Thủ tướng Lý Cường họp với các chuyên gia để cứu vãn nền kinh tế Trung Quốc

Alex Wu

Các nhà phân tích cho rằng nguyên nhân gốc rễ là vấn đề mang tính hệ thống trong chủ nghĩa cộng sản: ‘Tôi so sánh tình trạng của nền kinh tế Trung Quốc hiện nay với suy đa tạng’

Hôm 06/07, Thủ tướng Trung Quốc Lý Cường (Li Qiang) đã thu thập các đề nghị từ ​​các nhà kinh tế của Hoa lục về cách khắc phục nền kinh tế đang đi xuống của quốc gia, mặc dù các nhà phân tích cho rằng nguyên nhân gốc rễ của suy thoái kinh tế Trung Quốc nằm ở hệ thống chính trị của quốc gia này, hệ thống do ĐCSTQ mà ông Tập Cận Bình lãnh đạo.

Các nhà phân tích cho biết, với việc nhiều cuộc khủng hoảng hiện đang tiếp cận nền kinh tế Trung Quốc cùng sự tách rời đang diễn ra của chính quyền này với phương Tây, thì không có giải pháp nào cho Đảng Cộng sản Trung Quốc (ĐCSTQ).

Hội nghị chuyên đề về tình hình kinh tế đã thu hút được ông Lý, Phó Thủ tướng Đinh Tiết Tường (Ding Xuexiang), và tám học giả từ các tổ chức tài chính, kinh tế chính trị, và ngân hàng của Trung Quốc.

Ông Lý khẳng định trong phiên họp, dưới sự lãnh đạo của ông Tập, “nền kinh tế đã cho thấy xu hướng phục hồi tích cực.” Sau đó, ông đổ lỗi cho ngoại quốc về các vấn đề kinh tế của Trung Quốc, nói rằng “tình hình kinh tế và chính trị thế giới rất phức tạp và đã gây ra nhiều tác động đến sự phát triển của quốc gia chúng ta,” truyền thông nhà nước Trung Quốc đưa tin.

Ông Lý cũng cho biết ông hy vọng nhận được nhiều góp ý mang tính xây dựng hơn về nền kinh tế Trung Quốc từ các chuyên gia và học giả.

Ông Trịnh Húc Quang (Zheng Xuguang), một học giả kinh tế chính trị độc lập và là người dẫn chương trình trò chuyện “Xuguang Times Commentary” (tạm dịch: “Bình luận với Húc Quang”) nói với The Epoch Times hôm 07/07 rằng ông Lý chủ yếu tìm kiếm một số học giả ủng hộ ĐCSTQ để giúp thống nhất các quan điểm trong giới học thuật.

Ông Trịnh nói, “Ông Tập Cận Bình là người thực sự quyết định mọi việc, và ông ấy chỉ quan tâm đến ổn định chính trị.”

Ông nói thêm, “Các vấn đề kinh tế hiện nay thực sự bắt nguồn từ chính trị, và ông ấy [ông Lý] không thể động đến các vấn đề chính trị. Ông ấy đã gửi một thông điệp tới giới học thuật: ‘Các vị nên đưa ra những đề nghị mang tính xây dựng hơn, để giúp đỡ chính quyền chứ không phải để gây rắc rối.”

Suy thoái kinh tế tiếp tục

Chuyên gia tài chính Đài Loan Hoàng Thế Thông (Edward Huang) nói với The Epoch Times hôm 06/07 rằng ông Lý đã chủ trì hội nghị chuyên đề kinh tế chủ yếu là do thị trường chứng khoán Trung Quốc và Hồng Kông gần đây đang lao dốc và đồng nhân dân tệ cũng đang mất giá. Lĩnh vực công nghiệp khá bi quan về nền kinh tế Trung Quốc.

Ông Lưu Nguyên Xuân (Liu Yuanchun), hiệu trưởng Đại học Tài chính và Kinh tế Thượng Hải (SUFE), đã công bố “Báo cáo Dự báo và Phân tích Kinh tế Vĩ mô Trung Quốc năm 2023” hồi tháng Sáu, trong đó đưa ra “năm vấn đề 20%” mà nền kinh tế Trung Quốc phải đối mặt. Đó là tỷ lệ thất nghiệp của thanh niên vượt quá 20%, lợi nhuận hàng năm của các doanh nghiệp công nghiệp Trung Quốc giảm hơn 20%, doanh thu chuyển nhượng đất đai của chính quyền địa phương giảm 20%, xây dựng nhà ở mới phân chia theo khu vực giảm 20%, và khoảng cách chỉ số niềm tin của người tiêu dùng cao tới 20%.

Ông Lưu Hiểu Quang (Liu Xiaoguang), đồng tác giả của báo cáo này và là giáo sư tại Viện Chiến lược và Phát triển của Đại học Nhân dân Trung Quốc (RUC), cho biết những vấn đề “năm cái 20%” này là hết sức bất thường, cho thấy áp lực trong các lĩnh vực liên quan của Trung Quốc đã vượt qua giới hạn có thể tự phục hồi.

Ông Lưu viết, không chỉ là khó mong đợi bất kỳ sự phục hồi kinh tế tự động nào; mà hơn nữa, các vấn đề này sẽ tạo thành một vòng luẩn quẩn trong một số lĩnh vực kinh tế nhất định.

