Tin thế giới sáng thứ Bảy

Niềm tin của các doanh nghiệp châu Âu tại Trung Quốc giảm mạnh

Theo báo cáo “Khảo sát niềm tin kinh doanh năm 2023” do Phòng Thương mại Liên minh châu Âu tại Trung Quốc công bố, niềm tin kinh doanh của các công ty châu Âu đối với môi trường đầu tư của Trung Quốc giảm mạnh. Hình ảnh cảng Thiên Tân, Trung Quốc, ngày 20/8/2022 (Ảnh: ambient_pix / Shutterstock)

Ngày 21/6, Phòng Thương mại Liên minh châu Âu tại Trung Quốc (EUCCC) đã công bố Báo cáo “Khảo sát niềm tin kinh doanh 2023”, cho thấy niềm tin của các công ty châu Âu đối với môi trường đầu tư tại Trung Quốc đã giảm cao mức kỷ lục.

Niềm tin tiếp tục giảm

Theo trang web chính thức của Phòng Thương mại Liên minh châu Âu tại Trung Quốc, Phòng Thương mại Liên minh châu Âu tại Trung Quốc và công ty Roland Berger về tư vấn quản lý quốc tế ngày 21/6 đã cùng công bố báo cáo khảo sát thường niên: “Khảo sát về Niềm tin Kinh doanh năm 2023” (Business Confidence Survey 2023, BCS 2023). Kết quả của báo cáo khảo sát cho thấy niềm tin kinh doanh của các doanh nghiệp châu Âu tại Trung Quốc đã giảm đáng kể.

Theo báo cáo khảo sát, mặc dù vào cuối năm 2022 Đảng Cộng sản Trung Quốc (ĐCSTQ) dừng chính sách “Zero COVID” phòng chống dịch bệnh, sau đó tích cực tìm cách khôi phục sức hấp dẫn đầu tư, nhưng điều này không dễ dàng. Niềm tin đã lao dốc trong quá trình 3 năm ĐCSTQ chống COVID-19, không dễ có thể đảo ngược trong một sớm một chiều. Suy tính các rủi ro tiềm ẩn trong đầu tư và môi trường kinh doanh không ngừng xấu đi, doanh giới châu Âu đã bắt đầu xem xét lại các chiến lược đầu tư và kinh doanh của họ, đảm bảo làm sao chuỗi cung ứng có thể đối phó với nhiều bất ổn khác nhau.

Theo báo cáo khảo sát, 64% số công ty châu Âu cho biết, trong năm qua khó khăn trong hoạt động ở Trung Quốc đã tăng lên, đây là tỷ lệ cao kỷ lục. 30% số công ty châu Âu cho biết thu nhập hoạt động của họ giảm so với cùng kỳ năm ngoái, tỷ lệ này cũng đạt mức cao kỷ lục khi tăng 20 điểm phần trăm so với cùng kỳ năm ngoái; 11% số công ty châu Âu đã chuyển khoản đầu tư của họ ở Trung Quốc sang thị trường ở các nước (hoặc vùng lãnh thổ) khác; 8% số công ty châu Âu đã thay đổi quyết định trong tương lai tiếp tục đầu tư ở Trung Quốc, thay vào là chuyển sang đầu tư vào thị trường ở các nơi khác; 20% số công ty châu Âu được khảo sát cho biết họ đã lên kế hoạch hoặc có kế hoạch di dời khỏi Trung Quốc trụ sở công ty hoặc trụ sở đơn vị kinh doanh của họ ở châu Á. Trong số các công ty coi Trung Quốc là 3 điểm đến đầu tư hàng đầu trong tương lai, tỷ lệ này đã giảm 13 điểm phần trăm so với cùng kỳ năm ngoái.

Chủ tịch Jens Eskelund của Phòng Thương mại Liên minh châu Âu tại Trung Quốc, cho biết: “Xu hướng tiêu cực được đề cập trong báo cáo năm nay là đáng lo ngại. Điều này phản ánh những thách thức gần đây do tính bấp bênh của môi trường chính sách và căng thẳng địa chính trị của Trung Quốc, ngoài ra còn vấn đề các rào cản chính sách để vào thị trường Trung Quốc”.

Ông Denis Depoux, đồng chủ tịch hội đồng quản trị toàn cầu của Roland Berger, cũng chỉ rõ: “Xu hướng đa dạng hóa chuỗi cung ứng có thể tăng lên nếu không cung cấp nhiều giải pháp hơn để giải quyết những bất ổn mà các doanh nghiệp gặp phải. Nhiều công ty châu Âu hiện đang tập trung nhiều hơn vào cách làm sao hoạt động kinh doanh của họ ở Trung Quốc trở nên linh hoạt hơn thay vì giành được nhiều thị phần hơn. Điều đó không tốt cho cạnh tranh”.

