Là đồng minh chủ chốt của Nga, Belarus chiếm vị trí trung tâm sau cuộc nổi loạn của Wagner

Adam Morrow

Belarus — quốc gia đóng vai trò quan trọng trong việc chấm dứt cuộc binh biến nhằm vào Điện Kremlin của thủ lĩnh Wagner Group của Nga được hủy bỏ hồi tuần trước — đã trở lại địa vị nổi bật.

Là một đồng minh chủ chốt của Nga, đầu năm nay quốc gia này đã gây chú ý khi Moscow công bố các kế hoạch khai triển vũ khí hạt nhân chiến thuật trên đất Belarus.

Hôm 27/06, Tổng thống Belarus Alexander Lukashenko xác nhận rằng một số lượng lớn vũ khí hạt nhân của Nga đã được chuyển giao cho nước này.

Ông được hãng thông tấn BelTA dẫn lời, nói rằng, “Thật ngạc nhiên khi họ không phát hiện ra chúng,” có lẽ là đang ám chỉ các cơ quan tình báo phương Tây.

Giờ đây, Minsk đang tiếp đón thủ lĩnh Wagner bị thất sủng Yevgeny Prigozhin, người lãnh đạo cuộc nổi dậy chóng vánh hôm 24/06 vốn đã diễn ra trong thời gian ngắn để đe dọa chính Moscow.

Tuy nhiên, cuộc khủng hoảng đó đã được ngăn chặn — trong vòng chưa đầy 24 giờ — sau khi ông Lukashenko, phối hợp với Tổng thống Nga Vladimir Putin, làm trung gian cho một thỏa thuận giảm leo thang với ông Prigozhin.

Đổi lại việc chấm dứt cuộc nổi loạn của mình, thủ lĩnh của Wagner được phép chuyển đến Belarus, nơi — theo các điều khoản của thỏa thuận này — ông sẽ không bị truy tố.

Trước đó, Cơ quan An ninh Liên bang Nga (FSB) đã cáo buộc ông Prigozhin “kích động binh biến vũ trang” — một tội có thể phải lãnh án 20 năm tù.

Hôm 27/06, ông Prigozhin đã đến Belarus. Cùng ngày, FSB đã bãi bỏ các cáo buộc đối với ông.

Theo các phương tiện truyền thông Nga đưa tin, ông Prigozhin sẽ bị nhà chức trách Belarus theo dõi để bảo đảm ông không “tham gia vào bất kỳ hoạt động chính trị nào.”

‘Cần bình tĩnh’

Ông Lukashenko đã bảo vệ các điều khoản của thỏa thuận này, điều mà một số nhà phê bình thân Nga xem là quá khoan dung, do mức độ phạm tội của ông Prigozhin.

“Không cần phải bỏ tù bất kỳ ai,” ông Lukashenko nói với BelTA sau khi ông Prigozhin đến Belarus.

Ông nói, “Đây là thông điệp của tôi gửi tới những người yêu nước Nga và những người yêu nước cuồng nhiệt.”

“Chúng ta cần bình tĩnh lại và chuyển sang một giai đoạn mới,” ông nói thêm. “Chúng ta sẽ quay trở lại câu chuyện này nếu cần thiết. Nhưng bây giờ chúng ta cần phải bình tĩnh lại.”

Lên nắm quyền từ năm 1994, ông Lukashenko từ lâu đã được coi là một trong những đồng minh thân cận nhất của ông Putin.

“Tổng thống Putin có mối quan hệ tốt đẹp lâu dài [với ông Lukashenko] — không chỉ với tư cách là đồng minh, mà còn là bằng hữu,” phát ngôn viên Điện Kremlin Dmitry Peskov cho biết hôm 27/06.

Theo ông Peskov, hai nhà lãnh đạo này “trao đổi các ý kiến và phối hợp hành động hàng ngày.”

Nhà nước Liên minh

Hồi tháng Tư, ông Lukashenko đến thăm ông Putin ở Moscow để thảo luận về hiệp ước “Nhà nước Liên minh” ràng buộc hai quốc gia của họ kể từ năm 1999.

Hiệp ước này nhằm để củng cố mối quan hệ kinh tế, an ninh, và quốc phòng giữa Nga và Belarus, cả hai quốc gia này đều là các nước cộng hòa thuộc Liên Xô cũ.

Trong khuôn khổ Nhà nước Liên minh, hai nước chia sẻ một cấu trúc an ninh bao gồm một Nhóm Lực lượng Khu vực chung (RGF) và một hệ thống phòng không được vận hành chung.

