Người TQ thuê người Việt dùng thiết bị phát tán tin nhắn rác: 10 vụ đã bị phát hiện

Các nghi phạm lắp đặt thiết bị giả lập trạm BTS trên xe ô tô để phát tán tin nhắn rác tại các khu đông dân cư ở Bắc Ninh và Hà Nội. (Ảnh: rfd.gov.vn)

Các nghi phạm được người Trung Quốc thuê với tiền công 10 triệu đồng/ngày để dùng trạm phát sóng BTS giả, phát tán tin nhắn rác, quảng cáo giả mạo với mục đích lừa đảo người dân trên các tỉnh thành.

Ngày 23/6, Cục Tần số Vô tuyến điện, Bộ Thông tin và Truyền thông cho hay đã phối hợp cùng Cục An ninh chính trị nội bộ, Bộ Công an và Công an TP. Hà Nội phát hiện và bắt giữ 3 nghi phạm sử dụng thiết bị giả lập trạm BTS để phát tán tin nhắn rác, trong đó có kèm đường dẫn tới các trang web với nội dung không lành mạnh.

Trước đó, ngày 16/6, các lực lượng chức năng đã phát hiện tại khu vực giáp ranh giữa 2 tỉnh Bắc Ninh và Bắc Giang xuất hiện dấu hiệu nghi vấn thiết lập và sử dụng thiết bị giả lập trạm BTS để phát tán tin nhắn.

Qua theo dõi, lực lượng này nhận thấy các nghi phạm đã liên tục di chuyển trên các tuyến đường, khu vực đông dân cư tại tỉnh Bắc Ninh và sau đó di chuyển về Hà Nội.

Đến 17 giờ ngày 17/6, cơ quan chức năng đã phát hiện và bắt quả tang các nghi phạm. Cả người và tang vật đã được đưa về cơ quan công an để tiếp tục điều tra.

Các nghi phạm gồm: H.V.H và L.V.X (cùng trú tỉnh Lạng Sơn); N.V.T. (trú tỉnh Bắc Giang).

Các nghi phạm trên khai nhận, vào cuối tháng 4/2023, thông qua một người quen, H.V.H đã được một người đàn ông Trung Quốc thuê chở thiết bị BTS giả đi phát tán tin nhắn với tiền công là 10 triệu đồng/ngày.

Người đàn ông Trung Quốc đã chuyển thiết bị BTS giả đến tận nhà và chuyển qua tài khoản cho các nghi phạm này 720 USD.

Sau đó, các nghi phạm đi mua thiết bị và công cụ rồi thuê xe ô tô với giá thuê 400.000 đồng/ngày để thực hiện phát tán tin nhắn rác.

Vụ việc trên đã được bàn giao cho các đơn vị nghiệp vụ của Công an TP. Hà Nội xử lý theo quy định của pháp luật.

Theo Cục Tần số vô tuyến điện, trong thời gian qua, tình trạng sử dụng thiết bị giả lập trạm BTS để phát tán tin nhắn với mục đích lừa đảo chiếm đoạt tài khoản ngân hàng, quảng cáo các dịch vụ vi phạm pháp luật như cá độ bóng đá, mại dâm… diễn biến phức tạp, tinh vi.

Những nghi phạm chủ mưu thường là người nước ngoài thuê người Việt lắp đặt thiết bị phát tán tin nhắn, quảng cáo lừa đảo.

Các nghi phạm mang theo thiết bị BTS giả di chuyển bằng phương tiện ô tô, thay đổi liên tục nhiều địa điểm, vị trí trên nhiều tuyến phố, quận nội thành, chỉ dừng di chuyển trong thời gian ngắn để phát tán tin nhắn nên việc theo dõi, xác định, bắt quả tang các nghi phạm sử dụng thiết bị BTS giả gặp nhiều khó khăn, mất nhiều thời gian, nhân lực.

Cục Tần số vô tuyến điện và các đơn vị nghiệp vụ công an cho biết cũng trong tháng 6 này đã phát hiện và bắt giữ một vụ sử dụng thiết bị BTS giả tại TP.HCM, với cách thức hoạt động tương tự như vụ tại Hà Nội.

Trong tháng 3 và tháng 4 trước đó, Cục Tần số vô tuyến điện đã phối hợp với cơ quan công an cũng đã phát hiện và chuyển cơ quan chức năng điều tra, xử lý 10 vụ sử dụng trạm BTS giả phát tán tin nhắn rác, tin nhắn giả mạo với mục đích lừa đảo người dân tại Hà Nội, TP.HCM, Gia Lai, Quảng Nam, Thanh Hóa, Thái Nguyên, Hưng Yên và Bắc Giang, bắt giữ 11 người trực tiếp thực hiện, vận hành.

Ông An Xuân Hải, Trưởng phòng Thanh tra (Cục Tần số vô tuyến điện, Bộ TT-TT) khuyến cáo người dân khi nhận được các ứng dụng, tin nhắn, đường link lạ… nên cảnh giác, tuyệt đối không truy cập, không cung cấp thông tin cá nhân, tài khoản, mật khẩu để đề phòng bị đối tượng xấu đánh cắp thông tin, chiếm đoạt tài sản.

Đồng thời, khi gặp phải các trường hợp này, cần thông báo ngay cho cơ quan chức năng để kịp thời ngăn chặn, xử lý.

Thạch Lam

Related posts