GANDHINAGAR, Ấn Độ — Sau chuyến công du Bắc Kinh, Bộ trưởng Ngân khố Hoa Kỳ Janet Yellen đã trở lại Ấn Độ lần thứ ba trong chín tháng qua. Lần này bà đến là để gặp các bộ trưởng tài chính của Nhóm các quốc gia G20 về những thách thức kinh tế toàn cầu như mối đe dọa vỡ nợ gia tăng mà các nước có thu nhập thấp phải đối mặt.
Hôm Chủ Nhật (16/07), bà Yellen nói với các phóng viên ở Gandhinagar, thủ phủ bang Gujarat, miền tây Ấn Độ, rằng bà đang cố gắng thúc đẩy mối bang giao nồng ấm giữa Hoa Kỳ và Ấn Độ. Bà cũng có kế hoạch dừng chân tại Hà Nội, Việt Nam, để bàn về độ tin cậy của chuỗi cung ứng, quá trình chuyển đổi năng lượng sạch, và các vấn đề khác về khả năng phục hồi kinh tế.
Bà Yellen cho biết mục tiêu của bà trong thời gian ở Ấn Độ là thúc đẩy tái cơ cấu nợ ở các nước đang phát triển gặp khó khăn về kinh tế, thúc đẩy hiện đại hóa các ngân hàng phát triển toàn cầu để làm cho họ tập trung hơn vào khí hậu và làm sâu sắc thêm mối bang giao Hoa Kỳ-Ấn Độ ngày càng phát triển.
Việc bà Yellen thường xuyên ghé thăm nước này báo hiệu tầm quan trọng của mối quan hệ đó vào thời điểm căng thẳng với Trung Quốc.
Mối bang giao lâu dài của Ấn Độ với Nga cũng trở nên lu mờ khi cuộc xâm lược Ukraine của Điện Kremlin vẫn tiếp tục bất chấp những nỗ lực của Hoa Kỳ và các nước đồng minh nhằm trừng phạt và đe dọa Nga về mặt kinh tế. Ấn Độ đã không tham gia vào các nỗ lực trừng phạt Nga mà vẫn duy trì thương mại năng lượng với quốc gia đó bất chấp việc nhóm các quốc gia G7 đã thống nhất về mức giá cao nhất đối với dầu mỏ của Nga, vốn đã chứng kiến một số thành công trong việc làm chậm lại nền kinh tế của Nga.
Bà Yellen nói việc chấm dứt chiến tranh ở Ukraine “trước hết và trên hết là một nhu cầu đạo đức. Nhưng đó cũng là điều tốt nhất duy nhất chúng ta có thể làm cho nền kinh tế toàn cầu.”
Bà nói thêm rằng Hoa Kỳ sẽ tiếp tục cắt đứt quyền tiếp cận của Nga đối với các thiết bị và công nghệ quân sự mà nước này cần để tiến hành chiến tranh chống lại Ukraine.
“Một trong những mục tiêu cốt lõi của chúng ta trong năm nay là chống lại những nỗ lực của Nga nhằm trốn tránh các lệnh trừng phạt của chúng ta. Liên minh của chúng ta đang xây dựng dựa trên những hành động mà chúng tôi đã thực hiện trong những tháng gần đây để trấn áp những nỗ lực này,” bà Yellen cho biết.
Hoa Kỳ ngày càng phụ thuộc vào Ấn Độ và tìm cách lấy lòng các nhà lãnh đạo của nước này.
Bà cho biết Hoa Kỳ coi Ấn Độ là một đối tác không thể thiếu trong chiến lược kết giao thương mại để tăng cường khả năng phục hồi của các chuỗi cung ứng.
Bà nói thêm rằng các công ty tư nhân của Hoa Kỳ coi Ấn Độ là một nơi tuyệt vời để sản xuất hàng hóa và xuất cảng sang Hoa Kỳ.
