Vụ FLC thao túng chứng khoán: Khởi tố thêm 15 người
15 người bị khởi tố với cáo buộc giúp sức cho cựu chủ tịch FLC Trịnh Văn Quyết thao túng giá cổ phiếu.
Ngày 23/6, Cơ quan Cảnh sát điều tra (C01) Bộ Công an có quyết định khởi tố đối với 15 bị can về tội “Thao túng thị trường chứng khoán”, liên quan đến vụ cựu Chủ tịch FLC Trịnh Văn Quyết thao túng chứng khoán.
Trong 15 bị can, có 2 người là nhân viên của tập đoàn FLC gồm: Đỗ Thị Huyền Trang – Phó trưởng phòng kế toán và Nguyễn Thị Nga – Nhân viên ban kế toán.
5 người bị khởi tố thuộc Công ty CP chứng khoán BOS gồm: Nguyễn Thị Thanh Phương – cựu Trưởng phòng dịch vụ chứng khoán; Nguyễn Thị Thu Thơm – cựu Phó trưởng phòng dịch vụ chứng khoán; Bùi Ngọc Tú – cựu Phó trưởng phòng dịch vụ chứng khoán; Trần Thị Lan – cựu Kế toán trưởng; Quách Thị Xuân Thu – cựu Kế toán trưởng.
Một số người là lãnh đạo, nhân viên các công ty con thuộc FLC bị khởi tố gồm: Trịnh Văn Đại – phó Tổng giám đốc Công ty CP xây dựng FLC Faros; Trịnh Thị Thanh Huyền – Nhân viên Công ty CP đầu tư và phát triển FLC Homes;
Trịnh Tuân – Trưởng phòng vật tư Công ty TNHH MTV FLC Land; Hoàng Thị Huệ – nguyên Nhân viên Công ty CP thương mại và dịch vụ số FLC; Trịnh Văn Nam – nguyên Nhân viên Công ty CP hàng không Tre Việt; Nguyễn Văn Mạnh – Nhân viên phòng vật tư Công ty TNHH MTV FLC Land.
Những người còn lại bị khởi tố gồm: Nguyễn Quang Trung – Lái xe Bệnh viện đa khoa H.T.; Nguyễn Thị Hồng Dung (trú tại quận Cầu Giấy, Hà Nội).
Theo kết quả điều tra, giai đoạn từ 1/12/2021 đến 10/1/2022, ông Trịnh Văn Quyết chỉ đạo hai em gái Trịnh Thị Thúy Nga và Trịnh Thị Minh Huệ (đã bị bắt) cùng một số người dùng nhiều tài khoản chứng khoán liên tục thực hiện giao dịch để thao túng thị trường chứng khoán. Việc này nhằm đẩy giá cổ phiếu FLC từ 15.500 lên 24.050 đồng/cổ phiếu, tăng 64%.
Ngày 10/1/2022, ông Quyết chỉ đạo đặt bán hơn 76,7 triệu cổ phiếu FLC và khớp lệnh 74,8 triệu cổ phiếu với giá trung bình 22.586 đồng nhưng không công bố thông tin trước khi giao dịch. Tổng số tiền thu về sau khi bán chui cổ phiếu là 1.689 tỷ đồng. Với hành vi thao túng này, ông Quyết bị cáo buộc hưởng lợi 530 tỷ đồng.
Cảnh sát xác định nhóm ông Quyết đã gây thiệt hại nghiêm trọng cho các nhà đầu tư mua 60,1 triệu cổ phiếu FLC hôm 10/1.
Nhà chức trách còn cáo buộc, từ năm 2014 đến năm 2016 ông Quyết chiếm đoạt tiền của các nhà đầu tư khi làm thủ tục tăng vốn điều lệ khống từ 1,5 tỷ đồng lên 4.300 tỷ đồng tương ứng với 430 triệu cổ phần của Công ty CP Xây dựng Faros (mã cổ phiếu là ROS) và niêm yết 430 triệu cổ phiếu ROS trên sàn chứng khoán.
Tính đến ngày 24/2/2021, ông Quyết chỉ đạo bà Trịnh Thị Minh Huế bán toàn bộ cổ phiếu ROS mang tên Trịnh Văn Quyết và cổ phiếu ROS mang tên 5 cá nhân khác (do ông Quyết nhờ đứng tên), thu được hơn 6.412 tỷ đồng.
Phạm Toàn
Chủ dự án biệt thự cao cấp ở Nha Trang lĩnh 18 năm tù
Nguyễn Việt Hùng, chủ đầu tư dự án khu biệt thự cao cấp Ocean View Nha Trang, lĩnh 18 năm tù vì lừa đảo nhiều khách hàng, chiếm đoạt hơn 28 tỷ đồng.
Chiều 23/6, Hùng, 49 tuổi, bị TAND tỉnh Khánh Hòa tuyên phạm tội Lừa đảo chiếm đoạt tài sản.
