8-7-2023
Có thể nhận định như sau: Cách điều chỉnh những vi phạm pháp luật của xã hội phổ biến nhất của Nhà nước 20 năm qua là PHẠT.
Ngay ở lĩnh vực giao thông, trừ khu vực thành phố Cần Thơ, hầu như không có nơi nào, không có điều khoản nào, biện pháp nào ngoài phạt … tiền.
Xin nêu ví dụ: Nếu có một thống kê thực tế cho riêng khoản phạt cánh tài xế có độ cồn trong năm năm qua thôi, số tiền phạt sẽ không ít hơn hàng ngàn tỷ đồng. (Ấy là chỉ nói đến những trường hợp phạt có … biên bản, chưa tính đến diện được … nộp ngay, không cần giấy tờ gì).
Còn ở Toàn quốc thì “hoành tráng” hơn. Trong bức ảnh cuối chụp màn hình báo điện tử Chính phủ, nội dung có đoạn ghi: “Kết quả 1 tháng xử lý vi phạm của lực lượng cảnh sát giao thông (CSGT) toàn quốc (từ ngày 15/11 đến ngày 14/12) đã xử lý 266.002 trường hợp vi phạm trật tự an toàn giao thông (ATGT), phạt tiền gần 500 tỷ đồng“.
Tôi suy diễn theo kiểu … dốt toán. Cứ lấy hai tháng bình thường thu bằng một tháng cao điểm kiểu này, thì mỗi năm thu hơn 3.000 tỷ.
20 năm thu khoảng 50.000 tỷ. Số tiền này đủ làm bốn đoạn cao tốc như đoạn Dầu Giây – Phan Thiết, hoặc dư tiền làm con đường Cao tốc Từ Nha Trang lên Buôn Mê Thuột.
Đây mới chỉ nói đến riêng lĩnh vực giao thông đường bộ, còn nhiều ngành khác, chưa tính.
Trong các kế hoạch, chiến lược phát triển kinh tế, người ta chỉ lập dự toán về khai thác khoảng sản, đánh bắt hải sản, Giao thông vận tải, thương mại v.v… chứ không bao giờ dự tính “có” cho khoản tiền khổng lồ này. Nhưng rồi nó “có”, thì phải cân đối nó trong các báo cáo chứ?
Rồi đây trong các kế hoạch phát triển cấp Quốc gia, có lẽ nên đưa nguồn lực tiềm năng này vào các dự thảo, dự báo để những đồng tiền (khá xót xa) của người nộp phạt này góp một cái gì đó cho lợi ích chung.
Hồi dịch giã, ở Phú Thọ, Yên bái, Tuyên Quang không hiếm những trường hợp không đeo khẩu trang, phải bỏ ra giá trị bằng 20 kg gạo nộp phạt.
Nếu có một công trình nghiên cứu cấp sau đại học, ví dụ “Năng lượng xã hội trong khoản tiền phạt các vi phạm 20 năm qua”, chắc sẽ phải nhìn nhận số tiền dư để làm hơn chục cây cầu hiện đại như cầu Thủ Thiêm mới đây!
Khi lập các định chế, người ta nhằm đến việc điều chỉnh xã hội theo hướng nhắc nhở, răn đe công dân chấp hành pháp luật tốt hơn. Điều đó khỏi bàn cãi.
Nhưng khi nguồn tiền không nhỏ này, bị thất tán, không được công bố công khai trong thu nộp vào ngân sách nhà nước, thì lại là vấn đề cần làm rõ.
Tôi theo dõi nhiều báo cáo tài chính trong các kỳ hội họp từ cấp Huyện trở lên đến Quốc Hội, chưa bao giờ có dòng nào đại loại như “Trong năm qua, CSGT, Thanh tra, Thi hành án, Chống dịch … đã thu nộp 1500 tỷ cho tỉnh…”, chẳng hạn.
(Nói từ cấp huyện trở lên không có nghĩa là cấp Phường, Xã vô sự nghe, sẽ bàn sau!)
Và đương nhiên, đã không có ở “đầu vào” thì cũng khỏi báo cáo “đầu ra” của nguồn này.
Nếu từ nay các ngành các cấp kiến tạo được tác phong, lề lối làm việc mới, minh bạch hơn, làm rõ câu chuyện hôm nay, chính là cách bảo vệ chế độ vững bền hơn.
Có khó lắm không?
Có nên Luật hoá chuyện này không?