Mexico trở thành đối tác thương mại lớn nhất của Mỹ, vượt qua Trung Quốc và Canada

Alex Wu

Một nhân viên làm việc trên dây chuyền sơn ô tô tại nhà máy của Mazda ở Salamanca, bang Guanajuato, Mexico, vào ngày 09/11/2022. (Ảnh: CLAUDIO CRUZ/AFP qua Getty Images)

Trong khi thương mại của Trung Quốc với Mỹ tiếp tục suy giảm, Mexico lại nổi lên như một điểm đến của các doanh nghiệp muốn di dời chuỗi cung ứng.

Mexico đã trở thành đối tác thương mại lớn nhất của Mỹ, vượt qua Trung Quốc và Canada, theo số liệu thống kê mới nhất công bố ngày 12/07.

Ông Luis Torres, một nhà kinh tế kinh doanh cấp cao tại Ngân hàng Dự trữ Liên bang Dallas cho biết, khối lượng thương mại giữa Mỹ và Mexico đạt 263 tỷ USD trong 4 tháng đầu năm nay. Nó chiếm 15,4% hàng hóa xuất khẩu và nhập khẩu của Mỹ, vượt qua tổng thương mại của Mỹ với Canada và Trung Quốc, lần lượt là 15,2% và 12%.

Theo dữ liệu công khai, Trung Quốc đã vượt Canada trở thành đối tác lớn nhất của Mỹ từ năm 2014. Tới năm 2018, thương mại của Trung Quốc và Mỹ bắt đầu đà tụt giảm do các mức thuế quan mà Mỹ áp đặt lên hàng hóa Trung Quốc. Giai đoạn đầu đại dịch chứng kiến thương mại Trung Quốc và Mỹ bùng nổ trong thời gian ngắn, trước khi gián đoạn chuỗi cung ứng khiến nó suy giảm và Mexico và Canada vượt lên.

Ông Torres cho rằng, sự thay đổi này cho thấy tác dụng của “Hiệp định thương mại Mỹ – Canada – Mexico”, thứ được hoàn thiện trong nhiệm kỳ của cựu Tổng thống Mỹ Trump. Nó chỉ ra một xu hướng hướng tới tìm nguồn cung ứng ở gần quốc gia quê nhà trong thương mại toàn cầu, trong đó, các quốc gia mang chuỗi cung ứng hàng hóa quan trọng đến các quốc gia gần gũi về mặt địa lý và chính trị. Cách làm như vậy không chỉ làm giảm áp lực lên chuỗi cung ứng đường dài ngoài biên giới đất nước mà còn đặt ra thách thức đối với vị thế kinh tế thế giới của Trung Quốc vì nó làm giảm sự phụ thuộc của thế giới vào hàng hóa Trung Quốc.

Kể từ khi Trung Quốc gia nhập Tổ chức Thương mại Thế giới vào năm 2001, Trung Quốc đã được tích hợp vào nền kinh tế Mỹ mặc dù nó không tuân thủ các quy định kinh tế và thương mại. Mỹ đã bày tỏ lo ngại về các hành vi kinh tế không công bằng của Trung Quốc, như Bộ trưởng Tài chính Janet Yellen gần đây đã lên tiếng trong chuyến thăm Trung Quốc.

Sự bùng phát của COVID-19 vào năm 2020 và các biện pháp phong tỏa hà khắc của chế độ, thứ đã làm gián đoạn nghiêm trọng chuỗi cung ứng toàn cầu, đã bắt đầu đẩy nhanh quá trình các công ty chuyển chuỗi cung ứng của họ ra khỏi Trung Quốc.

Ông Michael Burns, một cộng sự tại Murray Hill Group, một công ty đầu tư tập trung vào chuỗi cung ứng, đã chỉ ra rằng sự thay đổi mới của các doanh nghiệp, di dời chuỗi sản xuất và cung ứng tới gần hơn với thị trường của họ, không phải là “phi toàn cầu hóa” mà là chuyển trọng tâm sang các mạng lưới khu vực.