Theo HĐXX, Hùng đã nhiều lần thực hiện hành vi gây nguy hiểm cho xã hội, trực tiếp xâm phạm tài sản của người khác trái pháp luật. Tuy nhiên, bị cáo đã tự nguyện khắc phục một phần thiệt hại cho các bị hại với hơn 10 tỷ đồng.
Theo cáo trạng, từ năm 2002, UBND tỉnh Khánh Hòa cho Công ty Trách nhiệm hữu hạn và dịch vụ Thiên Nhân II, thuê gần 73.000 m2 đất ở núi Chụt (TP Nha Trang) để thực hiện dự án khu nghỉ mát cao cấp Ocean View Nha Trang.
UBND tỉnh Khánh Hòa sau đó lại có quyết định cho Công ty Thiên Nhân II chuyển từ thuê đất làm dự án nghỉ mát sang giao đất để làm dự án khu biệt thự cao cấp Ocean View Nha Trang. Giữa năm 2006, công ty này được cho tách dự án thành 5 thửa đất và cấp sổ đỏ mỗi thửa.Advertisementhttps://24fb67e3198cffcdaebb54d8892e1a76.safeframe.googlesyndication.com/safeframe/1-0-40/html/container.html
Hùng với tư cách là Chủ tịch Hội đồng thành viên, Giám đốc Công ty Thiên Nhân II, cũng là chủ dự án khu biệt thự cao cấp Ocean View Nha Trang, do không đủ tài chính nên đã thế chấp sổ đỏ chung của dự án cho ngân hàng để vay vốn đầu tư.
Đến năm 2009, Công ty Thiên Nhân II lại được UBND tỉnh Khánh Hòa cấp 69 sổ đỏ riêng cho từng lô biệt thự mà UBND tỉnh điều chỉnh dự án, phân lô từ 5 thửa đất ban đầu. Hùng lại mang 69 sổ đỏ đi thế chấp cho nhiều ngân hàng ở TP HCM để vay tiền.
Hùng biết dự án không được phân lô, bán nền nhưng vẫn ký hợp đồng góp vốn xây dựng nhà ở và không cho người mua biết thông tin dự án cũng như việc đã thế chấp sổ đỏ. Ông ta ký hợp đồng bán cho nhiều người rồi chiếm đoạt tiền; nhiều trường hợp ký hợp đồng để người mua thanh toán tiền thế chấp vay tại ngân hàng cho Hùng.
Từ năm 2011 đến 2015, tổng cộng Hùng đã gian dối trong việc ký hợp đồng góp vốn xây dựng nhà ở, hợp đồng chuyển nhượng đất, chiếm đoạt hơn 28 tỷ đồng của 13 bị hại. Trong đó có 11 cá nhân cùng hai tổ chức là Ngân hàng TMCP Việt Nam Thịnh Vượng tại TP HCM và Công ty TNHH Đất Vàng Mới tại TP Nha Trang.
Bùi Toàn
Vụ nổ súng ở Đắk Lắk: 75 người bị điều tra về tội khủng bố
75 trong tổng số 84 người tấn công hai trụ sở UBND xã ở Đắk Lắk bị bắt tạm giam để điều tra về tội Khủng bố nhằm chống chính quyền nhân dân, theo Điều 113 Bộ luật Hình sự.
Hôm 23/6, báo chí nhà nước dẫn lời ông Tô Ân Xô, người phát ngôn Bộ Công an, cho biết cơ quan điều tra Công an tỉnh Đắk Lắk đã khởi tố vụ án “Khủng bố nhằm chống chính quyền nhân dân; Che giấu tội phạm; Không tố giác tội phạm và Tổ chức, môi giới cho người khác xuất cảnh, nhập cảnh hoặc ở lại Việt Nam trái phép”.
Vụ án được khởi tố để điều tra các hành vi liên quan đến vụ tấn công 2 trụ sở UBND xã Ea Tiêu và Ea Ktur tại huyện Cư Kuin, tỉnh Đắk Lắk.
Theo ông Xô, trong 84 người, có 75 người bị bắt giam để điều tra về tội “Khủng bố nhằm chống chính quyền nhân dân”; 7 người bị khởi tố về tội “Không tố giác tội phạm”; 1 người về tội “Che giấu tội phạm” và 1 người về tội “Tổ chức, môi giới cho người khác xuất cảnh, nhập cảnh hoặc ở lại Việt Nam trái phép”.
Trước đó, tại Hội nghị cấp cao những người đứng đầu lực lượng chống khủng bố các nước do Liên Hợp quốc tổ chức tại New York hôm 20/6, ông Phạm Ngọc Việt, Cục trưởng Cục An ninh nội địa (Bộ Công an Việt Nam) nói trong số những người bị bắt có “đối tượng là thành viên của một tổ chức có trụ sở tại Mỹ, nhận lệnh chỉ đạo từ tổ chức này xâm nhập về Việt Nam và thực hiện vụ tấn công.”
