Milton Ezrati
Bắc Kinh đã thừa nhận thất bại, ngay cả khi chính quyền này từ chối sử dụng từ này. Đây thực sự đã là lời thú nhận thứ hai về thất bại kinh tế trong 6 tháng qua.
Lần thú nhận đầu tiên xảy ra vào đầu năm nay khi Bắc Kinh hủy bỏ các lệnh phong tỏa và cách ly vốn là những đặc trưng của chiến dịch “zero-COVID” của họ. Ban lãnh đạo Đảng Cộng sản Trung Quốc (ĐCSTQ) đã hy vọng rằng việc giải phóng người dân để đi du lịch và chi tiêu sẽ khởi động lại nền kinh tế đang hấp hối của Trung Quốc. Ngay cả với những hy vọng như vậy, giới lãnh đạo đất nước vẫn đặt mục tiêu tăng trưởng ở mức thấp – 5% – cho năm 2023, thấp hơn nhiều so với mức trung bình trước COVID-19.
Trong một thời gian ngắn ngủi, chi tiêu của người tiêu dùng đã tăng lên. Mặc dù có các dấu hiệu suy yếu nằm ẩn sau các số liệu, một số người, đặc biệt là Bắc Kinh, cho rằng các chính sách mới sẽ có tác dụng đối với nền kinh tế. Giờ đây, khi những điểm yếu kinh tế từng bị che giấu đó đã trở nên rõ ràng hơn, Bắc Kinh đã phải tung ra một gói kích thích mới. Khi làm như vậy, nó ít nhất đã ngầm thừa nhận rằng chính sách ban đầu đã thất bại.
Trong nỗ lực mới nhất nhằm đưa nền kinh tế đi lên, các nhà chức trách đã chỉ đạo Ngân hàng Nhân dân Trung Quốc (PBOC) cắt giảm lãi suất cơ bản một lần nữa, có lẽ là để gia tăng hoạt động vay và cho vay trong người tiêu dùng và khuyến khích các doanh nghiệp tư nhân đầu tư. Bắc Kinh đã bắt đầu chuyển vốn cho lĩnh vực phát triển bất động sản đang khủng hoảng. Tuy nhiên, nó vẫn ghi nhận rất ít phản ứng trong hoạt động xây dựng hoặc mua bán từ lĩnh vực từng chiếm tới 30% nền kinh tế. Bắc Kinh cũng đã chuyển sang cầu cứu biện pháp kích thích đã được kiểm chứng: khởi động các dự án cơ sở hạ tầng lớn.
Những bước đi này hẳn là khó khăn đối với ĐCSTQ và nhà lãnh đạo của nó, ông Tập Cận Bình. Tất cả đều mâu thuẫn với nhiều tuyên bố được đưa ra trong vài năm qua. Đầu năm 2022, Tập chỉ trích các doanh nghiệp tư nhân không tuân theo mệnh lệnh của ĐCSTQ một cách cuồng nhiệt như ông mong muốn. Giờ đây, ông Tập gọi những chủ doanh nghiệp như vậy là “một trong số chúng tôi” và khuyến khích họ đầu tư. Ông Tập và ĐCSTQ trước đó đã chỉ trích bản chất đầu cơ của lĩnh vực bất động sản. Họ thực hiện các chính sách để ngăn chặn hoạt động đầu cơ đó, điều chắc chắn đã góp phần vào sự sụp đổ của nhiều công ty phát triển bất động sản; Evergrande chính là một ví dụ nổi bật. Giờ đây, gói kích thích mới nhất này bao gồm việc nới lỏng các quy định để cho phép người dân mua nhiều hơn một nơi cư trú, hay nói cách khác là cho phép người dân đầu cơ.
Không chỉ phải thừa nhận những thất bại này, các nhà hoạch định ở Bắc Kinh thậm chí đã phải thừa nhận những thất bại trong chi tiêu cơ sở hạ tầng trong quá khứ, mặc dù, như mọi khi, không có nhiều tuyên bố về nó. Trong quá khứ, chính quyền địa phương và tỉnh đã phải tài trợ cho hầu hết các dự án lớn của Bắc Kinh. Nhưng rất nhiều trong số này đã không tạo ra đủ lợi nhuận nên hiện nay nhiều chính quyền cấp tỉnh và địa phương gặp khó khăn trong việc trả các khoản nợ của họ. Trong một động thái ngầm thừa nhận về thất bại này trong quá khứ, Bắc Kinh đã quyết định dựa vào nguồn tài chính của chính phủ trung ương cho vòng chi tiêu cơ sở hạ tầng mới này. Do đó, nó đang phát hành khoảng 1 nghìn tỷ CNY (nhân dân tệ) (140 tỷ USD) dưới dạng trái phiếu kho bạc đặc biệt.
