Điện Kremlin tuyên bố Nga rút khỏi thỏa thuận xuất khẩu ngũ cốc Biển Đen
Hôm nay 17/7, phát ngôn viên Điện Kremlin Dmitry Peskov tuyên bố thỏa thuận ngũ cốc Biển Đen kết thúc và không gia hạn. Thỏa thuận này do Liên Hợp Quốc và Thổ Nhĩ Kỳ đứng ra làm trung gian từ hồi tháng 7 năm ngoái, cho phép Ukraine thông qua đường biển để vận chuyển nông sản xuất khẩu, chủ yếu sang các nước Châu Phi. Lý do không gia hạn thỏa thuận này là điều mà phía Nga đã phàn nàn nhiều lần, đó là phe Âu Mỹ và Ukraine không thực hiện đủ trách nhiệm của mình. Ông Peskov cũng nói rằng nếu phe Âu Mỹ thực hiện đúng trách nhiệm của mình, thỏa thuận ngũ cốc sẽ được nối lại.
“Thực tế, các thỏa thuận Biển Đen đã không còn hiệu lực từ hôm nay,” ông Dmitry Peskov tuyên bố hôm 17/7. “Thật không may, một phần của các thỏa thuận Biển Đen đáp ứng cho Nga vẫn chưa được thực hiện cho đến nay, vì vậy hiệu lực của nó đã bị chấm dứt. Ngay sau khi phần đáp ứng cho Nga trong các thỏa thuận được hoàn thành, thì phía Nga sẽ ngay lập tức quay trở lại thực hiện thỏa thuận này.”
Thỏa thuận ngũ cốc kể từ tháng 7/2022 cho đến nay đã được gia hạn nhiều lần. Nó chủ yếu đảm bảo một hành lang an toàn trên Biển Đen trong giai đoạn chiến tranh cho các tàu chở ngũ cốc của Ukraine. Để đổi lại, phe Âu Mỹ không được ngăn chặn việc xuất khẩu ngũ cốc và phân bón của Nga.
Ông Peskov nói rõ rằng quyết định không gia hạn thỏa thuận không liên quan đến cuộc tấn công của chính quyền Kyiv trong đêm hôm qua vào cây cầu Kerch Bridge nối phía Đông bán đảo Crimea với đất liền Nga: “Đây là những sự kiện hoàn toàn không liên quan với nhau. Ngay cả trước khi xảy ra vụ tấn công khủng bố, vấn đề [ngừng thỏa thuận] này đã được Tổng thống Nga Vladimir Putin nói đến rồi.”
Nhật Tân (theo The Guardian)
Cảnh sát Trung Quốc đánh bất tỉnh người cha suốt 21 năm tìm con mất tích
Theo video được người Hoa đăng tải bên ngoài Trung Quốc, chiều ngày 12/7, ông Trần Dục Tín (Chen Yuxin – 65 tuổi, ngụ tại tỉnh Vân Nam, Trung Quốc) bị quản lý đô thị xua đuổi và bị cảnh sát đánh đến bất tỉnh, khi hai vợ chồng ông đang trên đường tìm kiếm đứa con trai bị bắt cóc từ 21 năm trước. Trong video còn nghe thấy tiếng khóc xé lòng của vợ ông Trần.
Theo tin ngày 15/7 từ Quan sát Dân sinh (msguancha, CRLW) – một tổ chức nhân quyền của người Hoa, gần đây ông cựu chiến binh Trần Dục Tín cùng gia đình đang tìm kiếm đứa con trai bị bắt cóc trên đường phố Phúc Châu – Phúc Kiến khiến nhiều người qua đường theo dõi ghi hình, dẫn đến việc hai vợ chồng ông bị quản lý đô thị xua đuổi và sau đó bị cảnh sát hành hung. Ông Trần Dục Tín và vợ đã tìm kiếm con trai trên khắp Trung Quốc trong nhiều năm, họ đã nhiều lần tìm kiếm sự giúp đỡ từ các bộ phận liên quan nhưng không có kết quả.
Vào chiều ngày 12/7, khi Trần Dục Tín và vợ đang tìm kiếm con trên đường phố Phúc Châu, đầu tiên họ bị một người đàn ông lạ mặt cản trở, sau đó bị ban quản lý đô thị địa phương yêu cầu rời đi với lý do gây mất mỹ quan đô thị, động thái này khiến ông và nhiều người xung quanh bất bình, sau đó nảy sinh xung đột. Khi cảnh sát đến hiện trường cũng yêu cầu ông Trần Dục Tín ngừng tìm kiếm con, sau đó ông và gia đình đã nổ ra xung đột gay gắt với cảnh sát, kết quả ông đã bị nhiều cảnh sát bao vây đánh đập.