Ngoại thương Trung Quốc tiếp tục suy yếu

Theo dữ liệu chính thức, xuất khẩu của Trung Quốc đã giảm 12,4% trong tháng 6 so với một năm trước đó, mức thấp nhất kể từ tháng 03/2020. Nhập khẩu giảm 6,8% so với cùng kỳ năm ngoái, thấp hơn đáng kể so với dự kiến. Lời giải thích chính thức cho sự sụt giảm được chính quyền Trung Quốc đưa ra là nhu cầu trên thị trường quốc tế đã giảm.

Tuy nhiên, nhiều công ty Trung Quốc cũng đang xây dựng một số lượng lớn nhà máy ở Mexico, chuyển sản xuất ra khỏi Trung Quốc, điều này cũng góp phần vào sự phát triển của ngành sản xuất Mexico, theo nhà bình luận các vấn đề thời sự làm việc ở Mỹ Qin Peng trong chương trình trò chuyện của ông trên NTD: “Qin Peng quan sát” (Qin Peng Observing).

Trong khi đó, mức thuế trung bình của Mỹ đối với hàng hóa Trung Quốc là 19,3%, cao hơn nhiều so với mức 9% của các “quốc gia được hưởng ưu đãi tối huệ quốc” khác.

Căng thẳng giữa Mỹ và Trung Quốc trong những năm gần đây đã dẫn đến việc phương Tây giảm rủi ro và tránh xa Trung Quốc, điều này ảnh hưởng đáng kể đến ngoại thương của Trung Quốc. Các nhà quan sát tin rằng xu hướng này sẽ không thay đổi trong tương lai gần bất chấp các chuyến thăm Trung Quốc gần đây của các quan chức cấp cao Mỹ.

Vào ngày 13/07, bài bình luận trên trang Caixin.com, phương tiện truyền thông tài chính lớn của Trung Quốc, đã tuyên bố rằng, “sự khác biệt giữa Trung Quốc và Mỹ nằm ở nhiều lĩnh vực và sâu sắc. Không ai kỳ vọng rằng một vài chuyến thăm của các quan chức cấp cao sẽ đưa quan hệ hai nước trở lại đúng quỹ đạo. Tuy nhiên, duy trì liên lạc và tăng cường trao đổi ít nhất có thể ngăn tình hình vượt khỏi tầm kiểm soát”.

Ông Zheng Xuguang, người dẫn chương trình của Xuguang Times Review, nói với The Epoch Times vào ngày 13/07 rằng, ba thành phần trong GDP của Trung Quốc – xuất khẩu, đầu tư và tiêu dùng – đều đang giảm.

“Nền kinh tế Trung Quốc chủ yếu được thúc đẩy bởi xuất khẩu. Trên thực tế, đánh giá từ các số liệu trong nửa đầu năm nay, tăng trưởng xuất khẩu của tỉnh Quảng Đông trong nửa đầu năm là âm, trong khi tăng trưởng của tỉnh Giang Tô có lẽ chưa đến 1%. Nhập khẩu của Trung Quốc nhìn chung thậm chí còn tồi tệ hơn. Tôi nghĩ rằng ngoại thương hiện tại của Trung Quốc đang ở trong tình trạng rất nguy hiểm vì các cuộc khủng hoảng tới từ thượng tầng và hạ tầng”.

“Sản xuất trung cấp và cấp thấp hiện đang được chuyển sang Việt Nam, Ấn Độ và Mexico. Không chỉ các công ty nước ngoài đang di chuyển, các công ty Trung Quốc cũng đang rời đi. Lĩnh vực sản xuất cao cấp bị ảnh hưởng bởi các lệnh trừng phạt gia tăng của Mỹ, đặc biệt là hạn chế xuất khẩu chip cao cấp sang Trung Quốc. Điều này có nghĩa là việc sản xuất điện thoại di động của Apple tại Trung Quốc có thể đã kết thúc, điều này rất tệ cho nền kinh tế Trung Quốc”, ông Zheng nói.

Theo The Epoch Times

Bảo Nguyên biên dịch

Related posts