Việt Nam có 14 triệu người bị rối loạn tâm thần

Khu khám bệnh tại Bệnh viện Tâm thần TP.HCM, cơ sở Võ Văn Kiệt. (Ảnh: vov.vn)

Tại Việt Nam, tỷ lệ người bị rối loạn tâm thần chiếm 14,1% dân số (tương đương 14 triệu người). Trong khi đó, theo thống kê năm 2020, chỉ có khoảng 1.000 bác sĩ chuyên khoa tâm thần.

Ngày 28/6, Sở Y tế TP.HCM phối hợp với Bệnh viện Tâm thần trung ương 1 (Hà Nội) tổ chức hội thảo “Tăng cường công tác chăm sóc sức khỏe tâm thần tại TP.HCM”.

Ông Lại Đức Trường, Đại diện văn phòng Tổ chức Y tế thế giới (WHO), cho biết theo thống kê trên thế giới, cứ 8 người thì có 1 người bị rối loạn tâm thần. Trong khi đó, trong 300 người mới có 1 người mắc tâm thần phân liệt.

Rối loạn tâm thần bao gồm rối loạn trong suy nghĩ, tình cảm và hành vi. Trong đó, trầm cảm và lo âu là 2 loại rối loạn phổ biến nhất. Năm 2020, do COVID-19, tỷ lệ trầm cảm và lo âu tăng lần lượt 28% và 26% so với trước.

Thống kê tại Việt Nam, tỷ lệ người bị rối loạn tâm thần chiếm 14,1% dân số (tương đương 14 triệu người). Trong khi đó, theo thống kê năm 2020, chỉ có khoảng 1.000 bác sĩ chuyên khoa tâm thần, chủ yếu tập trung ở trung ương và các thành phố lớn, không tập trung ở các tuyến y tế cơ sở. Khoảng trống điều trị bệnh lý tâm thần hiện nay vẫn còn rất lớn (ước tính 90%), tạo ra gánh nặng lớn.

Theo ông Trường, công tác chăm sóc sức khỏe tâm thần tại Việt Nam còn nhiều hạn chế khi chưa lồng ghép vào hệ thống chung. Hiện chỉ có bác sĩ chuyên khoa tâm thần mới được chẩn đoán xác định, khi tuyến huyện hầu như không có dịch vụ cung cấp sức khỏe tâm thần.

Bên cạnh đó, người bệnh tâm thần chỉ điều trị bằng thuốc, còn tâm lý trị liệu rất hạn chế. Việc chăm sóc sức khỏe tâm thần tại cộng đồng cũng chưa có nguồn tài chính bền vững…

Ông Trường đánh giá các vấn đề về sức khỏe tâm thần của người dân còn nhiều thách thức và còn gia tăng khi áp lực công việc, gia tăng khoảng cách giàu nghèo và bất bình đẳng, tiêu thụ rượu bia… Không những thế, nhận thức người dân về sức khỏe tâm thần chưa đúng, cho rằng tâm thần là điên nên còn kỳ thị, giấu bệnh.

Về nhân lực, Việt Nam có 0,99 bác sĩ tâm thần/100.000 dân; 2,89 điều dưỡng tâm thần/100.000 dân, 0,11 tư vấn tâm lý/100.000 dân. Trong khi đó, các tỷ lệ tương ứng trung bình của thế giới lần lượt là 1,7 – 3,8 – 1,4 trên 100.000 dân.

“Chuyên ngành tâm thần tại Việt Nam vẫn chịu nhiều thiệt thòi, hạn chế. Bệnh viện chuyên về tâm thần nhiều nơi còn yếu hơn rất nhiều so với trung tâm y tế quận, huyện. Nếu ở Úc, lương bác sĩ tâm thần cao gấp đôi chuyên ngành khác thì ở Việt Nam, không ai muốn theo đuổi chuyên khoa này vì thu nhập thấp”, TS Trường nhấn mạnh.

Bác sĩ Trần Duy Tâm, Trưởng phòng kế hoạch tổng hợp Bệnh viện Tâm thần TP.HCM, cho biết sa sút tâm thần ở nhóm người từ trên 65 tuổi tại TP chiếm tỷ lệ cao nhất trong các bệnh lý tâm thần với 7,8 – 9,7%, trong khi tỉ lệ này trên cả nước là 0,78%. Bệnh lý tâm thần đứng thứ hai là trầm cảm với 9,5% người dân TP.HCM mắc, tỷ lệ này trên cả nước là 2,47%.

Về mạng lưới chăm sóc sức khỏe tâm thần tại cộng đồng, tại TP.HCM gồm Bệnh viện Tâm thần, 21 phòng khám tâm thần và 321 trạm y tế, đang quản lý khoảng 10.000 bệnh nhân tâm thần phân liệt, khoảng 7.000 bệnh nhân động kinh.

Ngoài ra còn có hơn 3.000 bệnh nhân tâm thần cơ nhỡ, lang thang, không người thân, không giấy tờ đang điều trị tại các trại điều dưỡng thuộc Sở LĐ-TB&XH.

Ông Tâm cho biết thêm tại Bệnh viện Tâm thần có 64 bác sĩ tâm thần, 150 điều dưỡng và 15 chuyên viên tâm lý.

Minh Long

Related posts