Khi vợ của ông Trần tới xem tình hình thì thấy chồng đã bất tỉnh nằm trên nền đất, bà khóc và gào lên: “Cảnh sát đánh người”, “Cảnh sát đánh chết chồng tôi”, “Đây là cách cảnh sát đối xử với một cựu chiến binh từng ra trận…”.
Con trai của ông Trần Dục Tín là Trần Soái (Chen Shuai) sinh năm 1996 bị bắt cóc tại Côn Minh – Vân Nam vào ngày 26/3/2001 khi đang chơi với trẻ con hàng xóm. Khi đó Trần Soái chỉ mới 5 tuổi 26 ngày, tính đến nay đã 26 tuổi.
Ông Trần Dục Tín từng nói trên TikTok: “Tôi đã tìm kiếm con trai mình 21 năm mà không bao giờ ngừng lại, con trai hãy trở về. Con không phải là gánh nặng của cha và cha của con sẽ không phải là gánh nặng của con… Tôi không biết khi nào mình sẽ dừng tìm con, có lẽ khi còn hơi thở….tôi không có tư cách gì từ bỏ….”.
Ông nói: “Nhiệt độ cao 39 độ của Phúc Châu không khiến bất kỳ ai trong chúng tôi phải từ bỏ. Đối với chúng tôi, nếu không tìm thấy con mình thì đó cũng chỉ là mùa đông…”.
Về vấn đề này, một số cư dân mạng nhắc nhở:
“Mau thức tỉnh đi! Những người dân u mê! Đừng có đợi cho đến khi bị đau mới tỉnh.”
“Các cựu chiến binh thấy chưa, có còn muốn làm công cụ cho Đảng Cộng sản Trung Quốc (ĐCSTQ) không? Hôm trước bạn còn là công cụ bảo vệ ổn định cho họ, ngày mai bạn sẽ là mục tiêu để họ trấn áp bảo vệ ổn định!”
“ĐCSTQ là một nhóm tội phạm chống nhân loại, không thể có công lý dưới cai trị áp bức của nhà cầm quyền như vậy, con cái bạn rõ ràng đã là đối tượng mổ cướp nội tạng của ĐCSTQ cho nên chúng không cho phép bạn tìm kiếm, vì người con đó của bạn đã chết! Nếu bạn tiếp tục tìm kiếm hoặc phát hiện về tội ác của ĐCSTQ rồi thông báo cho công chúng, toàn bộ thế giới sẽ lên án ĐCSTQ! Nếu những tên khốn của ĐCSTQ không bị loại bỏ, thảm họa sẽ không dừng lại!”…
Lý Mộc Tử, Vision Times
Vương Nghị: Tranh chấp biên giới Trung – Ấn không nên ảnh hưởng đến quan hệ tổng thể
Nhà ngoại giao hàng đầu của Trung Quốc Vương Nghị đã kêu gọi Ấn Độ nới lỏng các hạn chế của nước này đối với đầu tư của Trung Quốc, đồng thời nói thêm rằng các vấn đề như xung đột biên giới đang diễn ra “không nên ảnh hưởng đến quan hệ tổng thể” giữa hai nước.
Ông Vương đã đưa ra lời kêu gọi trên tại một cuộc họp với Ngoại Trưởng Ấn Độ Subrahmanyam Jaishankar bên lề một hội nghị các ngoại trưởng trong khu vực ở thủ đô Jakarta của Indonesia. Đồng thời ông cũng đề nghị, New Delhi nên tập trung vào “lợi ích chung” và thỏa hiệp với Trung Quốc để làm dịu các căng thẳng ở biên giới.
Bất chấp những kỳ vọng vào việc Thủ tướng Ấn Độ Narendra Modi và Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình sẽ gặp mặt trực tiếp tại thành phố Johannesburg của Nam Phi vào tháng tới và tại New Delhi vào tháng 9, hai cường quốc hạt nhân này vẫn đang trong tình trạng đối đầu quân sự kể từ khi xảy ra cuộc đụng độ chết người tại biên giới của họ trên dãy Himalaya vào tháng 6/2020.
Mặc dù hai bên đã tổ chức hàng chục cuộc đàm phán quân sự trong ba năm qua và nhiều cuộc trao đổi cấp cao trong năm nay, nhưng có rất ít dấu hiệu cho thấy một trong hai bên sẵn sàng nhượng bộ trong vấn đề tranh chấp lãnh thổ căng thẳng này.
Mối quan hệ giữa hai nước càng thêm căng thẳng khi Thủ tướng Modi cam kết tăng cường quan hệ quân sự với Washington trong chuyến thăm Nhà Trắng vào tháng trước.