Tháng 5 năm nay, Phòng Thương mại Anh tại Trung Quốc cũng công bố một báo cáo tương tự, bày tỏ lo ngại về sự bấp bênh của các công ty nước ngoài hoạt động tại Trung Quốc.

Nhìn lại bối cảnh tình hình

Tháng 6/2022, Nhật báo Giải phóng (Jiefang Daily) của Thượng Hải – Trung Quốc đưa tin, sau khi dỡ bỏ chính sách “Zero COVID” phong tỏa xã hội để chống dịch, chính quyền Thượng Hải đã lên kế hoạch trong tháng 6 tổ chức 20 hội nghị bàn tròn trực tuyến cho các doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài. Phạm vi hội nghị liên quan đến các công ty đa quốc gia hàng đầu về ô tô, thương mại, chất bán dẫn và y sinh. Giới chức ở Thượng Hải cố gắng hàn gắn những rạn nứt do phong tỏa gây ra với các công ty đa quốc gia. Do chính sách Zero COVID” gây phong tỏa xã hội đã khiến nhiều người nước ngoài rời bỏ Thượng Hải, các doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài cũng đưa ra cảnh báo rằng họ đang xem xét lại kế hoạch đầu tư.

Reuters của Anh đưa tin, Phòng Thương mại châu Âu (European Chamber of Commerce) ngày 8/6 cho biết, giới chức Thượng Hải sẽ không còn yêu cầu người nước ngoài trở lại làm việc và gia đình của họ phải cầm thư mời chính thức của ĐCSTQ (cái gọi là thư PU). Do sự bùng phát của COVID-19, chính quyền Bắc Kinh kể từ đầu năm 2020 đã yêu cầu người nước ngoài phải có thư PU như điều kiện xin cấp thị thực, điều này đã cản trở nghiêm trọng tiến độ tuyển dụng lao động nước ngoài của các doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài.

Ông Joerg Wuttke, khi đó là Chủ tịch Phòng Thương mại Liên minh châu Âu tại Trung Quốc, cho rằng chính sách “Zero COVID” phòng chống dịch bệnh không chỉ làm giảm sức hấp dẫn của Thượng Hải, cũng làm suy yếu khả năng thu hút đầu tư từ các công ty đa quốc gia vào Trung Quốc, đặc biệt là trong bối cảnh môi trường đầu tư cởi mở ở những nước/vùng lãnh thổ khác đã thu hút vốn nước ngoài rời khỏi Trung Quốc. Ông nhấn mạnh “họ không thể ngồi đợi ĐCSTQ dọn dẹp mớ hỗn độn”.

Ngày 8/6, nhà chức trách Thượng Hải thừa nhận rằng chính sách “Zero COVID” chống dịch bệnh đã ảnh hưởng đến thương mại và đầu tư nước ngoài của Thượng Hải.

Ngày 21/9/2022, trang web của Phòng Thương mại Liên minh châu Âu tại Trung Quốc (European Union Chamber of Commerce in China) đã phát hành “Báo cáo Lập trường Doanh nghiệp châu Âu tại Trung Quốc 2022/2023” (European Business in China Position Paper 2022/2023). Theo đó, trong đợt bùng phát COVID-19 trên toàn cầu vào năm 2020, Trung Quốc được coi là nơi trú ẩn an toàn cho đầu tư so với phần còn lại của thế giới. Nhưng sau đó ĐCSTQ kiên quyết áp dụng chính sách “Zero COVID” phòng chống dịch bệnh, dẫn đến hoạt động kinh doanh của các doanh nghiệp có vốn nước ngoài buộc phải gián đoạn, rủi ro đầu tư và hoạt động ngày càng tăng.

Các yếu tố khác làm suy yếu thêm sức hấp dẫn của Trung Quốc đối với đầu tư nước ngoài như: sự thiên vị của ĐCSTQ đối với các doanh nghiệp nhà nước, môi trường kinh doanh bị chính trị hóa… Do đó ngày càng có nhiều công ty nước ngoài coi Trung Quốc là nơi khó lường, không đáng tin cậy và kém hiệu quả, triển vọng môi trường đầu tư trong tương lai của Trung Quốc ngày càng bất ổn trong bối cảnh gia tăng căng thẳng địa chính trị.

