Phương Tây có thể sẽ có một năm 2023 lịch sử

Người dân vui chơi tại Quảng trường Thời đại trong lễ đón Giao thừa vào ngày 31/12/2022 tại Thành phố New York, Mỹ. (Ảnh: David Dee Delgado/Getty Images)

Có nhiều bất ngờ đã xảy ra trong nửa đầu năm 2023. Nhưng đừng để bị ru ngủ bởi những dữ liệu thị trường và con số GDP không quá tệ. Chúng ta đang xem một vở opera dài, và mọi sự sẽ còn thay đổi.

Chúng ta đã có các vụ sụp đổ ngân hàng, thị trường chứng khoán tăng điểm dưới sự dẫn dắt của trí tuệ nhân tạo, lạm phát dai dẳng, suy thoái khu vực đồng euro, nước Pháp chìm trong bạo loạn và điều có lẽ là vụ bê bối tham nhũng lớn nhất từ trước đến nay của tổng thống Mỹ. Nhìn lại nửa đầu năm 2023, thật khó để tin rằng những sự kiện phi thường và những bất ngờ trong những tháng gần đây có thể xảy ra.

Một số khả năng mà tôi dự đoán vào tháng 01/2023 đã xảy ra, bao gồm lạm phát dai dẳng và những thay đổi lớn trong bối cảnh địa chính trị, nhưng những dự đoán khác, chẳng hạn như suy thoái vào quý hai hoặc quý ba, đã bị trì hoãn, ít nhất là ở Mỹ. Tôi cũng rất muốn gặp bất kỳ nhân vật hiếm hoi nào có thể dự đoán chính xác những điều bất ngờ trong nửa đầu năm 2023.

Ví dụ, ai có thể đoán trước được rằng Mỹ sẽ chứng kiến ba trong số bốn vụ sụp đổ ngân hàng lớn nhất mọi thời đại, và cổ phiếu của các ngân hàng còn tồn tại giảm 25% giá trị tính từ đầu năm? Ai biết được rằng lĩnh vực ngân hàng là mong manh như vậy, chỉ có thể đứng vững nhờ khả năng tiếp cận chưa từng có đối với các cơ sở cho vay khẩn cấp của chính phủ?

Khách hàng xếp hàng chờ bên ngoài trụ sở Ngân hàng Thung lũng Silicon (SVB) đã bị đóng cửa ở Santa Clara, California, Mỹ, vào ngày 13/03/2023. (Ảnh: Vivian Yin/The Epoch Times)

Ai có thể đoán được rằng tiền mã hóa, cụ thể là Bitcoin và Ether, kết hợp lại chiếm khoảng 70% thị trường tiền mã hóa, sẽ là loại tài sản có kết quả hoạt động tốt nhất, cho đến nay lần lượt tăng 84% và 55%? Trong khi đó, chúng đang phải đối mặt với một cuộc tấn công toàn diện vào ngành và các doanh nhân của ngành từ chính quyền Biden và cơ quan thực thi pháp luật của nó – Ủy ban Chứng khoán và Giao dịch.

Hoặc ai có thể đoán được công nghệ đó sẽ trở lại rầm rộ, với FAANGs – Facebook (Meta), Apple, Amazon, Netflix, Google (Alphabet) – tăng 61% từ đầu năm đến nay và chỉ số Nasdaq thiên về công nghệ tăng 31%, dựa trên những lời thổi phồng mới xung quanh ý tưởng không hoàn toàn mới về trí tuệ nhân tạo (AI). Ngay cả chỉ số chuẩn S&P 500 cũng tăng tương đối khiêm tốn nhưng vẫn ấn tượng với 16%.

Sự phục hồi của thị trường chứng khoán khi đối mặt với tình hình kinh tế ảm đạm dường như là một sự mù quáng cố ý mang tính tập thể. Suy nghĩ của những người tham gia thị trường: “Hãy tiếp tục nhảy chừng nào nhạc còn vang lên”.

Thị trường chứng khoán đang không quan tâm đến tác động của lạm phát dai dẳng, khủng hoảng ngân hàng nghiêm trọng. Ngoài ra, chính phủ Mỹ không thực sự đạt được thỏa thuận về trần nợ và chỉ trì hoãn mọi thứ cũng như đã không làm gì để giải quyết vấn đề cơ bản về chi tiêu chính phủ quá mức và thâm hụt tích lũy 22 nghìn tỷ USD. Cũng không thể bỏ qua một cuộc suy thoái đã được xác nhận trong khu vực đồng euro, và điều dường như là một trong những vụ bê bối tham nhũng lớn nhất của Tổng thống mà nước Mỹ từng gánh chịu.

