Khi Trung Quốc mở cửa biên giới trở lại, nạn buôn bán phụ nữ và trẻ gái lại tiếp tục

Wall Street Journal

Cù Tuấn, biên dịch

30-6-2023

Tóm tắt: Các hạn chế của đại dịch Covid hầu như đã ngăn chặn nạn buôn lậu phụ nữ Việt Nam để kết hôn với đàn ông Trung Quốc.

Đại dịch Covid-19 và bức tường thành mà Trung Quốc dựng lên dọc biên giới phía nam đã buộc hoạt động buôn bán trẻ em gái và phụ nữ Việt Nam sang Trung Quốc phải tạm dừng, nhiều người trong số họ bị ép kết hôn với đàn ông Trung Quốc. Hiện tại các dấu hiệu cho thấy việc buôn bán người như vậy lại tiếp tục.

Tháng trước, một chiếc xe thể thao đa dụng 7 chỗ chở 14 người đã lật nhào xuống một vách đá ở Jingxi, một thị trấn nhỏ của Trung Quốc ở sát biên giới với Việt Nam, khiến 11 người thiệt mạng. Truyền thông Việt Nam cho biết các nạn nhân đều là người Việt Nam, và các nhóm nhân quyền cho biết họ là những phụ nữ có khả năng bị bán sang Trung Quốc. Chính quyền địa phương ở Jingxi cho biết họ đang điều tra vụ việc như một chuyến buôn lậu người.

Vào tháng 2 năm 2023, công an tỉnh Bạc Liêu, một vùng duyên hải ở miền nam Việt Nam, cho biết nhà chức trách đã triệt phá một đường dây buôn bán các bé gái Việt Nam dưới 16 tuổi bị “lừa bán” sang Trung Quốc, theo Bộ Công an Việt Nam. Bộ này cho biết các cô gái đã bị bán cho mục đích kết hôn mặc dù họ là trẻ vị thành niên.

Các vụ việc trên là một trong những dấu hiệu cho thấy nạn buôn bán phụ nữ và trẻ em gái vào Trung Quốc đang gia tăng trở lại, theo các tổ chức theo dõi nhân quyền và phi lợi nhuận. Tỷ lệ chênh lệch giới tính ở các vùng nông thôn Trung Quốc đã khiến hàng triệu đàn ông không thể tìm được vợ.

Ông Phil Robertson, phó giám đốc châu Á của Tổ chức Theo dõi Nhân quyền cho biết: “Những gì chúng ta đang thấy là tình trạng [buôn bán người] đang tái diễn chậm chạp, một phần là do nhu cầu vẫn chưa biến mất”. “Vẫn còn tình trạng mất cân bằng giới tính ở Trung Quốc và vẫn có thể kiếm được rất nhiều tiền từ việc buôn bán những phụ nữ và trẻ em gái này”.

Một số kẻ buôn người lôi kéo phụ nữ Việt Nam bằng những công việc lương tốt, trong khi những kẻ khác lừa các cô gái tham gia một chuyến đi chơi Trung Quốc với kẻ buôn người đóng giả bạn trai tiềm năng, Robertson, người có văn phòng tại Thái Lan cho biết.

Ở Trung Quốc vào năm ngoái, dư luận chú ý đến nạn bán phụ nữ làm cô dâu sau khi một đoạn video ngắn quay cảnh một phụ nữ bị xích trong nhà kho được lan truyền trên mạng. Trước làn sóng phẫn nộ xung quanh người phụ nữ này, từng bị bán làm vợ cho hai người đàn ông Trung Quốc khác nhau đã hơn hai thập kỷ trước, các quan chức Trung Quốc đã công bố một chiến dịch tầm quốc gia nhằm truy tìm và giải cứu những phụ nữ bị ép bán làm vợ.

