Mary Hong
Đối mặt với tỷ lệ sinh thấp và dân số già hóa, Trung Quốc đang nỗ lực thúc đẩy tỷ lệ sinh, nhắm đến từ bé gái 15 tuổi đến phụ nữ 49 tuổi. Các chính sách độc đoán của chính quyền đã bị cư dân mạng mỉa mai.
Chính quyền Trung Quốc đang chuẩn bị thúc đẩy “sinh con khoa học” nhằm giải quyết vấn đề với tỷ lệ sinh thấp ở nước này.
Các quan chức ở các cấp địa phương khác nhau sẽ triển khai các biện pháp nhằm tăng mức sinh của các công dân nữ đủ điều kiện và thúc đẩy sinh đẻ. Các bé gái 15 tuổi sẽ được bổ sung axit folic và phụ nữ 49 tuổi sẽ nhận được sự trợ giúp từ các đội y tế hỗ trợ sinh sản địa phương, theo các phương tiện truyền thông Trung Quốc.
Phản ứng của cộng đồng mạng
Một thông báo được đưa ra vào ngày 25/06 tại một cộng đồng ở Tứ Xuyên, miền tây Trung Quốc để tiến hành một cuộc khảo sát về “mức độ sẵn sàng sinh con” của phụ nữ trong độ tuổi sinh đẻ – được cho là từ 15 đến 49 tuổi – và việc đăng ký của những người quan tâm đối với các trung tâm y tế nhằm nhận được axit folic miễn phí.
Một cư dân mạng từ Bắc Kinh đã bình luận về kế hoạch này: “Những người bây giờ 49 tuổi đều sinh năm 1974. Các biện pháp hà khắc lúc đó đã hạn chế mong muốn sinh con của họ, giờ họ buộc phải sinh con. Có thực sự khó đến vậy để đối xử với mọi người như con người không?”
Một cư dân mạng ở Giang Tô cho biết, phụ nữ từng bị dọa mất việc khi muốn có con. Bây giờ các hạn chế cuối cùng đã được dỡ bỏ, bà ấy viết, “nhưng chúng tôi đã hơn 40 tuổi rồi”.
Một cư dân mạng khác đã viết rằng “Không có đủ hẹ, [chế độ] lo lắng”.
“Hẹ” từ lâu đã là một uyển ngữ phổ biến tại Trung Quốc để mô tả cách chính quyền Bắc Kinh nhìn người dân Trung Quốc. Theo phép ẩn dụ, chế độ có thể tự do cắt bỏ chúng bất cứ khi nào họ muốn, với giả định rằng chúng đơn giản sẽ mọc lại.
“Có phải [chính quyền] sẽ buộc một đứa trẻ 12 tuổi sớm phải mang thai không?” một cư dân mạng đã hỏi trên phương tiện truyền thông xã hội.
Một cư dân mạng khác cho biết: “Hồi đó cả làng có câu ‘Không có trẻ sơ sinh nào trong 100 ngày’. Bây giờ họ lại muốn tăng tỷ lệ sinh!” Một cụ bà Trung Quốc trên 90 tuổi sống một mình ở Thiệu Hưng, tỉnh Chiết Giang, miền Đông Trung Quốc. (Ảnh: The Epoch Times)
Hậu quả tai hại
Trung Quốc đang phải gánh chịu những hậu quả tai hại của chính sách một con của Đảng Cộng sản Trung Quốc (ĐCSTQ), thứ được thực thi từ năm 1979 đến năm 2016 và liên quan đến các chương trình cưỡng bức phá thai, triệt sản và giết trẻ sơ sinh của nhà nước – biện pháp cuối đặc biệt được áp dụng đối với các bé gái.
Một báo cáo năm 2023 về nghiên cứu dân số Trung Quốc chỉ ra rằng tỷ lệ sinh của Trung Quốc đã giảm liên tục và nhanh chóng.
Để chống lại sự suy giảm dân số, Trung Quốc đã khởi xướng chính sách ba con vào năm 2021. Tuy nhiên, báo cáo thừa nhận rằng mức độ sẵn sàng sinh con của người dân Trung Quốc là cực kỳ thấp, với số trẻ sơ sinh tiếp tục giảm vào năm 2022.
Số trẻ sơ sinh Trung Quốc năm ngoái chỉ đạt 9,56 triệu – mức thấp nhất kể từ năm 1949 khi ĐCSTQ lên nắm quyền.
Báo cáo dự đoán rằng tổng dân số của Trung Quốc sẽ giảm xuống còn 479 triệu người vào năm 2100, chỉ chiếm 4,8% tổng dân số thế giới – trái ngược với mức hiện tại chiếm 17% tổng dân số thế giới.
“Đến lúc đó, Trung Quốc sẽ không còn là một quốc gia đông dân nữa”, báo cáo cho biết.
Báo cáo tiếp tục cho biết người Trung Quốc trên 65 tuổi chiếm 14,2% dân số vào năm 2021, khiến quốc gia này trở thành một xã hội già hóa sâu sắc; con số này đã tăng lên 14,9% vào năm 2022.
Báo cáo ước tính rằng, Trung Quốc sẽ chính thức trở thành một “xã hội siêu già hóa” vào khoảng năm 2032.
Vào năm 2022, chính quyền Trung Quốc cuối cùng đã thừa nhận năm đầu tiên dân số tăng trưởng âm. Đây là một hệ quả bất lợi đã được lường trước từ lâu sau chính sách một con tàn nhẫn.
Theo dữ liệu chính thức từ Cục Thống kê Quốc gia, tỷ lệ tăng dân số tự nhiên vào năm 2022 là -0,60 phần nghìn người, báo cáo cho biết.
Báo cáo cũng đề xuất một chính sách hỗ trợ để khuyến khích sinh sản, chẳng hạn như trợ giúp bằng tiền mặt, ưu đãi thuế, nhà ở và trợ cấp chăm sóc trẻ em.
Báo cáo cho biết, việc hỗ trợ sẽ giúp kích thích tiêu dùng và giải quyết các vấn đề kinh tế của Trung Quốc như nhu cầu trong nước không đủ, tiêu dùng yếu và dư thừa năng lực sản xuất.
Tuy nhiên, ông Yi Fuxian (Dịch Phú Hiền), một nhà khoa học cấp cao về sản phụ khoa tại Đại học Wisconsin – Madison, cho biết trong một bài báo của BBC rằng, trong khi Bắc Kinh chuẩn bị sao chép các chính sách của Tokyo để giảm chi phí nuôi dạy con cái, thì “Trung Quốc, quốc gia đang ‘già trước khi giàu’, thậm chí không có nguồn tài chính để hoàn toàn đi theo con đường của Nhật Bản”.
Theo The Epoch Times
Bảo Nguyên biên dịch