Trong khi các con số lạm phát đã qua mức đỉnh, thì lạm phát lõi vẫn đang dai dẳng và là quá cao. Chỉ số chi tiêu tiêu dùng cá nhân lõi (PCE) của tháng 6, chỉ số yêu thích của Cục Dự trữ Liên bang, đạt 4,6%, báo hiệu một chặng đường dài phía trước cho cuộc chiến chống lạm phát của Fed. Lạm phát còn tồi tệ hơn ở châu Âu, với giá cả ở Anh tăng 7,9% trong tháng 5 và giá cả ở Liên minh châu Âu tăng 5,5% trong các con số sơ bộ tháng 6.

Các Ngân hàng Trung ương đã đưa ra những phản ứng tương ứng. Trong khi tạm dừng việc tăng lãi suất vào tháng 6, Cục Dự trữ Liên bang Mỹ cho biết họ có thể sẽ tiếp tục tăng lãi suất lên trên mục tiêu 5,25% hiện tại. Đồng thời, Ngân hàng Anh vừa tăng lãi suất lên 5% và Ngân hàng Trung ương châu Âu lên 4,25%.

Yếu tố thúc đẩy lạm phát tăng cao trở lại

Dự đoán của tôi là lạm phát sẽ tiếp tục giảm trong suốt mùa hè, nhưng sau đó bắt đầu tăng trở lại vào mùa thu. Sự thay đổi này có thể được thúc đẩy bởi giá năng lượng hoặc chính sách tiền tệ.

Giá dầu khoảng 70 USD một thùng là quá thấp để làm hài lòng các nhà sản xuất. Có thể một bất ngờ từ OPEC+ sẽ là chất xúc tác. Các động thái của OPEC+ có thể thắt chặt thị trường đến mức giá sẽ tăng vào cuối năm lên trên 80 USD/thùng, hoặc thậm chí 90 USD hoặc 100 USD. Nền kinh tế Trung Quốc phải hoạt động tích cực để điều này trở thành sự thật, nhưng chính phủ Trung Quốc cũng đang có những động thái kích thích mạnh mẽ.

Động lực thứ hai của lạm phát có thể là sự trở lại của chính sách nới lỏng định lượng, ngay cả khi được dán một cái nhãn khác. Chính phủ cần phải tài trợ cho các khoản thâm hụt của mình và việc không thực sự đạt được thỏa thuận về trần nợ về cơ bản sẽ cho phép các cơ sở in tiền hoạt động cho đến năm 2025. Kho bạc Mỹ có một lỗ hổng trị giá 1 nghìn tỷ USD mà nó sẽ sớm phải lấp đầy bằng việc phát hành trái phiếu. Điều này sẽ gây áp lực lên thị trường và chính các ngân hàng. Lợi tức trái phiếu kho bạc hai năm hiện ở mức chưa từng thấy kể từ trước cuộc khủng hoảng tài chính toàn cầu 2008 – 09. Mức chênh lệch đối với lợi tức kho bạc 10 năm hiện là -1%. Đường cong lợi tức đảo ngược (khi lãi suất ngắn hạn cao hơn lãi suất dài hạn) báo hiệu suy thoái, theo thống kê từ lịch sử. Tại một thời điểm nào đó, các Ngân hàng Trung ương có thể xoay trục chính sách, chuyển sang nới lỏng.

Một năm lịch sử

Rủi ro suy thoái đã giảm bớt, nhưng vẫn còn tồn tại. Khu vực đồng euro hiện đang trong thời kỳ suy thoái về mặt kỹ thuật, với GDP giảm 0,1% trong hai quý vừa qua. Lợi nhuận của các công ty Mỹ đã giảm 5,1% trong quý đầu tiên. GDP quý đầu tiên của Mỹ tăng 2% nhờ xuất khẩu mạnh hơn dự kiến, nhưng giảm so với mức 2,6% của quý IV năm 2022. Cả hai đều thấp hơn nhiều so với các tiêu chuẩn lịch sử. Mặc dù tăng trưởng tiền lương danh nghĩa hiện nay là trên 6%, thu nhập trung bình hàng tuần thực đã giảm 1,6% tính đến tháng 03/2023 và năng suất lao động giảm 2,7% trong quý đầu tiên.

