ấn Độ Ajit Doval.
Các thông báo quan trọng về hợp tác chiến lược song phương có thể được đưa ra vào thứ Năm (22/6) trước khi ông Modi phát biểu tại phiên họp chung của Quốc hội Hoa Kỳ.
Ấn Độ đang trỗi dậy
Trong các cuộc phỏng vấn và bài phát biểu liên quan đến chuyến thăm Hoa Kỳ, ông Modi đã cố gắng nêu bật sự trỗi dậy của Ấn Độ trên trường thế giới, đồng thời nhấn mạnh sức mạnh và chiều sâu của quan hệ giữa Ấn Độ và Hoa Kỳ – bao gồm cả mối quan hệ giữa cá nhân các nhà lãnh đạo của hai nước.
Ông Modi cho biết các nhà lãnh đạo của hai nước đã có “sự tin tưởng chưa từng có”. Ông ca ngợi sự hợp tác quốc phòng ngày càng tăng giữa Mỹ và Ấn Độ là “trụ cột quan trọng của quan hệ đối tác song phương” mà ông nói sẽ mở rộng hơn nữa sang các lĩnh vực thương mại, công nghệ và năng lượng.
Theo số liệu từ Bộ Thương mại Ấn Độ, thương mại song phương giữa hai quốc gia đã tăng hơn 7,65% lên mức kỷ lục 128,55 tỷ USD trong năm 2022-2023. Trong khi đó, thương mại song phương của Ấn Độ với Trung Quốc đã giảm 1,5% xuống còn 113,38 tỷ USD trong cùng kỳ.
Ông Modi đã tìm kiếm một vị thế lớn hơn cho Ấn Độ trên trường quốc tế nhằm thể hiện Ấn Độ là nhà lãnh đạo đương nhiên của miền Nam toàn cầu – một khu vực cũng là trọng tâm chính trong chính sách đối ngoại của Trung Quốc. Ông Modi cho biết Ấn Độ có thể đưa ra tiếng nói cho những nguyện vọng bị lãng quên từ lâu của các nước đang phát triển. Ông nói: “Ấn Độ xứng đáng có một vị thế và vai trò cao hơn, sâu hơn và rộng hơn”.
Bất chấp những đồn đoán về việc Ấn Độ sẽ sớm thay thế Trung Quốc trở thành siêu cường kinh tế toàn cầu, ông Modi nhấn mạnh rằng Ấn Độ không muốn bắt chước bất kỳ quốc gia nào khác, mà muốn vạch ra con đường độc đáo của riêng mình để trở nên nổi bật trên vũ đài toàn cầu.
“Chúng tôi không coi Ấn Độ là người thay thế bất kỳ quốc gia nào. Chúng tôi coi đây là lúc Ấn Độ giành lại vị trí xứng đáng của mình trên thế giới. Thế giới ngày nay liên kết và phụ thuộc lẫn nhau hơn bao giờ hết. Để tăng cường khả năng phục hồi, cần phải đa dạng hóa chuỗi cung ứng nhiều hơn”, ông Modi nói.
Trung Quốc tiến thoái lưỡng nan
Cả truyền thông Ấn Độ và Trung Quốc đều mô tả chuyến thăm Mỹ của ông Modi nhằm truyền tải một thông điệp thầm lặng tới Trung Quốc. Chuyến đi đã châm ngòi cho một cuộc chiến địa chính trị giữa hai khối truyền thông với sự tham gia của các nhà lãnh đạo chính trị từ cả hai nước. Tuy nhiên, ông Modi khẳng định rằng quan hệ song phương giữa hai nước phụ thuộc vào việc duy trì hòa bình dọc biên giới Ấn Độ – Trung Quốc.
“Hòa bình và tĩnh lặng ở khu vực biên giới là điều cần thiết cho việc bình thường hoá quan hệ song phương với Trung Quốc”, ông Modi nói.
“Chúng tôi tin tưởng mạnh mẽ vào việc tôn trọng chủ quyền và toàn vẹn lãnh thổ, thượng tôn pháp luật và giải quyết hòa bình các bất đồng và tranh chấp. Đồng thời, Ấn Độ đã chuẩn bị sẵn sàng và quyết tâm bảo vệ chủ quyền và phẩm giá của mình”.
Một ngày trước khi ông Modi lên đường sang Mỹ, cựu quan chức ngoại giao hàng đầu của Trung Quốc Vương Nghị đã viết một bài bình luận cho tờ Thời báo Hoàn Cầu (Global Times) của nhà nước Trung Quốc. Theo ông Vương, Mỹ đã “thực hiện tính toán địa chính trị” nhằm thúc đẩy thương mại và mậu dịch với Ấn Độ. Ông khẳng định rằng Trung Quốc đang theo dõi những lo ngại của “giới tinh hoa Ấn Độ” về mối quan hệ bền chặt hơn của đất nước họ với Mỹ.
“Không khó để nhận ra những tính toán địa chính trị của Mỹ. Như nhiều người trong giới tinh hoa Ấn Độ lo ngại, những nỗ lực mạnh mẽ của Washington nhằm thúc đẩy hợp tác kinh tế và thương mại với Ấn Độ chủ yếu nhằm kìm hãm sự phát triển kinh tế của Trung Quốc”.
“Tuy nhiên, tính toán địa chính trị của Hoa Kỳ chắc chắn sẽ thất bại bởi vì vị thế của Trung Quốc trong chuỗi cung ứng toàn cầu không thể bị thay thế bởi Ấn Độ hoặc các nền kinh tế khác”, ông nói.
Tuy nhiên, trước thềm chuyến thăm của ông Modi, Điều phối viên phụ trách Truyền thông Chiến lược của Hội đồng An ninh Quốc gia John Kirby đã tuyên bố tại một cuộc họp báo rằng chuyến thăm sẽ thể hiện sự sẵn sàng của Ấn Độ trong việc hợp tác với Hoa Kỳ để bảo vệ và thúc đẩy “tầm nhìn chung về một thế giới tự do, cởi mở và trật tự toàn cầu dựa trên luật lệ”.
“Chuyến thăm sẽ củng cố cam kết chung của hai nước về một khu vực Ấn Độ Dương – Thái Bình Dương tự do, cởi mở, thịnh vượng và an toàn, cũng như quyết tâm chung của hai nước nhằm nâng cao quan hệ đối tác công nghệ chiến lược, bao gồm cả lĩnh vực quốc phòng, năng lượng sạch và không gian”, ông nói và khẳng định rằng “Ấn Độ sẽ là một đối tác chiến lược quan trọng của Hoa Kỳ trong những thập kỷ tới”.
Theo The Epoch Times
Huyền Anh biên dịch