Về giải pháp, Phòng Thương mại Liên minh châu Âu tại Trung Quốc cho rằng, cải cách toàn diện thị trường Trung Quốc là cách hiệu quả nhất để Trung Quốc phát huy tiềm năng kinh tế và nhanh chóng xây dựng lại niềm tin của nhà đầu tư. Nhưng nan đề của vấn đề này là ĐCSTQ phải thực hiện cải cách chính trị. Như ông Jörg Wuttke cho biết khi là chủ tịch Phòng Thương mại Liên minh châu Âu tại Trung Quốc: Các mục tiêu chính trị và hệ tư tưởng của ĐCSTQ được ưu tiên hơn vấn đề kinh tế.

Tông Đông, Vision Times

Các hãng bay Ấn Độ đe dọa phá vỡ ưu thế của hàng không Trung Đông

FILE PHOTO: An Air India Airbus A320-200 aircraft takes off as an IndiGo Airlines aircraft waits for clearance at the Sardar Vallabhbhai Patel International Airport in Ahmedabad, India, July 7, 2017/ File Photo

IndiGo của Ấn Độ đã có đơn đặt hàng khổng lồ 500 máy bay từ Airbus trong tuần này, vượt qua đơn đặt hàng kỷ lục 470 máy bay của Boeing và Airbus của đối thủ Air India vào đầu năm nay, tạo tiền đề cho một trong những hoạt động mở rộng ngành hàng không tham vọng nhất thế giới.

Hai đơn đặt hàng lịch sử của các hãng bay Ấn Độ đã mang lại sức sống mới cho lĩnh vực hàng không đang hồi phục sau hậu quả của COVID-19, cho thấy các đơn vị này thực sự tự tin về mở rộng thị trường và phát triển cơ sở hạ tầng tại quốc gia đông dân nhất thế giới.

Việc mở rộng đội bay diễn ra vào thời điểm Ấn Độ đang chuẩn bị khai trương sân bay lớn nhất châu Á vào năm tới tại thành phố Jewar ở bang Uttar Pradesh, miền bắc Ấn Độ. Chính phủ Ấn Độ có kế hoạch chi 980 tỷ rupee (11,9 tỷ USD) vào năm 2025 để xây dựng và hiện đại hóa các sân bay trong nước.

Kể từ năm 2017, ít nhất 73 sân bay đã được đưa vào hoạt động theo kế hoạch kết nối khu vực của Ấn Độ – một kế hoạch liên kết các thị trấn và thành phố nhỏ hơn với mạng lưới du lịch hàng không nội địa.

Theo các chuyên gia, Ấn Độ đang bắt tay vào một chiến lược trung tâm. Vị trí địa lý của Ấn Độ được cho là có thể cạnh tranh với những nơi như Doha và Dubai.

Hiện IndiGo chiếm 60% thị phần hàng không Ấn Độ, thị trường phát triển nhanh nhất thế giới. Với đơn đặt hàng mới nhất, hãng sẽ có thể củng cố vị thế của mình tại thị trường nội địa và triển khai các tuyến mới đến Trung Đông, Đông Nam Á và các điểm đến xa hơn như Nhật Bản.

“Việc mở rộng các hãng hàng không Ấn Độ sẽ là mối đe dọa nghiêm trọng đối với các trung tâm (hub) ở Trung Đông. Nó cũng sẽ có tác động đến Đông Nam Á vì IndiGo đang lên kế hoạch cho các chuyến bay thẳng,” theo ông Mayur Patel, người phụ trách khu vực châu Á tại nhà cung cấp dữ liệu du lịch toàn cầu OAG Aviation.

IndiGo không cung cấp thông tin chi tiết về cấu hình máy bay mà họ đang lên kế hoạch mua, nhưng các giám đốc điều hành trong ngành cho biết có khả năng họ sẽ chọn kết hợp A320, A321 và A321 XLR (Tầm xa siêu dài).

Đơn đặt hàng của Air India vào đầu năm nay cũng được thiết lập để tăng hơn gấp đôi đội máy bay của họ so với 228 máy bay hiện tại. Nó cũng có các tùy chọn để mua thêm 370 máy bay phản lực. Hãng hàng không do nhà nước điều hành đã được tập đoàn Tata của Ấn Độ mua lại vào năm ngoái.

Lưu lượng hàng không nội địa của Ấn Độ đạt mức cao kỷ lục với 456.082 hành khách bay trong ngày 30/4 – được thúc đẩy bởi sự phục hồi sau đại dịch. Hơn 400.000 hành khách đã thực hiện các chuyến bay hàng ngày trong tháng 5, lần đầu tiên vượt mốc 13 triệu trong một tháng kể từ tháng 12 năm 2019.