Tuy nhiên, ông Việt không nêu cụ thể là tổ chức nào.
Vụ tấn công hai trụ sở xã Ea Tiêu và Ea Ktur xảy ra vào sáng ngày 11/6, làm 9 người chết, 2 người bị thương, bắt giữ 3 con tin, truyền thông nhà nước loan tin theo nguồn của Bộ Công an.
Cảnh sát thu 23 khẩu súng (quân dụng, súng hơi, súng tự chế), 2 quả lựu đạn, gần 1.200 viên đạn, 15 kíp nổ, 1,2 kg vật liệu nổ, một nòng giảm thanh, 2 ống ngắm, một bộ mô hình mìn tập, 30 dao, 10 cờ FULRO và nhiều phương tiện, thiết bị gây án.
Minh Long
Thanh Hóa: Đường dây sản xuất, buôn bán 2,7 tấn nguyên liệu trà sữa giả
Một đường dây chuyên sản xuất, mua bán trà sữa giả nhãn mác thương hiệu Công ty Trà Lộc Phát vừa bị phát hiện, 6 người bị bắt giữ, hàng tấn thành phẩm trà sữa giả các loại bị tịch thu.
Ngày 22/6, thông tin từ Công an tỉnh Thanh Hóa cho hay Cơ quan CSĐT Công an TP. Thanh Hóa đã khởi tố vụ án, khởi tố bị can và bắt tạm giam 6 người về hành vi “Sản xuất, buôn bán hàng giả là lương thực, thực phẩm”.
Các bị can gồm: Đỗ Trọng Nghĩa (SN 1980, ở phường 15, quận 4, TP.HCM); Đồng Ngô Minh Hiếu (SN 1987, ở TP. Bảo Lộc, tỉnh Lâm Đồng); Nguyễn Văn Đông (SN 1982) và Nguyễn Văn Thông (SN 198, đều ở tỉnh Bến Tre); Dương Văn Thạo (SN 1991 ở TP. Hưng Yên, tỉnh Hưng Yên); Đặng Quốc Toàn (SN 1978, ở TP. Thanh Hóa).
Công an TP. Thanh Hóa và Đội Quản lý thị trường số 10 Cục Quản lý thị trường Thanh Hóa đã kiểm tra việc chấp hành pháp luật trong sản xuất kinh doanh hàng hóa dịch vụ đối với cơ sở kinh doanh đồ pha chế của Đặng Quốc Toàn, ở phường Phú Sơn, TP. Thanh Hóa.
Tại đây, lực lượng chức năng phát hiện hộ này đang kinh doanh một số loại nguyên liệu trà sữa là trà đen Lộc Phát và Lục trà lài Lộc Phát. Toàn bộ số nguyên liệu này đều có dấu hiệu giả mạo nhãn hàng hóa, bao bì của Công ty TNHH trà Lộc Phát ở TP.HCM. Hàng hóa vi phạm trị giá khoảng hơn 10 triệu đồng.
Qua giám định của cơ quan chức năng, kết quả cho thấy toàn bộ số bao bì trà đen và lục trà lài mà cơ quan công an thu giữ tại cơ sở kinh doanh của ông Đặng Quốc Toàn đều không phải do Công ty Trách nhiệm hữu hạn Trà Lộc Phát sản xuất.
Công an TP. Thanh Hóa mở rộng điều tra, xác minh tại nhiều tỉnh thành khu vực phía Bắc, phía Nam và phát hiện một đường dây chuyên sản xuất, mua bán trà sữa giả nhãn mác của Công ty Trà Lộc Phát.
Các bị can Đỗ Trọng Nghĩa, Nguyễn Văn Thông, Đồng Ngô Minh Hiếu đã câu kết với nhau để sản xuất, mua bán trà sữa giả, sau đó chào hàng và bán cho các nghi can ở Hưng Yên và Thanh Hóa.
Quá trình điều tra xác minh, Cơ quan CSĐT Công an TP. Thanh Hóa đã thu giữ 15.000 bao bì giả để đóng trà, 2,7 tấn thành phẩm trà sữa giả các loại.
Ngày 21/6, nhóm 6 người trong đường dây này đã bị khởi tố bị can về hành vi sản xuất, buôn bán hàng giả là lương thực, thực phẩm.
Hiện vụ việc đang được cơ quan công an tiếp tục điều tra.
Người tiêu dùng nếu có nhu cầu sử dụng sản phẩm trà các loại thì nên lựa chọn những đại lý độc quyền do những công ty uy tín (như Công ty Trà Lộc Phát, Công ty Trà Phúc Long…), đừng vì ham rẻ mà mua phải hàng giả, hàng trôi nổi trên thị trường, Công an tỉnh Thanh Hóa khuyến cáo.
Ngọc Mai