Theo Bộ Ngoại giao Trung Quốc, Ngoại trưởng Trung Quốc Tần Cương, người đã không xuất hiện trước công chúng kể từ ngày 25/6, đã không tham dự các cuộc họp của Hiệp hội các quốc gia Đông Nam Á ở Indonesia vì “lý do sức khỏe”. Ông Vương, người tiền nhiệm của Ngoại trưởng Tần và hiện là trợ lý chính sách ngoại giao hàng đầu của ông Tập, đã thay thế Ngoại trưởng Tần tham dự.
Theo một thông báo của Bộ Ngoại giao Trung Quốc, cuộc họp mới nhất hôm 14/7 được tổ chức theo yêu cầu của phía Ấn Độ.
Ông Vương nhấn mạnh: “Là hai quốc gia đang phát triển hàng đầu của thế giới và là các láng giềng vĩnh cửu, lợi ích chung giữa Trung Quốc và Ấn Độ rõ ràng vượt xa sự bất đồng của họ, và việc đạt được sự phát triển và thịnh vượng chung [giữa hai quốc gia] có ý nghĩa mẫu mực cho toàn cầu.”
Theo ông Vương, hai nước nên “hỗ trợ và làm thỏa ước nguyện lẫn nhau” thay vì “không tin tưởng lẫn nhau”.
Ông tiếp tục: “Chúng ta nên tập trung năng lượng và nguồn lực của mình vào sự phát triển tương ứng, cải thiện sinh kế của người dân và tăng cường sức sống mới, mà không để các vấn đề cụ thể ảnh hưởng đến mối quan hệ tổng thể.”
Trong khi Ấn Độ khẳng định việc hai nước rút quân khỏi biên giới phải được hoàn thành trước khi mối quan hệ giữa hai bên có thể trở lại bình thường, Bắc Kinh lại cho rằng cả hai bên nên nhìn xa hơn vấn đề tranh chấp đang diễn ra.
Ông Vương đề xuất, Ấn Độ nên “thỏa hiệp với Trung Quốc và tìm ra một giải pháp cho vấn đề biên giới mà cả hai bên đều có thể chấp nhận.”
Thông báo cũng cho biết, cả hai bên đã đồng ý tổ chức vòng đàm phán cấp chỉ huy quân sự tiếp theo về vấn đề biên giới càng sớm càng tốt.
Ông Vương cũng bày tỏ, Bắc Kinh “đặc biệt lo ngại” về việc Ấn Độ hạn chế các công ty Trung Quốc và “hy vọng rằng phía Ấn Độ sẽ cung cấp một môi trường kinh doanh công bằng, minh bạch và không biệt đối xử đối với các doanh nghiệp Trung Quốc.”
Theo Reuters, kể từ sau cuộc đụng độ biên giới chết người vào năm 2020, Ấn Độ đã tăng cường giám sát các khoản đầu tư của Trung Quốc và ban hành lệnh cấm sâu rộng đối với hơn 300 ứng dụng của Trung Quốc, bao gồm cả TikTok. Gần đây, chính phủ Ấn Độ đã yêu cầu các công ty điện thoại di động Trung Quốc đưa các đối tác cổ phần Ấn Độ vào và bổ nhiệm các giám đốc điều hành người Ấn Độ vào các vị trí chủ chốt.
Trong một bài đăng trên Twitter sau cuộc họp, Ngoại Trưởng Jaishankar cho biết, ông và ông Vương đã thảo luận về “các vấn đề nổi cộm liên quan đến hòa bình và sự bình yên ở các khu vực biên giới”.
Bài đăng trên Twitter của ngoại trưởng Ấn Độ còn cho biết, cuộc trò chuyện của họ cũng đề cập đến chương trình nghị sự của Hội nghị thượng đỉnh Đông Á hoặc Diễn đàn Khu vực ASEAN, “BRICS [Brazil, Nga, Ấn Độ, Trung Quốc và Nam Phi] và khu vực Ấn Độ Dương – Thái Bình Dương”.
Theo Bộ Ngoại giao Trung Quốc, Ngoại trưởng Jaishankar lưu ý ông Vương rằng “Việc bình thường hóa quan hệ Ấn – Trung là vì lợi ích chung của cả hai bên.”
Ngoại trưởng Ấn Độ nhấn mạnh: “Phía Ấn Độ sẵn sàng giải quyết thỏa đáng sự bất đồng giữa hai bên với một tinh thần cởi mở, thúc đẩy mối quan hệ Ấn – Trung trở lại quỹ đạo càng sớm càng tố, đồng thời tạo điều kiện thuận lợi cho các cuộc trao đổi cấp cao trong giai đoạn tiếp theo.”