Việc mở rộng đội bay của IndiGo và Air India có thể sẽ thu hẹp thị phần cho các hãng hàng không nhỏ hơn của Ấn Độ như Spicejet và Akasa Air. Tuy nhiên, theo các nhà phân tích, ngay cả các hãng vận tải trong khu vực cũng nên chuẩn bị sẵn sàng để đối mặt với sức nóng, khi sự cạnh tranh ngày càng gay gắt từ các hãng hàng không ở Trung Đông, Thổ Nhĩ Kỳ, Singapore và Trung Quốc.

Lê Vy (theo SCMP)

Serbia sa thải một bộ trưởng có quan điểm chống Nga

Bộ trưởng Kinh tế Rade Basta. Foto: M.M./ATAImages

Chính phủ Serbia hôm thứ Năm (22/6) đã đồng thuận quyết định cách chức Bộ trưởng Kinh tế Rade Basta. Ông Basta hồi tháng Ba đã bị lên án vì yêu cầu Serbia tham gia cùng phương Tây chế tài Nga, và đầu tuần này ông đã rời bỏ một đảng thuộc liên minh cầm quyền để thành lập đảng mới “Phong trào Con đường châu Âu”.

“Tôi vừa mới ở chỗ Thủ tướng Ana Brnabic về và bà ấy nói với tôi rằng họ đã cách chức tôi bởi vì áp lực từ phía Nga”, ông Basta nói với Nova TV sau một cuộc họp nội các mà ông không tham dự.

Đảng Serbia Thống nhất mà ông Basta đã rút lui phát đi tuyên bố nói rằng tư cách thành viên và vị trí trong nội các của ông Basta đã bị thu hồi bởi vì những tuyên bố công khai của ông là “trái ngược hoàn toàn với nghị trình của đảng Serbia Thống nhất và tuyên bố và chính sách quốc gia của chính phủ Serbia”. Đảng Serbia Thống nhất giải thích rằng ông Basta đã yêu cầu phải áp chế tài lên Nga và kêu gọi tất cả các thành viên nội các phải tham gia các cuộc biểu tình chống lại chính phủ ở Belgrade.

“Ông Rade Basta không còn là thành viên của đảng Serbia Thống nhất nữa, và cũng không còn là một bộ trưởng trong nội các”, lãnh đạo đảng Serbia Thống nhất Dragan Markovic Palma cho hay.

Ông Basta làm bộ trưởng kinh tế từ sau một cuộc cải tổ nội các vào tháng 10/2022. Ông là cựu võ sĩ và từng làm sĩ quan cảnh sát trước khi quản lý hệ thống sưởi ấm trung tâm của Belgrade. Ông Basta đã có nhiều tuyên bố chống Nga từ lâu, từ những đòi hỏi phải đóng trung tâm nhân đạo khẩn cấp ở Nis cho tới những kêu gọi phải đạt được “độc lập năng lượng” khỏi khí đốt của Nga bằng việc xây một nhà máy điện hạt nhân cùng với Liên minh châu Âu (EU) và Mỹ.

Hồi giữa tháng Ba vừa qua, ông Basta đã công khai kêu gọi Serbia tham gia cùng các quốc gia phương Tây chế tài Nga, tuyên bố rằng Serbia đang phải trả giá “không thể chịu nổi” vì chính sách trung lập. Đảng Serbia Thống nhất khi đó đã lên án bình luận của ông Basta và một thành viên khác của liên minh cầm quyền đã yêu cầu ông Basta phải từ chức. Tổng thống Serbia Aleksandar Vucic thời điểm đó đã khiển trách ông Basta, và sau đó nói rằng ông ta phải thay đổi để đảm bảo toàn nội các cùng nhìn về một hướng.

Ông Basta hôm 20/6 loan báo rằng ông đã thành lập “Phong trào Con đường châu Âu” với mục tiêu tham gia tranh cử các cuộc bầu cử trong tương lai.

Ông Basta là quan chức ủng hộ phương Tây nổi bật thứ ba phải rời liên minh cầm quyền tại Serbia. Trước đó, cựu nghị viên Dragan Sormaz và cựu Bộ trưởng Năng lượng Zorana Mihajlovic vào đầu năm nay cũng đã phải rời khỏi Đảng Tiến bộ của Tổng thống Vucic.

Serbia đã đang phản kháng áp lực từ EU và Mỹ về việc tham gia trừng phạt Nga. Belgrade đưa ra nhiều lý do trong đó nổi bật là lập luận cho rằng không có sự nhất quán giữa việc phương Tây khăng khăng bảo vệ toàn vẹn lãnh thổ của Ukraine trong khi lại muốn Serbia từ bỏ chủ quyền của mình bằng việc công nhận sự độc lập của tỉnh Kosovo ly khai.

Hải Đăng (Theo RT)

Related posts