Bà cũng lưu ý rằng tăng trưởng chậm lại ở Trung Quốc đã ảnh hưởng đến tăng trưởng ở nhiều quốc gia khác.
Bà Yellen nói, “Đó là điều mà tôi đã thảo luận với những người đồng cấp Trung Quốc của mình. Tôi nghĩ người Trung Quốc mong muốn truyền đạt rằng môi trường kinh doanh của họ cởi mở. Chắc chắn có mong muốn thấy được đầu tư ngoại quốc.”
Hồi tháng Sáu, Tổng thống Joe Biden đã tổ chức tiếp đón cấp quốc gia tại Tòa Bạch Ốc để vinh danh Thủ tướng Ấn Độ Narendra Modi, chủ định để làm nổi bật và thúc đẩy mối bang giao. Hai nhà lãnh đạo này tuyên bố mối bang giao Hoa Kỳ-Ấn Độ chưa bao giờ mạnh mẽ hơn và đưa ra các thỏa thuận kinh doanh mới giữa đôi bên.
Ông Raymond Vickery Jr., một chuyên gia chính sách về bang giao Hoa Kỳ-Ấn Độ tại Trung tâm Nghiên cứu Chiến lược và Quốc tế, cho biết việc bà Yellen sẽ đến Ấn Độ ngay sau khi thăm Trung Quốc có ý nghĩa ở chỗ các quan chức Ấn Độ “sẽ muốn biết chi tiết những gì đã diễn ra trong các cuộc họp với những đồng cấp Trung Quốc của bà và xem liệu có chỗ nào phù hợp với quan điểm của họ về bang giao kinh tế với Trung Quốc hay không.”
“Họ sẽ muốn biết liệu Hoa Kỳ có thực sự nghiêm túc về việc chuyển một số hoạt động tìm nguồn cung ứng từ Trung Quốc sang Ấn Độ hay không.”
Năm ngoái, Sri Lanka và Ghana đã vỡ nợ quốc tế, gần hai năm sau khi Zambia vỡ nợ. Và hơn một nửa số quốc gia có thu nhập thấp phải đối mặt với tình trạng khó khăn về nợ nần, vốn làm tổn hại đến khả năng hoạt động và phát triển lâu dài của họ.
Tháng trước, bên lề một hội nghị thượng đỉnh tài chính toàn cầu tại Paris, Zambia và các chủ nợ là chính phủ, trong đó có Trung Quốc, đã đạt được một thỏa thuận tái cấu trúc khoản vay 6.3 tỷ USD.
Thỏa thuận đó bao gồm các khoản vay từ các quốc gia như Pháp, Vương quốc Anh, Nam Phi, Israel, và Ấn Độ cũng như Trung Quốc — chủ nợ lớn nhất của Zambia với tổng số nợ là 4.1 tỷ USD. Thỏa thuận đó có thể cung cấp một lộ trình về cách mà Trung Quốc sẽ giải quyết các thỏa thuận tái cơ cấu với những quốc gia đang gặp khó khăn về nợ nần.
Chuyến đi của bà Yellen diễn ra ngay sau khi bà có một tuần ở Trung Quốc, gặp gỡ bộ tài chính quốc gia này và thảo luận về các hạn chế thương mại đôi bên cùng các mối lo ngại về an ninh quốc gia.
Ông Harold W. Furchtgott-Roth, một thành viên cao cấp tại Viện Hudson, cho biết chuyến đi của bà Yellen tới Ấn Độ “là sự phản ánh của một liên minh đang phát triển tự nhiên.”
“Ấn Độ có rất nhiều căng thẳng với Trung Quốc — họ có những tranh chấp biên giới liên tục,” ông nói. “Và Ấn Độ muốn phát triển và đã phát triển thành một loại cường quốc hải quân ở Ấn Độ Dương, vốn cũng là một khu vực mà Trung Quốc muốn phát triển.”
Bản tin do do Ajit Solanki và Fatima Hussein của The Associated Press thực hiện
Cẩm An biên dịch