Kể từ khi dịch bệnh Covid-19 bùng phát ở Trung Quốc vào năm 2020, số lượng trường mẫu giáo trên cả nước này cũng dần giảm qua từng năm và năm ngoái chứng kiến làn sóng đóng cửa đầu tiên. Một nguyên nhân khác dẫn đến tình trạng trên là số ca sinh ở Trung Quốc trong những năm gần đây sụt giảm.
Vào ngày 5/7, Bộ Giáo dục Trung Quốc ban hành “Công báo Thống kê quốc gia về phát triển giáo dục năm 2022″. Dữ liệu cho thấy, trong năm 2022, số trường mẫu giáo công lập ở Trung Quốc giảm 5.610 trường so với năm 2021, số trẻ đi học mầm non cũng ít hơn 1,7766 triệu trẻ.
Ngoài ra, công báo trên còn cho biết, tình trạng này cũng xảy ra ở các trường mầm non tư thục (giảm 6.213 trường) và trường tiểu học (giảm 5.162 trường).
Tờ Jiemian News của Trung Quốc đã so sánh dữ liệu với các công báo năm trước và thấy rằng, số lượng trường mẫu giáo tư thục đã bắt đầu giảm kể từ năm 2020.
Theo thông tin công khai, từ năm 2008 đến năm 2020, đặc biệt là năm 2010, sau khi Quốc vụ viện Trung Quốc ban hành “Mười điều lệ quốc gia”, quy mô ngành giáo dục mầm non đã mở rộng nhanh chóng. Tuy nhiên, tốc độ tăng trưởng này đã chậm lại từ năm 2020.
Số trường mẫu giáo đóng cửa có liên quan đến số ca sinh bị giảm ở Trung Quốc trong những năm gần đây. Jiemian News trích dẫn dữ liệu chính thức chỉ ra rằng, số ca sinh ở Trung Quốc trong năm 2017 là 17,65 triệu ca, giảm 6% so với cùng kỳ năm trước đó. Cũng từ năm này, số ca sinh bắt đầu giảm theo từng năm.
Trường mầm non ở nhiều nơi đang ‘khan học sinh’
Tờ 21st Century Business Herald của Trung Quốc đưa tin, bà Chu (Zhou), hiệu trưởng một trường mẫu giáo trong một khu dân cư lớn ở thành phố Trường Sa, tỉnh Hồ Nam cho biết, so với những năm trước, năm nay có không ít trường mẫu giáo tư nhân đã đóng cửa. Một mặt là do chịu ảnh hưởng của tình trạng sụt giảm dân số, mặt khác là không nhận được các khoản trợ cấp.
Các trường mẫu giáo ở nhiều nơi đã dần bắt đầu tuyển sinh cho năm 2023. Đối tượng tuyển sinh cho lớp mẫu giáo bé chủ yếu là trẻ sinh từ ngày 1/9/2019 đến ngày 31/8/2020. Trong khi đó, số ca sinh năm 2020 đã giảm đáng kể so với mức đỉnh của năm 2016.
Hiệu trưởng trường mầm non tư thục trên nói thẳng rằng, trường mầm non đã chuyển từ “khó đăng ký” sang “khan học sinh”.
Mất lợi tức dân số, Trung Quốc tung nhiều chính sách khuyến khích sinh đẻ
Vào đầu năm nay, Cục Thống kê Trung Quốc đã công bố dữ liệu dân số năm 2022, đây là năm thứ 6 liên tiếp dân số nước này giảm. Theo đó, dân số Trung Quốc vào cuối năm 2022 là 1,41175 tỷ người, giảm 850.000 người so với cuối năm 2021; tỷ lệ tăng dân số tự nhiên ở mức âm 0,60 phần nghìn người, đây là mức tăng trưởng âm đầu tiên trong 61 năm qua.
Tỷ lệ sinh giảm cũng dẫn đến sự thu hẹp của ngành công nghiệp sữa, quần áo trẻ em, v.v. Do bị mất lợi tức dân số, nhiều chính quyền địa phương ở Trung Quốc đã ban hành các chính sách và trợ cấp mạnh mẽ để khuyến khích sinh con.
Ví dụ, theo một thông báo được đưa ra vào ngày 10/1/2023 tại thành phố Tế Nam, tỉnh Sơn Đông, các bà mẹ ở Tế Nam sinh đứa con thứ hai hoặc thứ ba trong năm nay sẽ nhận được khoản trợ cấp chăm sóc trẻ là 600 nhân dân tệ (khoảng 2 triệu VND) mỗi tháng, cho đến khi đứa trẻ tròn ba tuổi.
Về chế độ nghỉ thai sản, các bà mẹ sẽ được nghỉ 158 ngày và các ông bố sẽ được nghỉ 15 ngày, mỗi năm cha mẹ được nghỉ ít nhất 10 ngày cho đến khi đứa trẻ tròn ba tuổi. Chính quyền thành phố Tế Nam cũng đã đưa ra các chính sách ưu đãi về nhà ở, chăm sóc y tế và giáo dục cho các gia đình đông con.
Chính quyền thành phố Nghi Xương, tỉnh Hồ Bắc, cho biết vào cuối tháng 12 năm ngoái rằng, họ sẽ cung cấp cho các gia đình có hai con trở lên một khoản trợ cấp chăm sóc trẻ. Cụ thể, mỗi đứa trẻ sẽ được nhận ít nhất 500 nhân dân tệ (khoảng 1,8 triệu VND) hàng tháng cho đến khi tròn ba tuổi.
Tuy nhiên, dường như các biện pháp này không mấy tác dụng. Một cư dân mạng Weibo bình luận chỉ ra rằng: “Chưa tính khoản vay mua nhà, mỗi tháng chỉ riêng tiền sữa bột của một đứa trẻ đã là 1.200 tệ (gần 4 triệu VND). Còn các lớp học thêm, lớp năng khiếu, ít thì 100 tệ (hoăn 300 nghìn VND) một buổi học, nhiều thì vài trăm tệ đến cả nghìn tệ một buổi. Trẻ học từ mẫu giáo đến đại học, mà tốt nghiệp đại học xong thì cũng đồng nghĩa với thất nghiệp. Sinh con cần có nguồn tài chính, sức lực và trách nhiệm, không phải là chuyện nhất thời mà là theo cả đời. Cho nên người lớn trong nhà thường dạy bảo tôi ngay từ bé rằng, nếu tham lợi ích nhỏ thì sẽ phải chịu thiệt thòi lớn”.
Theo The Epoch Times tiếng Trung
Minh Lý biên dịch và tổng hợp