Cuộc họp ngoại trưởng của 18 quốc gia khu vực Ấn Độ Dương – Thái Bình Dương ở thủ đô Jakarta của Indonesia phần lớn bị chi phối bởi cuộc cạnh tranh Mỹ – Trung ngày càng gay gắt , cuộc chiến ở Ukraine và các hành động khiêu khích bằng cách phóng tên lửa lặp đi lặp lại của Triều Tiên.
Trung Quốc và Ấn Độ đều có mối quan hệ chặt chẽ với Nga và đã từ chối chỉ trích cuộc xâm lược của Nga, nhưng điều đó có rất ít ảnh hưởng đến mối quan hệ căng thẳng của chính họ.
Ấn Độ sẽ tổ chức hội nghị thượng đỉnh G20 năm nay vào tháng 9, một sự kiện có thể mang đến cơ hội cho New Delhi cải thiện quan hệ với Trung Quốc. Tuy nhiên, Ấn Độ ngày càng lên tiếng chỉ trích Bắc Kinh trong những tuần gần đây.
Trong bài phát biểu trước Quốc hội Hoa Kỳ vào tháng trước, Thủ tướng Modi đã đề cập đến “những đám mây đen của sự ép buộc” và “những gánh nặng nần không thể trả” như một sự chỉ trích ngầm nhắm vào các biện pháp cưỡng chế kinh tế của Trung Quốc bị nhiều người chỉ trích và ngoại giao “bẫy nợ” bị cáo buộc của Bắc Kinh.
Trong chuyến công du đến châu Phi vào đầu tháng này, Ngoại trưởng Jaishankar cũng khẳng định rằng Ấn Độ không phải là “một nền kinh tế khai thác” theo đuổi “các mục tiêu kinh tế rất hạn hẹp” ở châu Phi, một ám chỉ rõ ràng về những nỗ lực của Trung Quốc trong việc mở rộng sự hiện quân sự và kinh tế của mình tại lục địa đen.
Gia Huy (Theo SCMP)
Chính quyền Trung Quốc lên án việc Phó Tổng thống Đài Loan quá cảnh tại Hoa Kỳ
Ngày 17/7, chính quyền Trung Quốc đã phản ứng giận dữ trước thông tin Phó Tổng thống Đài Loan Lại Thanh Đức sẽ quá cảnh tại Hoa Kỳ vào tháng tới.
Theo truyền thống, các tổng thống và phó tổng thống Đài Loan sẽ quá cảnh Hoa Kỳ trong các chuyến đi tới một số quốc gia có quan hệ ngoại giao chính thức với hòn đảo. Tháng tới, ông Lại sẽ tham dự lễ tuyên thệ nhậm chức của tân tổng thống của Paraguay, ông Santiago Pena.
Tuy nhiên, chuyến đi Hoa Kỳ này thu hút sự chú ý hơn vì ông Lại Thanh Đức đang tranh cử tổng thống Đài Loan. Theo trang tin Reuters, các ứng cử viên tổng thống Đài Loan thường đến Hoa Kỳ trước cuộc bỏ phiếu để thảo luận với các quan chức ở đó. Ông Lại hiện đang dẫn đầu trong hầu hết các cuộc thăm dò dư luận.
Những chuyến quá cảnh như vậy khiến chính quyền Trung Quốc tức giận. Bắc Kinh coi đó là sự hỗ trợ bí mật của Hoa Kỳ cho sự ly khai của Đài Loan khỏi Trung Quốc.
Phát biểu tại Bắc Kinh, phát ngôn viên Bộ Ngoại giao Trung Quốc Mao Ninh cho biết, chính phủ đã gửi khiếu nại ngoại giao với Hoa Kỳ về chuyến đi của ông Lại Thanh Đức.
Bà Mao Ninh tuyên bố rằng, “Trung Quốc sẽ chú ý đến sự phát triển của tình hình, và thực hiện các biện pháp kiên quyết, mạnh mẽ để bảo vệ chủ quyền quốc gia và toàn vẹn lãnh thổ”.
Văn phòng tổng thống Đài Loan cho biết, ông Lại Thanh Đức sẽ đến Paraguay vào ngày 14 tháng 8, một ngày trước khi ông Pena tuyên thệ nhậm chức tổng thống tiếp theo của đất nước.
Phát biểu với các phóng viên, Thứ trưởng Ngoại giao Đài Loan Du Đài Lôi (Alexander Yui) từ chối cung cấp thông tin chi tiết về việc quá cảnh tại Hoa Kỳ của ông Lại Thanh Đức.
Khi được hỏi liệu chính phủ Đài Loan có lo lắng về phản ứng của Trung Quốc đối với chuyến đi của ông Lại hay không, ông Du nói rằng, việc quá cảnh như vậy đã là “thông lệ”. Thứ trưởng Ngoại giao Đài Loan nói thêm rằng, không có lý do nào để việc quá cảnh tạo ra chấn động trong khu vực.
Liên Thành