Ông Lý đã nêu ra trong hội nghị rằng tất cả các lĩnh vực của xã hội Trung Quốc cần chú ý đưa ra các chính sách tập trung vào ổn định tăng trưởng, việc làm, và ngăn ngừa rủi ro, đồng thời nhanh chóng đưa ra và thực hiện một loạt các chính sách có tính nhắm thẳng, chính sách kết hợp, và chính sách phối hợp.

Bình luận về những nhận xét của thủ tướng Trung Quốc, ông Hoàng cho biết, “Nền kinh tế Trung Quốc hiện không được quyết định bởi các chính sách. Cho dù họ có tổ chức bao nhiêu phiên họp đi nữa thì cũng vô ích. Ông Lý nói về các chính sách kết hợp, nhưng không có điều gì cụ thể trong đó. Cho đến nay, chúng ta chưa thấy bất kỳ chính sách nào có thể thay đổi được hiện trạng.”

Ông Hoàng tin rằng Thủ tướng Lý không thể đưa ra các quyết định giải quyết các vấn đề thực sự tiềm ẩn của nền kinh tế, chẳng hạn như là những sự căng thẳng giữa Trung Quốc và Hoa Kỳ, hoặc việc các thể chế nhà nước của ĐCSTQ ngày càng gây thiệt hại nhiều hơn cho khu vực tư nhân của Trung Quốc, mà ông tin là nguyên nhân gốc rễ của suy thoái kinh tế Trung Quốc hiện nay.

Ông Hoàng nói, “Đó là điều mà chỉ ông Tập Cận Bình mới có thể quyết định, và những người khác sẽ không thể làm gì nếu ông Tập không làm bất cứ điều gì về các vấn đề đó.”

Ông Hoàng nói, “Thị trường chứng khoán Trung Quốc năm nay khá tệ. Đồng nhân dân tệ (NDT) vẫn mất giá. Việc thị trường chứng khoán Hồng Kông giảm rất nặng trong những ngày qua cho thấy niềm tin của toàn thị trường vào nền kinh tế Trung Quốc khá mong manh. Ông Lý Cường không có khả năng đảo ngược tình thế.”

“Nhu cầu nội địa của Trung Quốc và thị trường địa ốc tiếp tục giảm. Ông Lý Cường đã không đạt được bất kỳ thành tựu nào kể từ khi ông ấy nhậm chức thủ tướng, và nền kinh tế tiếp tục trượt dốc.”

Mối bang giao Mỹ-Trung xấu đi gây khó khăn cho nền kinh tế Trung Quốc

Ông Ngô Gia Long (Wu Jialong), một nhà kinh tế vĩ mô ở Đài Loan, tin rằng vấn đề hiện đang làm suy yếu nền kinh tế Trung Quốc là sự bùng phát đồng thời của nhiều cuộc khủng hoảng.

Ông nói, “Tôi so sánh tình trạng của nền kinh tế Trung Quốc hiện nay với suy đa tạng.”

Ông Ngô nói với The Epoch Times hôm 07/07: “Nguyên nhân gốc rễ của cuộc khủng hoảng việc làm ở Trung Quốc là do xuất cảng và sản xuất, bởi vì các đơn đặt hàng đã bị rút khỏi Trung Quốc và đầu tư ngoại quốc đã rút đi.”

Ông Ngô đồng ý với ông Trịnh rằng gốc rễ của các vấn đề kinh tế của Trung Quốc cũng nằm ở chính trị.

“Nếu truy tìm sâu hơn, thì đó là do mối bang giao giữa Hoa Kỳ và Trung Quốc ngày càng xấu đi. Như vậy nguyên nhân gốc rễ là ở chính trị chứ không phải ở kinh tế. Vì vậy, khi họ tìm kiếm lời khuyên từ các chuyên gia kinh tế, thì những gì họ có thể nhận được sẽ là có hạn.”

“Do ông Tập Cận Bình quyết định các chính sách lớn, những chính sách nhằm thách thức Hoa Kỳ, cạnh tranh với Hoa Kỳ cho vai trò lãnh đạo thế giới hoặc làm bá chủ, nên mang lại hậu quả là, Hoa Kỳ đã phản công. Hơn nữa, nhu cầu nội địa của Trung Quốc không đủ để hấp thụ năng lực sản xuất còn trống của khu vực xuất cảng. Các vấn đề kinh tế hiện nay không dễ giải quyết.”

Ông nói thêm rằng không có giải pháp nào cho các vấn đề kinh tế của Trung Quốc ngay cả khi ông Tập từ chức, vì các vấn đề đó là mang tính cấu trúc đối với ĐCSTQ.

Ông Ngô nói rằng Hoa Kỳ đã thực hiện các biện pháp nghiêm túc để chống lại các hoạt động kinh tế không công bằng của ĐCSTQ.

“Sau đó, họ cử một quan chức cấp bộ [bà Janet Yellen] đến thăm Trung Quốc. Điều này có nghĩa là có một cuộc đối thoại trong khi tiếp tục đối đầu. Hoa Kỳ hoàn toàn không có ý định đạt được thỏa thuận với ĐCSTQ. Chuyến thăm đó chỉ là để thể hiện sự đồng thuận rằng hai bên đang đối thoại và sẽ tiếp tục thảo luận vào lần tới, đây chính là đàm phán mà không có thỏa thuận.”

Vân Du biên dịch

Related posts