Hôm 28/06, bà Natalya Kochanova, một nhà lập pháp cao cấp của Belarus, đã ca ngợi Nhà nước Liên minh này là “trung tâm quyền lực mà mọi người phải tính đến — bất kể tham vọng chiến lược của riêng họ.”

Ngoài hiệp ước Nhà nước Liên minh, Belarus còn là thành viên của một số khối khu vực do Moscow đứng đầu, trong đó có Cộng đồng các Quốc gia Độc lập và Tổ chức Hiệp ước An ninh Tập thể.

Nước này cũng đang trên đường trở thành thành viên chính thức của Tổ chức Hợp tác Thượng Hải, một khối có tầm ảnh hưởng lớn gồm các quốc gia Á-Âu do Moscow và Bắc Kinh thành lập năm 2001.

Hợp tác quân sự

Kể từ khi Nga tiến hành cuộc xâm lược Ukraine hồi đầu năm ngoái, thì hợp tác quân sự giữa Moscow và Minsk đã tăng lên theo cấp số nhân.

Tháng 10/2022, hai nước đã thành lập RGF chung, bao gồm các quân nhân Nga và Belarus. Ngay sau đó, Moscow phái hàng ngàn binh sĩ — và khí tài quân sự đáng kể — đến Belarus.

Tháng 12/2022, Minsk thông báo rằng các hệ thống hỏa tiễn Iskander và S-400 do Nga khai triển đã được lắp đặt và đang hoạt động trên lãnh thổ Belarus, làm tăng thêm lo ngại về leo thang căng thẳng.

Trong cùng tháng đó, ông Putin cùng với các bộ trưởng quốc phòng và ngoại giao, đã có chuyến công du hiếm hoi tới Minsk để thảo luận kín với các quan chức Belarus.

Ngay trước chuyến đi này, ông Peskov, phát ngôn viên Điện Kremlin, mô tả Belarus là “đồng minh số 1” của Moscow.

Belarus vẫn chưa đóng vai trò tích cực trong cuộc xung đột Nga-Ukraine đang diễn ra. Bản thân ông Lukashenko đã nhiều lần nói rằng ông không có ý định gửi lực lượng Belarus tới Ukraine để chiến đấu bên cạnh quân đội Nga.

Nhưng hợp tác quân sự đang gia tăng này đã làm dấy lên lo ngại rằng Belarus có thể được sử dụng làm bàn đạp cho một cuộc tấn công tiềm năng của Nga vào Kyiv — như đã thấy trong những tuần đầu của cuộc xung đột.

Belarus nằm ở ngay phía bắc Ukraine. Hai nước này có chung đường biên giới dài khoảng 675 dặm (1080 km), cách Kyiv chưa đến 100 dặm (160 km).

Quân đội trong tình trạng báo động

Hôm 27/06, ông Lukashenko cho biết quân đội Belarus đã được đặt trong tình trạng báo động cao trong lúc cuộc binh biến của ông Prigozhin diễn ra.

“Chỉ mất nửa ngày để quân đội Belarus — tất cả các lực lượng vũ trang, bao gồm cả cảnh sát và các đơn vị đặc biệt — được đưa vào tình huống sẵn sàng chiến đấu ở mức độ cao nhất,” ông được BelTA trích dẫn.

Ông cũng tuyên bố quân đội đã ngăn chặn các nhóm vũ trang đối lập — ông đề cập đến “cái gọi là Trung đoàn Kalinovsky”— kích động một “cuộc cách mạng” ở Belarus được dự định trùng với cuộc nổi dậy của ông Prigozhin.

Được thành lập năm 2022, Trung đoàn Kalinovsky được cho là bao gồm những người Belarus bất mãn đã tình nguyện chiến đấu chống lại lực lượng Nga ở Ukraine.

The Epoch Times không thể xác minh những khẳng định của ông Lukashenko.

Năm 2020, Minsk đã bị rung chuyển bởi các cuộc biểu tình lớn gần như thành công trong việc lật đổ chính phủ của ông Lukashenko.

Minsk và Moscow xem những cuộc biểu tình đó là một nỗ lực do phương Tây hậu thuẫn nhằm thay đổi chế độ, tìm thấy sự tương đồng với “Cách mạng Maidan” năm 2014 của Kyiv, vốn dẫn đến việc lật đổ tổng thống thân Nga của Ukraine.

Cẩm An biên dịch

Related posts