Nỗ lực mới nhất của Bắc Kinh không chắc sẽ mang lại kết quả, hay ít nhất là sự thúc đẩy sẽ là không đủ để tạo ra mức tăng trưởng mà chế độ này mong muốn. Người tiêu dùng Trung Quốc đã mất niềm tin vào tương lai và dường như muốn tiết kiệm hơn là chi tiêu. Rõ ràng là chi tiêu của người tiêu dùng tăng đột biến trong những tháng đầu năm hoàn toàn là sản phẩm của việc những người Trung Quốc giàu có hơn tận dụng sự tự do mới sau các đợt phong tỏa do COVID-19. Hầu hết người Trung Quốc có thu nhập thấp và trung bình vẫn thận trọng.
Sự mất niềm tin của người tiêu dùng là gay gắt nhất trong lĩnh vực bất động sản. Dù bây giờ Bắc Kinh muốn thấy chi tiêu đầu cơ nhiều đến mức nào, thì sự sụt giảm giá trị bất động sản trong thời gian qua – 11,8% trong 12 tháng qua – có thể khiến người Trung Quốc phải suy nghĩ nhiều, và có sức ảnh hưởng hơn sự thay đổi trong các quy định. Trong khi đó, các doanh nghiệp tư nhân vẫn cảnh giác và hầu như không tăng chi đầu tư – chỉ 0,8% trong năm qua.
Không khí tuyệt vọng
Nhà lãnh đạo Trung Quốc Tập Cận Bình tham dự hội nghị thượng đỉnh của các nhà lãnh đạo Tổ chức Hợp tác Thượng Hải (SCO) tại Samarkand, Uzbekistan, vào ngày 16/09/2022. (Ảnh: Sergei Bobylyov/Sputnik/AFP qua Getty Images)
Hành động của ban lãnh đạo của ông Tập ở Bắc Kinh tỏa ra một không khí tuyệt vọng. Các biện pháp khác thường này cho thấy khả năng nền kinh tế Trung Quốc có thể đạt được mục tiêu tăng trưởng thực 5% cho năm 2023 thậm chí là rất ít. Hẳn ta có thể suy đoán rằng chính ông Tập sẽ là người bất ngờ nhất trước thành công kinh tế của Trung Quốc.
Sự thâm hụt trong tăng trưởng của Trung Quốc chắc chắn là suy nghĩ của cộng đồng dự báo kinh tế. Ông Ting Lu, nhà kinh tế trưởng về Trung Quốc của Nomura, đã so sánh Trung Quốc ngày nay với Nhật Bản vào những năm 1990, khi niềm tin suy yếu sau vụ sụp đổ bất động sản khiến đất nước này trải qua nhiều thập kỷ tăng trưởng yếu và suy thoái. Ông dự báo mức tăng trưởng thực của Trung Quốc trong năm tới sẽ dưới 4%. Bà Keyu Jin, phó giáo sư tại Trường Kinh tế Luân Đôn, tóm tắt các vấn đề bằng cách kết luận rằng sau thất bại nổi bật vào năm ngoái với việc tăng chi tiêu cho cơ sở hạ tầng, ngày nay Bắc Kinh có rất ít lựa chọn ngoài việc ném tiền vào các dự án lớn.
Thành công sẽ đòi hỏi nhiều nỗ lực hơn – và nhiều trí tưởng tượng hơn – so với những gì Bắc Kinh đã thể hiện cho đến nay.
Theo The Epoch Times
Tác giả Milton Ezrati là biên tập viên của The National Interest – một chi nhánh của Trung tâm Nghiên cứu Nguồn Nhân lực tại Đại học Buffalo (SUNY), và là nhà kinh tế trưởng của Vested – công ty truyền thông có trụ sở tại New York. Trước khi gia nhập Vested, ông từng là nhà chiến lược thị trường và nhà kinh tế trưởng cho Lord, Abbett & Co. Ông thường xuyên viết bài cho City Journal và viết blog cho Forbes. Cuốn sách mới nhất của ông có tựa đề “Thirty Tomorrows: The Next Three Decades of Globalization, Demographics, and How We Will Live” (30 mươi năm sau: Ba thập kỷ tiếp theo của toàn cầu hóa, nhân khẩu học, và cách chúng ta sẽ sinh sống).