Tỷ lệ chênh lệch giới tính ở Trung Quốc là kết quả của văn hóa ưa chuộng con trai đã ăn rất sâu vào tiềm thức, đồng nghĩa với việc bào thai là gái thường xuyên bị phá thai hơn trong chính sách một con kéo dài hàng thập kỷ. Trong số những người Trung Quốc ở độ tuổi từ 20 đến 40, số đàn ông đông hơn phụ nữ tới 17,5 triệu người, theo dữ liệu điều tra dân số năm 2020. Những người đàn ông này, nhiều người sống ở vùng nông thôn, phải vật lộn để tìm vợ để nối dõi tông đường, và được gọi là “cành trơ trụi”.

Giới chức Trung Quốc tuyên bố sẽ trừng phạt nghiêm khắc những kẻ buôn người. Zhang Jun, Viện trưởng Viện Kiểm sát Nhân dân Tối cao, nói với các nhà lập pháp vào tháng 3: “Chúng tôi đã hợp tác với công chúng để thực hiện các hành động đặc biệt nhằm đào sâu vào các vụ án mang tính lịch sử được tích lũy trong nhiều năm”.

Nhưng chiến dịch do các quan chức Trung Quốc công bố vào năm ngoái nhằm trấn áp nạn buôn bán phụ nữ dường như đã mất đà sau khi chồng của người phụ nữ bị xiềng xích trong nhà kho trên đã bị kết án tù. Có rất ít những tuyên truyền chính thức trong những tháng gần đây về nỗ lực kiểm soát các hoạt động buôn người.

Hội đồng Nhà nước Trung Quốc và cơ quan phụ trách nhập cư của Trung Quốc đã không trả lời các yêu cầu bình luận.

Trong những thập kỷ trước, các cô dâu bị lừa bán thường đến từ các vùng nghèo của Trung Quốc. Trong những năm gần đây, ngày càng có nhiều cô dâu đến từ bên ngoài Trung Quốc, bao gồm Việt Nam, Myanmar và Triều Tiên, theo tài liệu của cảnh sát Trung Quốc, tài liệu của tòa án và các tổ chức nhân quyền. Khi đại dịch Covid-19 xảy ra, sự giám sát chặt chẽ hơn tại các cửa khẩu biên giới Trung Quốc đã làm ngừng hầu hết các hoạt động buôn người vào Trung Quốc.

Ở các khu vực phía bắc nơi Trung Quốc giáp với Triều Tiên, các nhóm viện trợ cho biết nhiều người chạy trốn khỏi chế độ Bình Nhưỡng là phụ nữ đã bị bán vào các động mại dâm hoặc bị ép kết hôn với đàn ông Trung Quốc. Nhiều người trong số những phụ nữ này, cùng với những người trốn thoát khác của Triều Tiên, cuối cùng bị chính quyền vây bắt và đưa đến các trung tâm giam giữ vì họ bị Trung Quốc coi là đã nhập cư vào nước này bất hợp pháp. Gần 2.000 người Triều Tiên bị giam giữ tại các trung tâm giam giữ gần biên giới Trung Quốc-Triều Tiên, theo các nhà quan sát nhân quyền ước tính. Bắc Kinh dự kiến ​​sẽ bắt đầu hồi hương những người Triều Tiên này sau khi Bình Nhưỡng dỡ bỏ các biện pháp kiểm soát biên giới liên quan đến Covid.

Các nhóm nhân quyền cho biết, ngay cả phụ nữ Triều Tiên kết hôn với đàn ông Trung Quốc cũng có thể bị ép phải hồi hương, và họ có khả năng bị hành quyết hoặc bị chuyển đến các trại tù.

“Những gì Trung Quốc có thể làm bây giờ là đưa ra các biện pháp bảo vệ cho nhiều phụ nữ [Triều Tiên]… là vợ của chính công dân của họ và bây giờ là mẹ của những đứa trẻ của họ”, Hanna Song, giám đốc tại Trung tâm Cơ sở dữ liệu về Quyền con người ở Bắc Triều Tiên có trụ sở tại Seoul, cho biết.

Bộ Ngoại giao Trung Quốc cho biết bất cứ ai vi phạm các quy tắc biên giới của Trung Quốc sẽ phải chịu trách nhiệm.

Related posts