Hôm 29/6, Hải quân Quân đội Giải phóng Nhân dân Trung Quốc (PLAN) được cho là đã điều một tàu tấn công đổ bộ vào eo biển giữa các đảo của Nhật Bản, đánh dấu lần đầu tiên tàu chiến cỡ lớn thuộc loại này hoạt động ở khu vực Tây Thái Bình Dương.
Cùng ngày, Bộ Quốc phòng Nhật Bản cho biết hai tàu của PLAN – tàu tấn công đổ bộ Type 075 Guangxi và tàu khu trục Type 052 Baotou – đã bị phát hiện đi qua eo biển Osumi và tiến vào vùng biển phía Tây Thái Bình Dương.
Cuối ngày hôm đó, quân đội Nhật Bản phát hiện thêm hai tàu PLAN, tàu khu trục Anyang Type 054A và tàu hộ tống Chaohu Type 902, đi qua Quần đảo Amami của Nhật Bản ở phía tây Thái Bình Dương.
Taiwan News đưa tin, Nhật Bản đã huy động máy bay trinh sát và máy bay chiến đấu, cùng các tàu chiến tham gia giám sát hoạt động của các tàu Trung Quốc.
Quân đội Nhật Bản trước đó tuyên bố rằng hai tàu khu trục lớp Steregushchy của Nga đã được nhìn thấy đi vòng quanh bờ biển Đài Loan và quần đảo Okinawa của Nhật Bản trong khoảng thời gian từ ngày 27/6 đến ngày 30/6.
Hôm 27/6, Bộ Quốc phòng Đài Loan cho biết họ đã nhìn thấy hai tàu khu trục nhỏ của Nga ở bờ biển phía đông của hòn đảo, mặc dù cơ quan này không tiết lộ danh tính của các tàu hoặc khoảng cách từ bờ biển Đài Loan.
Những tiết lộ này được đưa ra trong bối cảnh Trung Quốc ngày càng gây hấn ở Biển Đông. Trung Quốc tuyên bố chủ quyền gần như toàn bộ Biển Đông và ngày càng có nhiều lo ngại về sự leo thang của ĐCSTQ ở Đài Loan. Bắc Kinh coi hòn đảo này là của mình và cam kết chiếm Đài Loan bằng mọi giá.
Nga, nước ủng hộ lập trường của ĐCSTQ về vấn đề Đài Loan, đã tăng cường khả năng phòng thủ của mình ở các khu vực rộng lớn ở Viễn Đông giáp với Châu Á – Thái Bình Dương, đồng thời cáo buộc Hoa Kỳ mở rộng sự hiện diện của mình ở đó.
Tổ chức nghiên cứu của Nhật Bản mời Đài Loan tham gia tập trận chung
Hãng thông tấn Đài Loan CNA đưa tin, Diễn đàn Nghiên cứu Chiến lược Nhật Bản đã mời các chuyên gia quân sự Đài Loan tham gia các cuộc tập trận chiến tranh mô phỏng một cuộc phong tỏa Đài Loan của Trung Quốc và một cuộc tấn công quy mô lớn ở eo biển Đài Loan.
Cuộc tập trận mô phỏng quân sự dự kiến diễn ra tại Tokyo từ ngày 15/7 đến ngày 23/7. Theo đài CNA, việc các học giả Đài Loan tham gia vào cuộc mô phỏng được cho là do vị trí chiến lược của hòn đảo này nằm dọc theo các tuyến đường tiếp tế trọng yếu của Nhật Bản.
Nhật Bản trước đây đã nêu quan ngại về mối đe dọa quân sự của Trung Quốc đối với Đài Loan. Năm ngoái, Bộ Quốc phòng Nhật Bản đã dành 10 trang trong báo cáo quốc phòng hàng năm (pdf) về vấn đề Đài Loan, dài gấp đôi so với ấn bản năm trước, cung cấp phân tích chuyên sâu về tình hình an ninh ở đó.
Theo Báo cáo Quốc phòng Nhật Bản năm 2022, cuộc đối đầu giữa Mỹ và Trung Quốc về vấn đề Đài Loan đang trở nên “nổi bật”, với việc Washington tăng số lượng tàu chiến đi qua eo biển Đài Loan trong khi Trung Quốc tăng cường hiện diện quân sự gần Đài Loan.
Nhật Bản coi sự ổn định xung quanh Đài Loan là yếu tố then chốt đối với an ninh quốc gia của mình và nhấn mạnh nhu cầu giám sát chặt chẽ “với tinh thần cấp bách”.
Hoa Kỳ phải giữ vai trò ‘cầm cân nảy mực’ trong cuộc đối đầu với Trung Quốc
Cả Mỹ và Nhật Bản đều cam kết sẽ bảo vệ Đài Loan trong trường hợp hòn đảo bị Trung Quốc tấn công. Tuy nhiên, họ vẫn chưa nêu rõ cách họ sẽ giải quyết những thách thức nội bộ trước mắt mà quân đội Đài Loan và Nhật Bản đang phải đối mặt. Những thách thức đó bao gồm các chính sách, năng lực và sự sẵn sàng chiến tranh.
Bất chấp mối đe dọa mà họ phải đối mặt, Nhật Bản và Đài Loan vẫn chưa có đủ nỗ lực để cùng nhau củng cố khả năng răn đe và nâng cao khả năng đóng góp vào phòng thủ chung.
Các nhà địa chiến lược tin thấy rằng vấn đề sắp tới sẽ không thể được giải quyết trừ khi Mỹ dẫn đầu.
“Mỹ phải chiến đấu với Trung Quốc ở tuyến đầu. Nếu Mỹ ở hậu phương rồi yêu cầu Nhật Bản và Đài Loan chiến đấu thì họ sẽ không làm như vậy”, ông Satoru Nagao, một nhà nghiên cứu không thường trú tại Viện Hudson có trụ sở tại Washington, nói với The Epoch Times. Theo ông Nagao, “nhà lãnh đạo phải chiến đấu ở tiền tuyến” thì mới giành được thắng lợi.
Ông Nagao lập luận rằng, căn cứ vào kế hoạch hiện tại, chi tiêu quốc phòng của Nhật Bản sẽ tăng lên 56% trong vòng 5 năm tới.
“Tuy nhiên, Trung Quốc đã tăng [ngân sách] nhiều hơn”, ông nói và kết luận rằng nếu không có sự hợp tác với các nước khác, một mình Nhật Bản sẽ “không có đủ ngân sách” để chống lại mối đe dọa từ Trung Quốc.
Theo The Epoch Times
Huyền Anh tổng hợp