Vì vậy, mặc dù về mặt kỹ thuật Mỹ chưa suy thoái, nhưng vẫn tồn tại sự suy yếu. Tỷ suất lợi nhuận của công ty cao theo tiêu chuẩn lịch sử, nhưng đã giảm từ mức đỉnh. Trong khi lạm phát chi phí đang gây áp lực lên tỷ suất lợi nhuận, các công ty đang chuyển phần lớn chi phí đó cho người tiêu dùng và lấy tiền từ nhân viên do tiền lương không theo kịp lạm phát.

Tiêu dùng ở Mỹ có thể là rủi ro lớn nhất, vì đơn giản là người tiêu dùng không có niềm tin. Chỉ số niềm tin của người tiêu dùng giảm, với chỉ số kỳ vọng nằm dưới 80 kể từ tháng 11/2022, báo hiệu suy thoái kinh tế. Tăng trưởng chi tiêu của người tiêu dùng đã không thay đổi trong ba tháng. Mức nợ cá nhân đang tăng lên, và với lãi suất cao hơn, chi phí trả nợ cũng tăng theo.

Người tiêu dùng cho rằng thị trường lao động đang trở nên tồi tệ hơn và kỳ vọng lạm phát sẽ tăng 6 – 7% trong năm tới. Năm con thỏ 2023. (Ảnh: Siam Vector/Shutterstock)

Về mặt địa chính trị, các nước BRIC (Brazil, Nga, Ấn Độ, Trung Quốc) tiếp tục liên kết lại trong một liên minh chống Mỹ và chống phương Tây. Điều này sẽ gây bất lợi cho nền kinh tế Mỹ và đồng USD về dài hạn. Pháp, nền kinh tế lớn thứ hai của châu Âu, đang thất bại trong việc ngăn chặn các cuộc bạo loạn phá hoại xảy ra trên khắp đất nước. Tại Mỹ, UPS Teamsters, công đoàn lớn nhất của một nhà sử dụng lao động riêng lẻ với khoảng 340.000 thành viên, đang chuẩn bị đình công trên toàn quốc. Cả hai sự việc đều có khả năng làm đình trệ nền kinh tế.

Vậy, thông điệp ở đây là gì? Thứ nhất, hoạt động phi thường của thị trường chứng khoán trong năm khó có thể kéo dài đến cuối năm. Thứ hai, cuộc khủng hoảng ngân hàng vẫn chưa kết thúc. Các quỹ phòng hộ đang đặt cược chống lại lĩnh vực ngân hàng và các ngân hàng vẫn đang sử dụng các quỹ tài trợ khẩn cấp từ Fed và Ngân hàng Cho vay Mua nhà Liên bang ở mức cao lịch sử. Thứ ba, đừng cảm thấy thoải mái với những con số lạm phát đang giảm dần. Hãy chờ đợi lạm phát tăng cao hơn. Chúng ta vẫn chưa rời xa khu rừng lạm phát, và các Ngân hàng Trung ương biết điều đó.

Đường cong lợi tức đảo chiều vẫn là chỉ báo tốt nhất về suy thoái kinh tế của Mỹ, nhưng có độ trễ. Mặc dù suy thoái ở khu vực đồng euro đã diễn ra, nhưng bản thân điều này sẽ không kéo nền kinh tế Mỹ đi xuống. Tuy nhiên, một cuộc đình công lớn có thể làm được điều đó. Điểm yếu với người tiêu dùng Mỹ vẫn là mối đe dọa. Hầu hết các bình luận từ các công ty đại chúng phải đối mặt với người tiêu dùng là tiêu cực.

Tóm lại, đừng để bị ru ngủ bởi những dữ liệu thị trường và con số GDP không quá tệ. Chúng ta đang xem một vở opera dài, và mọi sự sẽ còn thay đổi. Năm 2023 có thể là một năm lịch sử – nhưng không phải theo chiều hướng tốt.

Theo The Epoch Times

Bảo Nguyên biên dịch

Tác giả Michael Wilkerson là một nhà đầu tư, cố vấn chiến lược và là người sáng lập ra trang web Stormwall.com. Ông là tác giả của cuốn sách “Tại sao nước Mỹ lại quan trọng: Trường hợp cho một chủ nghĩa ngoại lệ mới”, được phát hành vào tháng 10/2022.

Related posts